GN - Đó là hai cậu bé chưa đầy 14 tuổi, người dân tộc Chăm ở Phú Yên, lưu lạc hơn 2 năm trời và được nhiều người tốt giúp đỡ. Ngày trở về, nước mắt của hai đứa trẻ đâu chỉ để hờn tủi, mà khóc vì hạnh phúc, vui mừng… không thể diễn tả thành lời.
Tìm được nhà nhờ... ti-vi
Những ngày cuối năm, cộng đồng người Chăm tại thôn Da Dù (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) bỗng sôi động lạ thường. Hàng trăm người dân ở thôn tụ tập lại để chứng kiến ngày trở về của hai cậu bé bị thất lạc hơn 2 năm trời. Mang Sinh (12 tuổi, thường gọi là Rồng) và Mang Ngật (14 tuổi, thường gọi là Ngọc) được trở về với gia đình sau hơn 700 ngày lưu lạc.
Đại diện chính quyền địa phương, chị Tùng Linh ngày bàn giao hai đứa trẻ về với gia đình
Ngồi ôm đứa con trai tưởng chừng như “chẳng bao giờ còn nhìn thấy nữa”, mẹ của Mang Sinh là chị Mang Thị Bình (SN 1980) khóc trong nỗi mừng vui. Chị tâm sự, chị sinh đôi 2 chị em Mang Thị Giáng và Mang Sinh. Năm 2017, chị có thêm người chồng sau, sinh thêm một đứa nhỏ nữa. Mang Sinh vì mê chơi game nên mới trốn nhà bỏ đi. Những ngày không thấy con đâu, chị đã đi tìm kiếm khắp nơi, nhờ rất nhiều người tìm trong hai năm qua nhưng không một tin tức.
Còn Mang Ngật là con của anh Nguyễn Văn Vành và chị Mang Thị Lọn. Anh Vành bệnh nặng không lao động được. Vì kinh tế khó khăn, chị Lọn phải thường xuyên đi làm xa; chị gái của Ngật cũng làm thuê tận Sài Gòn. Ngật ở nhà với cha, nhưng bị người cha say xỉn thường xuyên đánh đập. Mang Ngật bèn rủ Mang Sinh cùng nhau trốn đi. Hồi ấy, hai đứa trẻ mới 10 và 12 tuổi, rời nhà với đôi bàn tay trắng. Chúng cứ đi, đi mải miết, rồi lạc đường và chẳng biết cách về nhà nữa.
Hai đứa trẻ hơn 10 tuổi lần đầu tiên xa nhà, tận hàng trăm km, tới những nơi ồn ào tấp nập, không bình yên như quê nhà. Chúng đã phải trải qua bao đau khổ, buồn tủi, bị hắt hủi, đói khát, ngủ bụi bờ… trong một thời gian khá dài. Nhưng rồi, có những vòng tay đã xuất hiện cứu vớt. Đó là lần gặp gỡ tình cờ rất... “định mệnh” giữa Mang Sinh, Mang Ngật với anh Trần Phước Lợi - trưởng nhóm thiện nguyện Nhân Ái ở xã Ia Phang (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai).
Lúc này, anh Lợi đang trong chuyến thiện nguyện tại Nha Trang (Khánh Hòa), thấy hai đứa trẻ da đen, nhem nhuốc nên hỏi chuyện. Bằng vốn tiếng Kinh lơ lớ, chúng chẳng thể nhớ và tả nổi đường về. Thấy thương, anh Lợi quyết định mang theo Mang Sinh và Mang Ngật về Gia Lai chăm sóc.
Đưa hai đứa trẻ về sống cùng, anh Lợi coi chúng như con. Mang Sinh và Mang Ngật được nuôi nấng, chăm sóc tại nhóm thiện nguyện Nhân Ái. Suốt 2 năm qua, hai em được học, được tham gia lao động, đi làm từ thiện... Chúng xem anh như cha. Trong khi đó, những người cha, người mẹ lạc mất con vẫn đau đáu nơi quê nhà.
Rồi, nhân duyên kỳ lạ, vào đầu tháng 11-2019, khi anh Lợi cùng các con đang quây quần trong một bữa cơm chiều ở Mái ấm Nhân Ái, lũ trẻ vừa ăn cơm vừa xem tivi. Bỗng cả Mang Ngật và Mang Sinh cùng chỉ lên chiếc ti-vi đang chiếu một cảnh trong chương trình thời sự, cả hai cùng reo lên: “Quê mình kìa!”. Quá bất ngờ, anh Lợi chỉ kịp nhìn thấy hình ảnh một ngôi làng người đồng bào thiểu số và dòng chữ chạy bên dưới là tỉnh Phú Yên.
Mang nỗi niềm tìm lại gốc gác, quê hương bản quán cho các con, anh Lợi đã tìm mọi cách để có thêm thông tin. Và, trong một lần trao đổi trên Facebook với chị Đào Thị Tùng Linh (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), anh Lợi đem tâm nguyện ấy chia sẻ với chị và nhận được sự đồng cảm. Cả hai đã phải rất vất vả, trải qua nhiều công đoạn, kết nối với nhiều người, mất nhiều thời gian... cuối cùng xác minh được chính xác địa chỉ nhà của Mang Ngật và Mang Sinh. Một cuộc hội ngộ đầy nước mắt từ đó cũng bắt đầu.
Xúc động ngày đoàn tụ
Giữa tháng 11-2019, những cơn gió rét phủ lên vùng rừng núi xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, Phú Yên), nhưng ở đó có sự sum họp đầy ấm áp, có sự vỡ òa của những niềm vui đoàn tụ, có sự cảm động rơi nước mắt của những người thân.
Anh Lợi chia tay hai đứa trẻ
Đó là một buổi trưa mưa như trút nước do ảnh hưởng bão và không khí lạnh ở “xứ nẫu”, chiếc xe của đoàn thiện nguyện đến buôn Da Dù, rồi dừng trước một ngôi nhà nghèo khó. Người phụ nữ Chăm nghe tiếng xe trước nhà vội vã lao ra.
Đó là chị Mang Thị Bình - mẹ của Mang Sinh. Cửa xe vừa mở, Sinh vội lao xuống. Mặc mưa ướt lạnh, hai mẹ con ôm siết nhau khóc cho thỏa bao ngày lưu lạc, nhớ thương. Người mẹ 39 tuổi một tay ôm con, một tay lau nước mắt, bởi chẳng bao giờ chị nghĩ Mang Sinh có ngày được trở về ngôi nhà thân quen, nơi chôn nhau cắt rốn của nó...
Hai năm qua, không ngày nào hai bà mẹ không thôi nhớ về hai đứa con trai bé nhỏ. Các chị đã tìm kiếm mỏi mòn, và đã có lúc tưởng chừng bỏ cuộc vì nghĩ con trai mình đã chết. Nhưng rồi các chị lại vỡ òa hạnh phúc khi nghe con mình còn sống khỏe mạnh. Cả làng, cả họ đều vui mừng vì câu chuyện lưu lạc và trở về như cổ tích của hai cậu bé người Chăm.
Đưa hai đứa con nuôi về lại quê cũ, anh Lợi ngậm ngùi nhưng lòng mừng vui khôn xiết. Cậu bé Ngật ôm chặt ba nuôi và nói cho mọi người biết: “Ba Lợi còn tổ chức sinh nhật cho tụi con, cho tham gia nhiều hoạt động vui chơi. Tụi con cũng được ba, mẹ, ông, bà ở trong mái ấm yêu thương, chăm sóc, được cho nhiều áo quần mới, có xe đạp để đến lớp học tình thương...”. Anh Lợi cũng không kìm được xúc động, nói: “Mái ấm Nhân Ái là nhà của các con, lúc nào muốn các con cứ trở về. Ba luôn nhớ các con”.
Hành trình phát hiện, cưu mang rồi đưa hai em Mang Sinh, Mang Ngật về nhà như một cuốn phim dài có hậu. Nhưng trong cuốn phim đó luôn hiện diện những con người có thật, những con người sống hết mình với tình thương và lòng trách nhiệm, cũng như những đau đáu về tình người giữa đời thường.
Đó là anh Trần Phước Lợi, dù mới chỉ 31 tuổi, đã học đại học nhưng chỉ làm nghề “thợ đụng” và mở Mái ấm Nhân Ái, nuôi 17 đứa trẻ mồ côi. Là chị Đào Thị Tùng Linh, người thợ may bình thường nhưng có trái tim ấm áp. Chị đã làm được hàng trăm đợt thiện nguyện, giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn và những đứa trẻ khốn khó.
Ông Nguyễn Hữu Duy, Chủ tịch xã Xuân Lãnh cho biết sẽ quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất có thể để hỗ trợ 2 cháu và cảm ơn hai người tốt đã cưu mang và đưa 2 cháu về nhà. Anh Lợi và chị Linh cũng đang xúc tiến tìm hiểu, nếu được sẽ đưa Mang Sinh và Mang Ngật đi học nghề trong thời gian tới. Toàn bộ chi phí sẽ do anh Lợi và chị Linh vận động cho hai cháu. |