Hai ông Phật cùng cười

GN - 1. Tục ngữ có câu: "Trẻ cậy cha, già cậy con”, nói lên đạo lý của người Việt mình từ xưa cho đến nay. Khi cha mẹ già yếu thì trông cậy vào sự chăm sóc của con cái, gọi là báo hiếu đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục.

Cha tôi mất sớm, cho nên tôi chỉ còn một cơ hội phụng dưỡng mẹ già. Ai đã từng chăm sóc người mẹ già yếu bệnh tật mới cảm nhận được rằng đây là một công việc đặc biệt khó khăn, đòi hỏi người con phải có tình thương lớn để hiểu mẹ và biết cách làm cho mẹ vui lòng mỗi khi người mẹ già yếu trở nên “khó tính” hay “lẩn thẩn”, nói trước quên sau, ăn rồi nói chưa ăn, chưa ăn nói ăn rồi.

Việc chăm sóc mẹ già của tôi tuy đã hết lòng hết sức, nhưng so với câu chuyện một vị bác sĩ chăm mẹ già mà tôi sắp kể ra đây sẽ không sánh được bởi cái độ cẩn thận an toàn khiến cho những người đang chăm mẹ già cũng cần phải coi lại để học hỏi.

FB_IMG_1564043844928.jpg


BS Đại (bìa phải) và mẹ (thứ 3 từ phải qua) cùng các thành viên trong gia đình - Ảnh: BS Đại cung cấp

Tôi sẽ kết nối với vị bác sĩ ấy ngay bây giờ bằng cuộc gọi video - messenger (Facebook):

- A lô, chào bác sĩ Đại, má đỡ chưa?

- BS Đại: Dạ chào anh, má đỡ rồi!

- Anh kể cho người bạn về hệ thống tay vịn inox mà Đại làm để cho má đi lại trong nhà, từ giường ngủ đến toilet, phòng khách, hành lang ra tới cổng đều có tay vịn. Bạn anh thích lắm, anh ấy muốn làm hệ thống tay vịn như vậy cho mẹ già. Anh bạn cũng ở trong phường gần nhà em, ít bữa nữa em giới thiệu người thợ đã làm công trình cho anh bạn ấy nhé!

- BS Đại: Dạ được, để em hỏi lại anh thợ ấy và trả lời cho anh sau, vì những cái tay vịn inox này em làm cách đây gần mười năm rồi. Hồi đó, chân má đi hơi yếu có lần bị ngã nhưng may là má chỉ bị phần mềm thôi, sau đó em thuê thợ làm hệ thống tay vịn này cho má đi lại để cho em an tâm đi làm mà không lo má ở nhà bị té ngã. Và tay vịn đã phát huy tác dụng, má siêng đi lại khắp nơi trong nhà rất tự tin và an toàn, cũng là một cách cho má đi thể dục vận động.

- Còn dắt mẹ đi uống cà-phê buổi sáng không?

- BS Đại: Dạ còn, ra khỏi cổng không có tay vịn là anh em thay nhau dắt má đi bộ khoảng 400 mét ra quán cà-phê của anh Hai. Ngồi chơi uống ly cà-phê, một lúc rồi về, tổng cộng đi về là 800 mét. Duy trì thói quen đi bộ thể dục buổi sáng uống cà-phê cho má từ nhiều năm nay, má khỏe ra nhiều, ăn được ngủ được cũng nhờ vận động đi bộ và đi lại trong nhà.

- Em giỏi lắm, sao bác sĩ xin về hưu non uổng vậy?

BS Đại cười một lúc rồi trả lời: Em suy nghĩ rất lâu mới đưa ra quyết định về hưu khi tuổi mới 52. Em đang là Trưởng khoa khám bệnh của BV Tâm thần, công việc khá là bận rộn, vừa quản lý, vừa thăm khám bệnh nhân hàng ngày, lại phải chăm sóc mẹ già 89 tuổi, có khi đuối sức. Anh biết rồi đó, má có 4 người con trai và một cô con gái út, tất cả đều có gia đình và ra ở riêng, chỉ còn mình em là con trai thứ ba độc thân ở với má. Mấy năm trước, má còn khỏe thì đỡ lo, bước qua tuổi 90, má yếu lắm, cần có người bên cạnh chăm sóc má như là chăm sóc một em bé mới tập đi, em rất lo vì nếu để người khác chăm má, em sẽ không yên tâm đi làm. Vậy là em quyết định về hưu sớm để chăm má kẻo tội.

2. Bác sĩ Lê Đình Đại, nguyên Trưởng khoa khám bệnh thuộc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Đại là một Phật tử, pháp danh là Chánh Định Quảng, người bạn tu cũng là người bạn văn thơ của tôi từ bao năm nay. Tuy làm ngành y nhưng Đại có một tâm hồn văn thơ đầy chất nhân văn từ khi còn rất trẻ. Ngay sau khi báo Nhân Dân Chủ Nhật số 10 ra ngày 7-3-1993, đăng chùm chuyện “Gió từ bàn tay mở” của Lê Đình Đại, một số bạn đọc gửi thư về tòa soạn bày tỏ sự xúc động trước những tình cảm và cảnh ngộ của nhân vật trong truyện; khen ngợi viết truyện súc tích, gợi mở…

Lê Đình Đại chuyên viết truyện ngắn đăng trên các báo Nhân Dân Chủ Nhật, Văn Nghệ và các báo khác. Tập sách “Gió từ bàn tay mở”, Nxb Văn Học - 2011 được đông đảo bạn bè khắp nơi đón nhận. Nhắc lại kỷ niệm một thời viết lách, Đại cười: “Em đã giải nghệ văn chương gần mười năm rồi để chăm mẹ già”.

BS Đại là một con người giàu tình thương, những nhân vật trong văn chương của anh đều là những bệnh nhân tâm thần đáng thương! Đã vài lần, BS Đại dắt những bệnh nhân tâm thần về nhà mình ăn Tết vì thương họ ngày Tết không về đoàn tụ được với gia đình; trong xóm phố có người thấy cảnh này, chưa hiểu BS Đại, đã vội xì xào: “Cái ông BS này cũng tâm thần rồi, ai đời ngày Tết lại đem mấy ông điên khùng về nhà ăn Tết”.

Bệnh nhân không thân thích bà con mà Đại thương như vậy, huống hồ là mẹ già. Anh buông bỏ hết mọi thứ danh lợi, về hưu trước tuổi, bằng lòng và vui vẻ với số tiền hưu khiêm tốn vừa đủ chi tiêu hai mẹ con ngày qua ngày.

BS Đại là một Phật tử thuần thành. Lặng lẽ sống, lặng lẽ hành trì tu tập, BS Đại đã chia sẻ cho tôi (gọi là Pháp thí) nhiều sách của HT.Tuyên Hóa, HT.Thích Thanh Từ, sách Phật học và gần 100 cuốn băng pháp cassette Pháp thoại của Sư ông Làng Mai.

Câu kinh Phật thuộc nằm lòng trong trí nhớ của Đại: “Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu/ Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh…” (Chín phẩm hoa sen là cha mẹ/ Hoa nở thấy Phật chứng vô sanh…). Cha mẹ là Phật còn tại thế. Hàng ngày Đại tô bồi chăm sóc cho ông Phật tại thế này ngày càng đẹp ra. Thấy hoa sen là thấy mẹ, thấy mẹ là thấy Phật và chứng “ngộ vô sanh”, Đại hiểu câu kinh ra sao, tôi không biết? Còn tôi, thật lạ lùng, sen nở rồi sen tàn là quy luật vô thường; hoa sen là mẹ, là Phật; nhìn mẹ tức là nhìn Phật lại “ngộ” được trong ấy lẽ vô sinh?! (Tôi tự hỏi tôi).

FB_IMG_1564043682086.jpg


Hệ thống tay vịn inox mà BS Đại làm để cho má đi lại - như nối thêm cánh tay của con, để má yên tâm... 

3. Năm nay, BS Đại bước qua tuổi 59, còn mẹ già bước vào tuổi 96. Đại luôn cười và không trả lời cho những ai hỏi tại sao BS chưa lấy vợ. Đại đã phát nguyện thầm kín trong lòng điều gì chăng? Mới đây, má hỏi Đại: “Mai mốt má về cõi Phật thì con ở với ai?”. Vài năm trước má cũng hỏi câu như vậy, lần này Đại cười khì trả lời khác trước: “Mai có mai lo. Mốt có mốt lo. Mai mốt còn lâu lắm mới tới! Má đừng lo! Cứ như hôm nay thân tâm an lạc nhẹ nhàng là hạnh phúc lắm rồi, má à!”.

Má buông tiếng thở dài, sau tiếng thở dài là một nụ cười ngấn lệ long lanh. Má thương thằng con trai đang vất vả vì mẹ già. Má thầm cám ơn đứa con trai đơn độc tội nghiệp của má đã nói với má rằng má đừng lo, con là bác sĩ chăm sóc và thăm khám cho má hàng ngày, má không có bệnh chi nghiêm trọng hết, má sẽ sống đến trăm tuổi. Má nghe Đại nói má vui lắm! Má hiểu thằng con trai má rứt ruột đẻ nó ra cho nên má biết hết từng suy nghĩ, từng việc làm của Đại.

Má nằm đó, nhưng má biết giờ nào lúc sáng sớm Đại ngồi thiền và trì chú Đại bi. Giờ nào lúc canh khuya má thiêm thiếp ngủ, Đại khóa chân công phu bên cạnh ông Phật bằng đá và ông Phật còn tại thế là mẹ già đang nằm đó bằng xương bằng thịt. Má cũng thuộc câu kinh: “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Má quay qua nhìn thấy ông Phật đá cười, má cũng cười theo.

Hai ông Phật cùng cười trong ngôi chùa nhà của bác sĩ Lê Đình Đại.

Lê Đàn (TP.Đông Hà, Quảng Trị)

____________

* Tin liên quan: Khép lại việc nhận bài viết "Bến bờ nhân gian"

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phật tử thọ giới Bồ-tát có phải trường trai và tuyệt dục?

GNO - Nếu Phật tử thọ giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới được lập gia đình bình thường (Trong 6 trọng pháp, trọng pháp thứ 4: Không tà dâm); ăn chay vào các ngày trai (Trong 28 khinh pháp, khinh pháp thứ 7: Mỗi tháng thọ trì trai giới, cúng dường Tam bảo vào 6 ngày trai).

Thông tin hàng ngày