Hầu Đồng nên như thế nào?

Giác Ngộ:  Gần đây trên một website Phật giáo có đăng bài về tục lệ hầu đồng đang phát triển. Nhìn chung có một số ý kiến ủng hộ tục lệ này, nhiều bạn đọc cũng viết bài tỏ ý ca ngợi, thậm chí xem đó là "di sản văn hóa dân tộc". Một số ít người phản bác liền bị "cô lập" rất dữ. Chúng tôi xin góp vài ý kiến cá nhân về vấn đề này.

dongbong.gif

Bản thân tôi không kỳ thị tín ngưỡng hầu đồng, vì nó phản ánh tư duy đa thần của con người từ cổ xưa, tin là có đấng tạo ra mọi thứ trong vũ trụ, thế mới gọi là "mẫu", là "mẹ" sinh ra tất cả. Nữ thần Mặt trời, Nữ thần Mặt trăng, rồi Thần Sấm, Thần Chớp v.v… đều thế cả. Và tôi vẫn thích nghe hát chầu văn vì giai điệu rất hay, cũng thích xem những buổi hầu đồng như là một dạng biểu diễn sân khấu.

Tuy nhiên, tôi tách phần âm nhạc và múa ra khỏi phần tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo. Bởi mấy lý do:

1. Dù thật có những bậc Thánh mẫu đi nữa, thì vẫn chưa ra khỏi lục đạo luân hồi, đạo Phật dạy có thể kính ngưỡng chư thần, nhưng không thể "nương tựa" với các vị ấy. Ngay từ lý thuyết, tín ngưỡng Mẫu đã khác xa đạo Phật, vì Phật dạy rằng không có một đấng sáng thế nào tạo ra mọi thứ, mà tất cả đều do duyên sinh, đủ duyên thì hợp thành, hết duyên thì tan hoại. Phước họa là theo luật nhân quả, chứ không ai có quyền ban giáng cho ai được.

2. Thử quan sát những người theo đạo Mẫu hoặc theo các buổi hầu đồng, đa số họ chỉ đến cầu xin Thánh ban lộc ban phúc chứ không rõ luật nhân quả, không trau dồi trí tuệ để tự mình gặt hái kết quả tốt đẹp. Đem tiền và vàng mã đến cúng Thánh rồi xin làm ăn phát đạt, xin hôn nhân êm ấm, xin chức tước… dễ quá! Cái khó hơn là sống từ bi hỷ xả, hòa thuận, trung thực, từ bỏ tham sân si, ganh tị, thủ đoạn, chèn ép… Gieo nhân như vậy thì gặt quả tốt, xem ra nhiều người không muốn làm, không kiên nhẫn làm. Dựa vào sức mạnh của Thánh cho lẹ. Giống như đi thi, lẽ ra thức đêm thức khuya học bài, thì họ ngán, mà cứ bỏ tiền ra mua bằng cấp. Như vậy, chúng ta đâu có hết khổ, mà chỉ tạm thời qua được cơn thắt ngặt, biết đâu lại tái phạm những lỗi lầm, rồi nhân quả tiếp tục, đến lúc Thánh cũng không cứu nổi. Thánh không thể nào vượt qua được luật nhân quả, tại sao ta cứ mãi cầu xin?

Bản thân tôi mang họ Trần, khi vài tháng tuổi ba tôi đã ẵm tôi đến đền Đức Thánh Trần đặt dưới chân Ngài gọi là "cho con" (và các em tôi cũng được ba chúng tôi làm như thế). Lớn lên, học sử, tôi vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ Hưng Đạo Đại Vương vì nghĩa lớn quên thù riêng, xả thân đánh giặc, là vị tướng tài ba kiệt xuất của dân tộc. Khi tôi nghĩ đến Ngài, là tôi cảm động vì nhân cách ấy, vì tài năng ấy, và tâm niệm mình phải noi gương Ngài, sống yêu nước, thương đồng bào, lo cho mọi người. Tôi cũng thương kính các vị tiền bối khác trong lịch sử như Nguyễn Trãi, Quang Trung, Bùi Thị Xuân… Không biết các vị có thành Thánh hay không, nhưng đó mới là những "vị Thánh" thực tế nhất của dân tộc, chứ không phải một Cô, Cậu chung chung nào đó. Và khi tưởng nhớ họ, là tưởng nhớ công ơn, đức hạnh, và nguyện noi theo, chứ không phải cầu xin lợi lộc cho mình. Thử hỏi mấy ai trong số những người tham dự hầu đồng có tâm thế như vậy, hiểu biết như vậy? Nói hầu đồng là "di sản văn hóa dân tộc", mà hỏi tới một vị danh nhân dân tộc lại không biết gì hết, mâu thuẫn không? Hay chỉ có cái vỏ văn hóa bên ngoài, còn nội dung thực chất là hối lộ phẩm vật rồi cầu xin ban phước ban lộc?

3. Người nhập đồng có khi không phải là Thánh, chưa sinh thiên, mà có khi là chúng sinh ở cõi thấp hơn, như các vong hồn chưa siêu thoát, tạm dựa vào thân xác của người hầu đồng để có cơ hội hưởng thụ. Dĩ nhiên họ có một số năng lực hơn người trần bình thường, nên cũng giúp được chút ít. Nhưng dựa vào họ thì… nguy hiểm quá.

4. Sở dĩ đạo Mẫu đang pha trộn vào đạo Phật là vì đạo Phật khi vào nước ta nhiều thế kỷ đã có sự dung hợp tự nhiên với văn hóa và tín ngưỡng bản địa, đến mức không còn phân biệt được. Một phần cũng do bối cảnh đặc biệt, lúc Phật giáo suy trào, lùi sâu vào làng mạc, nên dễ dung hợp với các tín ngưỡng, tập tục dân gian khác. Một phần khác, cũng do tu sĩ Phật giáo quá dễ dãi, cứ nghĩ "phương tiện" nên đã đồng thuận cho việc thờ cúng đạo Mẫu ngay trong chùa, nặng về tín ngưỡng mà nhẹ về việc giảng dạy Phật pháp.

Việc tín ngưỡng Mẫu, hầu đồng hiện diện trong chùa qua nhiều năm, nên không dễ dàng gì trong việc loại trừ hoặc di dời các hình thức tín ngưỡng ấy ra khỏi Phật điện. Một số vị trụ trì có chủ trương ấy đã gặp không ít khó khăn từ quần chúng. Tuy nhiên không phải là không thực hiện được. Từ sau phong trào Chấn hưng Phật giáo, điều đó đã được thực hiện một cách kiên quyết ở miền Trung, cụ thể là Thừa Thiên Huế. Ít ra, điện thờ Mẫu cũng đã được di dời ra khỏi chánh điện.

5. Những người hầu đồng bây giờ cũng không được tuyển lựa từ các thiếu nhi trong trắng như ngày xưa, mà đa số là dân đồng tính, hoặc tâm sinh lý có một sự lệch lạc nào đó rất khó nói. Tôi không kỳ thị họ, nhưng tôi nghĩ Thánh là người có phước đức lớn, có phẩm hạnh cao, không lẽ lại chịu trú vào những người như vậy?

6. Nói đạo nào cũng khuyên người ta làm lành lánh dữ, lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, khái niệm "lành, dữ" không đạo nào giống đạo nào, mà tùy thuộc vào mục tiêu lý tưởng của mỗi đạo.

dongbong-1.gif

Đạo Phật tôn trọng các tín ngưỡng dân gian khác,

nhưng không vì thế mà dễ duôi thu nạp, đưa vào chùa chiền

Tóm lại, tôi tôn trọng ý của mọi người xem việc hầu đồng là văn hóa dân gian, tín ngưỡng dân gian, ai theo cứ theo. Nhưng xin hãy tách việc thờ cúng này ra khỏi cửa thiền, khỏi các ngôi chùa Phật giáo. Và đề nghị các Phật tử không nên tham gia, mà hãy tham gia học giáo lý nhà Phật để hiểu biết cho đúng đắn. Người tự hào xưng mình là Phật tử thì phải cố gắng tìm hiểu Phật pháp, có nhận thức và không nên dễ duôi nghe tin theo các tín ngưỡng khác chỉ để cầu xin chuyển họa lấy phước.

Giáo hội nên bắt buộc các tự viện phải mở lớp giáo lý cho dân trong trú xứ, khi nhận phái quy y là phải có hiểu biết căn bản về Phật học chứ không nên dễ dãi như bây giờ. Chúng ta không kỳ thị tín ngưỡng, nhưng không nên chấp nhận kiểu nhập nhằng như thế. Nhiều người không chịu đến chùa một phần do thấy ngôi chùa không thể hiện được tinh hoa Phật giáo mà cứ lẫn lộn, pha tạp nhiều thứ, ít chất thiền vị.

Với những vị thích hầu đồng, xem đó là văn hóa dân tộc, thì xin hãy bổ sung kiến thức về các vị Thánh của dân tộc, rồi noi gương các ngài, bớt đi vấn đề cầu xin dễ dãi. Như vậy chúng ta cũng không "mắc cỡ" với thế giới nếu chẳng may người ta hỏi đến (vì nghe đâu UNESCO định công nhận đây là văn hóa phi vật thể của Việt Nam). Tôi hoan nghênh nếu làm được như thế, vì nêu cao tinh thần dân tộc, rất có ích. Tín ngưỡng dân gian bước vào thời hiện đại cũng nên khác đi, cần trí tuệ hơn chứ không thể tin một cách mù mờ. Chúng ta làm kiểu gì mà lớp trẻ nhìn vào lại nói là "đồng bóng", thì mình tự kiểm lại mình. Xin trân trọng di sản văn hóa của cha ông để lại, và mong "đạo" nào cũng hướng về từ bi và trí tuệ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày