Giáo hội giữa những thay đổi của xã hội

GN - Hoạt động Phật sự của Giáo hội đã đi qua những năm bản lề và dần dần bước vào nửa cuối nhiệm kỳ VII (2012 - 2017). Dù còn khá sớm để nhìn lại một cách tường tận về các hoạt động Phật sự nhưng với những gì được thể hiện của năm 2014, với những thay đổi trong quan niệm sống của nhiều người, trong chiều hướng phát triển của xã hội cũng để lại cho những người lưu tâm nhiều suy nghĩ.

Xử lý khủng hoảng truyền thông

Có thể nói, chưa bao giờ truyền thông lại có những hiện tượng dậy sóng dư luận như năm 2014 khi có khá nhiều khoảng trống trong quản lý từ các cơ quan chức năng cũng như chiều hướng nhiễu loạn phương thức tiếp cận của độc giả. Nếu như một vài năm trước, người đọc thường có cảm giác e ngại trước những kênh được xem là “báo lá cải” vì tin tức không đáng tin cậy, thì thời gian gần đây, các kiểu thông tin như thế lan sang cả báo chí chính thống. 

>> Giáo hội trước thời duyên

BTN_0022.JPG

Mỗi ngày, mở những trang báo mạng và cả báo giấy, đập vào mắt trước hết không phải là những chia sẻ giá trị cuộc sống, các nhân tố điển hình cần được phát huy hay thông tin đầy triển vọng mà đó là những bản tin giật gân, câu khách, thiên về tính giải trí tầm thường hơn là khơi gợi sự suy gẫm một lối sống hướng thượng. Vì thế, năm 2014 cũng là năm có nhiều cơ quan báo chí bị nhắc nhở, xử phạt.

Trong chiều hướng ấy, Giáo hội - một thực thể vận động giữa xã hội với bộ máy tổ chức, con người và các yếu tố liên hệ khác cũng bắt đầu bị “săm soi”. Điều này là lẽ tất yếu bởi những thay đổi của một đất nước đang trên con đường hội nhập, các cá thể có dịp tiếp cận nhiều lối sống khác nhau thiếu định hướng và chọn lọc. Không những thế, với thế giới phẳng ngày nay, mọi sự việc và hành động đều có thể bị phơi bày dưới cách này hay cách khác mà chủ nhân của nó khó có thể “bưng bít” hay giấu nhẹm.

Từ thực trạng ấy mà năm qua, các thông tin liên quan đến Phật giáo, đến Tăng Ni và Phật tử có dấu hiệu tràn lan trước cơn bão truyền thông. Dù rằng có cả tiêu cực lẫn tích cực nhưng chung quy lại chiều hướng xấu trở nên phổ biến bởi những câu từ to tát, theo kiểu “phát sốt”, “lạ lùng”, “dậy sóng”, “cư dân mạng sốc…”, “sư hổ mang”, v.v…

Chẳng vui khi phải nhắc đến nhưng rõ ràng Tăng Ni, Phật tử cả nước đã nhiều phen phải chạnh lòng về các thông tin liên quan đến chuyện nuôi trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề (Hà Nội), vụ việc của một vài tu sĩ trẻ như T.M.N (Cần Thơ) hay mới đây nhất là T.C.M (Khánh Hòa). Ngay cả sự việc không có thật nhưng cũng được các tờ báo “dựng chuyện” với nội dung nhiều xót xa, thương cảm về một vị tu tại gia mang pháp danh Thiện Nhơn (Bình Chánh, TP.HCM). Rồi đến một tờ báo chính thống lại cho đăng những bài viết được xem là “xúc phạm” đến cả một trong những vị giáo phẩm cao cấp của Giáo hội.

Trước những sự việc này, Giáo hội ở nhiều cấp độ khác nhau đã có những phát ngôn chính thức, những phản ứng nhưng điều dễ nhận thấy là vẫn không xoa dịu được dư luận nhất là đã xuất hiện khá nhiều bình luận ác ý trên các trang mạng xã hội.

Ở đó, phần lớn người tham gia bình luận đã dùng nhiều lời lẽ chua cay khi ám chỉ về đời sống tu hành của Tăng Ni và sinh hoạt chùa chiền, tự viện. Và có vẻ như Giáo hội chưa có sự chuẩn bị và vẫn còn lúng túng tìm cách ứng xử với những hiện tượng xã hội và truyền thông này. Điều này cũng dễ hiểu vì chúng ta chưa quen với các hoạt động phản biện nhưng từ những vụ việc này, thuật ngữ “xử lý khủng hoảng truyền thông” cần được lưu tâm và tiếp cận một cách nghiêm túc trong các cấp tổ chức Giáo hội. Đừng để mọi chuyện xảy ra rồi mới tìm cách xử lý vì “được vạ thì má đã sưng”. Trong trường hợp này, những dấu tích của thông tin nhất là trên các trang mạng xã hội khó mà xóa bỏ.

Chạnh lòng về số lượng tín đồ

Tín đồ được xem như một bộ phận nòng cốt và là hạt nhân trong định hướng phát triển của mỗi tôn giáo. Khác với các tôn giáo phương Tây với nề nếp tổ chức và quản lý tín đồ theo khu vực và đơn vị cụ thể, Phật giáo dường như chưa chú trọng đến việc thống kê và tiếp cận các thông tin tín đồ từ các con số.

Từ ngày thành lập Giáo hội đến nay, mỗi dịp hội nghị thường niên đều có các số liệu về lượng tín đồ đến tu học tại các đạo tràng, lớp giáo lý nhưng có lẽ thông tin này chưa đáng tin cậy và đôi lúc có sự trùng lắp. Vì đó chỉ mới là những cập nhật mang tính phỏng đoán và tổng hợp từ các đơn vị cấp dưới gửi lên chứ chưa thông qua một khảo sát khoa học tổng thể và đồng bộ.

Cách đây vài năm, Tăng Ni, Phật tử cả nước giật mình trước con số thống kê của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số năm 2010 khi công bố số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam chỉ ở mức 6,8 triệu người, chiếm 7,92% dân số. Thông tin này vừa được đưa ra đã gặp phải những phản biện và bình luận gay gắt về tính toàn diện của nó. Dù vậy, đây vẫn được xem là thống kê duy nhất mang tính chính thống về số lượng tín đồ đối với Phật giáo cho đến nay. Ngược lại, các bài phát biểu hay những buổi trao đổi mang tính xã giao, chư tôn túc lãnh đạo Giáo hội thường nêu con số tín đồ chiếm 40%, 60% và thậm chí 80% dân số cả nước.

Vậy đâu là con số chính xác? Số lượng tín đồ tổng thể hiện nay bao nhiêu và đang theo chiều hướng tăng hay giảm trong năm 2014? Đây thực sự là một dấu hỏi lớn và cần sự quan tâm đúng mực. Trong một tài liệu nội bộ không chính thức của một tôn giáo phương Tây công bố bằng tiếng nước ngoài vào giữa tháng 12-2014 mà người viết có dịp tiếp cận cho thấy số lượng tín đồ của tôn giáo ấy đang tăng lên một cách nhanh chóng tại khu vực châu Á. Trong khi đó tín đồ truyền thống của khu vực này là Phật giáo có dấu hiệu giảm đi ngay cả ở những đất nước đạo Phật là quốc giáo, là tôn giáo lâu đời, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đó là góc nhìn của một tôn giáo có thể chưa có sự kiểm chứng nhưng chắc chắn cũng là điều đáng để suy nghĩ. Bởi lẽ khi đưa ra thông tin như thế, họ cũng đã cân nhắc và có cách thông kê của riêng mình. Về phía Giáo hội, sau một năm hoạt động với nhiều chương trình được thực hiện, nhiều kế hoạch được triển khai, nhiều Phật sự được hoàn thành mà mục tiêu vẫn hướng đến sự nghiệp truyền bá Chánh pháp, xiển dương lời dạy của Đức Phật, trong đó khách thể là tín đồ.

Vậy liệu có thể đoan chắc rằng mình đã nắm rõ thông tin tín đồ và quan trọng hơn, số lượng tín đồ của chúng ta đang tăng lên? Có lẽ câu hỏi này rất cần chư tôn túc có trách nhiệm điều nghiên và tìm lời giải đáp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày