GN - Ở Việt Nam nói chung hay ở Thanh Hóa nói riêng, chùa là loại hình kiến trúc tôn giáo thờ Phật có cả quá trình ra đời và phát triển đã gần 2.000 năm. Khởi xuất từ Ấn Độ, được truyền đến xứ Thanh - đất Việt bằng nhiều con đường khác nhau, với quá trình tiếp biến, Phật giáo nhanh chóng hội nhập văn hóa bản địa, sớm trở thành văn hóa tinh thần truyền thống nổi trội trong đời sống tâm linh của đa số nhân dân ở nhiều vùng, miền địa phương trong cả tỉnh.
Chùa Vĩnh Thái (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống) - Ảnh: VP BTS PG tỉnh Thanh Hóa
Đến trước Cách mạng Tháng Tám - 1945, theo điều tra và ước lượng của chúng tôi, toàn tỉnh Thanh Hóa (kể cả các huyện đồng bằng và miền núi) đã có tới trên dưới 2.000 ngôi chùa lớn nhỏ trong cấu trúc tín ngưỡng, văn hóa đặc thù: có đủ đình - đền - chùa - miếu - nghè để sinh hoạt cộng đồng theo quy mô to nhỏ khác nhau. Trong hệ thống kiến trúc đền - đình - chùa - miếu ấy, chắc chắn sẽ chứa đựng biết bao giá trị vô giá về văn hóa vật chất, tinh thần của cộng đồng làng xã, quê hương mà cho đến nay với những công trình và dấu tích còn lại vẫn giúp chúng ta tỏ tường về sắc thái truyền thống của văn hóa xứ Thanh.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp (1946-1954), chống Mỹ giành lại sự độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, cùng biết bao sự kiện chính trị - xã hội diễn ra như cải cách ruộng đất, bài trừ mê tín dị đoan..., vì nhận thức cực đoan mà suốt cả một thời gian dài (cụ thể là từ 1945-1985), hầu hết các hệ thống đình - chùa - nghè - miếu ở trong tỉnh Thanh Hóa nói riêng cũng như nhiều tỉnh thành khác cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong những năm tháng đó, hầu như mọi sinh hoạt tín ngưỡng ở các đình - chùa - đền - miếu tại các làng quê đều phải tạm ngưng để nhường chỗ cho sinh hoạt đời sống mới như hội họp và làm việc của các tổ chức chính quyền đoàn thể, có chỗ lại làm nơi học tập bình dân học vụ, hoặc là chỗ tập kết đóng quân, làm việc của các đơn vị quân đội và các cơ quan dân chính trong, ngoài tỉnh trong thời kỳ sơ tán. Rồi có đình, đền, chùa lại trở thành nơi cứu chữa thương binh, nơi cất giữ lương thực, vũ khí cung cấp cho các chiến trường. Vì vậy đình, chùa, đền, miếu cùng những hoạt động tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng truyền thống như 1945 trở về trước không, hoặc ít còn thấy nữa. Sự ngủ dài của các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa truyền thống (đặc biệt là ở các đền - chùa - nghè - miếu) thậm chí còn kéo dài cho đến những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước.
Đặc biệt trong thời kỳ cải cách ruộng đất (1954-1955) đến thời kỳ xây dựng hợp tác hóa và chống Mỹ cứu nước (1960-1975), nhiều đình - chùa - nghè - miếu đã bị tháo dỡ để làm trường học, hoặc trụ sở chính quyền, hợp tác xã, v.v... Nhưng có những địa phương, do tín ngưỡng tâm linh và sự đấu tranh của nhiều cán bộ, nhân dân mà vẫn còn giữ lại được một số di tích như chúng ta đã biết. Đó chính là một sự may mắn lớn cho tỉnh Thanh Hóa khi đến nay vẫn còn lại được một số di tích kiến trúc đình - chùa - đền - nghè rất có giá trị về nhiều phương diện.
Riêng về chùa, cho đến năm 1985, cả tỉnh Thanh Hóa còn khoảng vài chục ngôi chùa đã xuống cấp, hoặc hư hỏng nghiêm trọng (hầu hết đều là chùa có kiến trúc thời Nguyễn, còn loại chùa có kiến trúc cổ hơn như Lý - Trần - Lê đến Tây Sơn thì may ra chỉ còn các bia đá, cột đá, chân tảng, cùng các loại gạch, ngói, đất nung hoặc nền móng còn nằm rải rác đó đây.
Nhưng rất may là đến năm 1986, khi công cuộc đổi mới bắt đầu mở ra, nhờ quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là nhờ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII cùng một loạt văn bản, nghị định triển khai của các ngành, các cấp về việc bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập mở cửa đã kịp thời cứu vãn hàng loạt di tích, trong đó có hệ thống chùa chiền còn sót lại. Và từ đó đến nay (2017), toàn tỉnh Thanh Hóa nhờ có sự bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng tích cực mà đã có 14 chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia và 90 chùa được công nhận là di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, vẫn còn hàng chục ngôi chùa khác vừa mới được phục hồi, tôn tạo trên nền xưa, đất cũ cũng đang tiếp tục được đề nghị xếp hạng.
Mặc dù công cuộc phục hưng của hệ thống chùa ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay có số lượng chỉ bằng 1/20 so với thời kỳ trước năm 1945, nhưng như thế cũng đủ bằng chứng sinh động để nói rằng Phật giáo và hệ thống chùa xứ Thanh có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân xứ Thanh.
Với sự hiển hiện của hơn 100 ngôi chùa đã được công nhận và hoạt động, phát huy tác dụng tốt, chúng ta thấy phần lớn các ngôi chùa, nhờ sự đóng góp tự nguyện của nhân dân và các nhà hảo tâm mà kiến trúc bảo tồn, tôn tạo đã có quy mô được như xưa và hơn xưa. Đó là một thành công đáng kể trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong thời hiện đại.
Một nội dung nữa mà chúng tôi cần nhấn mạnh thêm là trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, riêng trong hệ thống chùa ở Thanh Hóa (kể cả những địa điểm còn di tích, hoặc những địa điểm chỉ còn là phế tích và chôn sâu dấu tích, di vật trong lòng đất, v.v... vẫn được nhân dân phát hiện để giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập hợp được nhiều tài liệu, hiện vật vô giá cả về lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, v.v...), chúng ta đã có trong tay hàng trăm bia ký (từ Lý - Trần - Lê đến Tây Sơn và Nguyễn).
Đặc biệt là tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi (618) ở làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn - tấm bia cổ nhất ở Việt Nam tìm thấy ở chùa đền thờ Lê Cốc (tức Lê Ngọc, người từng giữ chức Thứ sử quận Cửu Chân, Ái Châu Thứ sử, Đô đốc Ái - Đức - Minh - Lỵ - Hoan chư quân sự vào thời nhà Lương, rồi sau đó lại giữ các chức Thường Thị Uy vũ tướng quân, Cửu Chân Thứ sử, tước Mục phong hầu), văn bia gọi tắt là Lê Hầu, hay Lê Thứ sử. Văn bia ghi lại việc Lê Hầu dựng đạo tràng Bảo An (tức chùa Bảo An) tại quận Cửu Chân. Với nội dung còn lại là cơ sở để chúng ta xác nhận chùa Bảo An có thể là một trung tâm Phật giáo lớn nhất của đất Cửu Chân, Châu Ái hồi đầu thế kỷ VII.
Trong hàng trăm tấm bia chùa sưu tầm, thu thập được, chỉ với 5 tấm bia thời Lý còn lại ở Thanh Hóa đã có thể giúp chúng ta tìm hiểu được rất nhiều vấn đề về lịch sử, tôn giáo và kiến trúc nghệ thuật dưới triều Lý Nhân Tông và trước đó nữa. Ngoài ra 5 tấm bia thời Lý còn lại thì bia Hương Nghiêm ở núi Càn Ni (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) dựng vào năm 1125 cho chúng ta biết đến những nhân vật nổi tiếng như Lê Lương - một hào trưởng có thế lực được Đinh Bộ Lĩnh phong chức đứng đầu Cửu Chân - Châu Ái - người đã từng trực tiếp xây dựng ra các chùa Hương Nghiêm, Trinh Nghiêm và Minh Nghiêm ở khoảng giữa thế kỷ X. Cũng qua tấm bia, chúng ta còn biết Lê Đại Hành (Lê Hoàn) rồi đến Lý Thái Tông và sau đó Lý Thường Kiệt là những người đã từng cho tu sửa ngôi chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni này. Riêng bia chùa Linh Xứng (nay thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung) lại chép rõ về công tích của Lý Thường Kiệt trong thời kỳ đánh Tống bình Chiêm và làm Tổng trấn Thanh Hóa trong 19 năm (1082-1101). Chính ông là người trực tiếp cho xây dựng chùa Linh Xứng để nhằm mục đích như văn bia nêu là để các nước lân bang từ xa đến nhìn thấy mà bái phục nể trọng (đó là: “... khi thì sứ giả các nước Hoàn Bang, Chân Lạp, từ xa tới mà quỳ gối ngắm xem; khi thì những kẻ nước lạ phương xa, quy phục mà cúi đầu dập trán". Bia Linh Xứng còn chép khá đầy đủ về lai lịch, chức vụ và diễn biễn cuộc đời của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, v.v... Nhờ đó mà từ Nhữ Bá Sỹ (thế kỷ XIX) đến Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và các nhà sử học sau này mới có đủ tư liệu để viết đầy đủ, chính xác về Lý Thường Kiệt. Cũng nhờ những thông tin trên 5 tấm bia Lý còn lại, chúng ta còn được biết cách phân chia hành chính và nhiều địa danh trên đất xứ Thanh Châu Ái cùng nhiều nhà sư nổi tiếng dưới triều Lý. Năm tấm bia này còn cho chúng ta biết được cách sắp xếp của các pho tượng Phật trong kiến trúc tín ngưỡng, thờ tự nội thất cũng như về cảnh quan và quy mô của các chùa thời Lý là rất bề thế, to lớn. Đó thực sự là những trung tâm Phật giáo tiêu biểu của xứ Thanh thời Lý - thời kỳ mà Phật giáo phát triển cực thịnh thành Quốc giáo.
Bia đức công thành đạo chùa Đại Khánh (3 mặt, khắc quanh tháp)
Về lịch sử, riêng tấm bia chùa Kênh, tức chùa Hưng Phúc (nay thuộc Quảng Hùng, huyện Quảng Xương), là tấm bia thời Trần đã cho chúng ta biết một tư liệu thật quý hiếm về một làng kháng chiến ở hương Yên Duyên do Đại Toát Lê Mạnh chỉ huy đã phục kích đánh bại đội quân hùng hậu của Toa Đô và buộc chúng phải tháo chạy ra biển vào năm Ất Dậu (1285)...
Trong hàng trăm tấm bia chùa còn lại, nhiều bia đã giúp chúng ta hiểu biết rõ hơn về chế độ ruộng đất qua các thời kỳ, về địa danh làng xóm và sông, núi cổ xưa mà sử sách cũng từng ghi chép. Nhưng đặc biệt cũng nhờ khảo cứu ở các bia chùa, chúng ta cũng có thể biết được quy luật phong thủy để tìm địa điểm đặt chùa cũng như về sự đóng góp xây chùa của quan chức đến thứ dân. Bên cạnh đó, những lễ hội chùa xưa diễn biến thế nào cũng thấy một số bia ghi chép.
Ngoài các tấm bia chùa, chúng ta còn khám phá ra hàng loạt dấu tích kiến trúc Lý - Trần - Lê còn sót lại. Ba bệ đá đỡ tượng hình sư tử đội tòa sen ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (thời Lý), hoặc sư tử chùa Thông, thềm rồng ở chùa Hoa Long tự (thời Trần) cùng rất nhiều mảng chạm khắc đá, chạm khắc gỗ qua các thời kỳ lịch sử, hoặc các tượng đất nung và những hiện vật bằng đá, bằng đồng, bằng gỗ, bằng gốm, bằng đất nung còn lại hoặc tìm thấy trong các phế tích của chùa xưa, chúng ta còn bắt gặp nhiều hiện vật mang phong cách kiến trúc và tín ngưỡng Chăm-pa, v.v... đều trở thành những di sản vô cùng quý giá về nhiều phương diện.