GN - Đó là chuyên đề trên Tuần báo Giác Ngộ số 1020 mà Ban Biên tập muốn gửi đến quý độc giả qua các nội dung đặc biệt, nhân vía Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, ngày 19-9 ÂL.
Tượng đài Đức Quán Thế Âm có kết cấu bê-tông hình tròn, với đường kính 16m tại Việt Nam Quốc Tự
Trong cuộc đời người, ai cũng có ít nhiều những lần gặp phải cảnh bất như ý và khổ đau, cần tới sự cầu nguyện, bày tỏ ước mong được dìu dắt, khai mở, nâng đỡ từ các bậc thánh hiền, tổ tiên cho chính bản thân mình cũng như cho những người thân yêu.
Với người Phật tử Việt Nam, Đức Quán Thế Âm (cũng gọi là Quan Thế Âm hay Quan Âm), vị Bồ-tát có đại nguyện hóa hiện phương tiện cứu độ hết thảy chúng sinh thoát khỏi khổ nạn, từ bao đời, đã trở nên gần gũi và thân thiết, vượt lên tín ngưỡng bình thường; là người Mẹ luôn có tấm lòng bao dung che chở muôn loài.
Rất nhiều câu chuyện về vị Bồ-tát này với năng lực mầu nhiệm, thị hiện cứu người giúp đời trong những hoàn cảnh ngặt nghèo được kể lại, ghi nhận, ngoài sức hình dung thông thường. Do đó, tín ngưỡng về Ngài có thể nói là phổ biến hơn cả, thánh tượng của Ngài cũng được tôn kính khắp nơi.
Cầu nguyện là nhu cầu tinh thần chính đáng, nhưng người Phật tử không dừng lại ở đó, mà nỗ lực thực hành hạnh nguyện của chư Phật, chư vị Bồ-tát, thánh Tăng; cầu nguyện có ý nghĩa thực sự chính là từng bước chúng ta thánh hóa suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, để sự mầu nhiệm đó được hiện hữu ngay trong chúng ta, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Cầu nguyện chắc chắn đem lại nguồn năng lượng an lành, nhưng chính sự thực tập mới có khả năng chuyển hóa các nghiệp xấu, kiến tạo sự bình an thực sự và lâu dài. Do đó, Đức Bồ-tát Quán Thế Âm không chỉ là đối tượng để ngưỡng tín, mà còn là tấm gương để chúng ta soi vào, noi theo, tập lắng nghe một cách chân thành và nỗ lực không mệt mỏi, không vụ lợi, không sợ hãi đối với các việc làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Cầu nguyện sự an lành đến với tất cả!
Ban Biên tập