GN - Ngày 25-6 vừa qua, HLV Jürgen Klopp đã dẫn dắt CLB Liverpool lên ngôi vô địch giải bóng đá Ngoại hạng Anh sau 30 năm chờ đợi. Đây là chức vô địch đầu tiên của “Lữ đoàn đỏ” ở kỷ nguyên Premier League với thành tích kỷ lục sớm hơn 7 vòng đấu.
Lời chỉ dạy, ấn chứng của các bậc chân tu có giá trị gấp ngàn lần lời khen ngợi của thường nhân - Ảnh minh họa
Còn nhớ, vào đầu tháng 3, khi đại dịch Covid-19 lan tràn, giải bóng đá ở một số quốc gia bị buộc hoãn thi đấu, một phóng viên đã hỏi Jürgen Klopp rằng liệu ông có lo lắng về Covid-19 hay không? Vị huấn luyện viên (HLV) cá tính này thẳng thừng đáp: “Điều tôi không thích ở cuộc sống này, là các người coi trọng ý kiến của một HLV bóng đá về một vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi không hiểu điều đó, thực sự. Việc người nổi tiếng nói ra ý kiến chẳng quan trọng gì cả. Chúng ta phải nói những vấn đề thuộc phạm trù mình biết, chứ không phải lấy một người không biết gì như tôi ra phỏng vấn. Tôi chỉ là một gã đội mũ bóng chày và râu ria lởm chởm. Tôi cũng lo như bao người thôi. Tôi sống trên hành tinh này và mong muốn tất cả được an toàn và khỏe mạnh. Nhưng ý kiến của tôi là vô giá trị” (theo FOX Sports Asia).
Câu trả lời của vị HLV tài năng người Đức chiếm được không ít cảm tình của cư dân mạng. Rõ ràng, chúng ta thường mắc phải hiệu ứng hào quang (Halo Effect) khi tin rằng một người tỏa sáng trong lĩnh vực này thì cũng tỏa sáng trong lĩnh vực khác. Nhiều thương hiệu lợi dụng tâm lý đó, đã thuê những nhân vật nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm của họ. Người tiêu dùng đổ xô mua sản phẩm mà ngôi sao A hay danh thủ B sử dụng với niềm tin rằng đó là sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, những người có một hay hai phẩm chất nổi trội, cũng dễ khiến cho người khác nghĩ rằng những đặc tính khác của họ cũng nổi trội theo.
Nhưng với trường hợp một người trí, họ thường biết rõ họ biết và không biết gì. Người trí biết cách từ chối những việc không thuộc sở trường của họ, biết nhường công việc đó cho người có năng lực, chuyên môn cao hơn. Ngộ nhận bản thân và không tự nhận ra ưu, nhược điểm của mình, hay bằng quan hệ, bằng sự mua chuộc mà được ngồi vào một vị trí quan trọng, điều đó có thể khiến một người trở thành nhân tố gây ra sự trục trặc cho cả hệ thống, đôi khi làm suy yếu một tổ chức. Trên thực tế, người nói hay, giảng giỏi không hẳn sẽ là người lãnh đạo tốt. Trong bóng đá, một tiền đạo giỏi nếu đặt vào vị trí hộ công, họ có thể sẽ làm cho đội bóng thua tan tác.
Đứng trước một quyết định, chúng ta thường nhận được vô số bình phẩm, góp ý. Và lắm lúc chúng ta sẽ trở thành kẻ đẽo cày giữa đường nếu lung lay trước những luồng ý kiến trái chiều. Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Có một chú gấu yêu thích nhảy múa. Chú tự học và muốn biết mình nhảy múa đẹp hay chưa, bèn tìm đến lợn. Lợn nhìn gấu biểu diễn rồi khen nức nở. Gấu không lấy gì làm vui, bèn tìm đến khỉ. Khỉ xem gấu múa xong, phê bình không thương tiếc. Gấu gật gù khi nhận thấy nhược điểm của mình, bởi khỉ là chuyên gia nhảy múa, cho dù lời khỉ nói có “nghịch nhĩ”.
Trong Phật giáo, các hành giả thường tìm đến các bậc chân tu để vấn đạo. Lời chỉ dạy, ấn chứng của các bậc chân tu có giá trị gấp ngàn lần lời khen ngợi của thường nhân. Nghe đúng người, ngồi đúng chỗ, làm đúng việc chính là đạo lý sống ở đời, cũng là minh triết dành cho những ai đang bước đi trên con đường phụng sự, tu đạo giải thoát.