“Hái lộc” - có phước, hay tạo thêm nghiệp xấu?

GN - Phong tục đi chùa đầu năm, từ xa xưa, đã trở thành một nếp tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, và đó là nhu cầu chính đáng của con người.

Song, bên cạnh những người đến chùa với tư duy chân chính, vẫn còn không ít những hành vi phản cảm, mê tín. Một trong số đó phải kể đến là việc “hái lộc”, “phát lộc” một cách chụp giựt, xem đó mới là… may mắn, gây bức xúc lớn trong dư luận.

Len Chua hai loc.jpg

HT.Thích Nguyên Giác tặng "lộc" đến Phật tử sau khóa lễ chúc tán - giao thừa - Ảnh: QHGL

Hiểu rõ về “hái lộc” và “phát lộc”


Trước hết cần hiểu rõ “lộc” là gì? Theo quan niệm nhà Phật, “lộc” là một trong 5 phước báo của con người, và ai cũng thường mong cầu, cụ thể ở đây lộc là tiền tài. Nói về “hái lộc” và “phát lộc”, TT.Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (Q.10. TP.HCM) cho biết, trong đạo Phật không có khái niệm xin lộc, phát lộc, mà đây nói chính xác là văn hóa dân gian có nguồn gốc phát xuất từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến Phật giáo qua quá trình tiếp biến văn hóa. Theo đó, mỗi người đến chùa lễ Phật, đều mong muốn được có một thứ gì đó cầm về, tượng trưng cho lộc mà họ nhận được, thêm vào đó chút lòng tin tín ngưỡng, giúp họ cảm thấy được bình an, được hỗ trợ về tinh thần hơn. Từ đây, Phật giáo nhiều khi cũng nương theo tập tục dân gian, mà nảy sinh việc “phát lộc”, là vậy.

Trước đây, người ta hái lộc bằng nhiều hình thức, như nhận bánh, trái cây, đèn cầy… tại các chùa, việc phát lộc cũng như nhận lộc đều diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, tạo một nét văn hóa rất đẹp của người Việt trong những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, vài năm trở lại đây, việc “hái lộc” tại các lễ hội, các chùa, đã biến tướng thành sự mê tín, dẫn đến tranh chấp, cướp giật để đoạt lấy lộc, rồi lại coi đó là may mắn của mình cho cả năm, tạo nên những nét vẽ xấu xí cho bức tranh ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Không chỉ riêng hành vi “cướp lộc”, mà việc tổ chức “phát lộc” tại một số chùa, đặc biệt là trong năm vừa qua, cũng để lại nhiều dấu ấn không hay, gây ra những ánh nhìn thiếu thiện cảm cho Phật giáo nói chung.

Theo đó, HT.Thích Nguyên Giác, trụ trì chùa Già Lam (tu viện Quảng Hương Già Lam - Q.Gò Vấp, TP.HCM), cũng chỉ rõ, một ngôi chùa thật sự, là nơi dạy con người biết bình tĩnh và sáng suốt để xử sự, chứ đâu thể dạy con người cầu may rủi. Hơn nữa, chùa chiền càng không thể là nơi dạy cho con người tham lam và phát khởi tâm ham muốn quyền hành một cách bất chính, thông qua nhiều hình thức như phát ấn, bốc quẻ, dâng sao giải hạn… như vậy được.

“Con người bình sinh, ai cũng muốn có được may mắn, tiền bạc dồi dào, vì lộc vốn tượng trưng cho tiền bạc, nên đầu năm ai cũng muốn có được lộc, tuy nhiên lấy lộc bằng cách làm như vậy thì không phù hợp. Thử nghĩ xem, sẽ thế nào nếu những người sẵn sàng cấu xé, giẫm đạp lên người khác để giành bằng được thứ mình muốn (cái lộc, cái ấn) kia, thật sự nắm được quyền hành trong tay? Sẽ thế nào, nếu những người không hề màng đến sinh mạng của người khác, chỉ để thỏa được lòng ham muốn vật chất của mình, làm chủ một doanh nghiệp? Cứ theo lối chụp giựt ấy thì nát hết nền kinh tế”, HT.Thích Nguyên Giác thẳng thắn nhìn nhận.

Nhà chùa và Phật tử phải cùng thay đổi tư duy về “hái và phát lộc”

Đó là khẳng định của vị giáo phẩm trụ trì chùa Già Lam, ngôi chùa có hình thức phát lộc độc đáo: trao cho mỗi Phật tử, du khách đến chùa, vào ngày Tết một nén nhang trầm.

Bên cạnh việc tranh giành các vật trang trí có hình tượng Phật, cướp đoạt ấn… được xem là “lấy lộc” đầu năm, thì ở nhiều nơi còn diễn ra tình trạng “hái lộc” bằng cách bẻ cây cảnh trong khuôn viên nhà chùa, đặc biệt là giống cây mai và đào, đặc trưng của ngày Tết. Không khó để nhìn thấy hình ảnh những chậu mai, đào, khi qua khỏi giao thừa là y như rằng xơ xác, tàn rụi cả. Việc bẻ lộc cây mang về nhà, xem đó như lộc đầu năm cũng là một trong những quan niệm cổ hủ từ xưa, khi họ gắn “lộc” ở nghĩa tiền bạc giống với “lộc” ở cây cối, dựa vào câu “Đâm chồi nảy lộc”. Có lẽ từ cái niềm tin mù quáng đó, họ hái một cách thoải mái, lại thêm vào chút tâm linh, nên người ta hay muốn đến chùa hái lộc là vậy.

Đơn cử, HT.Thích Nguyên Giác chia sẻ, tập tục này ở khu vực phía Bắc vẫn còn diễn ra nặng nề hơn vùng phía Nam, có thể thấy chỉ sau một đêm giao thừa thôi thì cây cối chẳng còn gì. Hay như ở thiền viện Vạn Hạnh, có đợt qua Tết, toàn bộ mai và cây cối trong vườn hầu như chỉ trơ lại gốc, còn thì người ta bẻ trụi hết. Trong lúc đó, nhà chùa chăm cả mấy năm mới được một cây mai tốt tươi, nhà vườn nhiều khi 5-7 năm mới được một cây mai vững chãi, việc bẻ trụi mầm non và cả cành như vậy, đồng nghĩa với việc cây mai, đào ấy sẽ chết hẳn.

cuop loc.jpg

Hình ảnh "xấu xí" tại lễ khai hội chùa Hương 2017 khi nhiều người lao vào giật "lộc" - Ảnh: Zing.vn

Trước thực trạng đó, ở chùa Già Lam (TP.HCM), được biết từ nhiều đời trụ trì trước đã hướng Phật tử đến chùa nhận lộc bằng một cây hương, thay cho việc bẻ lộc cây như vậy: “Để tránh được hai vấn đề: 1. Tránh cho người ta gây nên những cảnh tượng không hay, vì muốn có lộc mà nảy sinh những tập tục không đẹp, hành vi phá hoại không đáng đó. 2. Hướng con người có một cái nhìn tốt đẹp hơn, đó là đạo lý của nhà Phật. Theo đó, một nén nhang, một cây hương, như gửi lòng mình lên Tam bảo, ông bà, tổ tiên. Với ý nghĩa đó, Hòa thượng xưa mới nghĩ đến cách phát lộc bằng một cây hương. Có người họ thắp luôn tại chùa, dâng trọn lên Tam bảo; có người lại châm hương ở chùa, rồi đem về nhà, thắp lên bàn thờ tổ tiên, như hình thức xông nhà bằng hương chùa đầu năm. Nhìn chung cách làm nào cũng đều tốt hơn rất nhiều so với việc bẻ cây. Nhờ đó, ở Già Lam cây cối mới giữ được tươi tốt, chỉnh tề tới giờ”.

Được biết, hiện nay, không ít những ngôi chùa để khắc phục hành vi bẻ mai, đào đắt tiền, gây hư hoại, họ đã sắm về nhiều chậu cảnh rẻ tiền hơn, trưng bày dọc lối vào, hay khắp khuôn viên chùa để mặc người đến dâng hương thoải mái bẻ. Có thể khẳng định, đây là một sự ứng xử có phần chưa hay của các chùa, nơi đúng ra cần lý giải, hướng dẫn cho Phật tử, hay du khách đến chùa hành vi không đẹp của họ, như vậy mới đúng với tinh thần từ bi của nhà Phật.

Đồng tình với quan điểm không thể chiều lòng Phật tử một cách thiếu ý thức, Hòa thượng cho biết, ở Quảng Hương Già Lam, sự thay đổi trong cung cách phát lộc của chùa và tư duy hái lộc của người đến chùa, ban đầu cũng gặp không ít khó khăn: “Trước tiên hết là nhà chùa phải chỉ ra tác hại và tư duy sai lệch của người bẻ lộc cây, rằng như vậy thì hết phước chứ làm sao có lộc được. Sau, giảng giải, khuyên nhủ cho họ hiểu nên làm gì, và mỗi người đến chùa dịp Tết sẽ được phát lộc bằng cái khác, ý nghĩa ra sao. Tất cả những điều đó, nhà chùa có thể làm được qua các buổi thuyết pháp, hay sinh hoạt Phật giáo tại chùa. Dĩ nhiên không phải dễ để thay đổi được tư duy và thói quen của bà con liền được, nhưng mọi người truyền tai nhau, rồi sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó, đến mỗi dịp Tết, chùa lại cắt cử người, chịu khó trông chừng. Phật tử, du khách đến, thấy có quý thầy đứng đó nhắc nhở, họ cũng ngại, không dám bẻ lộc nữa. Dần dần có ý thức, bỏ hẳn luôn. Cần nhất là giáo dục cái đúng để người ta thay đổi tư duy, ý thức, từ bi ở chỗ đó. Mình may mắn được tiếp cận với giáo lý của Phật và có am hiểu, thì không nên “làm ngơ” trước hành vi ấy, mà nên khuyên răn, chỉ bày cho họ, mưa dầm sẽ thấm đất và thấm lâu thôi”, Hòa thượng chia sẻ.

Được biết, tại một số cơ sở tự viện, quý Tăng Ni cũng tổ chức nhiều hình thức phát lộc “văn minh” khác, tạo cho người đến chùa một tư duy, tác phong đẹp vào ngày đầu năm mới. Đơn cử như việc phát phong bì lì xì, trong đó là một câu kinh Pháp cú, và tờ tiền mệnh giá nhỏ (1.000 - 2.000 đồng); hay phát một chuỗi hạt nhỏ đeo tay, một thẻ hình Phật, hoặc dây đeo cổ có hình tượng chư Phật…

Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày