Độc bản kinh Vu lan - Báo hiếu

GN - Với lối viết chân phương, giản dị như chính con người của mình, nhà thư pháp Võ Dương - pháp danh Thiên Thịnh, bằng tâm thành kính đã làm nên một tác phẩm để đời: thực hiện cuốn thư pháp kinh Vu lan - Báo hiếu bằng chữ Việt lớn nhất hiện nay. Anh hiện đang hướng dẫn lớp thư pháp miễn phí tại chùa Thiên Chánh, Q.Tân Phú. Trao đổi với anh, chúng tôi được biết nhiều điều “kỳ diệu” xung quanh việc thực hiện tác phẩm độc đáo này.>>Độc đáo bản kinh Vu lan ở chùa Thiên Chánh
KVL (1).jpg
Kinh Vu lan - Báo hiếu viết bằng thư pháp chữ Việt trong ngày ra mắt

Chuẩn bị là khâu quan trọng

“Khâu chuẩn bị quan trọng lắm”, anh chia sẻ, “quan trọng nhất trong tất cả các khâu để cho ra đời cuốn kinh Vu lan - Báo hiếu lớn như thế”.

Quyển kinh Vu lan - Báo hiếu viết bằng thư pháp chữ Việt nặng 500kg, chiều dài 2.3m, chiều rộng 1.4m, chiều cao 37cm. Sau gần 2 năm thực hiện (2013-2014), tác phẩm đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao quyết định xác lập kỷ lục kinh Vu lan - Báo hiếu viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất Việt Nam vào ngày 3-8-2014 tại chùa Thiên Chánh, Q.Tân Phú.

Quyển kinh với 88 trang được xen kẽ 5 tác phẩm gỗ. Cố vấn nội dung: ĐĐ.Thích Quảng Tiến; thực hiện và viết thư pháp: thư pháp gia Võ Dương; bìa gỗ và chạm trổ do điêu khắc gia Trần Quốc Âu đảm nhiệm.

Anh cho biết, đầu tiên là chọn giấy, loại giấy anh định viết là giấy bo của Đài Loan, giấy dày và tương đối tốt, nhưng kích thước chỉ có A0, ngắn hơn so với chiều dài cuốn kinh, lại được bồi nhiều lớp nên lật tới lật lui dễ bị gãy. Sau đó anh tìm hiểu thêm từ các nhà thư pháp có kinh nghiệm, thấy có giấy xuyến chỉ kích thước và độ dài lớn, hiện nay được nhiều người sử dụng, nhưng nhược điểm của giấy này là rất mỏng, khó dán, dễ bị lem và rách. Muốn sử dụng được cho tác phẩm buộc phải bồi giấy, nhưng kỹ thuật này từ trước tới nay chỉ có người Hoa mới thực hiện được, nếu thuê làm thì giá rất cao. Sau đó anh nghĩ ra cách tiết kiệm chi phí là đi học. Thường ngày anh dạy thư pháp ở chùa, thấy và mến cái tâm nhiệt thành của anh nên cô chú Tuệ Chiếu đã tận tình hướng dẫn bí quyết cho anh, nên chỉ trong thời gian ngắn anh đã có thể bồi giấy được.

Sau công đoạn chuẩn bị giấy là vải; khi dán vải lên lớp giấy sẽ làm cho giấy dễ lật. Anh dự định ép cứng vải theo kiểu côn cổ áo của ngành may, nhưng sau nhiều lần thực hiện vẫn không thành công. Anh lại nghĩ đến cách ép keo, và thử nghiệm ở những nhiệt độ khác nhau, nhọc nhằn cuối cùng rồi cũng có được tấm vải ưng ý. Nhưng để đảm bảo cho tấm vải không bị bung ra ở các đường biên, anh đã cho cuốn biên và may các đường chỉ viền xung quanh. Xong, anh sử dụng keo sữa để dán vải lên giấy. Mực thì dùng mực tàu, pha thêm keo và mực axilit để không bị lem khi dính nước.

Anh cười hoan hỷ: “Những công đoạn thực hiện tác phẩm đều được tôi làm ở chùa. Có lẽ nhờ chư Phật gia hộ, nên khi làm xong cuốn kinh, tôi thấy mọi thứ thật nhiệm mầu. Tác phẩm này nếu thực hiện ở nhà thì khó có thể hoàn thành, vì kích cỡ quyển kinh khá lớn; ở chùa tôi được quý Phật tử và các bạn trong lớp thư pháp hỗ trợ rất nhiều cùng với những lời động viên, chia sẻ. Chỉ riêng công đoạn viết là tôi phải thực hiện một mình”.

Từ tấm lòng và cái tâm

Anh cho biết, trải qua nhiều năm viết thư pháp, anh muốn để lại một chút gì đó như là một dấu ấn trong đời. Bạn bè anh gợi ý, “làm việc ở chùa thì nên viết kinh sẽ hay lắm”. Rồi anh được ĐĐ.Thích Quảng Tiến, trụ trì chùa Thiên Chánh, hoan hỷ hướng dẫn và gợi ý nên viết kinh Vu lan. “Kinh Vu lan - Báo hiếu là bản kinh rất gần gũi với người Phật tử. Vì vậy, chúng tôi muốn bằng cách đặc biệt nào đó để mọi người tìm hiểu đến kinh Vu lan, qua đó nhớ đến ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ; chúng tôi cũng muốn dành tặng đến tất cả mọi người, không riêng gì Phật tử, đều sẽ biết sống đạo đức, hiếu thảo”, ĐĐ.Quảng Tiến, người cố vấn cho Phật tử Thiên Thịnh trong suốt quá trình thực hiện bộ kinh, chia sẻ.

KVL (2).jpg


Thư pháp gia Võ Dương - pháp danh Thiên Thịnh giới thiệu về cuốn thư pháp

Đầu tiên, để lên ý tưởng cho bố cục bản thảo, anh dự định chọn những chữ hay để nhấn lớn và đậm. “Thế nhưng thầy dạy: kinh thì lời nào cũng hay, cũng đồng đẳng, nên không thể nhấn lớn quá được; con cảm thấy chữ nào cần nhấn thì nhấn song đừng quá nổi bật”, Phật tử Thiên Thịnh kể.

Sau những lời chỉ dẫn của thầy, anh nghĩ: “Nếu không chọn chữ để nhấn thì tác phẩm sẽ không nổi bật, do đó chỉ còn cách chia bố cục. Bản kinh được soạn theo thể thơ song thất lục bát, nên mỗi trang anh chỉ lấy hai cụm 4 câu, một trang có 8 câu để tạo những không gian trang trí cho trang kinh, làm sinh động hơn cho tác phẩm”.

Anh cũng đặc biệt chăm chút về màu sắc, nên những nét chạm khắc và họa tiết đã được anh hết sức chú trọng. Quyển kinh nói về công đức sâu dày của mẹ, mà mẹ Việt Nam lại rất giản dị, nên anh chọn bìa nhu và màu cổ cho tác phẩm của mình, trang trí bên trong chủ đạo vẫn là hoa sen. Ngoài bìa gỗ, thì bên trong quyển kinh có 5 phần được điêu khắc bằng gỗ là hình Ngài Mục Kiền Liên, Bóng Mẹ, ngài Mục Kiền Liên với Thanh Đề, Tình mẫu tử và chữ Ân. “Bản gỗ giống như những dấu nhấn, như hình ảnh minh họa làm cho bản thư pháp thêm độc đáo và thu hút”, anh chia sẻ.

Đối với anh, điều quan trọng nhất khi viết “là viết từ cái tâm của mình. Nét chữ đẹp mà không có cái hồn, cái tâm trong đó thì đẹp nhưng chưa thành công. Mà một phần là trong những câu kinh mình viết lên vốn đã là cái đẹp, là đạo đức, là giáo dục rồi, nên khi viết phải hiểu cơ bản nghĩa của từ đó. Và, tôi đã học được rất nhiều điều từ chính bản kinh mà mình viết”, anh cho biết thêm.

Vì thế, đối với anh, “cách sống cũng là cách tu tập và luyện viết”, cho nên ngoài thời gian dạy lớp thư pháp miễn phí tại chùa, anh còn dành thời gian đi công quả, và đi từ thiện cùng các Phật tử.

Bài, ảnh Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày