Dự án thiện lành của Tiếng “Hai Lúa”

GN - Năm 2009, lên đường nhập ngũ, rèn luyện, phục vụ trong quân đội 18 tháng, đến cuối tháng 8-2010 xuất ngũ, chàng cựu binh được xét tuyển vào một trường trung cấp, học ngành du lịch, nhưng thấy ngành này không phù hợp nên đã gác lại việc học - bắt đầu cho những chuyến trải nghiệm, kết hợp mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Trước khi thực hiện dự án lúa sạch cho người tiêu dùng và mong ước về ngành nông sản an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng... anh chàng sinh năm 1991, quê ở xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) này có những chuyến đi thú vị: đi bộ 20 tỉnh, thành phía Bắc trong hơn 2 tháng (năm 2013) và đi xuyên Việt bằng xe đạp trong 8 tháng (năm 2014). Chàng trai 24 tuổi ấy là Võ Tiếng.

vo tieng 6.jpg


Võ Tiếng trên hành trình đi bộ trải nghiệm các tỉnh phía Bắc

Đi để trải nghiệm, học hỏi và giúp ích

Kể về việc đi bộ qua 20 tỉnh, thành rồi đến chuyến đạp xe từ Nam ra Bắc đi qua các tỉnh thành Việt Nam trong 8 tháng của mình, Tiếng hào hứng, mình đi để trải nghiệm và giúp ích mọi người bất cứ lúc nào, đi để thoát khỏi cái ao làng và đi để học hỏi những cái hay của mọi vùng miền... Qua chuyến đi, Tiếng nói, nhận thức tình người và phong tục tập quán của bạn về nhiều dân tộc tăng lên, tìm hiểu thêm về tập quán canh tác nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng nông sản ở thôn quê.

Chuyến đi nào của Võ Tiếng cũng đều “chỉ tốn vài chục ngàn đồng”, bạn nói và chúng tôi trố mắt ngạc nhiên trước khi nghe Tiếng kể, mình đi để trải nghiệm chứ không phải đi du lịch nhằm hưởng thụ và tự thưởng, do vậy mình không cần tiền nhiều vẫn đi được. “Mình đi nhưng không dùng tiền để khỏi lệ thuộc vào tiền, từ đó mình sẽ có động lực để vừa đi, vừa làm việc, vận dụng các kỹ năng của mình để xin chỗ nghỉ và trải nghiệm cùng người dân trên suốt chuyến đi” - Tiếng chia sẻ.

 “Có người còn nghi ngờ mình có ý xấu”, nhưng rồi kinh nghiệm của Tiếng chính là “mình cứ tới thẳng nhà của cán bộ các địa phương mình đi qua, trình bày mong muốn về chuyến đi của mình, họ hiểu rồi chắc chắn sẽ yểm trợ mình”.

Do không mang theo tiền nên đi tới nơi nào Võ Tiếng cũng xin làm cùng người dân, họ gặt lúa Tiếng xuống xin đi gặt lúa. Thấy đồng bào dân tộc đi thu ngô thì xin đi thu cùng, thậm chí đi phụ hồ, làm vườn, bất kể việc gì phù hợp với từng vùng miền thì Tiếng đều làm, như một người nông dân cần mẫn, chịu khó thực thụ. Bằng cách ấy, Tiếng xin làm mà không lấy tiền công chỉ lấy lương thực dự tính đủ cho một vài ngày sắp tới, cứ thế đi tiếp, đến những nơi cần đến: chủ yếu là vùng nông thôn, bản, làng...

Trên hành trình dấn thân cho những chuyến “đi bụi” kiểu ấy, Tiếng rút ra, khi không nặng nề chuyện tiền bạc thì bỏ đâu cũng sống được và học được quá nhiều điều tuyệt vời từ hai chuyến đi. Đó là cách thức canh tác an toàn của đồng bào dân tộc (đầu tư ít, chậm mà chắc để có thể sinh lời, nếu lỗ thì vốn ban đầu không lớn đến mức tán gia bại sản), nhưng do đồng bào không có ý niệm làm giàu hay tích trữ tiền bạc (nhiều khi quá nhiều) như mình nên không thấy họ giàu có được; bên cạnh đó là việc chăm sóc lúa an toàn, dùng nhiều phân chuồng, hạn chế phân hóa học và thuốc trừ sâu của người nông dân phía Bắc... Với chàng trai trẻ, bài học nào cũng giá trị, cũng hay, có thể dùng cả đời luôn.

Thao thức của người thanh niên quê lúa

Võ Tiếng cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, trong đó, Đồng Tháp là nơi nổi tiếng về lúa gạo, quê hương sen hồng. Trước khi quyết định đi xuyên Việt cũng như đi bộ quanh các tỉnh phía Bắc, Tiếng là thành viên của Câu lạc bộ Vì Cộng Đồng với nhiều dự án thiện nguyện dành cho nhiều đối tượng, từ người già tới trẻ em, trong đó có dự án rau sạch cung cấp cho các mái ấm, nhà mở ở tại TP.HCM. Từ công việc đó cộng với vốn liếng “con nhà nông” nên Tiếng luôn thao thức sẽ tạo ra nông sản sạch, an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Theo dõi các thông tin về an toàn thực phẩm, các bệnh hiểm nghèo và được biết, ăn uống các thực phẩm, thức uống không an toàn, chứa nhiều thuốc hóa học, thuốc tăng trưởng, thuốc bảo quản... chính là nguyên nhân dẫn tới ung thư, suy nhược các bộ phận bên trong nên Tiếng luôn nghĩ mình phải “thắp nến nhỏ” cho ước mơ nông sản an toàn.

Vậy là Tiếng gác lại mọi chuyến đi để về quê thực hiện dự án về thực phẩm an toàn, sạch. Tiếng lên kế hoạch từ đầu tư, trồng trọt, vận chuyển lưu kho - làm sao cho hợp lý nhất với cánh đồng lúa nhà mình ở quê hương Hồng Ngự. Để có được vụ lúa an toàn đầu tiên, vừa thu hoạch và đã có gạo bán tại địa chỉ 79/7A Nguyễn Hữu Cầu, Q.1, TP.HCM, Tiếng cho biết, phải thuyết phục ba mẹ đồng ý để mình sản xuất theo cách thức của mình. Đó chính là hạn chế phân hóa học, dùng nhiều phân hữu cơ và dùng thuốc vi sinh để phun thay vì theo cách chung, có nhiều lợi nhuận hơn của đa số nông dân là dùng thuốc hóa học.

vo tieng 2.jpg


Và Tiếng "Hai Lúa" trên cánh đồng lúa sạch nhà mình

Tiếng bảo, làm lúa an toàn như vậy thì năng suất sẽ thấp (thu được khoảng 60% so với dùng phân, thuốc hóa học nhiều) nhưng được cái, gạo mình sẽ không chứa nhiều chất hóa học có hại cho sức khỏe người dùng. Chàng trai trẻ nói từ cái lý của ông bà - “bệnh tùng khẩu nhập”, rằng mình ăn uống, cách ăn và thức ăn đưa vào cơ thể chính là nguyên nhân đưa tới bệnh tật - nên Tiếng nghĩ tới việc nâng cao chất lượng sống từ chính hạt gạo, bữa cơm hàng ngày. Theo bạn, người Việt mình ăn cơm thường xuyên, gần như 2-3 bữa mỗi ngày, cũng vì thế mà Tiếng nghĩ tới hạt gạo là mặt hàng đầu tiên trong dự án nông sản an toàn của mình.

Tiếng nói, lúa sạch mà mình xay xát theo kiểu không sạch, nghĩa là trong công đoạn đánh bóng hạt gạo, cho hương thơm và chất bảo quản vào thì gạo đó cũng không an toàn. Gạo an toàn là gạo không chất bảo quản, được Tiếng so sánh bằng thời gian hạt gạo có thể sử dụng là 3-4 tháng sau khi xay, còn gạo có chất bảo quản có khi tới một năm vẫn không có dấu hiệu bị hư (mốc).

Vì canh tác sạch nên năng suất thấp như đã nói, khi đó, giá gạo tăng cao hơn so với gạo bình thường. Hạt gạo của Tiếng lấy tên là Tâm Việt, tạo ra bằng cái tâm và mong muốn góp phần đem đến sức khỏe cho người dùng được định giá 20.000 đồng/kg. Bước đầu là bán cho những người biết đến Tiếng, đồng thời cho khách vãng lai, nhưng ai dùng thì đều khen và tin rằng, sản phẩm được Võ Tiếng chăm chút, tâm huyết - là một sản phẩm an toàn, bởi Tiếng có thể chứng minh bằng cách đưa về tận nơi để tham quan.

Mùa tới, Võ Tiếng cho biết sẽ sử dụng toàn bộ 9ha đất của gia đình để canh tác theo hướng lúa an toàn, dù năng suất không cao, nhưng trong sâu thẳm trái tim và ước vọng của mình, chàng trai trẻ tin rằng mình sẽ thành công, không chỉ trên ruộng lúa nhà mình mà còn vận động nhiều người cùng canh tác theo hướng sạch, an toàn này để cung ứng cho thị trường rộng lớn hơn.

Phía sau thành công...

Đó là sẽ tạo ra những giá trị tích cực, chia sẻ khó khăn với những số phận kém may khác, còn rất nhiều trong xã hội. Lãi ở vụ đầu tiên (từ 4 tấn gạo thu được trên 2ha canh tác) Tiếng đã dành toàn bộ cho hoạt động phát cháo đêm, tặng học bổng cho học trò nghèo. Thông qua kênh hoạt động của Vì Cộng Đồng, Tiếng biết có rất nhiều mảnh đời cần mình giúp đỡ, tạo công ăn việc làm (quan trọng hơn) chứ không chỉ là trao phần quà, miếng cơm, bát cháo...

Về dự định sắp tới, vì thế Võ Tiếng nghĩ tới việc trao học bổng để nhiều bạn trẻ có điều kiện học, từ đó có việc làm và họ sẽ giúp được nhiều người trong tương lai. Thêm nữa là dự án mở quán cơm từ thiện cho người vô gia cư để cho một số người vô gia cư có công việc, không lang thang vô định nữa, đặc biệt, quán cơm sẽ phục vụ giá rẻ cho lao động nghèo... 

“Có triển vọng”

Kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Nữ Thanh, nguyên trưởng bộ môn Di truyền chọn giống (ĐH Nông Lâm) là người hỗ trợ Tiếng trong kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm giúp Tiếng đánh giá như vậy. Cô nói, nhu cầu về nông sản sạch hiện nay rất lớn, nên cần nhiều người chung tay. Đồng thời, cô Nữ Thanh khuyên Tiếng nên phát triển diện tích, mời gọi những đồng nghiệp quanh mình trồng lúa sạch như mình.

Sắp tới, cô Nữ Thanh cho biết, sẽ hỗ trợ Tiếng kết nối đầu ra cho sản phẩm, tìm nơi thẩm định và cấp chứng nhận để Tiếng phát triển, nhân rộng dự án của mình... vì dự án lúa sạch của Tiếng với cô là dự án thiện lành, cần nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày