Đời đời kiếp kiếp

Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00

GN - Ông thời gian ơi, dạo này tôi cảm thấy ông hơi lấn lướt tôi đó nhe.

- Ủa, tôi có làm gì đâu mà bạn rầy rà vậy.

- Ông không làm gì hả. Sao tôi mới thức dậy, quay qua quay lại mà đã chiều tối rồi, chưa kịp làm xong những gì muốn làm. Sao mới đầu tuần đã cuối tuần. Sao mới đầu năm mà bây giờ lại đến Tết rồi. Sao mới hăm hở học đạo ngày nào thân tâm tràn đầy sinh lực mà bây giờ mắt mờ, đau khớp, đau lung tung.

Lo sợ không đủ thời gian làm xong tâm nguyện của mình đến mức tâm tôi rúng động. Tôi liền tăng thời khóa tu tập, tăng thời gian làm Phật sự mình ưa thích một cách “hỏa tốc” bằng cách cắt xén tối đa giờ ngủ, giờ nghỉ ngơi, giờ nấu nướng…

Lao vào việc tăng tốc vô lý như vậy, chẳng bao lâu, cái thân xế chiều phản ứng dữ dội khiến tôi không thể nào tiếp tục kế hoạch làm việc nhiều và tu mau kẻo trễ!

Một hôm, chợt dừng lại ý muốn chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần (nhưng có ai thắng được hai ông này đâu nhỉ). Trong tôi bỗng vang lên lời dạy của Hòa thượng Tôn sư rằng phải giữ Chánh niệm trong từng phút giây.

Suy gẫm lời nhắc nhở của Tôn sư, tôi tự hỏi, ủa đâu có gì trầm trọng mà mình phải thất điên bát đảo đến như vậy. Chánh niệm đâu rồi. Mình đang ở tuổi 76 mà, tất nhiên thời giờ tụng niệm, lễ sám, thiền tọa, công quả, nghỉ ngơi phải phù hợp với sức khỏe của tấm thân già nua này chứ. Vâng, tôi phải thực hiện lời Tôn sư chỉ dạy, có Chánh niệm thì không còn buồn giận lo sợ. Và ngài cũng thường nhắc nhở thực tập giáo pháp có kết quả mới quan trọng, còn dụng công nhiều mà thân tâm không chuyển hóa tốt đẹp thì cũng như không.

Hồi tưởng lại những việc thiện lành mà Tôn sư khai thị, tôi đã làm được, những Thánh tích của Đức Phật nơi đất Ấn tôi được chiêm bái, đảnh lễ, hoặc kết quyến thuộc Bồ-đề với các pháp lữ, v.v… Cái thân tứ đại bất toàn này nhưng nó đã giúp tôi học đạo, công quả trong niềm an lạc vô cùng trải qua hơn 70 năm, quá tốt rồi chứ.

Tôi ơi, hãy tiếp tục tiến tu như con voi leo ngược dốc không có gì cản trở được, như con tê giác một sừng mà muông thú phải sợ. Hai hình ảnh sống động này được kinh điển ví dụ luôn tạo ấn tượng tinh tấn và kham nhẫn trong tâm trí tôi từ thuở mới vào đạo.

Vâng, thời gian cứ lừng lững trôi qua, nhưng đó là việc của ông thời gian mà, phải không thưa ông. Ông tử thần đến đi cũng là việc riêng của ông ấy. Mắc chi mình phải chạy đua với mấy ổng cho mệt xác. Cứ an nhiên thực hành giáo pháp từng ngày từng ngày trong Chánh niệm. Đến lúc mãn duyên cõi đời này, nhẹ nhàng ra đi vì đã làm xong việc muốn làm, cần làm. Vậy là sướng quá rồi, chứ còn gì hơn nữa.

Nhìn lên bàn thờ, ngài A Nan đang mỉm cười với tôi như khích lệ rằng con đã đi được hai phần ba đường, cố gắng giữ thân tâm an lạc trong Chánh pháp như con đã từng được và đang được. Nhớ đời sau cũng tiếp tục như vậy nhe con!

Dạ, con xin đảnh lễ ngài, con sung sướng quá thưa ngài, ngài đã thọ ký cho con. Con nhớ Tôn sư giảng rằng ngài A Nan từng phát đại nguyện đời đời kiếp kiếp làm thị giả của Đức Thế Tôn, mãi mãi ghi chép lời vàng ngọc của Đức Thế Tôn dạy để lưu lại cho hậu thế nương theo tu học.

Thời gian đối với ngài A Nan là đời đời kiếp kiếp làm việc Phật sự cao quý này, đâu phải chỉ làm một đời thôi. Đối với chư vị Bồ-tát, các ngài thể hiện Bồ-tát hạnh bằng sinh mạng tương tục trải qua thời gian vô cùng trong không gian vô tận. Chẳng phải Thiện Tài đồng tử tự tại trải qua 52 chặng đường cầu đạo, hành Bồ-tát hạnh mới viên mãn quả vị Vô thượng Bồ-đề hay sao.

Vậy thì chẳng thắc mắc gì nữa. Với Chánh niệm, tôi đã biết sử dụng quỹ thời gian một cách khéo nhất để làm được việc có ý nghĩa, không lãng phí cuộc sống hữu hạn này

Tôi cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn vô cùng, dù cái thân bèo bọt này theo quy luật có yếu sút hơn, nhưng tâm trí vẫn sáng suốt đã giúp tôi được tiếp tục dâng hiến quãng đời còn lại cho Phật sự thiêng liêng hiếm có khó được.

Với thành quả tu học gặt hái được trong đời này, tôi thành kính cảm niệm công ơn giáo dưỡng của Đức Tôn sư và hai đấng sanh thành dưỡng dục thương quý của tôi. Nguyện đời đời kiếp kiếp tôi được sống trong nhà Diệu pháp để tiếp tục sứ mạng của đời này cho đến trọn thành Phật đạo.

Diệu Tịnh/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày