Giá trị của giáo lý Nghiệp

Giá trị của giáo lý Nghiệp

GN - Nghiệp là một trong những giáo lý cơ bản của đạo Phật. Theo Phật giáo, nghiệp chính là nhân tố quan trọng mang tính quyết định tạo nên con người và hoàn cảnh xung quanh.

Kinh Thập thiện nghiệp đạo, Đức Phật dạy tất cả chúng sinh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, do đó có sự lưu chuyển giữa các cõi (tam giới, lục đạo).

Kinh Trung  A-hàm, có người hỏi: “Do nguyên nhân nào mà trên cõi thế gian có người yểu mạng, có người thọ mạng; có người bệnh hoạn, có người khỏe mạnh; có người xấu xí, có người đẹp đẽ; có hạng người nói chi cũng không ai nghe theo, làm gì cũng không ai làm theo; và có người có uy tín, thế lực, làm gì cũng có người ủng hộ, có người làm theo, nói chi cũng có người nghe; có người nghèo khổ, có người giàu sang; có người sinh ra trong gia đình bần tiện, có người sinh ra trong dòng dõi cao sang; có người ngu mê tăm tối, có người thông minh tài trí… Nói chung là người trên thế gian có điều kiện bản thân và hoàn cảnh sống bất đồng?”. Đức Phật đã trả lời: “Tất cả chúng sinh đều mang theo cái nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái nghiệp riêng của mỗi chúng sinh mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh”.

Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật cũng tuyên bố: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã tạo, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.

Bởi vì chính con người tạo ra nghiệp nên mới nói con người là chủ nhân của nghiệp. Con người có quyền tự do tạo ra bất cứ nghiệp gì, thiện hay ác, tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, có lợi hay có hại… và con người sẽ chịu trách nhiệm về những nghiệp mình đã tạo, tức gánh chịu phần hậu quả; vì thế mà nói con người là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là động lực dẫn dắt con người mãi lẩn quẩn trong sinh tử luân hồi; từ nghiệp mà con người sinh ra, vì thế mà nói nghiệp là thai tạng. Nghiệp đi cùng với con người trên lộ trình sinh tử từ vô lượng kiếp đến nay, nghiệp gắn bó khắng khít với con người từ khi sinh ra cho đến lúc đời sống này chấm dứt và tiếp tục đời sống khác sau khi tái sinh, nghiệp ở bên con người mọi lúc mọi nơi, cho nên nghiệp được xem như quyến thuộc của con người, tức những gì thân thiết nhất, gần gũi nhất đối với con người. Nghiệp cũng chính là điểm tựa, vì từ đó con người an mệnh lập thân, kiến tạo đời sống cho mình.

Điều kiện bản thân, môi trường sống, hoàn cảnh sống như thế nào, phẩm chất của cuộc sống là khổ đau hay hạnh phúc mà con người gặt hái được đều là kết quả của nghiệp tạo ra từ thân (hành động, việc làm), khẩu (lời nói) và ý (thái độ, ý chí, quan niệm, nhận thức, suy nghĩ) của chính con người đó; mà động cơ ban đầu, nguồn phát động chính là tâm ý như Đức Phật đã nói: “Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo/ Nếu với ý ô nhiễm/ Nói lên hay hành động/ Khổ não bước theo sau/ Như xe, chân vật kéo”. “Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo/ Nếu với ý thanh tịnh/ Nói lên hay hành động/ An lạc bước theo sau/ Như bóng không rời hình (Kinh Pháp cú, kệ 1&2). 

Sau khi chứng thiên nhãn minh dưới cội bồ-đề, Đức Phật thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sinh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sinh. Kinh Trung bộ, Đức Phật đã tường thuật lại như sau: “Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, vượt tri kiến phàm tục, Ta thấy cách chúng hữu tình sinh tử như thế nào, ta thấy rõ cao quý hay hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi chúng sinh được tái sinh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình, và Ta biết rõ: Những ai đã tạo ác nghiệp về thân, khẩu, ý, sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sinh vào khổ cảnh, vào đọa xứ, địa ngục. Song những ai tạo nghiệp thiện về thân, khẩu, ý sẽ được tái sinh vào cõi lành, lên thiên giới”.

Giáo lý nghiệp đã lý giải rõ nguyên nhân của những hiện tượng sai biệt, bất đồng trong xã hội: Do sự khác biệt giữa cái nghiệp của mỗi chúng sinh nên có trạng thái chênh lệch trong sự tái sinh. Người sinh ra sang cả, kẻ thì đê hèn; người được tôn trọng yêu vì, kẻ bị khinh khi nguyền rủa; người được hạnh phúc an vui từ lúc lọt lòng mẹ, kẻ lại khổ sở khốn cùng triền miên. Do sự khác biệt giữa cái nghiệp của mỗi chúng sinh nên có sự khác nhau về hình dung, tướng mạo: người thì đẹp đẽ, kẻ lại xấu xí; người cao kẻ thấp; người tuấn tú, kẻ dị tướng kỳ hình. Do sự khác biệt giữa cái nghiệp của mỗi chúng sinh nên có tình trạng chênh lệch trong xã hội như được, mất; hơn, thua; danh thơm, tiếng xấu; hạnh phúc hay bất hạnh khổ đau. Do nghiệp mà thế gian luân chuyển. Do nghiệp mà chúng sinh tồn tại. Và cũng do nghiệp mà chúng sinh vướng víu, liên kết với nhau như bánh xe cấu hợp, dính liền và quay tròn quanh cái trục. Do nghiệp mà chúng sinh được vinh hạnh tôn sùng. Do nghiệp mà chúng sinh bị cảnh nô lệ tôi đòi, bị nạn độc tài áp bức, bóc lột, đi đến chỗ bại vong…

Chính vì hiểu rõ mỗi nghiệp thiện ác, tốt xấu, tiêu cực hay tích cực đều có kết quả tương ứng, từ tuệ giác và kinh nghiệm thực tiễn thân chứng, Đức Phật đã đúc kết nên phương châm định hướng cho con người trên bước đường tìm cầu an lạc hạnh phúc: “Không làm các điều ác/ Siêng làm các điều lành/ Giữ tâm ý trong sạch/ Là lời chư Phật dạy” (Kinh Pháp cú, kệ 183).

Giá trị lợi ích lớn nhất của giáo lý nghiệp là giúp cho chúng ta ý thức rõ về trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Thuyết nghiệp cho biết rằng chúng ta là chủ nhân của cuộc đời mình và cũng là chủ nhân của xã hội. Trong một xã hội, mỗi cá nhân có nghiệp riêng của mình (biệt nghiệp) tác động đến cộng đồng, xã hội (cộng nghiệp), và ngược lại cộng đồng, xã hội cũng có những tác động ảnh hưởng đến mỗi thành phần cá nhân. Chúng ta làm nên xã hội, chúng ta tạo nên đặc điểm, tính chất của xã hội, vì vậy mà nói chúng ta là chủ nhân của chính mình và chủ nhân của xã hội. Mọi người có quyền tự do chọn lựa, trở thành con người tốt hoặc trở thành con người xấu, kiến tạo cho mình cuộc sống an lạc hạnh phúc hoặc bất hạnh khổ đau. Chúng ta tạo nên phẩm chất cho chính mình, xây dựng giá trị, bản chất đời sống cá nhân mình và góp phần làm nên xã hội. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả chứ không ai khác.

Thuyết nghiệp giúp cho chúng ta tự tin vào chính mình để không đánh mất vai trò chủ nhân của đời sống, không lệ thuộc tư tưởng thần quyền, tư tưởng nương nhờ, trông cậy vào các thế lực siêu nhiên. Không ai có quyền định đoạt số phận, vận mệnh của chúng ta ngoại trừ chính chúng ta. Các thế lực siêu nhiên như ông trời (thượng đế) và các thần linh (theo tín ngưỡng dân gian) cũng không có khả năng làm thay đổi nghiệp quả của chúng ta, không thể ban phước giáng họa cho chúng ta. Chỉ chúng ta làm cho mình an vui hạnh phúc bằng cách chuyển hóa nội tâm, chuyển hóa nghiệp thông qua các pháp môn tu tập và đời sống hướng thiện.

Thuyết nghiệp cũng dạy chúng ta sống không ỷ lại, bởi vì dù mang thân phận gì, ở địa vị nào, có quyền lực gì đi nữa cũng phải chịu trách nhiệm về những hành động tạo tác của mình, không ai có thể né tránh hay trốn chạy. Là vua quan hay kẻ thứ dân, là người giàu sang hay bần cùng khốn khổ cũng đều bình đẳng trước sự chi phối công bằng của nghiệp. Chúng ta tạo ra nghiệp và nghiệp chi phối trở lại chúng ta. Chúng ta có thể bỏ tiền ra mua quyền chức, danh vọng, địa vị; dùng sự gian ngoa, thủ đoạn tinh vi để luồn lách, chạy trốn sự trừng trị, chế tài của pháp luật thế gian khi làm những việc bất chánh hay khi gây tạo tội ác, nhưng một điều chắc chắn là chúng ta không thể chạy trốn nghiệp quả, không thể bỏ tiền ra mua chuộc hậu quả của những việc mình làm mà mình phải gánh chịu trong hiện tại hoặc tương lai. Bằng tuệ giác, các bậc Thánh giác ngộ thấy rằng dù trải qua trăm nghìn kiếp, nghiệp đã tạo cũng không mất đi, đến lúc gặp điều kiện nhân duyên thích hợp thì thọ nhận quả báo, và một khi quả báo đến rồi thì “Không trên trời, giữa biển/ Không lánh vào động núi/ Không chỗ nào trên đời/ Trốn được quả ác nghiệp” (Kinh Pháp cú, kệ 127).

Hiểu về nghiệp, khi gặp cảnh ngộ không may, thay vì đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho điều kiện, hoàn cảnh, đổ lỗi cho số phận, vận mệnh, đổ lỗi cho thượng đế và thần linh, thì con người nhìn nhận rõ trách nhiệm ở nơi chính bản thân mình và tìm cách khắc phục, sửa đổi.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng không rơi vào tình trạng tuyệt vọng và bế tắc, bởi chúng ta hiểu rằng chính những nghiệp nhân không tốt trong quá khứ đã tạo nên con người và hoàn cảnh hiện tại, và hoàn cảnh này có thể được cải thiện bởi những nghiệp nhân tốt trong hiện tại. Những gì làm trong hiện tại không phải là vô nghĩa, bởi nó có tác dụng tích cực trong việc cải tạo, xây dựng con người và đời sống mới. Thuyết nghiệp tạo niềm tin và hy vọng cho chúng ta về một cuộc sống tốt đẹp ở tương lai và sự cải thiện những gì bất như ý trong hiện tại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày