Lê Tư Thành (1442-1497) là vua thứ tư nhà Hậu Lê, mà nhiều người quen với miếu hiệu Lê Thánh Tông. Ông là con trai thứ tư của Lê Thái Tông.
Lê Thánh Tông không những là ông vua trị nước giỏi, mà còn là nhà văn hóa lớn - vừa viết văn, làm thơ (cả thơ nôm lẫn thơ chữ Hán) với khối lượng đồ sộ mà trên lĩnh vực nào cũng đạt một nghệ thuật điêu luyện, nội dung chứa đựng tính nhân bản cao.
Điều độc đáo ở Lê Thánh Tông, mà ít ông vua có được là khi làm thơ về những nhân vật tận cùng của xã hội (người ăn mày, làm mõ...) đọc lên vẫn không thấy bị rẻ rúng và vẫn toát lên khẩu khí bậc vương giả.
Xin chỉ nói về mấy giai thoại câu đối nhân ngày Tết.
Tương truyền cứ đến ngày giáp Tết, Lê Thánh Tông thường ăn mặc giả thường dân, vi hành xem dân chúng chuẩn bị đón năm mới ra sao. Gặp một căn nhà tồi tàn, không có câu đối dán ngoài cửa, ông hỏi vì sao? Gia chủ thưa: Thân phận nghèo, lại làm nghề hèn hạ không dám xin chữ ai cả. Lại hỏi: nghề gì? Thưa: hót phân. Lê Thánh Tông bảo đem giấy ra, ông cho chữ. Chủ nhà mừng luống cuống. Lê Thánh Tông bảo người theo hầu lấy nghiêm mài mực và viết ngay đôi câu đối nét chữ bay bướm rất đẹp nổi bật trên giấy hồng điều:
Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự.
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
Nghĩa là: Mình mặc chiếc áo võ (chiếc áo giáp nhiều mảnh kim loại chồng lên nhau na ná như áo tơi của người hót phân) thường gánh vác sự khó khăn trong thế gian.
Tay cầm thanh gươm dài ba thước (ám chỉ dụng cụ hành nghề của chủ nhà) thu hết lòng người trong thiên hạ (nhân tâm nghĩa đen là lòng người, nghĩa bóng là từ lòng người mà ra - phân).
Câu đối tết về gia cảnh người hót phân đọc lên không thấy tầm thường mà mường tượng như ông quan võ, khẩu khí rất đế vương.
Khi đến một ngôi nhà khác cũng không thấy câu đối tết, ông hỏi gia chủ làm nghề gì? Thưa: thợ nhuộm vải. Lại bảo người ta lấy giấy, và viết giúp câu đối:
Thiên hạ thanh hoàng, gian ngã thủ.
Triều trung chu tử, tổng ngô môn.
Nghĩa là các thứ xanh, vàng trong thiên hạ đều do tay ta (theo sự mê tín xưa: trời xanh là cảnh thái bình, trời vàng là cảnh loạn lạc - nên còn hiểu sự thái bình hay loạn ly trong thiên hạ đều do tay ta làm ra cả).
Các thứ đỏ, tía trong triều đình cũng đều từ cửa nhà ta mà ra.
Còn có một lần khác Lê Thánh Tông làm giúp câu đối tết cho một bà lão bán hàng trầu, nước, nhưng ông làm nôm:
Nếp giầu quen thói hình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm.
Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng.
Đôi câu đối nói lên được hiện vật của một hàng nước giầu (cau), cơi (trầu), ấm, nước: bát, hàng (quán)... nhưng mang đậu khẩu khí đế vương - cứ như là đang trị quốc, bình thiên hạ vậy.