Trong bài thơ "Tiếng Việt", nhà thơ Lưu Quang Vũ đã tha thiết gọi đầy chất cảm thán tiếng mẹ đẻ - thứ ngôn ngữ mà ông cảm thấy "suốt đời tôi mắc nợ". Nhớ đến điều tưởng như bình thường (vì ngày nào mình cũng nói, cũng viết) ấy vì trong những ngày này trên diễn đàn một số báo đang "nóng" với chủ đề "Tiếng Việt đâu rồi?". Câu hỏi này chứa trong nó nhiều điều đáng suy nghĩ, suy nghĩ đến sự lai căng về ngôn ngữ đang diễn ra ở chính những người trẻ - thế hệ kế thừa và phát huy tiếng nói, văn hóa dân tộc.
Không quá khó khi một bạn trẻ gặp bạn của mình và bắt đầu bằng câu chào hỏi nửa Tây, nửa ta thế này: "Hi, cậu khỏe không?", hoặc biểu lộ cảm xúc bằng "Oh yeah"… Chuyện gì đang diễn ra với tiếng Việt thân yêu của mình khi mà nhiều thứ tiếng khác đang được giới trẻ chêm vô, sử dụng chung với tiếng Việt? Đó là sự mất đi tính thuần Việt trong ngôn ngữ chính, tiếng mẹ đẻ mà nhiều người cần phải giữ gìn, xem nó là bản sắc riêng.
Tất nhiên, việc học ngoại ngữ là cần thiết trong thời kỳ hội nhập, cần sự giao lưu, giao tiếp và hợp tác trên nhiều lĩnh vực hiện nay. Học ngoại ngữ để mở mang kiến thức, tầm nhìn nhờ việc đọc được sách báo nước ngoài là điều quá hay. Nhưng, sử dụng những cái đã học sao cho hợp lý, đúng chỗ và không gây phản cảm mới là điều mà chúng ta phải suy nghĩ. Do đó, việc tiếng Việt bị lai tạp là do văn hóa viết và nói của người Việt chúng ta chưa trúng, đụng gì "phang" nấy như một cách chứng tỏ mình… có học qua ngoại ngữ. Chưa hẳn là giỏi nhưng nhiều người vẫn bắt đầu bập bẹ nói tiếng Anh chen vào tiếng Việt một cách hết sức mắc cười!
Đó là chưa nói đến các bạn tuổi teen còn sáng chế ra một số chữ viết kỳ dị được xem là chữ Việt "made in 9x", trong khi đó văn viết của lớp trẻ càng ngày càng bị hạn chế. Nhiều vị phụ huynh "nhồi sọ" con em mình rằng đây là thời công nghệ phát triển, chủ yếu học những môn tự nhiên để làm việc tốt sau này. Và vì thế những môn xã hội, trong đó có Văn - Tiếng Việt bị liệt vào hàng thứ yếu, học qua loa. Đồng thời, giới trẻ ngày nay sử dụng vi tính, internet nhiều do đó các bạn xao lãng chuyện trau dồi chữ viết, chính tả nên càng làm cho tiếng Việt trở nên… "lạ". Tất cả những yếu tố ấy cũng cần được nhắc đến một cách nghiêm túc, để làm trong sáng tiếng Việt, để sử dụng tiếng nói dân tộc mình một cách thuần túy, đầy tự hào!