Đi theo ông là 2 phụ nữ, một già một trẻ, dáng vẻ sang trọng, ai cũng có thể đoán là người thân. Rất thành thục và am hiểu nghi lễ, sau khi bày biện đồ cúng tế lên bàn thờ tại các cửa điện, người đàn ông thủng thẳng đi về phía “hậu cung” để xin sớ cầu an. Vị sư chủ trì việc sớ sách cầu an và dâng sao giải hạn tươi cười khi nhận ra người quen. Người đàn ông chăm đi lễ chùa này là một doanh nhân chuyên về lĩnh vực viễn thông công nghệ thông tin.
Ông tiết lộ đây là ngôi chùa thứ 10 ông đặt chân tới kể từ đầu năm. Những nơi khác, ông đến chỉ đơn thuần là thắp hương, công đức và cầu nguyện sức khỏe bình an, công việc thuận lợi. Còn ở chùa Đình Quán (Từ Liêm, Hà Nội), ông đặt lịch hẹn, đúng Mùng 8 Tết hoặc Rằm tháng Giêng, có mặt để dâng sao giải hạn hoặc làm lễ cầu an. “Giống như một nghi thức đầu năm, hoàn tất chuyện cúng lễ mình thấy thanh thản, yên bình”, ông nói.
Tại chùa Đình Quán lúc 14h30 chiều ngày Mùng 8 Tết, hàng trăm tăng ni phật tử đã có mặt tại đây để tham dự buổi lễ cầu an. Họ quỳ trước điện thờ, chắp tay cầu khấn. Đây là buổi lễ cầu an đầu năm mới do nhà sư chủ trì chùa thực hiện cho du khách có nhu cầu. Trong số gần 200 người tham gia lễ cầu an, có rất nhiều người đang đảm nhận vai trò chủ doanh nghiệp, giám đốc công ty. Cũng quỳ lạy và lẩm bẩm khấn vái, các doanh nhân này luôn tỏ vẻ kiên trì trong suốt một giờ đồng hồ.
Anh Hưng, chủ một doanh nghiệp kinh doanh gas ở Hà Nội cho hay đây là năm thứ 3 anh cùng bà xã tham gia lễ cầu an tại chùa. Năm nay, anh Hưng 46 tuổi, sao La Hầu, và nếu xét theo năm Canh Dần thì tuổi anh thuộc diện tứ hành xung. Do vậy, ngoài lễ cầu an, anh Hưng còn đặt lịch dâng sao giải hạn vào ngày Rằm tháng Giêng tới. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, tôi luôn tin rằng có tâm, có lòng, tai ách sẽ qua, gặp dữ hóa lành”, anh Hưng nói.
Theo anh Hưng, đi lễ chùa đầu năm cũng là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng chứ không phải chuyện mê tín dị đoan. Không chỉ khi người ta gặp vận đen mới tìm đến cửa phật, thấy lòng bất an mới tìm đến cậy cô mà ngay cả khi đang bình an nhất cũng nên sắp chút thời gian tới cửa chùa. Anh Hưng cho biết những ngày Rằm hay Mùng một đầu tháng, anh vẫn thường xuyên sắm lễ tới chùa, khi thì Phủ Tây Hồ, lúc chùa Trấn Quốc. “Tới đây thấy bình yên và thanh thản đầu óc lắm”, anh nói.
Giám đốc Công ty Máy tính Bảo An - Phan Đình Sơn cũng cho rằng đi lễ chùa không hẳn vì mê tín mà anh đến đây để giải quyết khâu tinh thần. Khoảng không gian yên tĩnh nơi cửa chùa khiến anh cảm thấy thoải mái và thanh thản. "Khi vào những ngôi chùa nhìn vào những tượng phật ở trong đó mình có những cảm giác cuộc sống của mình như có người đang theo sát những bước đi, tất cả những cái đấy làm cho mình cảm giác hướng thiện”, anh nói.
Anh Sơn đi chùa không chỉ cầu an cho riêng mình mà còn cho người thân và hàng chục nhân viên làm việc trong công ty. Chẳng phải ngày Rằm hay Mùng một, trước khi bắt tay vào công việc lớn, hay một thương vụ làm ăn anh đều phải sắm lễ đến cửa chùa. Anh tâm niệm, dù có tài đến mấy, chăm chỉ đến mấy thì cũng chưa hẳn đảm bảo cho sự thành công. Con người còn cần phải có sự hỗ trợ của “may mắn” thì mới có phúc có lộc. "Các cụ ta vẫn thường nói "nhân tính không bằng trời tính". Cơ hội đến mà trời không giúp coi như chưa đủ độ chín để thành công...", anh nói.
"May mắn là yếu tố cần, ai cũng cần xây dựng một đức tin, nó cũng có thể là một khoa học mà con người chưa khám phá ra mà thôi", Sơn nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, trong ngày qua mùng 8 tháng Giêng, giới doanh nhân tìm đến cửa chùa rất đông. Những địa chỉ quen thuộc mà các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp tìm đến như Phủ Tây Hồ; tứ trấn thủ thành Thăng Long (gồm đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Voi Phục và đền Quán Thánh); chùa Trấn Quốc, Bia Bà và không ít người hành hương về Yên Tử, chùa Bái Đính hay Động Hương Tích. Tham gia các cuộc hành hương này, giống như bao tín đồ khác, các doanh nhân cũng mong một năm hạnh thông, an bình, vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc...