Gia đình An Nhiên đã vượt qua số phận…

GN - Những năm gần đây, đến ngày rằm tháng Tư, trong dòng người đến lễ đài chính của Phật giáo Q.Tân Phú (TP.HCM) tham dự Đại lễ Phật đản, người ta luôn ấn tượng với một nhóm người khuyết tật lớn tuổi ngồi trên xe lắc trang nghiêm tụng kinh mừng Khánh đản. Đằng sau hình ảnh trọn lòng hướng Phật của những Phật tử có hoàn cảnh đặc biệt trên là những câu chuyện lay động lòng người…

Không họ hàng ruột thịt, sinh ra và lớn lên ở vùng miền khác nhau, gặp nhau tại TP.HCM, đồng cảnh ngộ, họ gia nhập vào gia đình khuyết tật An Nhiên, rồi gắn bó, sinh hoạt cùng nhau dưới mái chùa Pháp Vân (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM). Họ tu học, rồi hiểu hoàn cảnh của nhau, mọi người thương nhau như chị em ruột thịt, động viên, chia sẻ với nhau từ chuyện ốm đau, cho đến hỗ trợ tiền học phí cho con, tạo điều kiện cùng nhau tu học tinh tấn, hướng đến ánh sáng Phật pháp để niềm hạnh phúc tự tại hiện diện trong mỗi tâm hồn.

Bình yên ở Gia đình An Nhiên

Gia đình An Nhiên được gầy dựng bởi ông Lê Văn Vinh, quận Tân Phú, TP.HCM. Thời chiến tranh, ông Vinh bị mảnh đạn bắn vào đầu, dẫn đến di chứng liệt 1 tay, 1 chân. “Lúc đó, Sư ông Nhất Hạnh đã gửi anh Vinh sang Tây Đức chữa trị. Sáu năm sau về nước, anh Vinh có thể tự chống nạn đi được và tâm hồn rất vui vẻ.

Có lần người khuyết tật hỏi anh sao thân thể như vậy mà vẫn sống yêu đời và có vợ con đề huề. Anh chia sẻ là do anh đọc nhiều kinh Phật, tiếp xúc với chư Tăng thường xuyên nên tìm được nguồn sống an vui. Từ đó, anh Vinh nảy ra ý tưởng thành lập Gia đình An Nhiên, hướng mọi người cùng hoàn cảnh khuyết tật tu học để ai cũng tìm được hạnh phúc an nhiên, tự tại. Năm 2005, Gia đình An Nhiên đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy”, bà Trần Mộng Liên, gia trưởng hiện tại của Gia đình An Nhiên và cũng là vợ ông Vinh cho biết.

XH 2.JPG

Bà Trần Mộng Liên, gia trưởng Gia đình An Nhiên

Sau thời gian bệnh duyên, ông Vinh mất, bà Liên đã thay chồng mình gánh vác, chăm sóc cho anh em trong gia đình. Những ngày đầu tháng Tư này, hỏi bà Liên về chương trình Kính mừng Đức Phật đản sinh của Gia đình An Nhiên, bà hoan hỷ cho biết: “Năm nay, anh em mình đẩy mạnh tu học, thay vì năm rồi tập trung vô tập, biểu diễn văn nghệ, trang trí xe lắc hoành tráng. Từ ngày mùng 1 tháng Tư, các thành viên tận dụng mọi thời gian có thể để về chùa Pháp Vân nghe quý thầy thuyết pháp. Ngoài ra, chùa nào trên địa bàn quận Tân Phú tổ chức Phật đản, sắp xếp được thời gian và tìm được nhân sự tình nguyện viên hỗ trợ việc bế, ẵm anh em khuyết tật nặng là chúng tôi cùng nhau tham dự, hòa chung niềm vui của người con Phật khắp cả nước”.

Trong dòng người tấp nập đến chùa dự Đại lễ Phật đản, phải mất thời gian tương đối dài để sắp xếp, các thành viên của Gia đình An Nhiên mới tìm được không gian thích hợp và ngồi vào đúng vị trí. Hỏi một thành viên “di chuyển nhiều cô mệt lắm không?”, mặc dù mồ hôi lấm tấm trên mặt nhưng chị Hương vẫn nhoẻn miệng cười tươi bảo: “Có phần vất vả nhưng mà vui, vì mình di chuyển khó khăn, mỗi lần bước lên, xuống xe phải có người giúp đỡ. Vậy nên không chỉ riêng gì cá nhân mình mà với hầu hết anh em ở đây, chỉ cần một ngày đến với chùa dự lễ hay tu học trọn vẹn là chúng tôi đều trân quý”. 

Hòa trong niềm hạnh phúc đó, ông Y chia sẻ: “Tôi sinh hoạt gia đình được 7 năm rồi, đến với Gia đình An Nhiên, tôi tìm thấy rất nhiều niềm vui ngày tuổi già. Sự mặc cảm, mệt mỏi của cuộc sống đã khép lại, chỉ có niềm vui của những người bạn đạo chung hoàn cảnh. Được ngày nay, tôi cảm ơn người đã thành lập Gia đình An Nhiên là anh Vinh, và cảm ơn chị Liên - người tiếp nối anh Vinh điều hành, chăm sóc chu đáo cho các thành viên trong gia đình khi anh Vinh qua đời”.

Với mục đích thành lập Gia đình An Nhiên là giúp người khuyết tật, nghèo khó đến chùa tu học để hết khổ, thân tâm an lạc và có tâm hồn lương thiện, mỗi tháng 2 lần, tất cả các thành viên của gia đình An Nhiên đều tập trung về chùa Pháp Vân tu một ngày. Vào những dịp Phật đản, Vu lan - Báo hiếu, các ngày lễ quan trọng của Phật giáo, các thành viên của gia đình đều gác lại công việc mưu sinh về chùa nghe quý thầy thuyết pháp và công quả theo khả năng của mình. Trang phục của họ là chiếc áo màu nâu ngắn đặc trưng, được thiết kế riêng để dễ dàng di chuyển.

Ngày tu học, họ đều đi đúng giờ, vắng mặt đều nhắn tin nêu lý do để anh chị em trong Gia đình An Nhiên khỏi phải lo lắng. Và bất cứ lúc nào, chỉ cần một thành viên đau ốm, bệnh tật, họ thay phiên nhau hỏi thăm, động viên bằng cả tấm lòng. Như đã thành thói quen, tất cả các thành viên trong Gia đình An Nhiên đều ăn chay mỗi tháng ít nhất 4 ngày. Có người từ ngày gia nhập Gia đình An Nhiên đã phát nguyện ăn trường chay và thuyết phục được cả gia đình mình cùng tu.

Dìu nhau vượt qua số phận

Sau 12 năm thành lập, Gia đình An Nhiên đã có hơn 120 thành viên, tất cả đều là người khuyết tật vận động hoặc gia đình có người khuyết tật nghèo khó. Mỗi thành viên trong gia đình này đều có hoàn cảnh khác nhau, mà theo lời bà Liên bộc bạch, thì: “Có người khuyết tật bẩm sinh, có người do tai nạn mất đi đôi chân, cũng có người do bệnh tật mà không thể di chuyển bình thường. Và mỗi một hoàn cảnh đều có nỗi đau riêng, có những người rất mặc cảm, có những người đột ngột bị tai nạn, tinh thần tuột dốc, họ không thiết tha gì với cuộc đời. Để xoa dịu nỗi đau từng người, bản thân tôi phải hiểu họ và phải nhẹ nhàng, khéo léo thì mới có thể dìu họ bước ra khỏi bóng tối cuộc đời”.

Vừa kể chuyện, bà Liên vừa quan sát các thành viên trong gia đình mình đang xem các tiết mục diễn ra tại lễ Phật đản với ánh mắt yêu thương. Bà đã tận tụy và dành nhiều tâm huyết với Gia đình An Nhiên như thế.

XH 1.JPG

Thành viên Gia đình An Nhiên tham dự lễ Phật đản

Đó cũng chính là lý do để các thành viên đều cảm nhận rằng, gia nhập Gia đình An Nhiên là cả “vùng trời hạnh phúc”. Giống như Đức Phật đã giúp cho họ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, những oán hận cuộc đời không còn mà từ đây họ chuyên tâm tích phước nhiều hơn, tu học nhiều hơn để vơi bớt, không còn khổ đau nữa.

Một thành viên trong Gia đình An Nhiên bộc bạch: “Tôi thấy khuyết tật mà may mắn như anh em chúng tôi ở đây rất là hiếm. Chúng tôi đi tu học lúc nào cũng có chị Liên ngồi phía sau xem tụi tôi có cần gì là giúp liền. Đi đứng không được là có các em thanh niên hỗ trợ. Nói thiệt, nếu không có Gia đình An Nhiên thì tôi không biết cuộc sống của mình đã trôi về đâu. Nhờ tu tập, học hỏi Phật pháp mà chúng tôi biết chấp nhận để thay đổi số phận. Hiện giờ, hai vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc. Các con của tôi hiện nay có tiền đi học là do anh em trong Gia đình An Nhiên cưu mang, từ tiền học phí đến sách vở. Nhà mặc dù nghèo, tôi khuyết tật nhưng ngày nào trong nhà cũng đầy ắp tiếng cười”.

Với sự tu học tinh tấn của mọi người, mỗi năm HT.Thích Phước Trí, trụ trì chùa Pháp Vân có 4 lần hỗ trợ quà cho các thành viên trong Gia đình An Nhiên. Bên cạnh đó, để tiếp sức cho con của các thành viên trong gia đình đến trường, các Phật tử tín tâm là bạn thân của ông Vinh, bà Liên đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài hàng năm đều gửi tiền về, góp vào quỹ học bổng Gia đình An Nhiên.

Cụ thể, mỗi cháu (từ mẫu giáo đến lớp 12) một năm được tài trợ 60 euro, các em học đại học, cao đẳng được tài trợ 100 euro. Hiện có 70 cháu đang được mạnh thường quân tiếp sức và trong số này, chuẩn bị có nhiều em ra trường. Nhờ đó, các thành viên trong gia đình được chăm sóc chu đáo từ vật chất đến tinh thần, để con đường tu tập của họ được rộng mở.

“Ngoài xã hội thì có khi có người đối đãi không tốt với mình, còn kỳ thị… làm mình mặc cảm, tủi cho số phận. Nhưng, mọi người trong Gia đình An Nhiên thì rất thương yêu nhau, đùm bọc nhau, không ai gây tổn thương cho ai. Vì lẽ, ai cũng đã thấm nhuần lời Phật dạy ‘mình gây đau khổ cho người khác thì mình không thể có được hạnh phúc’.

Anh em trong Gia đình An Nhiên dù không ai khá giả, ai cũng mưu sinh vất vả nhưng khi biết Phật pháp rồi, chúng tôi chắt chiu mọi thời gian có thể để tu học. Đối với chúng tôi không gì vui bằng được về chùa tu tập, đó là cách tốt nhất để nuôi dưỡng sự bình an trong tâm hồn”, một thành viên Gia đình An Nhiên tâm niệm. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày