Ý nghĩa của tư, từ, tự, tứ, tử

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1298 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1298 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi làm công việc nhập liệu đánh máy và kiểm tra lỗi chính tả. Khi làm một số kinh, sách hay bài viết liên quan đến Phật giáo gặp các từ như: Tư, từ, tự, tứ, tử thì rất bối rối. Hiện tôi đã biết ý nghĩa thông thường của những từ này nhưng chưa biết đầy đủ về ý nghĩa của chúng qua lăng kính thuật ngữ Phật học và các ngữ cảnh liên quan. Mong được quý Báo giải thích đầy đủ nghĩa lý Phật học của những từ này.

(HIỀN NHƯ, phannhuhien… @gmail.com)

Bạn Hiền Như thân mến!

Trong văn bản tiếng Việt, hầu hết những từ ngữ trang trọng đều có nguồn gốc Hán-Việt. Các từ như: Tư, từ, tự, tứ, tử là những từ Hán-Việt, chữ Hán được viết khác nhau hoàn toàn nhưng chữ Việt thì được viết gần giống nhau. Nếu bạn không nắm vững ý nghĩa về từ ngữ, thuật ngữ Phật học, các ngữ cảnh liên quan thì khó xác định được từ nào là chính xác để điều chỉnh, biên tập lại cho đúng.

Trước hết là chữ tư. Chữ tư trong tiếng Việt có nghĩa quen thuộc là riêng tư, có nghĩa khác là suy nghĩ như: tư duy, tư tưởng, suy tư, tương tư. Tư trong ý nghĩa Phật học được gọi là tư tác (cetanā), tư niệm là tâm sở phản ứng có chủ ý, là thái độ ứng xử với đối tượng, do đó tư tác có thể là thiện hoặc bất thiện, hữu vi hoặc vô vi (duy tác), hữu nhân hoặc vô nhân.

Từ trong tiếng Việt có nghĩa là chậm, từ từ, từ tốn; có nghĩa từ nơi này đến nơi kia; còn có nghĩa khác là yêu thương, từ ái. Từ trong ý nghĩa Phật học là tình thương rộng lớn không điều kiện, không có bóng dáng tự ngã, một chiều như cha mẹ thương con. Từ không đi với ái mà thường gắn liền với với bi, hỷ và xả; bốn tâm vô lượng.

Tự có nghĩa là chùa chiền, là tự mình. Trong tiếng Việt, tự thường gặp trong các ngữ cảnh như tự tung tự tác, tự sát, tự tử, tự thú. Trong các kinh văn Phật giáo, thường gặp là tự ngã, tự chủ, tự tại.

Tứ có nghĩa là bốn. Trong thi ca, tứ thơ, cấu tứ là cảm xúc thơ, ý nghĩa hình ảnh thơ, linh hồn của bài thơ, là cái làm toát lên vẻ đẹp, sắc thái của bài thơ, cũng là nét nhận diện phong cách làm thơ của các tác giả. Tứ trong thuật ngữ Phật học là một thiền chi (năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm). Tứ là dán chặt tâm vào đối tượng, duy trì sự chú tâm trên đối tượng Chánh pháp. Trong định Sơ thiền, năm thiền chi tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm có mặt.

Tử có nghĩa là chết, tử thi, sinh tử, tử vong, bất tử. Tử có nghĩa là đứa con, như tình mẫu tử. Bao tử là động vật còn là thai trong bụng mẹ, quả mới thành hình, còn có nghĩa là dạ dày. Tử còn có nghĩa màu đỏ tía, tử y (pháp y có màu đỏ tía triều đình ban cho các bậc cao tăng).

Thực chất thì các chữ Hán đều viết khác nhau, nhưng khi đọc bằng phiên âm Hán-Việt thì nhiều chữ có âm giống nhau. Người biết chữ Hán, đọc câu Việt văn với ngữ cảnh riêng dễ dàng nhận ra đó là chữ Hán gì, thuộc từ loại nào (là danh từ, động từ, tính từ…), hàm nghĩa gần xa ra sao. Nếu chữ đó là một thuật ngữ Phật học thì cần lưu ý hơn. Rất nhiều thuật ngữ không dịch ra tiếng Việt mà để y nguyên. Do vậy cần có kiến thức Phật học căn bản mới có thể xác định đúng từ, ngữ, nghĩa, lý trong các văn bản hoặc kinh sách.

Ngày nay, nhiều bộ loại từ điển được số hóa, có thể tra cứu trực tuyến, là công cụ hỗ trợ tích cực cho người làm công việc viết lách, biên tập.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày