GNO - Doanh nhân là một nghề, cũng như bao nghề khác, nhưng doanh nhân thành đạt sẽ sở hữu một khối lượng lớn tài sản. Người xưa rút ra: phi thương bất phú! Nhưng làm giàu bằng sản xuất, kinh doanh, cung ứng các dịch vụ như thế nào để vừa giàu (của cải) và vẫn tăng trưởng tâm lành (giàu có lòng từ) là điều cần suy nghĩ.
Có những người giàu rất nhanh nhưng hư hỏng tâm do chọn sản phẩm đầu tư, cung ứng một cách bất chấp sức khỏe người dùng, tìm cách gạt người và bào sức nhân viên... Giàu đó càng lớn thì khi đọa càng sâu.
Thời nay, ít bữa lại thấy có doanh nghiệp làm ăn bất chính, hoặc như đã nói, đem sản phẩm không tốt cung ứng ra thị trường, hoặc xả thải ra môi trường theo kiểu sống chết mặc bây...
Làm giàu mà tổn sinh mạng, sức khỏe người, vật và môi trường thì... thua - dễ mau hết giàu - vì không bền vững!
Quy luật nhân-duyên-quả biểu hiện rất rõ, nếu có quan sát, những doanh nhân chủ trương giàu bất chấp thường sẽ khó tồn tại lâu dài, nếu có cũng không để lại tiếng thơm, bị lịch sử phê phán.
Ngày nay doanh nhân biết đến Phật pháp, ứng dụng Phật pháp (giáo lý nhân quả, lấy thiền làm phương pháp nhiếp hoá tự thân, nhân viên...) rất nhiều. Google, Apple... từ lâu đã cho kỹ sư thiền tập, để có chánh niệm trong khi làm việc, từ đó cống hiến tốt hơn cho cộng đồng.
Trong kinh điển, thời Đức Phật, nhiều trưởng giả (giới doanh nhân, nhà giàu) cũng tìm đến Phật quy y, cúng dường, hộ pháp và được Phật giáo hoá, trở thành cư sĩ lừng danh...
Các việc Phật sự nếu được sự chung tay yểm trợ của giới doanh nhân thì thành tựu dễ hơn. Tất nhiên, nếu tiền cúng đó được chắt chiu bằng ngành nghề có lợi nhơn sinh, không tổn nhân tâm, làm hại môi trường... thì mới thật lợi ích. Còn chùa to Phật lớn được xây từ sự cúng dường của doanh nghiệp không chân chính thì... Phật, Bồ-tát nào ngự ở đó?
Do vậy, nếu là doanh nhân hiểu Phật thì sẽ kiếm tiền sạch, và sử dụng tiền cũng sạch, công đức tăng trưởng, mai hậu giàu thêm, tiếng thơm tự đến.
Những người giàu và có khả năng làm giàu chân chính như những doanh nhân, doanh nghiệp thiện lành, thời nào cũng có và được ví là người ở cõi trời xuống, phước vẫn còn lớn rộng, lại biết tu, sống đạo thì không gì bằng nữa. Ví dụ như tỷ phú Lý Gia Thành (Hồng Kông), ông nổi tiếng không chỉ vì sở hữu khối tài sản trên 33 tỷ USD mà còn bởi đã dành phần lớn tài sản làm từ thiện, xây dựng bảo tàng Phật giáo, không nghỉ hưu dù tuổi cao...
Còn sống là còn cống hiến: góp sức xây dựng chính sách tốt, giúp người khác cùng giàu, cứu tế, đầu tư giáo dục,... là những việc trong tầm tay mà doanh nhân có tâm sẽ làm, đang làm và đã làm. Nhắc về họ, lòng ta tự nhiên nghiêng mình kính trọng, cảm ơn vì họ đã giàu có, và vì giàu tâm nên có nhiều tài sản. Đó cũng là nhân quả hiện tiền vậy!
Lưu Đình Long
Xem thêm quan niệm và việc làm ý nghĩa của doanh nhân Phật tử - Tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành trong Điểm tin Giác Ngộ số 24:
Bấm vào để xem