Giáo sư Huỳnh Như Phương: Những lời đưa tiễn Giáo sư Cao Huy Thuần

Lễ tưởng niệm Giáo sư Cao Huy Thuần tại trụ sở Báo Giác Ngộ - Ảnh: Quảng Đạo
Lễ tưởng niệm Giáo sư Cao Huy Thuần tại trụ sở Báo Giác Ngộ - Ảnh: Quảng Đạo
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Không có nỗi buồn nào dai dẳng như nỗi buồn xa xứ. Nhưng email của người-hoài-hương-Cao-Huy-Thuần thường truyền cho tôi niềm vui, nỗi hy vọng, và đôi khi không tránh khỏi nhuốm màu ảo vọng. Điều hạnh phúc, là qua email của ông, tôi được kết nối về tinh thần với những người đồng cảm.

LTS. Giáo sư Huỳnh Như Phương là người viết bài tựa giới thiệu tác phẩm sau cùng của Giáo sư Cao Huy Thuần, “Im lặng như lời chia tay”, xuất bản trong nước cuối năm 2022. Sau đây là nội dung bài phát biểu của ông trong lễ tưởng niệm Giáo sư Cao Huy Thuần tại Báo Giác Ngộ ngày 14-7 vừa qua, Giác Ngộ trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

***

Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024) qua đời vừa tròn một thất. Ngày mai 15-7-2024, tang lễ giáo sư sẽ được tổ chức ở Paris. Theo đề nghị của Thượng tọa Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, từ xa xôi, với tư cách là một độc giả của giáo sư, tôi viết những dòng này tưởng niệm và đưa tiễn nhà hoạt động văn hóa - giáo dục đầy tâm huyết và tài năng của đất nước.

Là kẻ hậu sinh, tôi được gặp Giáo sư Cao Huy Thuần rất muộn sau nhiều năm đọc sách của ông. Đó là dịp hội thảo kỷ niệm 50 năm pháp nạn Phật giáo, tổ chức ở Bình Dương năm 2013. Sau đó là những lần gặp gỡ ở chùa Linh Thái với Hòa thượng Thích Trung Hậu, ở lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, ở Đại học Hoa Sen, vui nhất là cuộc giao lưu ở Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM trong không khí thân tình, cởi mở.

Giáo sư Huỳnh Như Phương phát biểu cảm nghĩ về Giáo sư Cao Huy Thuần tại trụ sở Báo Giác Ngộ ngày 14-7-2024 - Ảnh: Quảng Đạo

Giáo sư Huỳnh Như Phương phát biểu cảm nghĩ về Giáo sư Cao Huy Thuần tại trụ sở Báo Giác Ngộ ngày 14-7-2024 - Ảnh: Quảng Đạo

Nói chuyện với ông, tôi mới biết là ông sinh ra ở làng Phú Lộc, huyện Bình Sơn, quê hương Quảng Ngãi của tôi, lúc thân phụ ông dạy học ở đó, và đến năm 1946, khi lên chín, ông theo gia đình chuyển về quê mẹ Quảng Trị, rồi một năm sau mới về lại nguyên quán Thừa Thiên.

Những lần gặp gỡ đó đều ở chỗ đông người, mà tôi thì có nhiều nỗi phân vân muốn giãi bày riêng với ông, một bậc tiền bối từng chứng kiến những biến cố lịch sử đã gián cách qua thời gian. Nhờ có internet, qua những email tôi có thể trình bày với ông những hoài nghi và lo âu của mình về hôm qua và hôm nay. Tôi muốn tìm ở ông những gợi ý để ứng xử với những nghịch lý của thời thế. Có những điều ông trả lời trực tiếp, có điều ông trả lời bằng ẩn dụ, có điều ông im lặng để tôi tự suy nghĩ.

Không có nỗi buồn nào dai dẳng như nỗi buồn xa xứ. Nhưng email của người-hoài-hương-Cao-Huy-Thuần thường truyền cho tôi niềm vui, nỗi hy vọng, và đôi khi không tránh khỏi nhuốm màu ảo vọng. Điều hạnh phúc, là qua email của ông, tôi được kết nối về tinh thần với những người đồng cảm. Khi viết xong một bài văn tâm đắc hay có một thông tin quý giá, bao giờ ông cũng chia sẻ cho những bạn văn phương xa mà ông quý mến. Đó những bài báo được đăng trên Giác Ngộ, Liễu Quán Văn Hóa Phật Giáo; thông điệp hòa bình của Thiền sư Thích Trí Quang gần 60 năm trước; luận án công phu của Tiến sĩ Nguyễn Thùy An mới bảo vệ tháng 5 năm ngoái. Ông không giấu nỗi băn khoăn khi bài phỏng vấn về báo Lập Trường thực hiện đã ba năm mà không được công bố; rồi lại bày tỏ sự mãn nguyện khi nội dung đó được thể hiện trong tham luận của PGS.Nguyễn Dịu Hương tại một cuộc hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Berkeley mới tổ chức tháng 4 vừa rồi.

Bài học lớn mà tôi học được ở Giáo sư Cao Huy Thuần là sự hòa ái và trân quý đối với con người, đặc biệt với tuổi trẻ; trân quý đối với sự sống, với từng cành cây, ngọn cỏ, bông hoa. Hồi tôi hướng dẫn sinh viên Lâm Ninh Quốc Hương làm khóa luận tốt nghiệp về tản văn của Cao Huy Thuần, tôi giới thiệu cô liên lạc với ông và những trao đổi giữa hai người cách xa nhau về tuổi tác, danh vọng thật là dân chủ. Khóa luận bảo vệ thành công rồi, nhưng nghe tôi nhận xét là vẫn chưa được như kỳ vọng, thì ông bảo “người tuổi đôi mươi bây giờ mà chịu khó ngồi đọc kỹ mấy tập sách của tôi, rồi suy nghĩ, phân tích, bình luận một cách chân thành như vậy, thì anh còn đòi hỏi gì nữa”.

Khi Im lặng như lời chia tay ra mắt, nghe ông bảo đó là cuốn sách cuối cùng của ông, tôi nhắc ông còn hai món nợ nữa: một cuốn sách ghi lại những hồi ức và một tập truyện ngắn. Ông trả lời là không định viết hồi ký nhưng ngạc nhiên về sự quan tâm của tôi đối với những văn bản hư cấu của ông. Thật bất ngờ, năm ngoái chúng tôi nhận tin bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã chọn văn bản truyện Cây diêm cuối cùng của Cao Huy Thuần đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh lớp 11. Và mới đây, báo Vietnam News đã dịch ra tiếng Anh truyện ngắn Kể cho nhau nghe của ông để giới thiệu với độc giả nước ngoài.

Xem video

Cho phép tôi nói thêm một chút về truyện ngắn Cây diêm cuối cùng. Truyện này Cao Huy Thuần viết đã lâu, khi nghe tin diễn ra cuộc chiến tranh giữa hai nước láng giềng có cùng đường biên giới trên dãy Hy Mã Lạp Sơn. Truyện kể rằng, sau trận đánh, một người lính lạc đơn vị trong bão tuyết mịt mù, đánh rơi hết vũ khí và quân trang, bỗng tìm thấy chỗ trú ẩn trong một ngôi chùa nhỏ dựa lưng vào núi. Thiếp đi vì kiệt sức, khi tỉnh dậy anh đối diện với một tình thế hiểm nghèo: từ một góc chùa, một người lính của phe địch đang cầm súng chĩa thẳng về phía anh.

Thời gian trôi qua, nếu không biết cách tự cứu, chắc cả hai rồi sẽ cùng chết cóng trong đêm. Dưới họng súng đe dọa của kẻ thù, anh đi tìm tấm ván mục, cành cây khô và con dao chẻ củi để nhóm lên một bếp lửa. Nhưng cái bật lửa của anh đã rơi mất rồi. Kẻ địch, vẫn ghìm chắc tay súng, ném cho anh một bao diêm nhỏ và một tờ giấy đang viết dở làm mồi lửa. Que diêm thứ nhất, thứ hai, thứ ba rồi thứ tư vừa bật cháy đều tắt ngúm dưới bàn tay run của anh. Chỉ còn que diêm cuối cùng quyết định số phận của cả hai. Ngay lúc đó, người lính bên kia nhảy đến giật con dao trên tay anh, giành lấy bao diêm và đốt sáng lên ngọn lửa. Khi đống củi bùng cháy tỏa ấm ngôi chùa thì cả thân người anh ta gập xuống vì mất máu do vết thương quá nặng không được cứu chữa. Trong túi áo của anh ta có tờ giấy ghi một bài thơ vừa sáng tác.

Sau chiến tranh, người lính may mắn thoát chết đã trở lại chiến trường xưa, bỏ công tu tạo ngôi chùa hoang; chùa không đặt tượng và chuông mõ, chỉ có bài vị là bài thơ của người lính - thi sĩ đã chết.

Đêm qua tôi đọc lại truyện ngắn này, bỗng tưởng tượng mùa đông vừa rồi ở đâu đó trên thế giới, ở Ucraina hay ở Dải Gaza bất hạnh, trong một đền thờ hay một thánh đường bị tàn phá, cũng có thể diễn ra tình cảnh những người lính đối địch như hai người trong truyện Cây diêm cuối cùng. Và tôi nghĩ, Cao Huy Thuần là nhà văn tôn vinh văn hóa dân tộc mà cũng là nhà văn của tình nhân loại.

Trong email viết ngày 1-5-2024, Giáo sư Cao Huy Thuần báo tin: “Tôi có ý định dùng ngày tháng ít ỏi còn lại để dịch một cuốn sách. Chỉ mong là đừng bỏ dở nửa chừng. Cuốn gì ư? Anh cho tôi giữ ‘bí mật’ một thời gian nữa đã, chưa chắc làm được nên chưa dám nói đó thôi. Nhưng anh biết bụng tôi rồi: nếu làm được thì tôi sẽ gửi bản thảo cho anh. Như anh nói đó, dịch là một cách để giữ cái minh mẫn. Mà cũng là cách để quên, quên đi nỗi buồn, quên đi tất cả. Chỉ mong rằng cuộc chuyện trò còn dài dài…”.

Kính thưa Anh Cao Huy Thuần, cuốn sách Anh dịch xong chưa hay vẫn còn dang dở khi cuộc chuyện trò đã dứt? Nhưng cây diêm thì đã cháy hết mình và ngọn lửa vẫn còn sưởi ấm tâm hồn chúng tôi, những người ở lại.

TP.Hồ Chí Minh, 14-7-2024

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thanh Phong cùng chư Tăng chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) vận chuyển các thùng mì lên xe để chuyển ra các tỉnh phía Bắc vào tối 12-9- Ảnh: Quảng Đạo/BGN

[Ảnh] Chuyến hàng đầu tiên của Phật giáo TP.HCM hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

GNO - 23 giờ 30 phút tối 12-9, hơn 7.000 thùng mì cùng các nhu yếu phẩm được Tăng Ni, Phật tử tập kết và vận chuyển từ chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) ra các tỉnh thành phía Bắc. Đây là chuyến hàng đầu tiên của Phật giáo TP.HCM hướng về đồng bào ở các địa phương phía Bắc của đất nước bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Chùa Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, H.Yên Khánh, Ninh Bình ngập sâu trong nước

Ninh Bình: Chùa Thôn Năm ngập sâu trong nước

GNO - Ngày 12-9, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình, H.Yên Khánh đã đến thăm hỏi, hỗ trợ 10 triệu đồng và các nhu yếu phẩm đến chư Tăng chùa Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, H.Yên Khánh - quê hương của cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Đệ tam Pháp chủ, đang bị ngập sâu trong nước.

Thông tin hàng ngày