Hạt gạo ân tình

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1279 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1279 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Niềm vui quá lớn với một học sinh nhưng sao Khánh vẫn thấy thiếu vắng một cái gì. Và Khánh hiểu đó chính là bà nội. Niềm vui hay nỗi buồn của Khánh đã không còn bà để san sẻ. Đêm đêm Khánh phải thắp nhang thêm một bàn thờ. Bà nội đã mất!...

Bệnh viện. 11 giờ 30 trưa.

- Người phụ nữ vừa ra tên là gì vậy? Cô cho tôi xem giấy xét nghiệm của bà ta.

Những thông tin trên tờ giấy làm bác sĩ Thành sửng sốt. Thảo nào! Anh ngoái đầu nhìn lại. Không thấy dáng người trùm khăn đâu cả.

Trở lại khoa, bác sĩ Thành gặp bác sĩ Khánh trong phòng trực bước ra. Anh kéo Khánh vào lại trong phòng.

- Khánh! Chúng ta gặp lại cô rồi! Gặp lại ân nhân rồi!

Sửng sốt trước thái độ của bạn, Khánh hỏi:

- Cô nào? Ai ân nhân?... Thành! Cậu nói gì vậy?

- Cô Đậu! Cô hiệu trưởng ở ngoài quê. Người đã giúp chúng ta có gạo ăn hồi học phổ thông. Cậu quên rồi sao?

- Cô hiệu trưởng nào ngoài quê? Giúp ai có gạo ăn?... À! Tôi nhớ ra rồi.- Khánh cười khẩy – Người mà miệng nói thì cao đạo mà lòng dạ lại lạnh băng trước nỗi đau của người khác ấy mà! Mà tôi có nhận gạo cơm gì đâu? Con người ấy tôi không muốn nhớ tên làm gì!

Bác sĩ Thành đẩy bác sĩ Khánh lùi sâu vô phòng. Anh ngoặt tay khóa cửa lại. Da mặt anh chuyển tái mét. Như con gà chọi hăng tiết trước đối thủ, đầu anh gặc gặc ngước lên, cúi xuống vài ba lần nhìn bạn từ đầu xuống chân rồi từ chân lên đầu. Giọng cố nén trong cơn giận vừa bùng lên rin rít như tiếng hai mảnh thủy tinh cà với nhau:

- Khốn nạn!... Cậu dám nói về cô giáo của mình như thế hả?!...Đồ ăn cháo đá bát!... Ai đã đề nghị cấp học bổng cho cậu hồi học cấp hai? Ai đã thân hành đi xin trường cấp ba miễn học phí cho cậu? Cậu tưởng chỉ mình cậu là học sinh giỏi nên được ưu tiên thế hả? Ai?... Ai đã đi mòn lớp xe để xin phòng thương binh xã hội bán hỗ trợ cho cậu mười lăm ký gạo mỗi tháng để ăn học. Ai?... Chính là cô hiệu trưởng của chúng ta! Cô Đậu! Người đã dành cả đời mình cho học sinh, bây giờ đang mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, đang ở trong bệnh viện này, và chắc sẽ khổ sở vì sự vô ơn của một đứa học trò bạc nghĩa là cậu. Là cậu! Bác sĩ Lê Công Khánh à!

Tất cả sức lực của bác sĩ Thành như dồn hết vào lời nói vừa rồi. Anh mệt mỏi ngồi ghé vào mép bàn làm việc, nét mặt phờ phạc, lưng còng hẳn xuống, miệng lẩm bẩm “Khốn nạn… Thật khốn nạn…”.

Bác sĩ Khánh quá đổi ngỡ ngàng vì lời bạn nói, ngỡ ngàng vì sự giận dữ của bạn. Anh đến bên Thành, đặt hai tay lên hai vai bạn lay gọi:

- Thành! Có thật vậy không Thành?... Trời ơi! Vậy mà tôi có biết gì đâu. Bấy lâu nay thay vì biết ơn tôi đã đem lòng oán người… Mà Thành này, tại sao cậu biết được những điều đó mà tôi không biết tí gì?

Bác sĩ Thành gạt nhẹ tay bạn. Anh nhìn Khánh đăm đăm. Rút khăn tay lau mồ hôi tươm ra trên mặt rồi đáp:

- Do cha vợ mình và những dây mơ rễ má của ông. Bây giờ mình phải giúp cô. Mình về trước đây. Mà này, dù cậu có vô tình không biết mình cũng không xin lỗi cậu đâu. Cậu đáng bị mắng như thế lắm.

Bạn đi rồi, bác sĩ Khánh thấy lòng chông chênh. Có cảm giác như có một sức nặng chỉ áp một bên hông làm anh mất thăng bằng… Anh ngả người ra lưng ghế, nhắm mắt. Những năm tháng xa xưa làm lòng anh xốn xang…

Ngôi nhà nhỏ lợp tôn gỉ sét nằm giữa gò đất quanh năm trồng khoai mì. Cậu bé Khánh ngồi xem bà nội nấu cơm. Khánh vòng tay ôm ngang lưng bà nội, nói “Nội ơi! Cháu vừa thi đậu học sinh giỏi huyện. Nội thưởng cho cháu đi”. “Cháu muốn thưởng gì nào? Củ mì gòn hay khoai lang khô hầm đường với đậu đen?”. “Không! Cháu muốn ăn thịt. Lâu quá rồi cháu chưa được ăn thịt”. “Ăn thịt… ừ… ăn thịt”. Miệng bà lẩm bẩm, tay bà sơ qua nồi cơm độn khoai lang khô vừa cạn rồi cời than trong bếp ra đoạn nhấc nồi cơm giần xuống.

Đặt tiếp lên bếp nồi nước để luộc ngọn rau lang, bà vói tay cắm đôi đũa cả vào ống so rồi ôm đầu Khánh ép sát vào ngực. Tay bà vỗ vỗ, xoa xoa vai Khánh, bà nói “Ăn thịt… Lâu quá nội chưa mua thịt cho cháu ăn”. Bên ngực bà, Khánh nghe tim bà đập tùng tùng, nghe tiếng bà nói nghèn nghẹn. Khánh hít lấy mùi quen thuộc của bà. Cái mùi thơm nồng của cổ trầu và mồ hôi. Cái mùi Khánh đã quen từ chập chững những bước đi đầu tiên đến giờ.

Trong ký ức tuổi thơ của mình, Khánh chỉ biết một mình bà nội hôm sớm trong nhà. Khi hiểu được nghĩa của hai tiếng cha mẹ, Khánh biết chỉ trong một năm Khánh chịu hai cái tang lớn. Cha thoát ly kháng chiến, hy sinh ở núi Hòn Hèo. Mẹ nhớ thương cha ngã bệnh qua đời khi Khánh chưa tròn năm tuổi. Bà nội trở thành cha mẹ, thành bảo mẫu cho đứa cháu mồ côi. Lưng bà thêm còng, tóc bà thêm bạc theo đà lớn lên của Khánh…

Khánh không đi vòng theo đường chính mà băng ngang qua đồng ruộng về nhà trong tâm trạng buồn bực. Bà nội bệnh, đã uống nhiều loại thuốc mà chưa bớt. Vậy mà chiều nay khi lên văn phòng xin thuốc đau bụng, Khánh tình cờ nghe được lời của cô giáo chủ nhiệm và cô hiệu trưởng “Thưa cô hiệu trưởng, em biết Khánh là học sinh giỏi toàn diện từ lớp một đến lớp tám. Năm ngoái Khánh là một trong hai em học sinh giỏi cấp huyện của trường ta. Trong kỳ thi học kỳ một này, môn toán của Khánh chỉ đạt điểm bảy. Ngoài một câu hỏi để trống còn một lời giải sai một cách bất thường. Em đã tìm hiểu và biết được do bà nội Khánh bệnh nên đã ảnh hưởng đến việc thi của Khánh. Em mong cô xét lại kẻo tội nghiệp cho Khánh sẽ không đạt được danh hiệu học sinh giỏi cuối năm”.

“Cô Liên có lòng thương học sinh tôi rất mừng. Nhưng điều cô xin thì không thể được. Em Lê Công Khánh là học sinh giỏi nên bài thi làm sai chỗ nào em đã biết. Bây giờ chúng ta điều chỉnh, dù là với đặc cách cho thi lại cũng làm em nhìn nhận không hay về thầy cô. Vả lại việc học, nói riêng là thi cử phải công bằng với tất cả học sinh. Các em phải tự nỗ lực vươn lên dù bất cứ hoàn cảnh nào. Gia cảnh em Khánh tôi đã biết rõ. Để động viên Khánh học tập tốt tôi đã có kế hoạch giúp đỡ nhưng không phải bằng cách như cô Liên vừa trình bày. Chúng ta không những dạy các em kiến thức mà còn dạy các em cách sống làm người có nhân cách”…

Niềm vui sẽ nhân đôi khi biết chịu đựng được nỗi buồn.

Bà nội đã hết bệnh. Và một niềm vui bất ngờ đến với bà cháu Khánh: Khánh được nhà nước bán hỗ trợ mỗi tháng 15 ký gạo cho đến hết năm mười tám tuổi. Cuối cùng là Khánh được xét tuyển thẳng vào cấp III không qua thi chuyển cấp bởi thành tích học tập các năm qua.

Niềm vui quá lớn với một học sinh nhưng sao Khánh vẫn thấy thiếu vắng một cái gì. Và Khánh hiểu đó chính là bà nội. Niềm vui hay nỗi buồn của Khánh đã không còn bà để san sẻ. Đêm đêm Khánh phải thắp nhang thêm một bàn thờ. Bà nội đã mất!... Bà ra đi để lại đứa cháu côi cút phải tự lo toan mọi thứ cho sự sống và cho việc học. Chỉ có tình bạn khỏa lấp đi phần nào nỗi trống vắng cô đơn. Thành, người bạn thân thiết cùng đến học với Khánh đêm đêm suốt ba năm cấp III…

Bác sĩ Khánh ngồi bật dậy với một quyết định dứt khoát. Anh phải làm một điều gì đó cụ thể, rất cụ thể cho cô hiệu trưởng…Bữa cơm trưa nay bác sĩ Khánh ăn lâu hơn thường lệ. Hình ảnh cô hiệu trưởng ngày xưa cứ chờn vờn trong bộ óc, nỗi ray rứt, ân hận cứ chà xát con tim. Chén cơm trưa nay gợi nhớ những hạt gạo ân tình gần ba mươi năm về trước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN niệm Phật cầu gia hộ - Ảnh: Quảng Đạo/BGN

Hội nghị Thường niên kỳ 4 - Khóa IX: Suy tôn Phó Pháp chủ, suy cử Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự

GNO - Sáng nay, 5-1, tại Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phía Nam - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM) diễn ra khai mạc Hội nghị Thường niên kỳ 4 - Khóa IX (2022-2027) GHPGVN nhằm tổng kết hoạt động Phật sự năm 2024, triển khai chương trình Phật sự năm 2025 và thảo luận nhiều Phật sự quan trọng.

Thông tin hàng ngày