Hành hương viếng chùa, nét đẹp đầu năm

GNO - Hành hương về chùa lễ Phật đầu năm, hình thức mỗi người lựa chọn rất đa dạng. Có người tháp tùng đoàn hành hương kết hợp với từ thiện, tu học diễn ra trong ba ngày; có chị em đăng ký cho cả gia đình đồng hành cùng đoàn hành hương trong ngày, đến các chùa quanh địa phương; có nhóm bạn trẻ tự tổ chức “tour” hành hương bằng xe máy cho cả gia đình đến các chùa làng.

Bằng nhiều cách và hình thức khác nhau, nhưng điểm chung là tìm kiếm sự an vui, hạnh phúc toát ra từ nội tâm, trong suốt hành trình hành hương đầu năm mới. 

Hành hương, chia sẻ yêu thương

Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi - 2019, tiết trời ấm áp, hàng ngàn khách thập phương về chùa lễ Phật, chúc Tết Tăng thân, trao nhau niềm hoan hỷ, an lạc trong mùa xuân mới. Về chùa lễ Phật đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh người Việt. Hướng về Phật với những gì tốt đẹp nhất. Bao nhiêu nguyện ước được gởi theo với mong muốn một năm được bình an, hạnh phúc và sung túc. Hành hương đầu năm cũng là truyền thống của rất nhiều gia đình.

Theo đó, năm nay, để đáp ứng nguyện vọng của Phật tử, ngoài tổ chức chương trình hành hương trong ngày về các chùa thuộc tỉnh miền Tây, ĐĐ.Thích An Nhiên, trụ trì tịnh viện Thanh Lương, huyện Củ Chi, TP.HCM còn tổ chức thêm tour hành hương đến tỉnh Khánh Hòa, kết hợp từ thiện và tu học cho tín đồ gần xa.

ANHTR (2).JPG

Đoàn Phật tử tịnh viện Pháp Hạnh hành hương đầu năm - Ảnh: T.V.P.H

ĐĐ.Thích An Nhiên cho biết: “Trong năm 2018, nhân dân tỉnh Khánh Hòa phải hứng chịu hai đợt thiên tai, người khỏe mạnh, lành lặn còn phải chịu khổ trăm bề, huống chi người mù và khuyết tật, lại càng khổ hơn. Chính vì vậy, nhân dịp mừng xuân Kỷ Hợi - 2019, tịnh viện Thanh Lương đồng phát tâm hướng về người mù và khuyết tật tỉnh Khánh Hòa chia sẻ phần nào sự cơ cực với bà con. Đồng thời góp phần công đức cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà an vui, hạnh phúc”.

Đoàn khởi hành vào sáng sớm ngày mùng Bốn và trở về đến TP.HCM cuối ngày mùng Sáu. Từ TP.HCM đến Khánh Hòa, ngoài hành hương lễ bái các chùa trên chặng đường đi: Khánh Lâm, Bảo Sơn, Linh Phú, Quảng Long, Xuân Quang, Bảo Quang, Linh Quang, Linh Quang, Long Sơn, Phú Đức và một số ngôi tự viện nhỏ, còn khó khăn. ĐĐ.Thích An Nhiên còn kết nối để Phật tử trải tâm từ bi, thực hiện lễ cầu an, chia sẻ yêu thương thiết thực với 200 phần quà trao tặng trực tiếp đến người mù, khuyết tật nơi đây tỉnh Khánh Hòa. Mỗi phần quà trị giá 200 ngàn đồng, gồm bao lì-xì 100 ngàn đồng và phần còn lại là quà bánh.

Vào ngày cuối cùng của chuyến hành hương, đoàn Phật tử còn có thêm cơ hội thu nạp năng lượng tích cực cho bản thân, qua thời khắc thiền hành trên bãi biển và sinh hoạt văn nghệ, cùng nhau chia sẻ, ôn lại những câu chuyện tìm về với đạo, làm mới bản thân. Một chuyến đi có thể xem là “3 in 1” như thế này, hiện nay được rất nhiều Phật tử trung niên hưởng ứng. Và đây cũng là những là những chuyến đi nhiều Phật tử ăn Tết ở Sài Gòn quan tâm.

Bên cạnh những chuyến hành hương nhiều ngày như trên, với những gia đình có quỹ thời gian khiêm tốn trong mùa Tết, không đủ điều kiện tháp tùng cùng đoàn đi hành hương, nhiều người trẻ tuổi đã thiết kết “tour” hành hương độc lập cho cả gia đình. Đó là chuyến đi hành hương đậm phong cách truyền thống, được thực hiện quanh các chùa gần nhà, trong thôn xóm.

Bạn Hoàng Thanh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chia sẻ: “Ngày mùng Một, sau khi lễ gia tiên, thì đúng 8 giờ, cả nhà mình gồm ông bà, cha mẹ và anh chị em “đèo” các cháu trên những chiếc xe máy, đến chùa thắp hương. Nhà mình đi được ba ngôi chùa. Đến chùa ngoài lễ Phật, hái lộc đầu năm, người lớn còn hướng dẫn bọn trẻ cúng dường Tam Bảo, hùn phước chia sẻ với người khó khăn. Với ngôi chùa không có thùng phước sương thì hướng dẫn sắp nhỏ hùn phước tham gia phóng sanh, chia sẻ sự sống với loài vật. Đặc biệt, cả nhà còn được ăn cơm chay đạm bạc đầu năm ở chùa nên rất thích, cả nhà ai cũng vui”.

Hành hương kết nối tình thân

Chị Yến Thu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hào hứng chia sẻ: “Ngày mùng Bốn, cả nhà ba thế hệ cùng nhau đi hành hương. Chuyến đi năm nay cũng hơi hồi hộp hơn mọi năm vì được hộ tống bà ngoại, năm nay 86 tuổi cùng cả nhà đi hành hương 7 ngôi chùa, tự viện quanh thành phố và ở tỉnh thành lân cận”. Đón bà ngoại lên xe, ổn định đâu đó rồi chị Yến Thu chỉ vào túi đồ, dặn kỹ bình nước ấm con nấu sẵn, khi nào khát ngoại uống nha, rồi kẹo sâm không đường, ngoại ngậm cho khỏe nha. Hành trình dài, chị Yến Thu lo chu toàn, phải sạc đủ pin điện thoại cho bà ngoại.

Chuẩn bị vậy thôi, chứ đoàn đi đến đâu là ngoại của chị Yến Thu đi đến đó. Trưa ăn cơm ở chùa Tường Vân, bà dùng hết một dĩa, còn thêm tí cơm nữa. Rồi khi nằm nghỉ trưa, bà còn được hai cháu trai, người bóp tay, người bóp chân. Nhờ được lên “dây cốt” nên bà khỏe, suốt hành trình buổi chiều mình đi không kịp. Cuối ngày, bà ăn hủ tiếu ở chùa Tịnh Nghiêm một tô rưỡi luôn. Về đến nhà 21g30 mà bà còn khỏe ru.

 
ANHTR (3).JPG

Chị Yến Thu (phải) cùng gia đình tham gia hành hương 7 ngôi tự viện - Ảnh: NVCC

Trong dư âm của niềm vui đó, chị Yến Thu đã trải lòng: “Hành hương là dịp để bà cháu, mẹ con được gắn kết, được trở về ngôi nhà tâm linh, trở về cội nguồn. Tết vui nhất là nhìn người thân của mình vui trong Chánh pháp. Lúc nhìn bà ngoại thành tâm đảnh lễ Phật, rồi cung kính cúng dường theo kiểu như ngoại đang dạy con cháu về những giá trị đạo đức cao đẹp nhất. Như giọt mưa trước như thế nào giọt mưa sau như thế ấy. Ngoại thong thả làm, con cháu tiếp nối theo”.

“Tết, về chùa là về với tổ tiên, về với những giá trị đạo đức vững bền nhất. Xuân đoàn viên, là dịp trở về, trở về với tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh”, chị Yến Thu đúc kết như vậy. Chị cũng trải lòng: “Mới đây mình có xem clip của một đại gia ở TP.HCM lì-xì cho mẹ mình nhân dịp năm mới. Bà cụ cỡ tuổi ngoại mình, nhưng bệnh nằm một chỗ, co giật, không nói được, chỉ tiếp xúc với con cháu qua những co giật của tay chân và những tiếng ê a! Tiền tỷ của đại gia nằm trong bao lì-xì lúc ấy cũng chẳng ý nghĩa gì.

Xem xong mình xúc động và thấm thía, con cái có thể cho cha mẹ nhiều tiền và những nhu cầu vật chất khác, nhưng không thể chia sẻ được cái đau trên thân và cái khổ trong tâm của cha mẹ. Chỉ có nương tựa Tam bảo, thực tập đời sống thiện lành, nhận diện rõ đời sống vô thường, sống hài hòa với muôn loài, san sẻ, yêu thương, ta biết mình và ông bà tổ tiên đang cùng đi trên con đường vui, con đường của tình thương và sự hiểu biết. Nhìn nụ cười móm mém trong màu áo lam thanh thoát của ngoại, mình biết ngoại đang để lại một tài sản vô giá cho con cháu”.

Tết, được cùng gia đình lễ Phật, cầu an và gieo mầm thiện cho thế hệ mai sau là điều mà rất nhiều gia đình truyền thống Việt Nam đang cố gắng gìn giữ và truyền trao. Chị Thúy, Q.4, TP.HCM bộc bạch rằng: “Hạnh phúc nhất với cá nhân tôi là ngày 29 tháng Chạp hai vợ chồng thu xếp xong công việc ở đây, chở hai đứa con về quê tề tựu với gia đình. Rồi sáng mùng Một hoặc sáng mùng Hai được cùng đầy đủ các thành viên trong nhà đến chùa lễ Phật vào những ngày đầu năm. Đi cùng nhau vừa kết nối tình thân, vừa là cầu nối để cả nhà hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn. Nói thật, khi nhìn thấy con tôi bắt chước mẹ của tôi lạy Phật, rồi trích một phần tiền lì-xì của mình cúng dường Tam bảo, khoảnh khắc đó tôi hạnh phúc hơn nhặt được vàng”.

Cùng nhau hướng về một nơi, chung tay gắn bó, hướng đến chân thiện mỹ là điều mà hiện nay được khá nhiều gia đình Phật tử trẻ hướng tới. Không phải là tất cả nhưng không ít trong số người trẻ sống ở thành phố, ngày Tết luôn muốn về quê và tiếp nối nét đẹp đầu xuân đến chùa cầu an từ ông bà, cha mẹ, và muốn gìn giữ bản sắc văn hóa này, lưu truyền cho các con cháu.

Đến chùa đi bằng phương tiện gì, xe máy hay xe khách, đi chùa xa hay đi chùa gần, miễn là đi cùng nhau, họ đều rất hào hứng. Thế nên, đến chùa lễ Phật, gieo hạt giống lành đầu năm là “gạch đầu dòng” không thể thiếu với những gia đình Phật tử để xuân về thêm ấm, Tết về thêm vui, hạnh phúc tròn đầy trong tháng Giêng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày