Đưa con đi hết đoạn đường gian nan…

Dù đường dài hay chông gai cách trở, mẹ vẫn cùng bước bên con. Dù năm dài tháng rộng, con đau ốm mẹ vẫn ở bên con. Dù trong cuộc đời này có khổ đau đến đâu thì với mẹ, niềm hạnh phúc nhất vẫn là con đó… Nhân mùa Vu lan, câu chuyện trong tuần xin kể về hai mẹ con bà Nguyễn Thị Khâm (75 tuổi) và chị Bùi Thị Nhân (45 tuổi)...

Bất trắc đổ dồn

Cụ bà Nguyễn Thị Khâm, hiện cư ngụ tại Hưng Long, Kim Long, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dù đang ở tuổi xế chiều, nay đau mai yếu, thế nhưng bà vẫn không khỏi trăn trở cho cuộc sống của cô con gái Bùi Thị Nhân bị ung thư tuyến vú, hai tai điếc không nghe được và căn bệnh bướu cổ. Không chỉ nuôi con, giờ đây bà Khâm còn phải nuôi thêm đứa cháu trai tên Bùi Phúc 19 tuổi, con của chị Nhân mắc phải chứng bệnh tâm thần cách đây 2 năm, giờ cũng đang ở Bệnh viện tâm thần Bình Ba (Bà Rịa-Vũng Tàu).

condi-1.jpg

Bà Khâm trong một lần đưa con đi bệnh viện
                                                               ảnh:
Hữu Bình

Sinh ra tại mảnh đất Quế Sơn, Quảng Nam nghèo khó, bà Khâm lập gia đình và có 2 cô con gái với 1 cậu con trai. Mọi bất hạnh bắt đầu ập xuống gia đình của bà khi người chồng mang bệnh nặng qua đời. Gia đình nghèo khó với cái ăn cái mặc do một mình bà tần tảo ngược xuôi để nuôi con ăn học lớn khôn. Vào năm 1972, ngày định mệnh ập đến người con gái đầu lòng của bà, khi chị Nhân đang tuổi trăng tròn bị trận bom nghiệt ngã đã làm hai lỗ tai tổn thương nặng. Sau hai lần phẫu thuật, cả hai lỗ tai của chị hoàn toàn không nghe được nữa.

Bất hạnh nếu dừng lại ở đó, có lẽ đời chị và cả cuộc đời của bà Khâm đã không phải chịu nhiều đắng cay như ngày hôm nay. Nghịch cảnh tiếp tục đưa đẩy, mọi thứ như đánh đố sức chịu đựng của con người trong cảnh bệnh tật nghèo khó. Khoảng những năm 1990, chị Nhân đi làm công cho một gia đình nọ ở Đà Nẵng, ông chủ lợi dụng khi không có vợ ở nhà đã cướp đi đời con gái của chị. Mọi việc vỡ lở, người vợ biết được và đã hăm dọa đánh đập một người tật bệnh như chị Nhân ra khỏi nhà khi chị bụng mang dạ chửa. Với một người bình thường đã muôn phần khó nhọc huống chi với một người không bình thường như chị Nhân lại là một điều không dễ. Sau khi sinh ra đứa con trai không cha, bị tiếng miệt thị không chồng mà có con của làng xóm láng giềng, cộng thêm áp lực gia đình người đàn ông xấu xa kia nên mẹ con, bà cháu của chị đã phải rời bỏ quê hương xứ sở mà ra đi…

condi-2.jpg

Tranh thủ lót dạ giữa đường - Ảnh: Hữu Bình

Nỗi đau, tình mẹ…

Đứa con chị Nhân sinh ra, em bụ bẫm dễ thương, lớn lên nhờ sự yêu thương của bà, của dì và người mẹ bệnh tật, vẫn chưa hết bàng hoàng. Giặt giũ, ăn uống, ẵm bồng, mọi việc bà Khâm đều làm thay cho chị Nhân. Tôi cười và nói vui "Vậy là bà là mẹ thứ hai của em ấy rồi", bà cười một nụ cười tròn nhưng không mãn nguyện lắm.

Bà Khâm kể: "Thời gian trôi qua, thằng cháu lớn khôn cũng như bao thanh niên khác. Nó học tới lớp 10, ngoan hiền và hiếu thảo lắm chú à…". Nhưng mọi người thì bảo nó không được lanh lợi như các bạn đồng trang lứa, dù em cũng biết ăn chay, đi chùa cùng cô hàng xóm. Hạnh phúc thay nếu như mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Ngày tháng qua đi, em dường như có biểu hiện bệnh nặng hơn khi cứ đi đi rồi cười nói một mình, và một hôm em đã bỏ nhà ra đi trong đêm tối mịt mù. Mấy ngày sau có người gặp em rồi đưa em vào bệnh viện tâm thần ở Ngãi Giao.

Nhìn dáng người nhỏ bé của bà cụ chậm chạp bước đi bên cô con gái với nhiều nỗi lo âu, tôi không khỏi chạnh lòng. Mỗi tháng một lần, với tuổi già bà Khâm vẫn đều đặn đưa chị Nhân vào Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để tái khám, lấy thuốc rồi dẫn con về. Tôi thầm nghĩ trong bụng sao cảnh đời lại trớ trêu, có cảnh tình nào lại đáng thương như vậy, bà cụ với tuổi xế chiều mà vẫn còn phải dẫn con đi bệnh viện lấy thuốc. Bà cho biết thêm rằng đã không biết bao nhiêu lần bà phải ăn ngủ trong bệnh viện vì chứng bệnh của con tái phát. Con khỏe khỏe lại dắt nhau vào bệnh viện tâm thần thăm cháu…

Cái nghèo khó kèm theo bệnh tật làm con người ta kiệt quệ về sức khỏe cũng như tiền bạc, cứ mỗi lần đi tái khám cho con là bà phải vay mượn hàng xóm hơn triệu đồng, chưa kể đứa cháu ngoại của bà cũng mất hơn 400.000 đồng/tháng đóng tiền phí ăn uống cho bệnh viện. Đến bây giờ bà vẫn còn canh cánh trong lòng với món nợ nhà nước và người thân quen giúp đỡ, cho mượn lên đến 25 triệu đồng.

condi-3.jpg

Đưa con vào thăm cháu - Ảnh: Hữu Bình

Sống cho con cháu

Hàng ngày bà sống nhờ vào cái quán bánh kẹo trong nhà, mỗi ngày cũng được chín mười ngàn đồng. Bà tiện tặn trong chi tiêu để dành mua thuốc cho con không đủ. Cũng may, tuy bệnh tật nhưng chị Nhân vẫn lấy vé số đi bán, hôm nào bán hết cũng được 25.000 đồng. Bao nhiêu tiền kiếm được chị đưa hết cho mẹ. Rồi cũng không ít lần chị bị người ta gạt lấy mất hết vé số, chị về nhà khóc tức tưởi mà không nói được gì. Nhìn con lúc này bà lại đau thắt ruột, nhưng cũng kịp vững tâm để trấn an con.

Ngồi nói chuyện với bà tôi biết thêm bà cũng đang mang trong người chứng thoái hóa cột sống, bác sĩ bảo đi bệnh viện nhưng bà không dám đi, vì "Tiền đâu mà đi hở chú, để dành tiền chữa bệnh cho con và cháu thôi, mình già rồi". Giọng bà chùng xuống như một sự an phận với nỗi bất lực trước cảnh nghèo bao năm trời đeo đẳng...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày