Giáo lý nhà Phật giúp ngăn ngừa trộm cắp

GNO - Ăn cắp đang là một hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện nay, từ ăn cắp vặt tới ăn cắp giờ làm, ăn cắp ý tưởng và đạo văn, ăn cắp tin tức và tham nhũng, tham ô...

Đây là hành vi vi phạm quy chuẩn đạo đức, lối sống và cả pháp luật. Tuy nhiên, con người vẫn làm để thỏa mãn những dục vọng, do bị thôi thúc từ bên trong - ba độc tham, sân, si vẫn còn.

>> Nghĩ từ vụ nữ sinh trộm sách

Tiếp tục câu chuyện về ăn cắp và bị xử của một học sinh ở Chư Sê (Gia Lai) gây xôn xao dư luận, với những ý kiến trái chiều, Thạc sĩ văn hóa Cù Thị Thanh Huyền (ảnh), giảng viên Khoa Báo chí (Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2, TP.HCM) chia sẻ với Giác Ngộ online:

cu thi thanh huyen.jpg

- Tôi cho rằng các em còn nhỏ suy nghĩ chưa nhiều, đây là chuyện thường thấy bởi đó là biểu hiện có tính lặp lại ở rất nhiều trẻ. Một trẻ ăn cắp là chuyện bình thường, nhưng cái bình thường ấy không đồng nghĩa với cái đúng.

Ví dụ các em thích ăn một trái xoài thấy xoài trong vườn nhà kế bên thì lo ăn mà quên suy nghĩ xem mình làm như vậy có lỗi hay không, hoặc biết có lỗi nhưng do muốn ăn nên mặc kệ vì cơ bản cơ chế tự kiềm chế của trẻ chưa được hình thành hoặc có nhưng yếu ớt... Hay nói cách khác, đó là một hành động tự nhiên, theo kiểu bản năng mà chưa có sự rèn luyện, giáo dục kỹ càng thì sẽ được biểu hiện.

Nguyên nhân có thể là nhỏ nhặt như vậy, còn những nguyên nhân khác ví dụ như các em bị người khác ép buộc, hoặc thậm chí được người lớn “bật đèn xanh” cho làm việc ấy thì quả thật khó nói. Khi ấy các em cũng chính là nạn nhân của việc giáo dục sai lầm.

* Nhưng nếu cứ lấy lý do đó để biện bạch cho các em thì liệu có tạo cho các em sự ỷ lại, vô tình cổ súy các em ăn cắp như có người đã lo lắng và cho rằng “cả xã hội đang ủng hộ cho trộm cắp” không, thưa Thạc sĩ?

- Thạc sĩ Cù Thị Thanh Huyền: Theo tôi con người có nhiều nhu cầu và họ sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu đó, có một số thì kiềm chế được nhu cầu của mình, có một số thì không.

Là người lớn chúng ta phải biết làm gương, giáo dục các em từ lúc còn nhỏ, chứ không thể để các em phi phạm rồi bảo là con tôi, cháu tôi còn nhỏ là không được. Đây là thái độ, một sự phản ứng phổ biến của phụ huynh, của người lớn; tất nhiên không phải là một hành vi có thể chấp nhận, chúng ta phải thay đổi chúng.

* Còn việc các em có lỗi và người lớn lại trừng phạt các em bằng những hành động phản khoa học, không hợp với phương châm giáo dục, ví dụ như bêu xấu các em, đánh đập các em... Thạc sĩ có suy nghĩ gì cho việc này?

- Tôi cho rằng người lớn muốn điều chỉnh một hành vi chưa có văn hóa hay một hành vi tiêu cực thì phải dùng biện pháp có văn hóa, tích cực, nếu không cư xử đúng sẽ dễ làm tổn thương đến các em. Khi đó, vô tình người lớn nghĩ là giáo dục nhưng lại là phản giáo dục. Khi đó, có khi chưa làm các em tốt lên thì người lớn đã xấu đi, thậm chí phạm pháp vì có hành vi làm nhục, bức hại trẻ em...

* Trẻ nhỏ ăn cắp chúng ta có thể giáo dục từ từ vì các em còn nhỏ, nhưng người lớn cũng ăn cắp và họ đủ suy nghĩ để biết hành động của mình là sai, nhưng họ vẫn làm?

- Nguyên nhân không có gì khác là do nhu cầu vô tận của con người, có một muốn mười, có mười muốn một trăm. Người ta không kiềm chế được ham muốn nên người ta quyết lấy cho bằng được. Theo đó, người bình dân cũng ăn cắp, người trí thức, người làm quan cũng tham nhũng..., từ đó, đủ để thấy cái tham, dục vọng chiếm lĩnh rất cao của con người.

Chính sự ham muốn lấn át lý trí, do như vậy con người ta cứ tiếp tục quẩn quanh trong vòng tham lam, tội lỗi mà quên mất cái giá mà họ phải trả như thế nào. Và, do vậy mà con người cần phải rèn luyện, tiết chế, có chuẩn đạo đức để thực tập, noi theo... nhằm bảo hộ bản thân.

* Đối với con cái, thạc sĩ thường dạy con mình như thế nào?

- Tôi mong muốn các con tôi phải sống tiết kiệm, chấp nhận và hài lòng với cái đang có và sẽ dạy con mình theo hướng đó. Ví dụ thay vì ăn một món ăn ngon hơn, dư dả, tôi vẫn mua được cho các con, nhưng bên cạnh đó tôi cũng nói với các con những món ăn khác, bình dị hơn, như mớ rau luộc vẫn ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.

Tôi tập cho con mình biết những giá trị của cuộc sống và không hướng cho các cháu là phải ăn sang trọng, muốn gì cho nấy. Tôi biết, làm như vậy thì đến khi không có chúng ta bên cạnh, không còn ai đáp ứng cho các cháu, như thế các cháu sẽ dễ sinh bệnh trộm cắp để thỏa mãn nhu cầu...

trom.jpg
Trộm cắp - Tranh minh họa

* Nhà Phật có giới cấm không trộm cắp, Thạc sĩ có ý nghĩ ứng dụng nguyên tắc đạo đức này để giáo dục con cái hay học trò của mình?

- Tôi biết rất nhiều hệ lụy bắt nguồn từ tham, sân, si. Trong nhà Phật thì nói nhiều đến vấn đề chuyển hóa dục vọng, khi con người sống thiểu dục (ít ham muốn) tới mức độ nào đó thì hành vi trộm cắp, tham nhũng sẽ không còn nữa. Do vậy, tôi nghĩ giáo lý Phật rất phù hợp trong việc giáo dục con người, con cái, hay giáo dục các em hoc sinh, sinh viên...

Trần Hà Vân thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày