GN - LTS: Hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam” do Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức đã diễn ra vào ngày 11-6, Giác Ngộ trân trọng giới thiệu nghiên cứu của Giáo sư Cao Huy Thuần, để chúng ta hiểu hơn về lịch sử Phật giáo Việt Nam qua biến cố Pháp nạn 1963.
I
Ngay khi khởi đầu cuộc tranh đấu chống chính sách kỳ thị tôn giáo của ông Ngô Đình Diệm, các vị lãnh đạo đã ra một bản Tuyên ngôn đọc ngày 10-5-1963 tại chùa Từ Đàm, trong đó phương pháp bất bạo động được long trọng xác định:
“Phương pháp tranh đấu mà chúng tôi áp dụng là bất bạo động. Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng của Phật giáo ngay trong cuộc tranh đấu của chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải chỉ rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người Tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi gương Gandhi - vị Thánh của sức mạnh bất bạo động”.
Cảnh sát chế độ Ngô Đình Diệm ngăn chặn bà con Phật tử đến chùa Ấn Quang - Ảnh tư liệu 1963
Và quả thật như vậy, thế giới đã chứng kiến thế nào là sức mạnh bất bạo động. Ngày hôm nay, hồi tưởng lại những hy sinh đã đổ ra trong cuộc tranh đấu bất bạo động ấy, chúng ta thật không thể tưởng tượng được Phật giáo Việt Nam đã viết được một trang sử vinh quang như vậy về sức mạnh tâm linh cho cả dân tộc và cho cả thế giới. Phật giáo Việt Nam đã thắp lên được một ngọn lửa sáng rực huyền vi để cả thế giới biết thế nào là Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ bi.
Tưởng niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chúng ta hãnh diện về gia tài tâm linh được thừa hưởng. Nhưng dường như Bồ-tát đang nói với chúng ta: hãy lấy ngọn lửa đó để thắp sáng hành động thường ngày, bởi vì bất bạo động không phải là chuyện gì cao xa, nó nằm sẵn trong huyết mạch của tư tưởng Phật giáo. Đó là đề tài nói chuyện của tôi hôm nay. Tư tưởng ấy là gì? Nó khác với tư tưởng của các tôn giáo khác như thế nào? Đâu là điểm chung, đâu là điểm riêng? Cái gì là đặc thù của Phật giáo?
Trả lời những câu hỏi này, riêng kinh nghiệm Việt Nam không đủ, vì kinh nghiệm 1963 là kinh nghiệm hành động, không phải kinh nghiệm lý thuyết. Ngày nay, khi thế giới tìm hiểu về lý thuyết bất bạo động, ai cũng chỉ nghĩ đến Gandhi, và sau đó là Martin Luther King. Có một nhân vật thứ ba nữa được nhắc đến là Nelson Mandela, cựu Tổng thống Nam Phi. 1963 của Việt Nam không để lại lý thuyết cho nên sách vở về bất bạo động trên thế giới không nhắc đến cũng là dễ hiểu. Sách vở thế giới đặt 1963 vào một chương khác, chương nói về chiến tranh. Bởi vậy, nếu muốn tìm trong sách vở thế giới mối liên quan giữa bất bạo động và tư tưởng Phật giáo, tôi bắt buộc phải nhìn qua một nước khác, Phật giáo như chúng ta, với một kinh nghiệm tranh đấu bất bạo động lâu hơn chúng ta, rất đáng kính và rất trung thực với tư tưởng Phật giáo: đó là nước Miến Điện của người phụ nữ Phật tử gương mẫu, bà Aung San Suu Kyi.
Tôi sẽ đọc một quyển sách của bà. Nhưng trước khi đi vào tư tưởng Phật giáo, tôi muốn nêu lên ngay ở đây hai điểm vì lát nữa chúng ta sẽ gặp phải, một điểm có liên quan đến lý thuyết, một điểm có liên quan đến hành động.
Về lý thuyết, Gandhi và Phật giáo rất gần nhau, chỉ khác ở một chỗ thôi là Gandhi tin ở Thượng đế vì ông là tín đồ của Ấn Độ giáo. Niềm tin ấy tất nhiên ảnh hưởng rất nhiều trên tư tưởng của ông. Tuy vậy, quan điểm của ông về Thượng đế không ngăn cản ai khác tôn giáo của ông chấp nhận tư tưởng bất bạo động của ông. Ông nói: “Thượng đế là một cái gì không định nghĩa được, ta chỉ cảm thấy nhưng ta không thể biết. Đối với tôi, Thượng đế là sự thật và tình thương”. Ở một nơi khác, ông nói: “Tôi thờ phụng Thượng đế như là sự thật mà thôi. Tôi chưa tìm được Thượng đế, nhưng tôi đang tìm Thượng đế. Tôi chuẩn bị hy sinh tất cả những gì thân yêu nhất của tôi để đi tìm Thượng đế. Dù cho tôi phải hy sinh mạng sống của tôi, tôi hy vọng rằng tôi có thể chuẩn bị để cho”. Thêm một định nghĩa nữa: “Tôn giáo của tôi đặt căn bản trên sự thật và bất bạo động. Sự thật là tôn giáo của tôi. Bất bạo động là phương tiện để thực hiện Thượng đế”. Có ai cảm thấy xa xôi gì với các định nghĩa đó đâu? Bởi vậy, Mục sư Tin Lành Martin Luther King, người lãnh đạo cuộc tranh đấu đòi bình đẳng cho người da đen ở Mỹ trong những năm 60, tuy có một quan niệm khác về Thượng đế, dễ dàng tự nhận mình là tiếp nối truyền thống của Gandhi không chút vướng ngại. Gandhi là của chung của nhân loại.
Điểm thứ hai là về hành động. Câu hỏi thường đặt ra cho các cuộc tranh đấu bất bạo động là: nếu phương pháp bất bạo động không đưa đến thành công thì sao? Gandhi nói: “As the means, so the end” (“phương tiện thế nào, cứu cánh thế ấy”). Vững chắc như thành đồng. Nhưng Malcolm X, lãnh tụ da đen chủ trương bạo động đối nghịch với King, cũng cả quyết như thành đồng vững chắc: tự do phải đến với người da đen “bằng mọi phương tiện cần thiết”. Sau khi King bị ám sát năm 1968, Malcolm X đòi chỉnh lý lại thuyết bất bạo động của King như thế này: “Nếu bất bạo động có nghĩa là tiếp tục dời lại vô thời hạn không giải quyết vấn đề dân da đen với cái giá là từ chối bạo động, thì, vâng, tôi chọn bạo động”. Bạo động hay bất bạo động, như vậy, là được đánh giá trên tiêu chuẩn thành công hay không. Đó là vấn đề đã đặt ra cho ông Nelson Mandela, lãnh tụ cuộc tranh đấu chống chính sách kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi cũng vào thời gian những năm 60. Đây là nhân vật thứ ba được thế giới vinh danh là lãnh tụ bất bạo động, cụ thể hóa bằng Giải thưởng Nobel về hòa bình năm 1993, giống như Luther King năm 1964. Thế nhưng có thật Mandela là chiến sĩ trung thực của bất bạo động không? Ông chịu ảnh hưởng của Gandhi, đúng vậy, và khi ra tù, thắng trận, ông không ngớt kêu gọi hòa giải và tha tội để tránh cho nước của ông hận thù đẫm máu, không ngớt viện dẫn Gandhi để chứng minh cho thế giới thấy rằng nước của ông có thể xây dựng một nền dân chủ hòa bình sau cả mấy thế kỷ cai trị dưới tàn bạo chủng tộc. Thậm chí, ông nhận được Giải thưởng Gandhi/Luther King năm 1999 từ bàn tay của người cháu gái của Gandhi. Thế nhưng, từ 1954, ông đã tuyên bố: “Giai đoạn của chống cự thụ động đã chấm dứt, bất bạo động chỉ là một chiến lược vô hiệu, sẽ không bao giờ lật đổ được thiểu số da trắng sẵn sàng nắm giữ quyền lực với bất cứ giá nào...”. Ông giải thích: “Tranh đấu bất bạo động chỉ hiệu quả khi đối thủ của ta thừa nhận những nguyên tắc như ta. Nhưng khi tranh đấu hòa bình chỉ gặp phải bạo lực, hiệu quả chấm dứt. Đối với tôi, bất bạo động không phải là một nguyên tắc đạo đức mà là một chiến lược. Không có một sự tốt lành đạo đức nào để sử dụng một khí giới vô hiệu”. Bị nội bộ chỉ trích, ông thú nhận: “Tôi chấp nhận chỉ trích và sau đó tôi trung thực chấp hành chính sách bất bạo động trước công chúng. Nhưng tự trong thâm tâm, tôi biết rằng bất bạo động không phải là giải đáp”. Năm 1960, khi chính quyền Nam Phi cho tắm máu cuộc biểu tình hòa bình ở Sharpeville và Langa, Mandela tuyên bố giai đoạn bất bạo động chính thức chấm dứt. Đáng để suy nghĩ, Martin Luther King công khai ủng hộ Mandela và đảng ANC của ông từ 1961, bởi vì, King nói, Mandela không còn đường lối nào khác. Như vậy, phải chăng, như Mandela tự biện hộ, “ bạo động và bất bạo động chẳng hề loại bỏ nhau”?
II
Đó là những vấn đề gai góc luôn luôn được đưa ra trong các tranh luận. Bây giờ, tôi đi vào quyển sách của bà Aung San Suu Kyi để xem tư tưởng Phật giáo đã được áp dụng cụ thể như thế nào trong cuộc tranh đấu bất bạo động của bà. Quyển sách nhan đề “The Voice of Hope” (Tiếng nói của hy vọng), ghi lại nhiều buổi đối thoại giữa bà với một học giả người Mỹ, Alan Clements, cũng là một Phật tử. Đây là câu hỏi đầu tiên:
- Thưa bà, tôi muốn hỏi thêm bà về “đạo Phật dấn thân”. Năm nay, tôi đã sống vài tháng ở Việt Nam và đã viếng thăm, trong một vùng ngoại ô thành phố Huế, ngôi chùa của một vị sư Việt Nam đã tự thiêu năm 1963... Một nhà sư trẻ đã cắt nghĩa cho tôi rằng “tự thiêu không phải là hành vi tự hủy hoại hay tự tử mà là một hành động của từ bi: đó là cách của Ngài làm cho thế giới chú ý đến sự đau khổ mà dân chúng Việt Nam đang chịu đựng trong chiến tranh”. Hiển nhiên một hành động như vậy của đạo Phật dấn thân là đã đạt đến cực điểm. Nhưng hình ảnh đó khiến tôi phải hỏi bà làm thế nào để đạo Phật dấn thân có thể sinh động hơn ngày nay, nhất là trong một triệu Tăng và một trăm ngàn Ni trong nước của bà?
Tôi dịch gần như nguyên văn câu hỏi, chỉ giản lược bớt vài chữ để câu văn nhẹ nhàng thôi. Và tôi cũng dịch như thế câu trả lời. Ngắn, gọn, thẳng như mũi tên bắn. Và thật là bất ngờ:
- Đạo Phật dấn thân là từ bi tích cực.
Và thế nào là từ bi tích cực? Là như kinh đã dạy: “Như mẹ hiền yêu thương con một / Dám hy sinh bảo vệ cho con...” Bà không nói cái gì khác với chúng ta hồi 1963: bất bạo động là từ bi và vô úy. Là không sợ. Là dám hy sinh. Và không sợ vì tâm đã tràn đầy từ bi, không còn chỗ nào nữa cho sợ hãi. Giữa từ bi và vô úy có sự liên hệ mật thiết. Bà nói: “từ bi toàn vẹn thì đuổi sợ hãi”. Bà không nói gì khác, nhưng xác quyết của một người hành động làm ta vững tin hơn. Bà nói thêm, rất cụ thể: “Tôi chưa bao giờ học ghét những người đã cầm tù tôi, bởi vậy tôi không bao giờ cảm thấy sợ họ”. Hơn thế nữa, “mẹ tôi không bao giờ dạy tôi ghét ngay cả những người đã giết cha tôi”.
Nữ Phật tử gương mẫu, bà Aung San Suu Kyi
Và đây là câu hỏi thứ hai có liên quan đến vấn đề lý thuyết mà tôi đã nêu lên trong phần trước:
- Thưa bà, có một sự phân biệt lớn giữa những người lãnh đạo các phong trào chính trị bất bạo động. Có thể nói là có hai quan niệm chính về bất bạo động. Một quan niệm có cội rễ từ lòng tin Thượng đế, lấy hứng và sức mạnh từ tín ngưỡng độc thần, như Gandhi, như Martin Luther King, như Nelson Mandela, như Václav Havel... Trong khi đó, quan niệm thứ hai của Phật giáo có cội rễ ở niềm tin vào vô ngã, không có thần nào trong đó cả. Ngài Đạt Lai Lạt Ma là một ví dụ. Và bây giờ là bà. Khi bà suy nghĩ về những ví dụ đó, tất cả những quan niệm hữu thần đều thành công trong tranh đấu của họ, còn Phật tử thì không thành công trong việc mang lại những thay đổi chính trị. Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng phải công nhận: “mỗi giờ phút trôi qua, Tây Tạng mất đi một ít”. Tôi có thể hỏi bà: bà nghĩ thế nào về sự phân biệt giữa hai trường phái bất bạo động ấy?
Câu hỏi rất hóc búa, buộc người trả lời phải đi vào thực tế của hành động, chứ không phải chỉ quả quyết trên lý thuyết.Tôi cũng xin nói thêm rằng khi người hỏi đề cập đến sự “thất bại” của bất bạo động ở Việt Nam là nói về giai đoạn sau 1963, khi ông Nguyễn Cao Kỳ đem quân ra đánh Huế và bắt HT.Trí Quang cầm tù trong một bệnh viện tư ở Sài Gòn. Bởi vậy câu trả lời của bà Aung San Suu Kyi bắt đầu bằng nhận xét này, tôi dịch nguyên văn:
- Ở miền Nam Việt Nam ngày trước có quá nhiều người Thiên Chúa giáo, và quá nhiều người trong họ nắm giữ những chức vị then chốt trong chiến tranh. Tôi nghĩ một trong những lý do tại sao phong trào Phật giáo thất bại là vì có quá nhiều người không phải Phật giáo nắm quyền. Phong trào Phật giáo không vận động được những người cốt cán của tình thế.
Câu trả lời không làm thỏa mãn người hỏi. Vì vậy, người hỏi nhấn mạnh một lần nữa:
- Trở về lại với câu hỏi khi nãy, có thể nói gì về niềm tin của người có Thượng đế trong linh hồn đối với những người thấy vô ngã trong chân lý?
Tôi dịch nguyên văn câu trả lời, vẫn phân tích thực tế hơn là đi vào lý thuyết:
- Tôi nghĩ có một lý do gì thực tế hơn chăng. Các phong trào của những người Thiên Chúa giáo được tổ chức chặt chẽ, điều đó là cốt yếu. Nhà thờ của họ được tổ chức như thế, trong khi Phật tử không được tổ chức thực sự trong các chùa. Mặc dầu người ta có thể đi đến một chùa địa phương, hoặc quen đi đến chùa của mình, người ta không nhất thiết chỉ giới hạn trong chùa đó. Còn người Thiên Chúa giáo thì khác: họ đi lễ ở một nhà thờ năm này qua năm khác, và vì vậy mà làm phát triển những quan hệ tín hữu. Có thể cha mẹ của họ cũng đã từng đi lễ cùng một nhà thờ ấy và nhờ vậy mà họ làm quen với nhiều người đã từng quen biết cha mẹ họ trước đây. Tôi nghĩ đó là cách để các phong trào tổ chức cơ sở. Tôi thường nghĩ cũng có thể đó là một trong các lý do tại sao các phong trào chính trị của người Thiên Chúa giáo cất cánh nhanh chóng và hiệu quả. Tổ chức đã có sẵn đấy rồi. Cứ xem các nước ở Nam Mỹ: nhiều phong trào chính trị chống đối các chính thể độc tài, mặc dầu không phải bất bạo động, đều có cơ sở là nhà thờ, khiến các phong trào ấy cất cánh rất nhanh. Ngay cả trong các nước Hồi giáo, họ cũng có nhà thờ của họ, được tổ chức chặt chẽ, với hội họp đều đặn mỗi tuần. Trong các nước Phật giáo, cách tổ chức có quy mô hình thức như vậy không có.
Đọc câu trả lời, tôi nhận thấy à ra vậy, tưởng các chùa ở nước Phật giáo Miến Điện tổ chức chặt chẽ hơn, hóa ra cũng “nhẹ nhàng” như ở ta! Nhưng câu trả lời vẫn chưa làm hài lòng người phỏng vấn. Ông này nhấn mạnh lần nữa:
- Vậy thì rõ ràng bà không nghĩ rằng các phong trào đó thành công là có cái gì đó liên quan đến niềm tin ở Thượng đế?
Tôi cho rằng câu hỏi chứng tỏ người phỏng vấn rất am hiểu vấn đề. Nhưng câu trả lời vẫn tiếp tục triển khai ý nghĩ như cũ:
- Tôi nghĩ rằng đó chỉ vì họ có thể gặp nhau đều đặn. Ngay cả ở Ấn Độ, chính quyền cũng không thể nói rằng dân Hồi giáo không được đi nhà thờ. Họ phản ứng ngay lập tức. Chính quyền phải để cho họ đi, và như vậy họ luôn luôn gặp nhau đều đặn, ít nhất mỗi tuần một lần. Trong khi đó thì, Phật tử gặp nhau ở đâu? Nếu Phật tử bắt đầu gặp nhau mỗi tuần một lần tại một chùa nào đó, cảnh sát sẽ đến hỏi họ ngay các bạn thân mến gặp nhau làm gì vậy? Nhưng cảnh sát không thể ngăn dân đạo đến nhà thờ. Trong các nước Đông Âu ngày trước, cảnh sát cũng đã từng ngăn người ta đến nhà thờ, nhưng khi các nước Tây Âu sẵn sàng phản đối, và khi các nước Đông Âu ấy cần mượn tiền của Tây Âu, chính quyền không thể nói: “Này, không được đi lễ”. Nước Ba Lan ngày trước là như vậy. Hoạt động chính trị có nhà thờ làm cơ sở. Còn bây giờ, nếu lấy Miến Điện làm ví dụ thì...
Tôi không cần dịch thêm, quý vị cũng biết bà nói gì. Sức mấy mà bọn quân phiệt để yên. Nhưng, hồi tưởng lại năm 63 nghiệt ngã, tại sao Phật tử chúng ta đã làm được sơ thất, nhị thất, tam thất, chung thất cho các Thánh tử đạo? Tại sao ông Diệm không giập tắt được bất bạo động của chúng ta? Bà Aung San Suu Kyi trả lời giùm tôi: tại vì kẻ yếu có “sức mạnh của kẻ yếu”.
- Sức mạnh đến từ bên trong - bà nói thế. Nếu ta tin tưởng vào việc ta làm, nếu ta vững chắc trong niềm tin của ta rằng việc mà ta đang làm là đúng, chỉ vậy thôi là đã có đủ sức mạnh, và sức mạnh đó là rất quan trọng khi ta muốn hoàn thành một công việc gì. Nếu ta không tin ở việc ta làm, hành động của ta sẽ thiếu xác quyết. Ta có cố gắng bao nhiêu đi nữa, nhược điểm thiếu chính xác, minh bạch ấy vẫn sẽ xảy ra.
Một cách gián tiếp, bà đã trả lời câu hỏi hóc búa về Thượng đế hay vô ngã. Thượng đế hay vô ngã không quan trọng bằng niềm tin vào việc mình làm. Chính vì niềm tin đó mà 1963 là vô địch.
Riêng bản thân tôi, tôi có câu trả lời trực tiếp. Vâng, đúng thế, dưới danh nghĩa Thượng đế, động viên người ta dễ hơn là dưới đề tài vô ngã, nhưng sự khác nhau không phải nằm ở đó. Hãy xem các nước Hồi giáo ngày nay: dưới danh nghĩa Thượng đế, bao nhiêu máu đã chảy? Bao nhiêu bạo lực! Còn dưới danh nghĩa vô ngã... chỉ có thể là bất bạo động mà thôi! Bồ-tát Quảng Đức, đúng là hiện thân của vô ngã. Không có ta, không có kẻ thù. Hay như ngài Đạt Lai Lạt Ma nói: kẻ thù là ông thầy tốt nhất của ta. Có điều là: dưới danh nghĩa Thượng đế, nói lên một tiếng, hàng vạn người theo, còn nói vô ngã... khó có ai biểu tình để nói rằng tôi vô ngã.
Bất bạo động khó khăn là vì thế. Nhưng chính vì thế mà ta phải suy nghĩ cho tương lai. Chẳng lẽ vì bất bạo động khó khăn mà không có tương lai? Bởi vậy, tôi đặc biệt chú ý đến đối thoại sau đây:
- Nelson Mandela viết trong hồi ký “Long Walk to Freedom” (“Trường hành vào tự do”) rằng “năm 1961, chúng tôi ngưng cuộc tranh đấu bất bạo động... Chúng tôi không có cách nào khác hơn là phải bạo động”. Để tạo cơ sở cho cuộc chuyển hướng từ bất bạo động qua bạo động, ông trích một câu tục ngữ của Phi châu: “Khi một con thú dữ tấn công, ta không thể chống lại bằng tay không”. Tuy vậy có vài người trong đảng ANC của ông lý luận rằng bất bạo động là một nguyên tắc không thể vi phạm được, không phải là chiến thuật để mà bỏ qua khi không còn hiệu nghiệm. Ông Mandela trả lời: “Tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại... bất bạo động là một chiến thuật phải gác qua một bên khi không còn hiệu nghiệm... Và quả là sai lầm và vô đạo đức nếu ta đặt dân chúng của ta trước tấn công vũ lực của chính quyền mà không mang đến cho họ một biện pháp gì khác để thay thế”. Thưa bà, nếu tôi nghĩ đúng, bà cho rằng hành động chính trị bất bạo động là một nguyên tắc đạo đức và tâm linh chứ không phải là một chiến thuật chính trị?
Giáo sư Cao Huy Thuần tại Hội thảo khoa học "50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam" - Ảnh: V.G
Là con người hành động và đồng thời có niềm tin sắt đá vào đạo Phật, câu trả lời của bà Aung San Suu Kyi rất quả quyết nhưng khá mềm dẻo để không xa rời thực tế:
- Không, không hẳn thế. Đó cũng là một chiến thuật chính trị. Đảo chánh quân sự đã diễn ra nhiều lần ở Miến Điện là những biện pháp để thay đổi tình thế bằng bạo lực. Nhưng tôi không muốn khuyến khích, cũng không muốn tái diễn cái tập tục ấy. Bởi vì tôi sợ rằng nếu chúng tôi thực hiện dân chủ bằng cách ấy, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gạt bỏ được ý nghĩ rằng ta mang lại những thay đổi cần thiết bằng bạo lực. Chính cái phương pháp ấy sẽ đe dọa chúng tôi mãi hoài. Bởi vì lúc nào mà chẳng có người không đồng ý với dân chủ? Và nếu chúng tôi thực hiện dân chủ bằng bạo lực, bao giờ cũng sẽ có những người cực đoan trong số những người chống lại dân chủ ấy nói: “Chúng nó đã thay đổi hệ thống bằng bạo lực, vậy nếu chúng ta làm bạo lực hay hơn, ta sẽ chiếm lại chính quyền”. Và như vậy là chúng ta rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Đối với tôi, bạo lực không phải là đường lối đúng đắn, dù như là một chiến thuật chính trị hay như là một niềm tin tâm linh. Đơn giản là nó chẳng giúp ích gì được cho chúng tôi xây dựng một nền dân chủ mạnh mẽ.
Câu trả lời rất khéo nhưng thiếu khẳng định. Thoạt đầu, bà nói: bất bạo động không hẳn không phải là một chiến thuật chính trị, nhưng cuối cùng, bà đưa về lại hoàn cảnh chính trị thực tế của Miến Điện để gạt bỏ bạo động, dù được áp dụng như một chiến thuật, vì không lợi ích gì cho việc xây dựng dân chủ. Nghĩa là câu trả lời vẫn dựa trên thực tế, chưa đi vào lý thuyết trừu tượng. Cho nên, người đối thoại xoáy sâu thêm vào lý thuyết:
- Nhưng khi bà thấy rằng những phương pháp bất bạo động không còn hiệu nghiệm nữa, với tư cách là người lãnh đạo, bà có thấy bổn phận phải thay đổi chiến thuật bất bạo động hay không để mài lại cho sắc cuộc đấu tranh của bà, hay là bà vẫn chấp thủ bất bạo động dù bất cứ chuyện gì xảy ra, bởi vì đó là một nguyên tắc đạo đức mà bà gần gũi? ... Hay là, tôi hỏi bà thế này, vì tôi muốn hiểu bà: có phải bất bạo động là một nguyên tắc đạo đức và tâm linh bất di bất dịch, không bao giờ biến chuyển được trong đường lối tranh đấu của bà?
Câu trả lời bắt buộc phải rõ hơn:
- Chúng tôi luôn luôn nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ phủ nhận các sinh viên và các người khác đã chọn bạo động. Chúng tôi biết rằng mục đích của họ cũng giống như mục đích của chúng tôi. Họ muốn dân chủ và họ nghĩ rằng cách hay nhất để đi đến dân chủ là thông qua tranh đấu vũ lực. Chúng tôi cũng không nói rằng chúng tôi có độc quyền trên những phương pháp đúng nhất để thực hiện điều chúng tôi mong muốn... Chúng tôi chọn đường lối bất bạo động chỉ vì chúng tôi nghĩ rằng điều đó tốt hơn về phương diện chính trị cho đất nước tôi về lâu về dài để chứng minh rằng ta có thể mang lại thay đổi mà không cần đến khí giới. Chính sách của đảng tôi rõ ràng từ đầu là như vậy. Ở điểm này, chúng tôi không nghĩ đến vấn đề tâm linh gì cả. Có thể, với ý nghĩa như vậy, chúng tôi không giống Gandhi, Gandhi có lẽ sẽ kết án tất cả những phong trào nào không phải là bất bạo động. Tôi không dám chắc nói như vậy là đúng. Nhưng Gandhi có lần nói rằng nếu ông phải lựa chọn giữa bạo động và hèn nhát, ông sẽ chọn bạo động. Như vậy, ngay cả Gandhi, người được xem là tiêu biểu cao cả nhất của bất bạo động, cũng không phải là người không biết ngoại lệ.
Đối thoại đi sâu hơn nữa:
- Nhưng giữa lựa chọn bạo động vì từ bi và lựa chọn bạo động thay vì hèn nhát, có gì khác nhau? Nelson Mandela viết: “Lãnh đạo sẽ phạm một tội ác đối với dân tộc nếu ngần ngại không chịu mài giũa cho sắc những khí giới chính trị ở chỗ nào đã trở thành kém hiệu quả”. Như vậy, chẳng phải ông ấy nói rằng chấp chặt bất bạo động sẽ trở thành một hành động bạo động trên thực tế đối với dân tộc ấy khi đường lối bất bạo động không còn hiệu nghiệm nữa?
Vẫn không rời thực tế, câu trả lời soi sáng đường đi cho chúng ta, những người cư sĩ tầm thường, sống trong một thế giới tầm thường, nhưng luôn luôn muốn vươn lên để xứng đáng với danh nghĩa là người Phật tử, hơn thế nữa, người “Phật tử dấn thân”. Dấn thân, người Phật tử có lý tưởng, nhưng người Phật tử phải sáng suốt trước thực tế. Trên thế giới ngày hôm nay, cũng như những ngày vừa qua, không ai khác cho chúng tôi một cái nhìn chính trị trung thành với lý tưởng đạo Phật hơn là bà Aung San Suu Kyi. Bởi vì lẽ đơn giản, bà là người làm chính trị Phật tử duy nhất xứng đáng để chúng ta chiêm nghiệm, theo dõi. Giữ hay bỏ bất bạo động khi không còn hiệu nghiệm? Đây là câu trả lời:
- Điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh, và tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh Miến Điện hiện nay, đường lối bất bạo động là tốt nhất để thực hiện mục đích của chúng tôi. Nhưng chắc chắn tôi không kết án những người tranh đấu cho cuộc “đấu tranh chính nghĩa”, như người ta thường nói. Cha tôi đã tranh đấu như thế, và tôi rất thán phục cha tôi vì thế... Chúng tôi để mở ra mọi cánh cửa - mọi lựa chọn. Điều rất quan trọng là chúng tôi phải mềm dẻo, uyển chuyển. Chúng tôi đã chọn bất bạo động bởi vì đó là phương pháp tốt nhất để bảo vệ người của chúng tôi, và về lâu về dài bảo đảm cho sự bền vững của dân chủ trong tương lai. Chính vì vậy mà cha tôi đã thay đổi từ bạo động qua bất bạo động. Cha tôi biết rằng, vì tương lai của dân tộc, thực hiện một nước dân chủ bằng những phương thức chính trị và thương thuyết thì tốt hơn nhiều bằng phương thức quân sự. Với ông Mandela cũng vậy. Ông đã trở lại với bất bạo động khi tình thế cho phép. Tất nhiên trước đó ông dùng bạo động vì bất bạo động không thích hợp và còn bị xem là yếu đuối hơn là sức mạnh. Nhưng trong thời gian ấy, sự việc khác hẳn. Khi Nelson Mandela và nhiều người Nam Phi khác lần đầu tiên thử dùng phương pháp bất bạo động, thế giới đang còn quá bận rộn với chiến tranh ý thức hệ giữa Đông và Tây, không mấy ai tha thiết với nhân quyền. Trong một thế giới bạo tàn, Nelson Mandela và các vị Nam Phi khác cảm thấy rằng họ phải chọn lựa những phương tiện nào có khả năng gây ra chấn động để làm thế giới biết lập trường của họ hơn. Còn bây giờ, trong thời đại này, chúng ta có thể dùng những phương tiện chính trị bất bạo động để thực hiện cứu cánh của chúng ta. Nhưng nếu ta có thể có một sự lựa chọn và nếu ta cảm thấy có triển vọng thành công bằng nhau, tôi nghĩ rằng chắc chắn ta phải chọn đường lối bất bạo động, bởi vì phương pháp đó sẽ làm ít người bị thiệt hại hơn.
Như vậy, phải chăng bà đã trả lời rằng bất bạo động không phải là nguyên tắc bất di bất dịch? Người đối thoại chắc đã hiểu như thế nên dồn bà vào một câu hỏi cuối cùng:
- Trở về lại với Nelson Mandela, tôi đặc biệt lý thú khi ông kể về một ray rứt của ông, lúc các nhà báo Mỹ phỏng vấn ông trong nhà tù. Họ có ý dán cho ông cái nhãn hiệu cộng sản và khủng bố, cũng như không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo. Họ nói: Martin Luther King không bao giờ dùng đến bạo động. Mandela cãi lại: ông là tín đồ Thiên Chúa giáo và ngay cả Chúa Giê-su, người làm hòa bình, khi không có lựa chọn nào khác, đã dùng bạo lực để đuổi kẻ cho vay ra khỏi đền thờ.
Trả lời của bà Aung San Suu Kyi lần này có thể xem như kết luận:
- Đúng vậy. Ngài cầm gậy mà đuổi. Tôi nghĩ rằng ta không thể chấp chặt tín điều trong chính trị. Chấp chặt tín điều là một trong những nguy hiểm của chính trị.
Gần đây, mới năm ngoái, 2012, trong một đối thoại với Stéphane Hessel, ngài Đạt Lai Lạt Ma đã được hỏi về một nhận xét có liên quan đến việc bảo vệ nhân quyền. “Bảo vệ nhân quyền phải được thực hiện bằng bất bạo động. Nhưng nhân quyền bị chà đạp thì có thể làm dấy lên bạo động”. Phải chăng như thế?
Đây là câu trả lời của ngài Đạt Lai Lạt Ma: “Nếu các trường hợp xảy ra mà dữ dội đến nỗi phải có những hành động cứng rắn, nếu không có lựa chọn nào khác hết thảy, thì ngay những hành động ấy, dù có vẻ bạo động, trong bản chất vẫn chính yếu là bất bạo động. Đứng về phương diện lý thuyết, có thể quan niệm như vậy. Nhưng trên bình diện thực tiễn, không đơn giản như thế. Biên giới duy nhất để phân biệt bạo động và bất bạo động là ý định. Riêng về vấn đề tham nhũng, bây giờ đã trở nên đại họa truyền nhiễm trên thế giới hiện đại, tôi thường nói rằng đó là một hình thức bạo động. Bởi vì ý định của tham nhũng là lừa gạt, dối trá. Đó là một hành động cực kỳ bạo động trong bản chất”.
Ngài được hỏi tiếp: “Vậy thì người ta có thể làm một hành động bạo lực với một trái tim bất bạo động?
Trả lời: “Về lý thuyết thì vậy, nhưng về thực tế, như tôi đã nói, không đơn giản”.
Thú thật, riêng tôi, chưa bao giờ tôi thấy vấn đề là đơn giản. Không những khó nói, lại còn rất dễ bị lợi dụng để biện minh cho hành động này hay hành động ngược lại. Đúng như ngài Đạt Lai Lạt Ma nói, tiêu chuẩn duy nhất là ý định. Nhưng ý định là chủ quan, một mình mình biết một mình mình hay.
Đức Dalai Lama
Bởi vậy, ngài lại được hỏi tiếp: “Gandhi cũng đi khá xa, đến độ nói thế này: “Thực sự, tôi tin rằng nếu nhất thiết phải làm một sự lựa chọn giữa hèn nhát và bạo động, tôi khuyên làm bạo động”. Và để ví dụ, ông kể rằng người con trưởng của ông một hôm hỏi ông đáng lẽ anh ta phải làm gì khi ông bị mưu sát năm 1908, ông đã trả lời: ‘bổn phận của con đáng lẽ là phải dùng đến bạo động’.
Gandhi đưa ra một tiêu chuẩn hành động có thể áp dụng được trong cách xử thế: giữa hèn hạ và bạo động, ông chọn bạo động. Nhưng, nói cho cùng, hèn hạ hay không vẫn là một tiêu chuẩn chủ quan. Bởi vậy, ngài Đạt Lai Lạt Ma vẫn giữ tiêu chuẩn của mình, mà cũng là tiêu chuẩn của Phật giáo, là ý định. Ngài trả lời bằng cách kể lại câu chuyện sau đây mà Phật tử ở đây chắc ai cũng biết. Dù vậy, tôi vẫn dịch nguyên văn:
“Trong đạo Phật có một ẩn dụ mà ý nghĩa cũng giống như vậy. Trong một tiền kiếp, Đức Phật là một thuyền trưởng của một chiếc thuyền gồm 500 thủy thủ; thuyền trưởng biết một người trong đoàn thủy thủ đang âm mưu giết 499 người kia để chiếm đoạt tài sản. Ba lần, thuyền trưởng tìm cách can ngăn, nhưng anh kia không nghe. Thuyền trưởng bèn suy luận như sau: Nếu ta không giết anh thủy thủ này, 499 người kia sẽ chết. Nhưng mặt khác, giết anh này, ta sẽ bị nghiệp xấu vì đã giết người. Nhưng nếu ta không giết kẻ đang âm mưu, ta gián tiếp phạm tội để cho 499 người kia chết. Thuyền trưởng bèn giết tên thủy thủ ấy”.
Tôi không bình luận gì thêm ở đây, chỉ nhắc lại câu nói khi nãy của bà Aung San Suu Kyi: trong chính trị, chấp chặt tín điều là rất nguy hiểm. Người hành động chỉ có thể chân thành tự vấn lương tâm để xét ý định của mình là gì. Ý định của viên thuyền trưởng trong chuyện tiền thân khi nãy là tình thương, là từ bi.
III
Tôi muốn kết luận bài nói chuyện của tôi hôm nay bằng một vấn đề lý thuyết mà bất cứ ai học môn xã hội học đều biết: lý thuyết của nhà xã hội học danh tiếng Max Weber về sự phân biệt giữa hai loại đạo đức: đạo đức của niềm tin và đạo đức của trách nhiệm. Người hành động không thể nào không theo đạo đức của trách nhiệm. Đó là thứ đạo đức buộc họ phải thấy rõ thực tế, thấy họ đứng ở đâu, trong hoàn cảnh nào, đâu là những hậu quả nếu họ quyết định thế này hay thế khác, và như vậy thì phải quyết định thế nào để đạt được những hậu quả hay kết quả mong muốn; đạo đức trách nhiệm xét hành động trong tương quan giữa cứu cánh và phương tiện. Nếu xét cho đến tận cùng thì dù phải nói láo hay làm ác, nghĩa là chịu phạm tội xuống địa ngục, vẫn làm nếu đất nước được vinh quang.
Ngọn lửa vô úy, lửa từ bi của Bồ-tát Thích Quảng Đức
Tôi nghĩ, trong lịch sử Việt Nam, người làm chính trị tiêu biểu cho thứ đạo đức này là Trần Thủ Độ. Lợi ích của đất nước siêu việt cá nhân riêng tư của người lãnh tụ. Đó là nói cho rốt ráo, cho đến cực điểm, chứ thông thường thì đạo đức của trách nhiệm chỉ là đạo đức khiến người hành động lo nghĩ đến hiệu quả, suy tính làm thế nào để lựa chọn phương tiện gì phù hợp với kết quả mong muốn. Đạo đức của trách nhiệm buộc phải hy sinh, hy sinh một giá trị vì một giá trị lớn hơn. Tôi nhắc lại: đạo đức của trách nhiệm không đi đến mức xem mọi phương tiện đều tốt miễn là đạt được kết quả. Cực đoan kiểu đó thì không còn đạo đức, luân lý, giá trị gì nữa, thì qua bên Tàu làm con cháu Tào Tháo.
Giá trị, và sự lựa chọn giữa những giá trị: đó là tiêu chuẩn để nhận ra đạo đức của niềm tin. Đây là thứ đạo đức buộc ta phải hành động theo đúng niềm tin của ta, tình cảm của ta, không cần để ý gì đến hệ quả, dù xa dù gần, dù trực tiếp dù gián tiếp. Ví dụ: tín đồ của chủ nghĩa hòa bình nhất quyết không cầm súng, không giết ai. Ví thử nước của họ bị ngoại xâm, cũng vậy, họ nhất thiết không cầm súng. Họ có thể xung phong vào đội cứu thương, làm y tá, nhưng họ không bắn. Mặc ai chỉ trích với bất cứ lý luận gì, họ vững như bàn thạch, vì người duy nhất có thể phán đoán thái độ của họ là lương tâm của họ và lương tâm của họ chỉ có một tiêu chuẩn để phán đoán thôi là họ có trung thành với niềm tin của họ hay không.
Chắc chắn đạo đức của niềm tin không thể là đạo đức của người làm chính trị. Thế nhưng có phải giữa hai thứ đạo đức có một biên giới rõ ràng, dễ dàng phân biệt trắng đen hay không? Đến một mức nào đó, một tình thế nào đó, đạo đức của niềm tin cũng vấp phải vấn đề hợp lý, cũng bị lý trí soi ánh sáng vào, để thấy một thái độ tuyệt đối có khi là bất hợp lý.
Cũng vậy, đâu có phải đạo đức của trách nhiệm là hoàn toàn không lấy hứng từ niềm tin? Tôi nghĩ đến hiệu quả của hành động, đúng vậy, nhưng đâu có phải tôi chỉ nghĩ đến hiệu quả, tôi còn nghĩ đạt đến hiệu quả ấy vì mục đích gì. Mục đích ấy liên quan đến niềm tin của tôi, đến những giá trị mà tôi theo đuổi. Bởi vậy, xét cho kỹ, đạo đức của niềm tin và đạo đức của trách nhiệm không trái ngược nhau mà bổ túc cho nhau, và đã làm người thì ai cũng phải có cả hai, nhất là người làm chính trị.
Và chính vì vậy mà tôi chọn đề tài này để tưởng niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Trong cuộc tranh đấu bất bạo động của Việt Nam, Ngài là bậc siêu nhân, vượt lên trên sự phân biệt giữa niềm tin và trách nhiệm. Ngài là hình ảnh lý tưởng của tư tưởng bất bạo động trong Phật giáo, là hiện thân cụ thể của vô úy và từ bi. Phật tử chúng ta chiêm ngưỡng Ngài để luôn luôn thắp sáng niềm tin trong lòng. Nhưng để làm người Phật tử trong hành động, tôi phải mượn kinh nghiệm và con người của bà Aung San Suu Kyi, một người cư sĩ như chúng ta, đã biết hòa hợp khéo léo đạo đức của niềm tin và đạo đức của trách nhiệm, xứng đáng để chúng ta theo dõi như một người làm chính trị đích thực Phật tử duy nhất trên thế giới hiện nay.
Cao Huy Thuần
________________
Chú thích:
- Các câu trích dẫn Gandhi là lấy từ: “Gandhi’s Views on God”, www.gandhi-manibhavan.org/gandhiphilosophy/philosophy_god_god.htm và “My religion is based on truth and non violence. Truth is my God. Non violence is the means of realising Him” www.brainyquote.com/quotes/m/mahatmagan160725.html
- Các câu trích dẫn Nelson Mandela là lấy từ Sylvie Laurent, La non-violence est-elle possible? www.laviedesidees.fr/la-non-violence-est-elle-possible.html
- Về đối thoại với ngài Đạt Lai Lạt Ma, lấy từ: Dalaï-Lama et Stéphane Hessel, Déclarons la paix! Pour un peogrès de l’esprit, Indigène éditions, Avril 2012.
- Quyển sách của bà Aung San Suu Kyi: The Voice of Hope, Conversations with Alan Clements, Penguin Books, 1997.