Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.

* Ngày 24-4-2024, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an có Công văn số 3341/CO6-P2 hướng dẫn về mẫu con dấu của Ban Quản trị cơ sở tự viện Phật giáo gởi đến PC06 - Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để cấp cho cơ sở tôn giáo trực thuộc GHPGVN; với những sửa đổi của Hiến chương, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và hướng dẫn trên, vậy con dấu của tự viện hiện nay có còn hiệu lực, tính pháp lý hay không, bạch Hòa thượng?

- Hòa thượng Thích Huệ Thông: Theo quy định của Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII, hiện nay cấp cơ sở - cấp thứ 4 của GHPGVN là Ban Quản trị cơ sở tự viện và cũng là tổ chức tôn giáo trực thuộc. Do đó, con dấu của tự viện (chùa) đang lưu hành có tính pháp lý không cao. Bởi vì, hiện nay đang trong giai đoạn chuyển giao, cần có thời gian để các tự viện thành lập Ban Quản trị tự viện.

* Như vậy, bạch Hòa thượng, con dấu của tự viện được cấp từ trước và hiện vẫn đang được các tự viện trên cả nước áp dụng trong văn bản đối nội cũng như đối ngoại của mình, có phải thu hồi hay không?

- Con dấu của tự viện hiện nay có một ít địa phương thu hồi nhưng đa số địa phương không thu hồi. Con dấu của tự viện vẫn được sử dụng trong các văn bản nội bộ của tự viện cho đến khi chùa được cấp giấy phép chính thức thành lập Ban Quản trị tự viện, từ đó mới có cơ sở để đăng ký con dấu mới của Ban Quản trị tự viện.

* Với vai trò Trưởng ban Pháp chế T.Ư của GHPGVN, Hòa thượng có thể hướng dẫn các thủ tục để các tự viện đăng ký cấp con dấu theo quy định?

- Trước tiên, các tự viện muốn đăng ký con dấu mới thì cần phải thành lập Ban Quản trị. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước chưa nhiều chùa thành lập Ban Quản trị tự viện. Trung ương Giáo hội chắc chắn sẽ có hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.

Tuy nhiên, tôi cũng có thể chia sẻ thêm, với vai trò Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã thực hiện 2 hồ sơ thành lập 2 Ban Quản trị tự viện cho tổ đình Hội Khánh và chùa Hội An - trụ sở của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương và chúng tôi đã được tiếp nhận hồ sơ.

Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Quản trị tự viện là tổ chức tôn giáo trực thuộc cho nên hồ sơ đăng ký thành lập cần phải có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, sau đó Sở Nội vụ tỉnh sẽ có văn bản chấp thuận về nhân sự của Ban Quản trị tự viện để các chùa chính thức thành lập Ban Quản trị.

Khi chính thức được thành lập Ban Quản trị thì hồ sơ đăng ký cấp con dấu cho Ban Quản trị tự viện sẽ được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chấp thuận theo quy định.

* Theo Hòa thượng hiện chưa có nhiều chùa tiến hành việc thành lập Ban Quản trị tự viện, nguyên nhân là do đâu, Giáo hội có biện pháp nào để thúc đẩy tiến trình thành lập Ban Quản trị nhanh hơn?

- Việc thành lập Ban Quản trị tự viện hiện nay còn chậm, theo tôi vì việc này còn khá mới mẻ nên các vị trụ trì, các tự viện vẫn còn chờ sự hướng dẫn chi tiết của Giáo hội. Bên cạnh đó, một số chùa còn có Ban Quản trị do cư sĩ Phật tử điều hành, chùa “nhất Tăng nhất tự”, Ban Quản trị chùa theo truyền thống Hoa tông… Vì thế, chúng ta cần có thời gian.

Tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội vừa qua, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cũng thống nhất trong mùa An cư kiết hạ, Giáo hội sẽ cử nhân sự kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành sẽ triển khai sâu rộng, chi tiết hơn nhằm hướng dẫn, thúc đẩy nhanh việc thành lập Ban Quản trị tự viện - cơ sở cấp thứ 4 của Giáo hội để phù hợp với Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Đất đai.

Xin tri ân Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Giác Ngộ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày