Đừng khiến các gia đình mất ngủ vì Lê Văn Luyện

Pháp luật cần thể hiện tính nhân văn của nó. Nếu anh ta thoát án “tử hình” vì dưới 18 tuổi thì thay vì bất bình, trái lại, chính chúng ta, những người lớn lại phải suy nghĩ một cách có trách nhiệm hơn về việc giáo dục trẻ vị thành niên. 

1. Đã hơn chục ngày kể từ khi xảy ra vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang (24-8), và cũng tròm trèm một tuần từ ngày bắt được nghi phạm. Thế nhưng người ta vẫn không ngừng kể về nó, khai thác nó, lật đi lật lại nó, và đương nhiên, có thể câu view nhờ nó.

Những ngày nghỉ lễ với biết bao kế hoạch vui chơi, những chương trình văn hóa văn nghệ giải trí, những tấm gương điển hình, rồi tiếp theo chuẩn bị cho ngày khai trường... nhưng chẳng hiểu sao, “cướp tiệm vàng” vẫn là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất.

050911_phap-luat_Le-Van-Luyen.jpg

Lê Văn Luyện

Mức độ “hot” của Lê Văn Luyện còn hơn cả hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa trong vụ “xác chết không đầu” cách đây ít lâu.

Tôi vừa lượm được những cái tít đang ở trên “top” tối qua: Những điều chưa kể về chuyên án hiệu vàng ngọc Bích/ Lê Văn Luyện đêm nào cũng mất ngủ/ Vợ chồng chủ tiệm vàng chống trả tên Luyện như thế nào?/ Hung thủ có thể chỉ bị 18 năm tù/ Luật sư nói gì về mức án Lê Văn Luyện phải nhận...

Và các thông tin này không chỉ dừng ở đó. Hàng trăm hàng nghìn comment bày tỏ sự xót xa, tiếc nuối, bức xúc, căm giận ở dưới một số bài viết.

Và cũng không chỉ dừng lại ở trên các phương tiện truyền thông, ở các công sở, chốn chợ búa, các quán nước vỉa hè... cũng râm ran bàn tán... Và sau khi đã “buôn đi, buôn lại” với nhau, quanh quẩn cũng chỉ ngần ấy thông tin (chứ làm gì có hơn), thì hậu quả là nhiều ông bố, bà mẹ rơi vào trạng thái bất an mỗi khi đi ngủ...

Có lẽ chưa bao giờ, người ta lại cảnh giác với việc đóng hết các cửa trên gác thượng hay chốt trong, chốt ngoài cửa chính, cửa sổ như bây giờ.

Và hơn thế, một thói quen truyền lại từ thời “dưới ánh đèn dầu” lại quay về: Trước khi đi ngủ, tay cầm cán chổi, tay cầm đèn pin soi hết các gậm giường, xó tủ... xem có “thằng Lê Văn Luyện” nào đó nấp sẵn trong đó hay không?

2. Vụ án cướp tiệm vàng đúng là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây chấn động trong dư luận. Tuy nhiên, sau khi Lê Văn Luyện bị bắt và những lời khai đầu tiên của anh ta cho thấy khả năng vụ án này sẽ không quá phức tạp để điều tra, xét xử, vì việc gây án của anh ta mang tính manh động, liều lĩnh, chứ chưa có dấu hiệu là “tội phạm có tổ chức”.

Hung thủ thì cũng đã khai nhận tương đối chi tiết quá trình gây án và chạy trốn rồi. Các báo có tường thuật kiểu gì thì quanh quẩn cũng chỉ ngần ấy chi tiết thôi. Có lật đi, lật lại thì cũng chỉ là “phỏng đoán” hoặc “làm mới” lại những thông tin cũ.

Theo tôi, việc lật ra tình tiết Lê Văn Luyện chưa tới 18 tuổi và như thế chỉ có thể xử phạt tối đa 18 năm tù là làm “nóng” vấn đề lên một cách không cần thiết. Những vấn đề ấy đương nhiên sẽ được giải quyết trong quá trình tố tụng, có bàn hay comment cũng không giải quyết vấn đề gì.

Và nếu quả thực “sát thủ” chưa đến 18 tuổi thật, thì mức án dành cho một kẻ phạm pháp vị thành niên như anh ta, chiếu theo các quy định của luật pháp, cũng không có gì là bất công.

Pháp luật cần thể hiện tính nhân văn của nó. Nếu anh ta thoát án “tử hình” vì dưới 18 tuổi thì thay vì bất bình, trái lại, chính chúng ta, những người lớn lại phải suy nghĩ một cách có trách nhiệm hơn về việc giáo dục trẻ vị thành niên.

3. Cuộc sống thì luôn có bất ổn, bất trắc. Đâm chém, cướp, giết, hiếp... ngày nào cũng có và có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Trong xã hội ta còn ít, ở một số nước phương Tây còn xảy ra các vụ xả súng giết người hàng loạt (như ở “thiên đường” Na Uy vừa qua là một ví dụ).

Vì thế, con người ở bất kỳ xã hội nào, thời điểm nào cũng phải chung sống với những bất ổn. Tội phạm là đối tượng cần đấu tranh chứ không phải là đối tượng phải sợ hãi.

Mong sao các thông tin tới đây về vụ cướp tiệm vàng sẽ khiến cho các chủ tiệm vàng cùng tất cả các gia đình cảnh giác hơn trong phòng chống tội phạm.

Nhưng không vì thế mà các gia đình phải rơi vào lo âu, đêm đêm phải chẹn cửa, phải soi đèn pin khắp nhà mới dám tắt đèn đi ngủ. 

Ngô Khởi (TT&VH)

Tin bài liên quan:

>> Đứng trước cái chết

>> Nhân quả hiện tiền!

>> Án tử dưới góc nhìn của người Phật tử trẻ

>> Nghề giết lợn của gia đình đã "tiếp tay" cho hung thủ Luyện?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.

Thông tin hàng ngày