Đọc Sài Gòn đất và người

GN - Vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho ra mắt quyển sách Sài Gòn đất và người. Sách do Nxb.Tổng Hợp TP.HCM xuất bản, khá dày dặn (244 trang) và là tuyển tập gồm nhiều bài viết về mảnh đất Sài Gòn-Gia Định - nơi tác giả đã gắn bó cuộc đời mình với gần nửa thế kỷ qua.

Van hoa 2.jpg


Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho ra mắt quyển sách Sài Gòn đất và người

Cuốn sách này mang đến cho người đọc nhiều thú vị, thậm chí rất cần thiết cho thế hệ trẻ, về một số địa danh hiện nay của thành phố qua một số bài viết công phu: Những địa danh bị viết sai ở thành phố Hồ Chí Minh, Địa danh Thủ Đức, Đất Thị Nghè xưa, Tên chợ ở thành phố Hồ Chí Minh,… Bằng việc cẩn trọng trong việc tìm tòi và đối chiếu tư liệu, Nguyễn Thanh Lợi đã cho chúng ta hiểu rõ những địa danh này và những câu chuyện lịch sử gắn với nó. Địa danh vốn dĩ chứa đựng nhiều trầm tích lịch sử và văn hóa qua biến thiên của thời gian.

Nguyễn Thanh Lợi đã dày công trong việc nghiên cứu những hình ảnh vốn thân thuộc của người Sài Gòn xưa mà ngày nay có chỗ còn, nơi mất. Đó là những bài viết Làng nghề trên đất Sài Gòn xưa, Những cây da xưa ở Sài Gòn, Đường thiên lý trên đất Gia Định, Cảng Sài Gòn xưa và nay, Cột cờ Thủ Ngữ, Xe thổ mộ, Xe lửa Mỹ Tho,… Đọc những bài viết này không thể không suy nghĩ về vai trò, vị trí của Sài Gòn-Gia Định đối với sự phát triển hàng trăm năm qua của vùng đất Nam Bộ. Ngoài ra, đó còn là những ký ức vô giá và rất cần thiết trong việc lưu giữ và tái hiện lại các giá trị truyền thống của TP.HCM trên bước đường hội nhập hôm nay.

TP.HCM là một thành phố mang đậm dấu ấn văn hóa với bao điều thú vị, nhiều nét riêng và không trùng lắp với nơi khác. Là một người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, Nguyễn Thanh Lợi đã có những bài viết lý thú, sinh động về văn hóa Sài Gòn-TP.HCM và rất đúng sở trường của anh như: Chuyện Cọp ở Sài Gòn, Phố chuyên doanh Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh dưới góc nhìn văn hóa, Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ ở thành phố Hồ Chí Minh, Tục thờ Cá Ông ở Cần Thạnh (Cần Giờ),… Những bài viết này giúp độc giả có nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị về một thành phố văn minh, hiện đại nhưng còn chứa đựng nhiều giá trị truyền thống, góp phần rất lớn trong việc tạo dựng nên một diện mạo văn hóa đô thị.

Góp phần tạo nên Sài Gòn-TP.HCM ngày nay là công sức của nhiều thế hệ với những cống hiến vinh quang và thầm lặng. Theo đó, bài viết về nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Tư của tác giả thật xúc động. Bác Tư tuy sinh ra ở vùng đất học Nghệ An, nhưng lại chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống, đã cố vượt qua nhiều khó khăn để giữ trọn niềm đam mê khảo cứu của mình, dù có lúc phải trải qua những thăng trầm trong cuộc đời. Những cuốn sách của bác có giá trị nghiên cứu, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là tình cảm mà ông đã dành cho thành phố này qua quyển Đường phố nội thành thành phố Hồ Chí Minh.

Đất lành chim đậu và mảnh đất Sài Gòn đã chắp cánh cho nhiều ước mơ, hoài bão của nhiều người, mặc dù họ không phải sinh ra ở đây, để rồi cuối cùng người đã trả ơn lại cho đất. Sài Gòn-TP.HCM nghĩa tình là vậy! Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Thanh Lợi đã tâm tình trong quyển sách của mình: Một Sài Gòn bao dung, rộng mở với nhiều lớp cư dân đến đây từ mọi miền qua những dòng chảy lịch sử khác nhau. Họ đã không còn phân biệt dân chính gốc hay ngụ cư, tất cả chung tay xây đắp nên một “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Với cá nhân tôi, quyển sách Sài Gòn đất và người của Nguyễn Thanh Lợi đã để lại nhiều ấn tượng trong những ngày tháng Tư lịch sử vừa hào hùng vừa lắng đọng trên mảnh đất Sài Gòn-TP.HCM thân yêu này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày