GNO - Chiều 2-1, hơn 80 đại biểu Phật giáo Việt Nam gồm chư tôn đức Ni và nữ Phật tử các tỉnh thành trong cả nước đã quy tụ về sân bay Tân Sơn Nhất, chính thức
Chư Ni PGVN đã đến Ấn Độ |
khởi hành đến Ấn Độ tham dự Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 13.
Hội nghị Ni giới thế giới được tổ chức định kỳ hai năm một lần tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có sự hiện diện của cộng đồng Phật giáo nhằm nâng cao vị thế và những đóng góp thiết thực của nữ giới Phật giáo đối với xã hội hiện đại.
Kể từ khi thành lập và tổ chức lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1987 tại Bồ đề Đạo tràng - Bodhimanda, Ấn Độ, Hội nghị lần thứ 13 này lại vinh dự được tổ chức trên quê hương của Đức Phật, của đạo Phật.
Với mong muốn kết nối và phát huy khả năng của Ni giới Phật giáo Việt Nam trong vai trò tu tập, giác ngộ cũng như các hoạt động tôn giáo nhập thế toàn cầu, chiều tối 2 tháng 1 năm 2013, hơn 80 đại biểu Phật giáo Việt Nam gồm chư tôn đức Ni và nữ Phật tử các tỉnh thành trong cả nước đã quy tụ về sân bay Tân Sơn Nhất, chính thức khởi hành đến Ấn Độ tham dự Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 13.
Để chuyến đi được tốt đẹp và mang nhiều ý nghĩa quan trọng, vào 9 giờ sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu Ni giới và Nữ Phật tử Việt Nam có buổi họp đoàn tại chùa Phước Hải, TP.Hồ Chí Minh dưới sự chủ tọa của Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện.
Trong buổi họp, Ban Tổ chức đã phổ biến nội quy đoàn bao gồm các nguyên tắc ứng xử trước quốc tế, bầu nhân sự cho các vị trí phó đoàn, thư ký đoàn, thủ quỹ và phụ trách báo chí...
Trong cuộc họp này, các đại biểu thành viên trong đoàn sẽ quyên góp ủy lạo người dân nghèo Ấn Độ.
Được tổ chức từ ngày 5 đến 12 tháng 1- 2013 tại thành phố Vaishali, Ấn Độ, Hội nghị Sakyadhita lần thứ 13 mang chủ đề “Phật pháp trong đời thường” với hơn 50 bài tham luận cùng nhiều cuộc thảo luận nhóm xoay quanh các đề tài: Nữ giới Phật giáo Ấn Độ; Nữ giới Phật giáo thế giới, Trau dồi niềm tự tin: lòng tự trọng, tự tôn và vô ngã; Có chăng một nền giáo pháp đậm chất nữ tính? Giọng nói, hình tướng và cách biểu đạt; Cuộc sống của một cư sĩ Phật giáo: Vai trò của tôi là những gì?; Phật giáo trong đời thường: Ghi lại những câu chuyện về phụ nữ; Cuộc cách mạng Tỳ-kheo-ni: Tương lai của phong trào Tỳ-kheo-ni xuyên quốc gia; Phật giáo và hoạt động xã hội; Tịch lặng trong một thế giới ồn náo; Phụ nữ và Phật giáo: Chiêm nghiệm cẩn trọng; Phụ nữ làm Phật giáo đổi thay.
Đoàn đại biểu Nữ giới Phật giáo Việt Nam do Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm trưởng đoàn.
Chia sẻ với báo giới trước ngày khởi hành, Ni trưởng Tịnh Nguyện nói: “Trong khuôn khổ hội nghị sắp tới, chúng tôi sẽ cùng Ni giới và nữ Phật tử đến từ nhiều bối cảnh tôn giáo và văn hóa trên khắp thế giới lắng nghe, học hỏi và chia sẻ trong tinh thần hòa hợp để có thể đối diện trực tiếp với những thời cơ và thử thách trước mắt và tìm ra những giải pháp cụ thể cho những vấn đề quan trọng của Nữ giới Phật giáo trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng”.
Được biết, trong thư mời tham dự gởi Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư, Ni sư Karma Lekshe Tsomo, Tiến sĩ Thần học, Chủ tịch sáng lập Hội Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita chia sẻ: “Hội nghị lần này sẽ được tổ chức tại Tỳ Xá Ly, nơi hoàng hậu Mahaprajapati Gautami được chính Đức Phật truyền giới và trở thành vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.
Chính nhờ lòng quả cảm và tầm nhìn của vị Trưởng lão Ni lỗi lạc này mà Đức Phật công nhận nữ giới là những thành viên chính thức có đầy đủ khả năng tu tập, giác ngộ như phía nam giới trong Tăng đoàn của mình. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử khách quan cùng chủ quan Ni sư Đại Ái Đạo - vị Trưởng lão Ni tiên phong của Ni giới Phật giáo Ấn Độ đã gần như chìm vào quên lãng không chỉ ở Ấn Độ mà ở nhiều quốc gia Phật giáo trên thế giới.
Chính vì thế, Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 13 này sẽ kỷ niệm sự kiện hoàng hậu Mahaprajapati thọ giới và tôn vinh những đóng góp thiết thực “trong đời thường” của nữ giới Phật giáo trong công cuộc độ sanh từ thời kỳ đầu Phật giáo tới nay.
Chúng tôi hy vọng chư tôn đức Ni và nữ Phật tử Việt Nam sẽ cùng gặp gỡ và sẻ chia kinh nghiệm quý báu của mình với những người pháp lữ khắp năm châu tại Hội nghị và hy vọng sẽ được đón chào quý vị tại địa điểm lịch sử này”.
Hội nghị Sakyadhita (Những người con gái của Đức Phật) hay còn gọi là Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới, quy tụ chư Ni, nữ cư sĩ Phật giáo và các nhà học giả từ nhiều lãnh vực tôn giáo, văn hóa, lịch sử trên thế giới được tổ chức hai năm một lần. Hội nghị nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ 1 tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ vào năm 1987. Từ đó đến nay đã trải qua 10 lần tổ chức tại các nước và vùng lãnh thổ khác nhau: Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Campuchia, Nepal, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Mông Cổ… Những thành viên tham gia vào tổ chức Sakyadhita đến từ nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau và từ những tôn giáo bạn, cùng nhau gặp gỡ trao đổi thực nghiệm tu tập, trao đổi, nâng cao kiến thức, giúp đỡ lẫn nhau nhằm mang lại lợi lạc cho đời sống tu tập, hành trì, nỗ lực mang lại những giá trị thiết thực từ sự bình đẳng, hạnh phúc cho số đông phụ nữ Phật giáo và tạo điều kiện cho nữ giới Phật giáo phát triển khả năng của mình để đóng góp, phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội. Đồng thời, Sakyadhita kết nối các học giả Phật giáo, để mọi người được nghe tiếng nói nữ giới Phật giáo, giúp cho những câu chuyện về nữ giới Phật giáo được lan xa, khuyến khích những công trình nghiên cứu của nữ giới Phật giáo và đảm bảo những công trình nghiên cứu này được đánh giá đúng với giá trị của nó cũng như được lưu lại trong các thư viện đại học lớn và các tu viện trên toàn thế giới. Sakyadhita cam kết sẽ truyền hứng khởi, giáo dục và hướng dẫn những nguyên tắc Phật giáo về trí tuệ, chánh niệm, từ ái, bi mẫn, đặc biệt đối với những phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn. |