Du xuân lên đỉnh Tây Thiên

Du xuân lên đỉnh Tây Thiên

Với một vùng núi non hùng vĩ, rừng già nguyên sơ trải dài tới 80 km, nằm giữa 3 tỉnh (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang), Tam Đảo có 3 ngọn núi cao ngất tạo nên 3 đỉnh “linh địa” là Thạch Bàn, Phù Nghĩa, Thiên Thi. Thiền viện Tây Thiên tọa lạc ở lưng chừng ngọn Thạch Bàn giữa khuôn viên rộng gần 5ha, là một trong những Thiền viện Trúc Lâm lớn nhất cả nước. Nơi đây đang trở thành một trung tâm du lịch hút khách du xuân, tương lai sẽ không “kém cạnh” so với Chùa Hương và Yên Tử.

Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ của Trung Quốc và Việt Nam, cùng nhiều sách sử xuất bản từ thế kỷ 20 trở về trước cho rằng Phật Giáo truyền bá đến Trung Quốc vào thế kỷ V, sau đó truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam vào thế kỷ thứ VI. Hầu hết các tài liệu khi đề cập tới sự xuất hiện của Phật giáo ở Việt Nam cũng cho rằng, chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất nước ta, ra đời từ thế kỷ thứ III sau công nguyên. Thuở đó, Sĩ Nhiếp làm thứ sử Giao Châu, ông đã cho dựng chùa Dâu, nhưng chùa này chưa thờ Phật mà thờ Tứ Pháp, tức là 4 vị thần : Pháp Vân (thần mây), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Lôi (thần Sấm), Pháp Điện (thần Chớp). Tuy nhiên thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu cùng nhiều tu sĩ Phật giáo đã tìm thấy những bằng chứng để xác nhận rằng, Phật giáo được truyền thẳng từ Ấn Độ sang Việt Nam từ thế kỷ III trước công nguyên (tức là trước 8 thế kỷ so với Trung Quốc).

Tây Thiên là cái nôi của Phật Giáo Việt Nam ?

Tại kho của Baỏ tàng Hà Tây cũ hiện còn lưu giữ một chiếc lư đốt trầm hương cổ xưa nhất Việt Nam . Lư trầm nhỏ gọn được gắn kết với một khay chứa nước hình tròn, biểu tượng một đóa sen vươn lên từ hồ nước, hiện vật được đúc bằng đồng, trọng lượng chỉ có 0,5kg. Phần nắp của lư trầm được chạm trổ công phu thành bông sen, với 12 cánh sen xếp lớp tự nhiên, tượng  trưng cho 12 nhân duyên trong Phật giáo.

Nơi tiếp giáp giữa các cánh sen có 8 lỗ thoát khí để khói trầm lan tỏa khi đốt, đây cũng là biểu trưng cho Bát chánh đạo. Lư trầm này là một pháp khí của Phật giáo, các nhà khảo cổ nước ta đã xác định được chính xác niên đại của hiện vật là thế kỷ thứ I. Như vậy, đây chính là một bằng chứng vô cùng quan trọng khẳng định đạo Phật đã có mặt ở Việt Nam ngay từ trước kỷ nguyên Tây lịch.
Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt, Viện chủ Thiền Viện Trúc lâm Tây Thiên trải qua hàng chục năm nghiên cứu đã tìm ra rất nhiều dẫn chứng để minh chứng rằng Phật giáo đã xuất hiện ở Tây Thiên từ thời các vua Hùng trị vì. Trong dân gian quanh vùng lưu truyền rằng, thời xưa vào cuối thời Hùng Vương, có một nhà sư tên là sư Bần, người Ấn Độ đến Việt Nam lập bàn thờ Phật và tu trong một hang núi. Chính bởi vậy, về sau các nhà sư Việt Nam thường dùng từ Bần Tăng làm danh xưng. Truyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử được người dân ở gần bãi tự nhiên lưu truyền và đã được các nhà văn sưu tầm, in vào kho tàng cổ tích Việt Nam có đoạn “Tiên Dung và Chử Đồng Tử đi khắp đó đây và được nhà sư Pháp Quang tặng cho một cây gậy và một cái nón. Tối đến nơi nào, cắm gậy và che nón lên, là có thành quách, cung điện hiện ra để ở. Sáng dậy, nhổ gậy lên thì nhà cửa đều bay lên trời đem theo cả Tiên Dung và Chử Đồng Tử”.

Tuy nhiên theo người dân ở Tam Đảo, người giảng đạo và dạy phép thuật cho Chử Đồng Tử, chính là sư Bần ở Tây Thiên. Trong các câu chuyện cổ tích của Việt Nam, người xưa thường gọi Phật là ông Bụt. Phật là phiên âm từ Hán ngữ, còn Bụt lại chính là phiên âm nguyên gốc từ tiếng Phạn của từ Buddha (có nghĩa là Đức Phật). Như vậy, bên cạnh những từ ngữ Phật giáo từ tiếng Hán du nhập vào nước ta, thì trước đó nhân dân ta đã có rất nhiều từ ngữ Phật giáo được du nhập từ chính tiếng Phạn của Ấn Độ.
Các tài liệu của Phật giáo Ấn Độ còn ghi lại sự kiện: Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, đoàn Phật giáo thứ 8 do ngài Sona, ngài Uttara và công chúa con vua A Dục (Ấn Độ) đi truyền giáo ở Miến Điện, Thái Lan và các nước Đông Dương. Đoàn đi theo đường biển vào cửa sông Hồng ngược lên nước Văn Lang, truyền giáo tại Thành Nê Lê. Mặc dù sự kiện này đã từng được học giả Claude Madrolle đề cập khi nói đến Lịch sử Phật giáo Việt Nam , thế nhưng ít được các nhà khoa học nước ta quan tâm, vì không biết thành Nê Lê ở đâu, mặt khác Nê Lê có vẻ như từ của nước ngoài.

Có người cho rằng, Nê Lê là địa danh của nước nào đó, mà các sử gia Phật giáo Ấn Độ đã nhầm lẫn tưởng là ở Việt Nam . Giờ đây, Tỳ Kheo Thích Kiến Nguyệt đã tìm ra được lời giải: Nê Lê chính là phiên âm của chữ Naraka của tiếng Phạn, có nghĩa là địa ngục. Phát hiện này có được khi Tỳ Kheo nghiên cứu bản ngọc phả hiện còn lưu giữ được ở chùa Tây Thiên. Theo Ngọc Phả, “Có lần vua Hùng Vương thứ bảy là Chiêu Vương lên núi Tam Đảo chơi, thấy đã có chùa thờ Phật. Chùa có tên nôm na là Địa Ngục, còn có tên khác là thành Nê Lê”.  Tại sao không phải là chùa Nê Lê, mà lại là thành Nê Lê? Theo lý giải của sư Kiến Nguyệt, có lẽ vì thời bấy giờ từ ngữ còn nghèo nàn, vả lại đạo Phật mới truyền sang, người dân chưa biết đặt tên gọi nơi tu hành của các nhà sư là gì. Vì thấy chùa xây bằng đá giống như thành trì, nên mới gọi là thành Nê Lê.
Thời Hùng Vương, nước Văn Lang chỉ bao gồm một số tỉnh trung du Bắc Bộ, địa thế núi non thấp, chỉ có dãy Tam Đảo là núi cao liên hoàn (700m so với mặt nước biển) rừng thâm u rậm rạp, có suối chảy thác cao, cảnh trí u nhã thanh tịnh. Thấy nơi đây thích hợp cho người tu thiền, đoàn nhà sư Ấn Độ quyết định chọn Tam Đảo để xây tháp lập chùa để tu hành và hóa độ chúng sinh, đặt tên là Tây Thiên (có nghĩa là trời Tây, chỉ nước Ấn Độ, nơi phát sinh đạo Phật). Đến khi các vương triều phong kiến ở nước ta đạt cực thịnh, trên ba ngọn Tam Đảo có 3 ngôi chùa là Hoa Long Thiều Tự, Thiên Quang Thiền Tự, Tây Thiên Thiền Tự. Những năm gần đây, ngành khảo cổ đã khai quật được 3 bia đá của 3 chùa cùng nhiều cổ vật từ thuở vua Hùng tại khu vực rừng Quốc gia Tam Đảo.

Trung tâm du lịch lớn thu hút hàng chục vạn du khách

Những năm trở lại đây, Tây Thiên được xây dựng quy mô, trở thành một trong ba Thiền Viện lớn nhất của cả nước (Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên). Đứng dưới chân núi nhìn lên, Thiền viện thấp thoáng trong mây. Đường lên khúc khuỷu, quanh co, bốn bề mây bay, thông reo, gió thổi, thoáng rộng và thanh sạch. Nơi đây đã hút hồn du khách bởi những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú. Núi cao vút tận trời được phủ lên một lớp rừng già xanh thẫm với nhiều cây cổ thụ, những con suối khi tỏa ra khi thu lại, chảy quanh co...

Hòa trong cảnh sắc hùng vĩ, núi non cẩm tú, Thiền viện trở thành điểm nhấn cho vùng danh lam thắng cảnh vườn Quốc gia Tam Đảo, tạo nên một khu du lịch văn hóa tâm linh, ngày càng thu hút nhiều du khách tham quan chiêm bái.


Khuôn viên Thiền viện Tây Thiên rộng khoảng 4,5ha, được bao bọc bởi khu rừng ngoại vi rộng tới 50 ha. Ngôi Đại Hùng Bửu điện cao 17m, diện tích 673,2 m2, không gian của tòa chính điện này vô cùng bề thế, đủ chỗ ngồi cho 600 phật tử, du khách viếng chùa vào những ngày lễ hội. Bên trái Đại Hùng Bửu điện là Nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Gây ấn tượng đặc biệt cho du khách còn có tòa Thư viện hình bát giác nằm trên đồi và một tượng phật cao 35m. Tất thảy các hạng mục công trình ở đây từ chính điện, nhà tổ, nhà khách, nhà trưng bày, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống... đến khu nội viện gồm tăng đường, thiền đường, trai đường và các thất chuyên tu đều được xây dựng rất kỳ công và độc đáo mang đậm dấu ấn của kiến trúc Á Đông.
Những năm gần đây, Thiền viện Tây Thiên đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước về hành hương, tham quan. Mỗi dịp tết đến xuân về kéo dài đến hết tháng giêng âm lịch, mỗi ngày có hàng ngàn khách hành hương tới vãn cảnh. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Thiền viện dành khoảng 40 phòng để du khách ở xa đến có chỗ nghỉ lại . Việc ăn ở, Thiền viện không thu bất cứ khoản phí nào.
 Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch Tây Thiên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi công xây dựng Khu Trung tâm văn hóa – lễ hội Tây Thiên cùng Dự án cáp treo vào ngày 5/12/2009 tại đền Thõng trong khu danh thắng này.

Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2010, bao gồm trục hành lễ, sân lễ hội, khán đài, các công trình phục vụ công cộng và khu tái định cư. Cùng với đó, Dự án xây dựng hệ thống cáp treo Tây Thiên do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng thực hiện thi công sẽ có tổng mức đầu tư lên tới 258 tỷ, được bố trí tập trung thành 3 khu nhà ga với tổng diện tích 1.73 ha.

Điểm bắt đầu của tuyến cáp treo sẽ đặt tại khu vực đền Cậu, đi qua Thác Bạc và dừng tại chân Đền Thượng. Đây là một trong những hạng mục được ưu tiên xây dựng để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách, tạo điều kiện cho việc tham quan khu di tích danh thắng Tây Thiên được thuận lợi hơn. Theo kế hoạch, trong các năm 2011-2012, rất nhiều công trình phục vụ cho phát triển du lịch tại Tây Thiên sẽ tiếp tục được xây dựng: các công trình dịch vụ, nhà tiếp đón, bưu điện, ngân hàng, nhà chụp ảnh, chợ quê... Danh thắng Tây Thiên đã được xác định là trung tâm lễ hội quan trọng bậc nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong tương lai, Tây Thiên sẽ là điểm du lịch hành hương Phật giáo kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân, sức hấp dẫn được kỳ vọng sẽ không thua kém chùa Hương và Yên Tử. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày