Dừng lại & buông xả

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

GN - Đọc ‘Người vô sự’ của thầy Nhất Hạnh giúp tôi hiểu thế nào là dừng lại và làm người vô sự. Hàng ngày, tâm mình như con khỉ vậy, chạy nhảy lung tung, chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc chạm bên ngoài mà không lúc nào ngơi nghỉ.

Mình luôn trong tâm thế đánh giá, nhận xét mọi sự để thể hiện cái gì đó hay chỉ là bày tỏ cái ngã kiêu mạn của mình. Cái tâm lăng xăng, con khỉ gió ấy à, chạy hết nhà này tới nhà khác không lúc nào chịu yên. Ngày nay người ta hay mệt mỏi bởi có quá nhiều việc đến với mình rồi thả cái tâm rong ruổi theo những việc ấy. ‘Người vô sự’ như một tiếng chuông làm tôi giật mình, giúp tôi nhận diện ‘con khỉ’ của tôi đang làm gì.  Chỉ cần để ý nó và kêu nó dừng lại là tôi thấy khỏe ra ngay. Trong một ngày mà mình làm quá nhiều việc linh tinh, hết chuyện nhỏ tới chuyện lớn cũng đủ làm cho mình mệt mỏi nói chi ‘con khỉ’ nhảy từ vườn này đến đất kia, lao nhọc biết bao. Chỉ cần dừng lại thôi là mình thấy khỏe, tiết kiệm biết bao nhiêu là năng lượng, mấy anh an lạc hạnh phúc kéo đến nhà chơi ngay. Dừng lại thôi khỉ con ơi! Người vô sự là người có con khỉ dừng lại, làm ‘con trâu’ ngoan hiền, sống chánh niệm, thảnh thơi trong giây phút hiện tại.

Bụt là người có ăn cơm, còn mình thì không. Bụt là người có ngủ, còn mình thì không. Bụt là người có đi thiền hành, còn mình thì không. Mỗi việc làm, hành động của Bụt đều trong chánh niệm, tự nhiên thảnh thơi mà hùng dũng, còn mình thì không, lăng xăng mệt mỏi. Khi ăn cơm mình  lo nghĩ chuyện đâu đâu mà không thật sự ăn cơm. Mình nghĩ tới công việc, nghĩ tới tối nay đi chơi với bạn nơi nào..., chưa thật sự tiếp xúc thực tại hiện tiền lúc ăn cơm. Tiếp xúc thực tại như thế nào? Chính là chánh niệm trong từng hành động, từng phút giây là được rồi. Khi mình thực tập được chánh niệm, ăn cơm như Bụt ăn thì trong giây phút ấy mình và Bụt giống nhau rồi. Chúng ta chỉ thiếu là không miên mật như Bụt thôi. Đó là sự chánh niệm trong từng giây phút. Khi có chánh niệm thì lúc đó còn cái gọi là quá khứ, hiện tại hay vị lai nữa không? Lúc bấy giờ là giây phút của vô sanh, vô diệt, giây phút của Niết-bàn còn gì. 

Có một câu chuyện tôi từng đọc đâu đó. Một người tới hỏi thiền sư:

- Con muốn buông bỏ nhiều thứ mà con không làm được, xin thiền sư giúp con. Vị thiền sư không nói năng gì cả, cầm lấy ấm trà rót vào ly nước của người tham vấn đang cầm. Khi nước đầy ly rồi, thiền sư không dừng lại và cứ tiếp tục rót nữa. Nước nóng trong ly tràn ra làm cho tay người tham vấn rát bỏng buông ly rớt xuống và vỡ tan, lúc bấy giờ thiền sư mới nói:

- Đến lúc nào đó thì con cũng tự buông thôi, nhưng bây giờ tay con đau và ly cũng bể. Vậy tại sao con không buông xuống khi con còn có thể để không làm tổn thương nhau.

Câu chuyện ấy làm cho tôi nhớ tới thầy Thánh Nghiêm. Tôi còn nhớ đoạn sư phụ của thầy Thánh Nghiêm hét một tiếng ‘buông’ sau khi nghe thầy kể về những khúc mắc trong lòng. Đọc tới đó, lòng tôi cũng chợt bừng tỉnh, tiếng ‘buông’ ấy như tiếng chuông ngân to vậy. Tôi nhớ lại bao nhiêu khúc mắc của tôi và nó tan dần, lột bỏ theo tiếng chuông ấy. 

Dừng lại đi, không cho con khỉ gió ấy chạy lung tung nữa, sống tự tại trong giây phút này hạnh phúc biết bao. “Nhấc lên là từ bi, buông xuống là hỷ xả” (câu này tôi từng đọc ở đâu ấy). Có những việc mình làm được thì làm ngay, còn không làm được thì không có cố chấp vào cái ta làm chi mà gây đau khổ cho người xung quanh. Khi mình làm việc thiện rồi mà không buông được ý niệm ta đã làm việc thiện ấy thì công đức còn đâu. Vì thế phải luôn theo dõi tâm (con khỉ) của mình để biết dừng lại, biết buông xả. Lúc đó an lạc, hạnh phúc, Bụt tới chơi nhà ngay liền.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày