GN - Cách đây khoảng ngàn năm, một hôm con Ếch khá to và khá “già” hỏi tôi:
- Ngươi có muốn xuống đáy giếng ngồi chơi với ta không?
Tôi nhanh nhẩu hỏi lại, giọng có vẻ “dè bỉu”:
- Ở dưới đó có gì đâu mà vui? Trên này mới vui và hay đủ thứ chuyện! Ếch lên đây với ta đi!...
Ếch không trả lời. Tôi bỏ đi uống cà-phê. Tôi có một chỗ ngồi cũng đã ngàn năm nay ở cái quán quen này. Ngồi ở đây, tôi được nhìn ngắm đủ thứ, đủ kiểu bá tánh đi qua đi lại với công việc của họ. Xưa, ở giữa kinh thành Athens bên Hy Lạp, trong khi giảng bài cho các đệ tử mình nghe, triết gia Aristotle đã nói, giọng oang oang nghe y như tiếng con ếch đang ngồi dưới đáy giếng kia vọng lên:
- Giữa Athens này, ta nhìn thấy thiên hạ đi qua lại đều có mang bóng dáng và cả suy nghĩ của ta!...
Về phần mình, coi như hàng ngày tôi bỏ ra chút tiền để “mua” một chỗ ngồi trong cái quán cà-phê nhỏ hẹp và dơ dáy này. Nơi đây, tôi “gặp” nhiều loại thiên hạ cũng như được chứng kiến biết bao chuyện “hỷ nộ ái ố” hằng ngày ở chung quanh như một vở kịch đang diễn ra “có lớp có lang” trên sân khấu đời. Ôi! Thật ra, chính tôi đây cũng vừa là một diễn viên lại vừa là một khán giả của “sân khấu đời” này suốt mấy chục năm nay!... Và, chắc gì mặt đất tôi đang sống đây không phải là một cái “đáy giếng” (le fond du puits) nào đó?
Tôi mua một chỗ ngồi
Bằng ly cà-phê đá
Chỉ để nhìn thiên hạ
Có ai “khác” mình không?
Tôi mua một bông hồng
Tặng mình ngày sinh nhật
Bông hồng tươi thơm ngát
Đâu biết tôi đã già!
Tôi mua một bài ca
Của người mù giữa chợ
Lời ca không hạnh phúc
Nhưng đổi được chén cơm
Tôi mua một nỗi buồn
Bằng cả đời lận đận
Nhưng không ai chịu bán
Vì ai cũng giống tôi!
Tôi đành mua chỗ ngồi
Giữa một rừng cỏ dại
Chỉ để thầm nghĩ lại:
Mình với cỏ giống nhau...
Trở lại với chuyện con Ếch ngồi dưới đáy giếng. Dân gian mình hay dùng câu “mày là loại ếch ngồi đáy giếng thì biết gì mà nói!” để ám chỉ những ai không biết “dựa cột mà nghe” trước những câu chuyện hay vấn đề đang được những người am hiểu hoặc có trách nhiệm bàn luận tới... Trời ơi! Vậy mà tuy chỉ có “lá gan cóc tía” nhưng Ếch ta vẫn “coi trời bằng vung”, tức là không hề coi bất cứ ai trên đời này “ra cái gì” cả! Ghê thật!... Ấy là chưa nói tới chuyện “con ếch muốn to bằng con bò” mà chúng ta hay gặp và thậm chí còn tiếp xúc hàng ngày trong cuộc sống bình thường được thiên hạ nhớ ngay tới cụm từ “égo-centralisme”!...
Bây giờ, nhớ tới Ếch, tôi vói cả hai tay xuống giếng để Ếch nắm mà lên bờ chơi với mình. Ai ngờ Ếch lôi tuột tôi lọt hẳn xuống làm tôi sững sờ vì không ngờ Ếch mạnh khỏe đến như vậy! May là tôi không bị va chạm vào thành giếng xây bằng gạch đầy rêu phong! Tôi nghe nói cái giếng này đã có từ trước thời vua Lê Lợi... Vậy mà Ếch nhà ta vẫn sống ngon lành từ đó đến nay trong cái giếng ngàn năm này mà vẫn không một lời ta thán!
Việc đầu tiên là Ếch mời tôi uống rượu. Dưới ánh trăng khuya lấp lánh trong làn nước giếng ngọt ngào và mát lạnh, hai đứa tôi vừa nhâm nhi rượu mua từ bên châu Âu về, vừa kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện xảy ra từ dưới đáy giếng sâu thăm thẳm của Ếch tới chuyện thiên hạ quanh tôi trên mặt đất. Tôi cho Ếch biết là mỗi khi mưa xuống, hằng triệu con ếch kêu vang cả đêm trong những đám ruộng sau nhà tôi. Người ta đua nhau đốt đuốc hoặc soi đèn pin để bắt ếch về bán hoặc làm thịt ăn vì ai cũng bảo nhau rằng thịt ếch xào hoặc nấu cháo ăn rất ngon. Ếch đáy giếng liền trợn tròn hai con mắt to như hạt đậu ra, tay chắp lại, miệng niệm Phật khi nghe tôi kể chuyện lúc bị người ta làm thịt thì hai chân trước của ếch chắp lại như van xin đừng giết nó. Đặt ly rượu xuống, Ếch ta còn khấn lâm râm: “Nam-mô A Di Đà Phật!” rồi hỏi tại sao tôi kể chuyện ấy mà không tỏ vẻ gì xúc động? Tôi chỉ mỉm cười rồi rót thêm rượu cho hai đứa.
Sáng, tôi nhảy một bước là lên tới mặt đất. Ếch còn nói vói theo:
- Tối mai ta sẽ lên nhậu với “ngươi” đó. Lo đi mua mồi gì cho ngon trước đi. Mà này, nhớ là không được mua món thịt... ếch xào lăn đó nha!
Ra tới chợ, tôi đứng tần ngần hồi lâu trước một người đang rao bán mấy xâu ếch đồng. Tôi biết đêm qua trời có mưa to ở đâu quanh đây...