GN - 4 năm đi qua, lớp giáo dục mầm non Phật giáo khóa I của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã hoàn mãn. Hành trình dài ấy của Ni sinh đến lớp học để tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cũng là một chặng đường cố gắng với đầy gian nan, vất vả…
Nhu cầu của cuộc sống hiện đại
Trong thời đại ngày nay, nhu cầu trẻ học mẫu giáo tăng cao, ngoài những gia đình bình thường còn có gia đình Phật tử. Phụ huynh muốn gửi gắm con em vào những trường mầm non Phật giáo để hun đúc, nuôi dưỡng hạt giống Bồ-đề, gieo duyên cho phụ huynh và các con được đến chùa biết đến Phật pháp.
Chị Võ Thị Thanh Nguyên chia sẻ việc giáo dưỡng con: “Nếu có, chắc chắn tôi sẽ gửi con ở những trường mầm non Phật giáo vì bản thân là một Phật tử - tôi có niềm tin mãnh liệt vào đạo Phật - lấy từ bi làm gốc cho nên con trẻ khi được chăm sóc và giáo dục trong môi trường Phật giáo khiến tôi hoàn toàn yên tâm. Khi đó, hành trang cho các em là người sống có ích, hiếu thuận với cha mẹ, biết thương yêu anh chị em, hòa đồng với bạn bè, biết yêu thương đồng loại, biết làm những việc tốt, tránh xa mọi việc ác”.
Các sư cô trong giờ thực hành chăm sóc trẻ
Thấy được nhu cầu thiết thực ấy, nhiều cơ sở tự viện đã thành lập trường mầm non tư thục (dân lập), dưới sự điều hành quản lý của nhà chùa nhưng được giám sát và theo dõi của phòng Giáo dục & Đào tạo như Trường Mầm non Họa Mi (thuộc chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận, TP.HCM), Trường Mầm non Diệu Nghiêm (Ninh Thuận), trường mầm non tại Bước Chân Tuệ Uyển (Đồng Nai)…
Hiện nay, nhà nước cũng khuyến khích xã hội hóa giáo dục, trong đầu tư vào lĩnh vực mầm non theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Điều 55 - cho phép các tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo…
Khởi điểm chỉ là những cơ sở được thành lập miễn phí hay giảm học phí cho các em mồ côi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn như: Trường Mầm non bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm (Tiền Giang), lớp học tình thương và nhóm trẻ chùa Long Cát (Ninh Thuận)… So với các tôn giáo bạn, mầm non Phật giáo còn quá ít. Điều kiện cơ sở hạ tầng, quy mô hoạt động và đặc biệt là nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm lại càng ít ỏi hơn. Nhiều trường phải hợp đồng để thuê người quản lý và giáo viên đứng lớp.
Vì vậy, trong nhiều phiên họp, chư tôn đức lãnh đạo Phân ban Ni giới T.Ư đã bày tỏ mong muốn được đào tạo chư Ni trẻ, nữ Phật tử có sự quan tâm đến giáo dục mầm non, yêu nghề mến trẻ tham gia học lớp giáo dục mầm non của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức giảng dạy.
Quá trình học của chư Ni
Nhân duyên hội đủ, vào tháng 3-2015, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM kết hợp với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mở khoa Giáo dục Mầm non khóa I. Kỳ thi đầu vào được 98 vị tham gia khóa học, nhưng do nhiều lý do khác nhau, tính tới thời điểm hiện tại chuẩn bị mãn khóa chỉ còn lại 66 vị.
Tham gia khóa học, đa số là quý Sư cô đến từ các tỉnh thành, mỗi tuần phải tập trung tham gia học tập nên nhiều vị đảm nhiệm trụ trì gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện… Hơn nữa, lớp học chủ yếu là chư Ni nhưng theo Luật Phật chế định, hành giả tu tập không được ca múa, hát xướng nên việc tham gia vào các bộ môn múa hát,… là điều rất khó về mặt tâm lý người học. Y phục của tu sĩ lại càng khó khăn hơn trong mọi hoạt động của ngành… Đó là một trong những lý do khiến cho các Sư cô còn e ngại khi tham gia thi tuyển vào lớp giáo dục mầm non.
Các bộ môn múa, hát là điều rất khó về mặt tâm lý của Ni sinh
Nhưng vượt lên trên những chướng ngại đó là sự quan tâm của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và thầy tổ. Quý tôn đức đã cho phép các học trò, Sư cô tham gia khóa học để sau này có điều kiện phụng sự xã hội, nhân sinh; bên cạnh đó các nhà hảo tâm tạo điều kiện về kinh phí, ăn uống, phòng học và quỹ học bổng Lê Mộng Đào tài trợ hàng năm… nên chư Ni trẻ đã nỗ lực vượt trở ngại, cố gắng từng môn học, đặc biệt là các môn năng khiếu văn, thể, mỹ là những môn bắt buộc một Ni sinh - cô giáo mầm non tương lai phải hoàn thành.
Ni sinh Thích nữ Phước Trường chia sẻ: “Trải qua 4 năm học, mặc dù cũng có nhiều khó khăn nhưng tôi có lòng yêu nghề, mến trẻ và tinh thần phụng sự vẫn còn nên luôn cố gắng”. Về dự định trong tương lai, Sư cô khẳng định, chắc chắn sẽ tham gia giảng dạy và mở trường vì học thì phải hành. Tuy nhiên, theo sư cô, vấn đề này không phải chuyện nhỏ vì vậy phải cần có thời gian, kinh nghiệm và cả tài chính.
Kỳ thi tốt nghiệp của khoa Giáo dục Mầm non khóa I vừa hoàn mãn, chư Ni và nữ Phật tử được trang bị khá đầy đủ kiến thức chuyên môn đứng lớp và quản lý trường. Quý Sư cô, nữ Phật tử sẽ là giáo viên mầm non, là những người được coi là trực tiếp giúp trẻ trong việc phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm xã hội, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một.
Đồng thời, các cô giáo sẽ giúp trẻ phát triển những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
Ni sư Thích nữ Như Nguyệt, chủ nhiệm lớp học, chia sẻ: “Việc điều hành về học tập và thi cử của lớp do Trường Đại học Sư phạm TP.HCM sắp xếp, Học viện Phật giáo chỉ hỗ trợ thêm nên quá trình theo dõi dễ dàng hơn. Khó khăn nhất là vấn đề học phí, các em chỉ có thể đóng 25% tiền học phí cả năm, 75% còn lại phải vận động quý mạnh thường quân, trong đó 25% Trường Đại học Sư phạm hỗ trợ về điện nước cũng dành cho các em luôn. Thuận lợi là được quý mạnh thường quân lo cơm nước trong suốt 4 năm qua”.
Tại buổi gặp mặt cuối khóa tối 30-3, bên cạnh những thành tựu được chủ nhiệm lớp thừa nhận vẫn còn nhiều nhược điểm mà người học cần thay đổi, nhất là chư Ni để có thể đứng lớp giảng dạy, các cô giáo mầm non tương lai này cần hội đủ nhiều yếu tố không những về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà còn có lòng yêu nghề mến trẻ - quan trọng nhất là tinh thần và tâm thế sẵn sàng làm việc.
Là giáo viên giỏi cần phải hoạt bát, lăn xả, chủ động trong mọi tình huống, có thể rất “éo le” gặp phải. Nói về điều này, cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Sài Gòn (Q.7) nhắn nhủ: “Qua các lần giảng dạy ở lớp, tôi nhận thấy tinh thần học tập của các Sư cô rất tốt và nghiêm túc nhưng có hạn chế là các Sư cô còn quá rụt rè, chưa thoát mình ra khỏi chiếc áo nhà tu do chưa tiếp xúc và va chạm nhiều với xã hội.
Vì lẽ, một người lãnh đạo giỏi phải là những người mạnh dạn, có suy nghĩ và cách hành xử cực kỳ linh hoạt. Nếu có khóa thứ hai được mở, tôi hy vọng sẽ rút kinh nghiệm từ khóa đầu tiên để giúp các Sư cô hòa nhập và học tập tốt hơn”. Theo cô Hoa, bây giờ là lúc Phật giáo cần phải khơi dậy những gì đã bị lãng quên, sau thời gian gián đoạn chuyện tạo môi trường giáo dưỡng những mầm xanh.
Cơ duyên mầm non Phật giáo “hồi sinh” Trước năm 1975, Phật giáo có nhiều hệ thống các trường tiểu học và trung học Bồ Đề. Theo đó, tính đến năm 1970, toàn quốc có hơn 100 Trường Bồ Đề. Sau năm 1975, trường tư thục ở miền Nam bị giải thể, trở thành trường công, trong đó có hệ thống Trường Bồ Đề và được thay đổi tên mới nên điều kiện các nhà tu hành tham gia vào giảng dạy, giáo dục trở nên khan hiếm. Việc thành lập lại hệ thống cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chánh cho các cấp học do Phật giáo quản lý khá phức tạp nhưng bằng sự nỗ lực với mục đích “phụng sự nhân sinh và góp phần phát triển xã hội”, Phật giáo đã dần dần xây dựng lại một số cơ sở, trường mầm non và trực tiếp quản lý. |
Bài, ảnh: TN.Dung Thiền