Tôi vui mừng khi thấy tỉnh nhà đã tổ chức liên tục nhiều năm khóa Bồi dưỡng kiến thức Trụ trì. Mục tiêu của chúng ta là tu hành để làm lợi ích cho đạo pháp, còn kỹ năng chỉ là phương tiện ứng dụng trong cuộc sống. Ðức Phật thành Phật vì Ngài có đầy đủ trí tuệ quán sát khắp Pháp giới thấy được chỗ nên tới, chỗ không nên tới, người nên tiếp xúc. Nhờ vậy trong suốt bốn mươi chín năm Phật thuyết pháp, Ngài thành tựu tốt đẹp sự giáo hóa từ bậc vua chúa cho đến người cùng đinh và sau khi Phật Niết-bàn, giáo pháp của Ngài được phát triển khắp năm châu bốn biển, xá-lợi của Ngài được xây tháp thờ phụng. Ðức Phật là biểu tượng mà chúng ta kính ngưỡng tôn thờ và chúng ta rất may mắn được làm đệ tử Phật, được đi theo con đường mà Phật đã đi giúp chúng ta có cuộc sống rất an lành và cũng mang an lành đến cho nhiều người. Ðó là ý thứ nhất gợi cho chúng ta suy nghĩ. Ngoài ra, chúng ta nhận thấy Ðức Phật là đấng giáo chủ duy nhất không nhờ vào trí tuệ của thần linh, nhưng trí tuệ của Phật do Ngài tự thân thể nghiệm tu chứng và phát hiện trong cuộc sống.
Giai đoạn một của người xuất gia là tầm sư học đạo, đó là việc quan trọng nhất. Xưa kia, Phật cũng phải trải qua năm năm tìm đạo, nghe chỗ nào có những bậc minh triết thì Ngài tìm tới học không mệt mỏi. Chúng ta cần suy nghĩ điều này. Những người mà Phật theo học, trong đó nổi tiếng là bậc Thánh Kamala có sức thu hút quần chúng rất mạnh. Phật tìm xem vị này có điều gì mà cảm hóa được nhiều người; dù ông ít nói, không cổ động, không tuyên truyền, nhưng người tìm đến ông để học. Ðó là điều mà Phật học đầu tiên để ứng dụng trong cuộc sống và Phật tìm gặp ông không phải ngoài mặt, nhưng gặp ông trong tâm hồn. Ðiều này gợi tôi nhớ lại khi thống nhất Phật giáo, tôi gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Ông nói rằng không phải ông mới gặp các Hòa thượng hôm nay, mà đã gặp từ lâu trong suy nghĩ là làm thế nào cứu nước và gặp nhau trong hành động là làm thế nào có lợi cho dân chúng. Ý này được Ðức Phật dạy rằng suy nghĩ và việc làm của Ngài luôn vì lợi ích cho số đông, mang an lạc cho chư Thiên và loài người. Làm sao cứu nước cứu dân cũng là điều mà Vạn Hạnh thiền sư và Khuông Việt thái sư từng suy nghĩ, từng làm. Tôi có cảm nghĩ mình đã gặp ông Phạm Văn Ðồng trong dòng thác trí tuệ Như Lai và trong dòng lịch sử của nước ta. Ông cũng nói thêm rằng khi ông sang Thái Lan có đem tặng tượng Phật ngàn mắt ngàn tay được coi là biểu tượng của Phật giáo Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Ðiều này khiến chúng ta nghĩ gì? Tượng Phật ngàn mắt ngàn tay chính là biểu tượng của Phật giáo Việt Nam thể hiện sự đoàn kết và thống nhất. Lịch sử cho thấy nhà Trần đánh thắng quân giặc Nguyên Mông cũng nhờ sức mạnh đoàn kết, tức biểu tượng của Bồ-tát Quan Âm, đặc biệt trong lòng bàn tay của Ngài có con mắt thể hiện ý nghĩa hành động có suy nghĩ chỉ đạo là Phật. Trong thập lực của Phật có thân khẩu ý tùy trí tuệ hành, tức là hành động, lời nói và suy nghĩ của Phật luôn luôn có trí tuệ chỉ đạo. Ba nghiệp thân khẩu ý do trí tuệ chỉ đạo, nên Phật không bao giờ phạm sai lầm; đó cũng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ trên bước đường tu.
Khi gặp Ðạo sư Kamala, Thái tử Sĩ Ðạt Ta cảm thấy tâm Ngài thực yên tĩnh, vì tâm Kamala yên tĩnh. Thật vậy, khi ta có duyên tiếp xúc với người có tâm hồn yên tĩnh, ta cũng sẽ yên tĩnh theo. Thiền tông gọi điều này là tiếp tâm truyền đăng. Tâm cầu đạo của Sĩ Ðạt Ta gặp tâm thanh tịnh của vị Thánh Kamala tác động khiến Ngài thanh tịnh. Vì vậy, Sĩ Ðạt Ta đã chứng được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Trên bước đường theo Phật, tất cả chúng ta cần thực tập để chứng được Tứ thiền; nếu không, chúng ta sẽ trở thành người thế gian, vì có chứng được Sơ thiền cho đến Tứ thiền mới tác động cho người giải thoát.
Chứng Sơ thiền là Tăng Ni cố gắng thực tập cho được sự vô nhiễm nghĩa là không bị thế gian, xã hội và thiên nhiên chi phối, không kẹt hàn nhiệt cơ khát, không kẹt việc ăn, mặc, ngủ nghỉ. Tỳ-kheo còn kẹt thức ăn, áo mặc, chỗ ở không phải là Tỳ-kheo đúng nghĩa. Không lệ thuộc cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, nghĩa là tâm chúng ta không vướng bận những thứ này; còn lệ thuộc cơm áo, xây dựng vật chất thì không được giải thoát. Nếu thực lòng tu, hướng tâm đến giải thoát, kinh Pháp hoa nói rằng Phật sẽ khiến Thiên long Bát bộ giữ gìn và chư Thiên dâng cúng. Tu cao thì được cúng nhiều, công đức ít thì được cúng ít, không có công đức, xin Phật cũng không cho. Thật vậy, các vị Tổ sư ẩn cư, nhưng đắc đạo thì vua chúa cho đến Trưởng giả tự tìm đến cúng dường. Thiên Thai Trí Giả đại sư ẩn tu tại Ngọc Tuyền, ngồi trước suối nước; nhưng ngài đắc đạo, Tùy Dạng Ðế lên làm vua đã đến đảnh lễ ngài, xin thọ Bồ-tát giới và xây dựng chùa Quốc Thanh, nay vẫn còn. Tôi sang Trung Quốc đến nơi này đảnh lễ Tổ, chùa này còn tồn tại đến nay đã trên một ngàn năm.
Khi chúng ta đắc Sơ quả, không lệ thuộc vật chất, không bị xã hội chi phối, đức độ tỏa sáng khiến người tìm tới, hay ta và người gặp nhau trong thế giới tâm linh, trong tinh thần vì chúng sanh, vì nước vì dân. Bấy giờ, người tu tìm được nguồn vui ngoài thú vui vật chất, là thú vui trong tâm, trong thiền định do tu chứng, Tăng Ni phải thực tập cho được pháp này, cốt lõi của đạo Phật là vậy. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, một lần may mắn gặp được vị chân tu, tâm tôi được yên tĩnh và trí tuệ phát sanh theo sự hiểu biết của vị này. Thiền tông gọi đó là giáo ngoại biệt truyền, Pháp hoa gọi là vô tự chân kinh, nghĩa là tâm người đắc đạo truyền cho người cầu đạo, hai tâm này tự thông với nhau. Thực tế cho thấy khi lắng lòng, gặp người mà ta và họ có túc nghiệp với nhau thì ta sẽ cảm thấy bất an; trái lại gặp người thiện tri thức thì nghe giọng nói là ta nhận thấy rất thân quen, như vậy là tìm được bạn đồng tu trong kiếp quá khứ. Trên bước đường tầm sư học đạo trong suốt năm năm, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc, Thái tử Sĩ Ðạt Ta đã tìm được thế giới Ly sanh hỷ lạc cho đến Ðịnh sanh hỷ lạc, cảnh bên ngoài không chi phối tâm Ngài, mới có được nguồn vui trong Ðịnh, nên dù hoàn cảnh thế nào chăng nữa, Ngài vẫn thấy an lạc. Riêng tôi cũng cảm nhận được pháp này. Năm 1975, một số thầy hốt hoảng, cảm thấy chết tới nơi. Lúc ấy, tôi ngồi yên một mình tụng kinh Pháp hoa trên chánh điện, tìm được thú vui trong kinh, nên không bận tâm đến hoàn cảnh bên ngoài, đạt được Ðịnh sanh hỷ lạc thì việc sống chết không ảnh hưởng đến mình, hay nếu có chết cũng như mình thay chiếc áo cũ mục để có áo tốt hơn. Sau Ðịnh sanh hỷ lạc, đi sâu vào thế giới tâm linh có Ly hỷ diệu lạc là nguồn vui không diễn tả được và cuối cùng cũng bỏ nguồn vui này là Xả niệm thanh tịnh, chứng Tứ thiền. Trên bước đường cầu đạo, nếu may mắn gặp vị sư đắc đạo, học được pháp này; nếu không thì tu suốt đời cũng không được gì. Và khi đạt được Tứ thiền, vị Ðạo sư không chỉ dạy thêm gì nữa thì Sĩ Ðạt Ta đảnh lễ ra đi.
Thái tử tìm đến vị Ðạo sư thứ hai là ngài Uất Ðầu Lam Phất, nói lên rằng trên bước đường tu, hành giả luôn đi tìm cái mới tốt đẹp hơn. Vị này dạy thái tử Tứ không là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Uất Ðầu Lam Phất chỉ mới tới được pháp này, nhưng không vận dụng được pháp. Không vô biên xứ là thế giới trống không như hư không. Tôi thực tập đến đây, quên mình có thân, quên cả cảnh giới vật chất và tâm cũng trống không. Nhưng trong thế giới Không này còn tồn tại “Thức” là biết ta đang ở trong cái trống không, hay biết ta là hư không, mới phát hiện thêm ta là cái biết vô ảnh vô hình. Bấy giờ lấy trí tuệ làm thân gọi là giới thân huệ mạng. Tu theo Phật, lấy đức làm thân, lấy huệ làm mạng, nên tuy có thân, nhưng thân này tiêu biểu cho giới đức và trí tuệ, không phải là thân ngũ uẩn. Vì vậy, điều quan trọng là phải xả ngũ uẩn, hay chuyển ngũ uẩn thành Pháp thân là giới thân huệ mạng.
Không chứng Pháp thân, không thể đem Phật pháp đi truyền bá. Giới thân là thân đức hạnh, dùng thân này để cảm hóa người, thì người tiếp xúc sẽ thấy con người đức hạnh của ta, nên họ quý trọng đức hạnh ấy. Vì vậy, trên bước đường tu, không có đức hạnh, coi như không tu, đừng nói chi làm trụ trì. Tu cho được đức hạnh, sống với đức hạnh và dùng đức hạnh cảm hóa người. Ðức hạnh có hai là đức hạnh thế gian và đức hạnh xuất thế gian. Ðầu tiên tu cho được đức hạnh thế gian nghĩa là làm bất cứ việc gì thì người ta cũng nghĩ rằng mình tốt. Người tu phải là người tốt. Khi quần chúng và chính quyền nghĩ ta là người tốt, ta mới giảng dạy được; không được như vậy, không thể làm trụ trì. Tôi gặp ngài Giác Chánh nói rằng ngài không hoằng pháp vì có trí tuệ thấy được không có hộ quốc nhân vương ủng hộ thì không thể hoằng pháp. Chúng ta quan sát kỹ thấy các vị Tổ sư cũng đều như vậy. Không được chính quyền chấp nhận mà làm là tự chuốc họa vào thân và còn mang họa đến cho Phật tử. Nhờ tu được đức hạnh, quần chúng kính trọng, nên ngài Giác Chánh không thuyết pháp, nhưng ai có nhân duyên gặp ngài ít nhất cũng lưu lại trong lòng họ ý niệm tốt. Ngài không hoằng pháp nhưng đã hoằng pháp, tức đã truyền bá đạo đức, truyền bá bộ kinh không lời. Ðiều quan trọng này quý Tăng Ni phải cố gắng thực tập cho được. Thực tập như vậy, theo kinh Pháp hoa thì hành giả ở đâu cũng sẽ có Hộ pháp Long thiên giữ gìn và khiến người tới nghe pháp; đó cũng là kinh nghiệm của tôi, nên tôi có nguyện rằng ai có duyên thì Phật khiến họ tới, ai chống phá thì Hộ pháp có trách nhiệm đưa họ đi. Nếu ta cãi nhau, hơn thua với họ, chắc chắn ta thua. Hộ pháp Long thiên vô hình không thấy được, nhưng tôi tin có các ngài ủng hộ và trở lại thực tế cuộc sống, tôi gặp các vị lãnh đạo trên cuộc đời từ ông Bí thư cho đến Chủ tịch, Giám đốc cũng ủng hộ, nên việc thành tựu nhẹ nhàng.
Người có đức hạnh được kính trọng thì vận dụng đức hạnh để làm đạo. Ðức hạnh lớn, nhiều người kính trọng thì chùa lớn ra, đức hạnh nhỏ, ít người kính trọng thì chùa nhỏ lại. Chùa lớn hay nhỏ là tùy ở đức hạnh của vị trụ trì. Vì vậy, bằng mọi cách chúng ta phải tu cho được đức hạnh mới cảm hóa được người. Và khi có đức hạnh, người theo ta thì điều sợ nhất là ta không có gì để dạy họ; cho nên các vị La-hán độn căn thường ở ẩn, không dám hành đạo, vì sợ không làm được điều gì lợi lạc cho người theo, hoặc sợ hướng dẫn người sai lầm là tội nặng. Còn người tu nhưng không hiểu đạo như người điếc không sợ súng sắp rơi vô địa ngục mà cũng chưa thức tỉnh.
Tăng Ni nỗ lực tu, ít nhất chứng được Sơ thiền là tâm bình ổn, không lệ thuộc vật chất thì người tới hay đi, ta không buồn giận, lo sợ và an trú giải thoát, từng bước cảm hóa người sống theo Phật dạy. Nói theo kinh Pháp hoa, ta đã thành tựu đức hạnh và trí tuệ rồi, nhưng có trách nhiệm làm sao cho người đến với ta cũng được như vậy để mau thành Phật.
Tăng Ni thừa kế sự nghiệp của Ðức Phật có trọng trách hoằng dương Chánh pháp không ngoài đức hạnh và trí tuệ đã học được. Mong quý vị rút được kinh nghiệm của người đi trước mà áp dụng cho mình đạt được thành quả lớn hơn để phục vụ cho Phật tử hữu duyên cùng phát huy đạo đức và tri thức. Cầu nguyện quý vị luôn an lạc trong Chánh pháp.