Đôi nét về hoạt động xã hội trong thời kỳ hội nhập

Ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động từ thiện xã hội

Đạo Phật là đạo của Từ bi và Trí tuệ. Đứng về mặt xã hội, sinh hoạt của một người đệ tử của Đức Phật thường được biết đến là sự thể hiện của từ ái, của tình thương đối với mọi chúng sanh, tức là lòng Từ bi vậy. Từ (Metta) là thương yêu chúng sanh và tạo cho chúng sanh sự an lạc. Bi (Karuna) là sự đồng cảm với sự đau khổ của chúng sanh, thương xót và làm cho chúng sanh vơi khổ. Từ bi của Phật giáo là trạng thái đồng cảm, lấy nỗi khổ của chúng sanh làm nỗi khổ của chính mình, nên gọi là “Đồng thể đại bi”. Từ bi vô cùng rộng lớn nên cũng được gọi là “Vô cái đại bi” (tình yêu thương rộng lớn không có gì ngăn che được).

tuthien-1.gif

Hoạt động từ thiện phát xuất từ lòng Từ bi, là sự thể hiện của Từ bi, nên còn được hiểu là thiện hạnh, điều tốt lành của Từ bi. Như thế, dù ở đâu, dù thời gian nào, hoạt động từ thiện đều được thể hiện, liên tục, đều đặn, kịp lúc kịp thời vì Từ bi vốn là bản chất của người con Phật. Thế nhưng, do điều kiện hoàn cảnh thực tế, thể cách và mức độ triển khai các hoạt động từ thiện theo thời gian có những chuyển đổi khác biệt. Xã hội là cộng đồng sinh hoạt của con người. Con người là một thực thể sống, nên xã hội cũng là một thực thể sống, chuyển biến theo điều kiện, hoàn cảnh, thời gian… Vì tham, sân, si vẫn hiện diện từ vô thỉ và đến nay cũng không có dấu hiệu giảm đi mà lại có chiều hướng gia tăng mức độ, cho nên, khổ đau vẫn còn đó trong xã hội loài người. Đất nước ta trải qua bao thăng trầm, nhân dân phải gánh chịu bao đau thương, cơ cực sau hơn một thế kỷ đấu tranh giành độc lập, đang trên đà xây dựng và phát triển. Tuy vậy, như đã nói, khổ đau của xã hội con người vẫn còn đó, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, thời đại..., nổi bật nhất là nghèo đói, bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, bạo lực, ngu tối, v.v… và do đó, hoạt động từ thiện xã hội luôn cần được thực hiện và phát triển. Thực tế, sinh hoạt xã hội cho thấy, từ thiện xã hội là một trong những hoạt động hàng đầu, vô cùng quan trọng của Phật giáo; cho nên từ năm 1987 rồi 1992, từ thiện xã hội Phật giáo được chính thức đưa vào Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là một trong 10 Ban ngành viện của Trung ương Giáo hội và của tất cả các Ban trị sự của 55 tỉnh thành hội Phật giáo trên khắp cả nước.

Quá trình hoạt động của ngành từ thiện xã hội Giáo hội PGVN

Suốt gần 30 năm hoạt động, ngành từ thiện xã hội luôn nổi bật tạo được hình ảnh Từ bi của Phật giáo trong xã hội. Qua tổng kết ở Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần VI vào tháng 12 năm 2007 của Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội, hiện nay, ngành từ thiện xã hội đã thiết lập được 126 Tuệ Tĩnh đường, 1.000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ với hơn 20 ngàn em, 20 nhà dưỡng lão, 10 trường dạy nghề miễn phí, một số văn phòng tư vấn, cơ sở chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, một số khóa bồi dưỡng nghiệp vụ từ thiện xã hội; và đặc biệt, công tác cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tai nạn, xây cầu, xây nhà tình thương được thường xuyên thực hiện. Ngoài ra, ngành còn tham gia công tác nhân đạo quốc tế như góp tiền cứu trợ người dân trong khu vực bị thiên tai. Hiện nay, hoạt động từ thiện xã hội càng ngày càng được thực hiện ở các vùng sâu, vùng xa và chúng ta có thể nghĩ rằng những lần quy y tập thể của hàng trăm, hàng ngàn người dân tộc ở vùng sâu, vùng cao cũng là do một phần quan trọng thuộc ảnh hưởng của ngành từ thiện xã hội. Thành tựu của ngành thật đáng tuyên dương và cần được phát huy mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, theo như chúng tôi biết, trong hàng chục năm qua, quần chúng Phật tử  trong cả nước, hoặc cá nhân, hoặc nhóm, cơ sở, tự viện, đạo tràng… đã tự động, tự phát tham gia tổ chức cứu trợ hoặc hoạt động từ thiện mà không báo cáo, không hợp tác, không qua sự chỉ đạo, giúp đỡ của các Ban Trị sự, Ban Từ thiện xã hội Trung ương và địa phương. Thậm chí các Ban Trị sự cũng không báo cáo đầy đủ về các hoạt động từ thiện xã hội với Ban Trung ương. Do đó, các báo cáo hàng 6 tháng, hàng năm hay hàng 5 năm của Ban Từ thiện xã hội chưa cụ thể, chưa đầy đủ và lắm khi mang tính chung chung.

tuthien-2.gif

Nơi đây, chúng tôi xin ghi nhận vài con số tương đối cụ thể về những bước nhảy vọt của công tác từ thiện xã hội trong các nhiệm kỳ qua để chúng ta cùng tham khảo, đánh giá để cùng góp phần xây dựng, phát triển:

Trong nhiệm kỳ I (1981 - 1987), GHPGVN chúng ta chưa có kế hoạch về công tác TTXH.

Trong nhiệm kỳ II (1987 - 1992), GHPGVN chúng ta có một bước khởi đầu về công tác TTXH với danh nghĩa - Ban Kinh tế tự túc nhà chùa và Từ thiện xã hội; do vậy, ngay trong Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II, tại Đại hội kỳ III (1992 - 1997), kết quả TTXH trong 5 năm đầu tiên là 2 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả công tác trọn nhiệm kỳ III (1992 - 1997) tại Đại hội kỳ IV (1997 - 2002), công tác TTXH đã tăng lên 111.732.839.800 đồng (Một trăm mười một tỷ, bảy trăm ba mươi hai triệu, tám trăm ba mươi chín ngàn tám trăm đồng).

Báo cáo tổng kết Phật sự nhiệm kỳ IV (1997 - 2002), công tác TTXH đã tăng lên 296.972.975.000 đồng (Hai trăm chín mươi sáu tỷ, chín trăm bảy mươi hai triệu, chín trăm bảy mươi lăm ngàn đồng).

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ V (2002 - 2007) tại Đại hội kỳ VI (2007 - 2012), kết quả công tác TTXH đã tăng lên con số 400 tỷ (Bốn trăm tỷ), trong đó riêng Thành hội Phật giáo TP.HCM đã thực hiện 200 tỷ đồng, chiếm 50% tổng số.

Chúng tôi rất tâm đắc khi được nghe bài phát biểu của Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó chủ tịch HĐTS, kiêm trưởng ban TTXH T.Ư, cũng như chương trình hoạt động của Hòa thượng Thích Như Niệm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban TTXH T.Ư, nêu ra 4 định hướng căn bản cho hoạt động từ thiện xã hội trong tương lai. Đó là:

1. Liên kết các trung tâm nuôi dạy trẻ, lớp học tình thương thành một hệ thống giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 2. Kết nối các ban, nhóm, cơ sở từ thiện xã hội, đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ban Từ thiện xã hội Trung ương.

3. Liên kết các Tuệ Tỉnh đường, các phòng thuốc Nam, dưới sự chỉ đạo của Ban Từ thiện xã hội Trung ương.

4. Mở lớp đào tạo Tăng Ni phục vụ từ thiện xã hội. Ba trong bốn định hướng trên đây nhấn mạnh đến sự thống nhất về tổ chức và quy kết vào sự chỉ đạo và điều hành của Ban Từ thiện xã hội Trung ương. Đây là việc làm rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu về tổ chức, lãnh đạo. Nếu thiếu điều kiện này thì sức mạnh, khả năng hoạt động từ thiện xã hội sẽ bị phân tán, bị yếu đi rất nhiều.

Đề nghị một số điểm trong định hướng hoạt động từ thiện xã hội trong thời hội nhập

1. Hoàn cảnh xã hội trong thời hội nhập

tuthien-3.gif

Từ hội nhập về căn bản mang ý nghĩa hội nhập kinh tế, chỉ sự hòa nhập hoạt động giữa 2 nền kinh tế hoặc các nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực hay rải khắp các quốc gia. Đây là khái niệm do Bela Balassa đề xuất vào năm 1960. Từ sự liên kết, trao đổi hàng hóa, mậu dịch… trong kinh tế lôi kéo theo sự hội nhập của văn hóa, chính trị, xã hội v.v… Đất nước ta đã chấp nhận hội nhập với sự tiến đến kinh tế thị trường, tổ chức thương mại thế giới WTO, tức là chúng ta đang đi vào một thời đại hoạt động mới đầy thách thức, đòi hỏi có sự chín chắn, sự đổi mới cả về tư duy và phương pháp hoạt động, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành sinh hoạt, đến lối sống của quần chúng nhân dân.

Chúng ta sẽ gặp những khó khăn cũng như thuận lợi trong công tác từ thiện xã hội. Những khó khăn cơ bản như chủ nghĩa cá nhân được đẩy mạnh hơn, người ta ít đi sự lưu tâm đến xã hội, nhất là việc từ thiện. Doanh nhân, doanh nghiệp không tích trữ tiền bạc mà dốc vào đầu tư, tiền bạc lưu thông không ngừng cho nên khi cần số tiền đáng kể để ủng hộ Từ thiện thì khó có thể có sẵn; lại nữa, trước áp lực kinh tế, họ không còn mặn mà với việc từ thiện. Ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu không ít thì nhiều đến kinh tế nước ta, sự đóng góp từ thiện do đó bị giảm đi… mặt khác, do thời hội nhập, chúng ta tiếp cận được phương pháp làm việc mới về tổ chức, điều hành, phương tiện… Chúng ta còn có thể liên hệ, hợp tác với nhiều tổ chức từ thiện từ khắp nơi trên thế giới, từ đó chúng ta có thể được học hỏi kinh nghiệm, được trợ giúp tiền tài, trang thiết bị, chuyên gia, tài liệu… đây chỉ là những nét cơ bản, tùy theo tư duy, cách ứng xử, xoay trở khéo léo mà chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, tận dụng những thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội.

2. Góp ý về định hướng hoạt động từ thiện xã hội trong thời đại mới

a) Thống nhất tổ chức thành hệ thống toàn bộ cơ sở, hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo trên khắp cả nước, Giáo hội lãnh đạo, Ban Từ thiện xã hội Trung ương chỉ đạo, điều hành.

Đây là việc làm cần thiết, vô cùng quan trọng, cần có biện pháp thực hiện cụ thể, đầy đủ. Muốn được như vậy, Ban Từ thiện xã hội Trung ương phải tổ chức thực hiện các điều tra, thống kê ở các địa phương về các công tác từ thiện xã hội; tổ chức hội đàm, hội thảo, hội nghị về việc thống nhất tổ chức, hoạt động.

b) Liên hệ, hợp tác với ngành an sinh xã hội của nhà nước để đóng góp và có thông tin về lĩnh vực phục vụ xã hội.

c) Liên hệ, hợp tác với các tổ chức từ thiện của các nước, của quốc tế, của các tôn giáo bạn. Điều này chỉ có thể được thực hiện và nếu được như thế thì cơ may phát triển mạnh mẽ của ngành từ thiện xã hội sẽ rất lớn. Muốn thế, ngành từ thiện xã hội của ta phải tham gia vào các cuộc hội nghị chuyên ngành từ thiện hoặc hội nghị Phật giáo quốc tế nói chung, từ đó chúng ta tiến đến việc bắt tay hợp tác với nhiều tổ chức từ thiện Phật giáo và tiến xa hơn đến việc hợp tác hữu nghị với các cơ quan, hội đoàn, tổ chức từ thiện từ nhiều nơi trên thế giới.

d) Đào tạo các chuyên viên về từ thiện xã hội; tổ chức trong nước, gởi đi học ở nước ngoài ngắn hạn, dài hạn. Đội ngũ chuyên viên sẽ là nhân tố thúc đẩy các hoạt động từ thiện xã hội, đúng đắn, đúng hướng và phát triển mạnh mẽ.

e) Vận động gây quỹ từ thiện xã hội và dùng các biện pháp hợp lý, hợp tình, hợp pháp để sinh lợi. Có ngân quỹ dồi dào, hoạt động của ngành mới được hiệu quả, chủ động, kịp thời. Không nên để cho tình thế trở nên cấp bách mới tìm cách quyên góp tài vật như lâu nay chúng ta vẫn làm; điều này không bao giờ xảy ra ở các tổ chức từ thiện uy tín trên khắp thế giới.

Nơi đây, chúng tôi xin kể cho quý vị nghe về một vị Ni sư, tu sĩ Phật giáo, đứng đầu một tổ chức từ thiện xã hội Phật giáo (TTXHPG)  có danh hiệu là Hội Từ Tế Đài Bắc, Đài Loan. Hội Từ Tế đã hoạt động TTXHPG rất thành công trong nhiều chục năm qua, chẳng những tại Đài Loan, Trung Quốc mà còn lan rộng tại hơn ba mươi nước trên thế giới, đặc biệt là tại những nước có nhiều triệu cư dân nghèo khổ ở châu Á và châu Phi.

Năm 1993, tôi có duyên theo hầu HT.Thích Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, (TCCPHVN) cơ sở 2, TP.HCM sang thăm Đài Bắc, Đài Loan để gặp Thượng tọa Pháp sư Thích Quảng Tâm, Hội trưởng Hội Phật giáo Đồng Tu Đài Bắc (HPGĐTĐB) trao đổi thảo luận việc HPGĐTĐB ủng hộ tài trợ GHPGVN xây dựng TCCPHVN, cơ sở 2 tại TP.HCM. Sau khi làm việc với TT.Pháp sư Thích Quảng Tâm xong, quý Phật tử đưa HT.Thích Minh Châu và chúng tôi đi thăm ngôi chùa, nơi HT.Thích Quảng Khâm chứng đạo, nhờ công năng chuyên tu pháp môn niệm Phật A.Di Đà; kế tiếp đi thăm Hội Từ Tế PG Đài Bắc. Trụ sở của hội là một tòa nhà cao hàng chục tầng. Thoạt nhìn, cứ ngỡ là trụ sở Ngân hàng, nhưng khi bước vào bên trong thì đúng là nơi làm việc của Hội Từ Tế Đài Bắc, Đài Loan. Khi HT.Thích Minh Châu và chúng tôi vừa bước vào thì tất cả những nhân viên đang làm việc đồng loạt đứng lên chắp tay niệm A Di Đà Phật với gương mặt rạng rỡ chào mừng đoàn như mừng người thầy thân đi xa về, rất gần gũi thân thương. Một thiện nam đón chúng tôi vào ngồi chờ ở phòng khách, khoảng 15 phút, Ni sư Chứng Nghiêm, đứng đầu Hội Từ Tế bước ra, Ni sư cung kính quỳ đảnh lễ HT. Thích Minh Châu ba lễ, trước khi ngồi vào ghế tiếp khách. Ni sư bày tỏ niềm hoan hỷ được đón tiếp Hòa thượng đến thăm hội và kể lại cho đoàn nghe về những khó khăn ban đầu cũng như những thành tựu của hội sau gần 30 năm hoạt động. Ni sư cho biết, hiện nay (năm 1994), Hội Từ Tế có 73 chi nhánh tại bản địa và 23 chi nhánh trên thế giới. Trong vài ba năm đầu, Ni sư vận động có khoảng hai ngàn hội viên tự nguyện, mỗi ngày đi chợ về thì tiền lẻ (tiền xu) còn thừa đồng nào thì bỏ ống cho hội đồng nấy, tích thiểu thành đa; bên cạnh hội làm kinh tế tự túc như may giày dép Tăng Ni, sản xuất đèn cày, bột ngũ cốc… phát hành gây quỹ cho hội để có tiền giúp cho bá tánh nghèo khổ, cơ nhỡ bất hạnh. Như vậy, mỗi năm trung bình hội thực hiện giúp đỡ được khoảng 1 triệu 700 ngàn Mỹ kim cho công tác TTXHPG (số liệu này là từ năm 1994 về trước, hiện nay 2009, sau 15 năm, con số này chắc chắn vượt cao hơn rất nhiều). Nghe xong, HT.Thích Minh Châu hỏi lại Ni sư - trong quá trình hoạt động để đạt sự thành công đó, Ni sư và hội có gặp khó khăn nào không? Ni sư đáp - Bước đầu gặp rất nhiều khó khăn và đau buồn; nhưng Ni sư đã có chủ trương và khuyến hóa các đệ tử xuất gia (Ni sư có 43 đệ tử Ni xuất gia) và tại gia, đã là Phật tử phát tâm làm công tác TTXHPG khi gặp những khó khăn trở ngại hoặc đau buồn thì phải biết nén vào trong lòng mình và tự hóa giải trong lòng, không nên xuất lộ ra ngoài. Chúng tôi vô cùng tâm đắc quan niệm tu tập, biết tự nghĩ, tự vượt qua  những khó khăn của người Phật tử dù xuất gia hay tại gia khi dấn thân phục vụ công tác TTXHPG.  

Sau buổi tiếp chuyện, Ni sư giới thiệu một số thành quả cụ thể của Hội Từ Tế sau mấy mươi năm hoạt động. Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi lấy vé máy bay đi thăm  thành phố Hoa Liên, cách Đài Bắc 450km đường bay, 600km đường bộ. Tại phi trường, Ni sư phó trụ trì và Sư cô phụ tá đón đoàn về thọ trai và nghỉ trưa tại tịnh xá Tĩnh Lự, ngôi đạo tràng của Hội Từ Tế do Ni sư Chứng Nghiêm, Hội trưởng của Hội Từ Tế làm trụ trì. Trọn buổi chiều, HT.Thích Minh Châu và đoàn được đưa đi thăm Trường đào tạo Y tá điều dưỡng Phật giáo. Cơ sở trường là những tòa nhà cao tầng, ngoài những phòng lớp giảng dạy, thiết bị máy móc thực tập chuyên môn, còn có cả phòng dành cho các học viên tụng kinh mỗi tối, phòng thiền đạo, trà đạo, hoa đạo v.v... cho học viên thư giãn sau những giờ học tập, và cả hai tòa nhà nội trú cao 12 tầng, có sức chứa 1.000 học viên mỗi khóa 2 năm. Học viên tốt nghiệp được các bệnh viện Nhà nước đăng ký trước mời về phục vụ. Điểm đặc sắc của Trường đào tạo Y tá này là ngoài nghiệp vụ chuyên môn của ngành, các học viên còn được giáo dục về đạo đức, y đức bằng tư tưởng giáo lý "Từ Bi Hỷ Xả" của người con Phật để phục vụ bệnh nhân một cách tận tình, tận tâm… khi tác nghiệp. Bốn chữ “Từ Bi Hỷ Xả” được khắc bằng chữ đồng lớn gắn ở tiền sảnh khi bước vào bệnh viện. Tại đây, Hội Từ Tế có một bệnh viện với 800 phòng nội trú, mỗi ngày khám chữa trị 1.500 bệnh nhân vãng lai. Bên cạnh, một ngôi trường đào tạo bác sĩ vừa mới khai giảng khóa đầu tiên khoảng 50 học viên; ngoài những phòng ốc máy móc chuyên môn phục vụ nhu cầu đào tạo hiện đại, trường còn có phòng chiếu phim, giới thiệu những thành quả hoạt động của hội tại các nước nghèo khó trên thế giới. Đồng thời, hội đang xây dựng một nhà bảo tàng 13 tầng, có hội trường  với sức chứa 4.000 đại biểu và trai đường tương ứng phía bên ngoài hội trường. Đến 16 giờ 30 phút, Ni sư phó và Sư cô trợ lý đưa chúng tôi ra phi trường để kịp đáp chuyến bay cuối ngày lúc 17 giờ về lại Đài Bắc với mỗi người một phần quà là một gói bột ngũ cốc và một cặp "Đèn sáp trí tuệ" (tức tự hóa giải đau buồn từ nội tâm - khi đèn đốt lên, chất sáp không chảy tràn bên ngoài như thường khi chúng ta thấy, chất sáp được đốt cháy lần lượt chảy theo tim đèn, xuống đáy từ bên trong)  mà Ni sư Chứng Nghiêm đã hướng dẫn kỹ sư Phật tử nghiên cứu sản xuất để giới thiệu công hạnh, tâm nguyện của người đệ tử con Phật tự nhiếp phục, soi sáng lòng mình trước mọi trở duyên khi dấn thân làm công tác TTXHPG.

Mong rằng câu chuyện về Ni sư Chứng Nghiêm và Hội Từ Tế PG Đài Bắc sẽ là bài học quý về sự vượt khó để đi đến thành công trong công tác TTXHPG mà chúng ta cần nên suy gẫm, thực nghiệm.

Kết luận

Trên đây là những góp ý cơ bản. Điều quan trọng của mọi tổ chức, sinh hoạt không chỉ ở sự tổng hợp ý kiến, ở phương pháp (có thể hiểu là lý thuyết) trong tổ chức, hoạt động. Điều quan trọng là ở sự thực hiện, ở các biện pháp thực hiện, ở nhân sự thực hiện. Bước đường củng cố và phát triển của ngành từ thiện xã hội còn dài, đòi hỏi sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương Giáo hội, sự đóng góp thiết thực của các cá nhân, các hội đoàn, tổ chức thiện tâm và của sự ủng hộ, đồng tình giúp đỡ của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Đôi lời chân tình mạo muội đóng góp chia sẻ cùng chư tôn đức với niềm tin sự nghiệp TTXH của GHPGVN chúng ta sẽ ngày càng thành tựu không thể nghĩ bàn trên nền tảng tâm nguyện truyền thống: “Phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật” và tấm lòng nhân từ bi đức muôn thuở trong nhân gian:

"Dẫu xây chín bực phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người".

(Chùa Phổ Quang, Tân Bình, TP.HCM, 12-5 Kỷ Sửu - 2009). 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày