Hiếu hạnh - giá trị căn bản của nhân cách

GN - Mỗi mùa Vu lan, chúng ta lại được nhắc nhở về hiếu hạnh và cách báo đáp thâm ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đối với người Phật tử, ân cha mẹ là một trong bốn ân lớn mà mỗi người phải luôn ý thức, nhớ nghĩ và báo đền.

IMG_7208.jpg
Lễ Vu lan báo hiếu của bà con kiều bào tại Thái Lan - Ảnh: Nhuận Tú

Bốn ân lớn đó là ân cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục chúng ta, nói chung là gia đình huyết thống của mình; ân Tam bảo - Sư trưởng đã hướng dẫn chúng ta trên con đường tâm linh, giải thoát; ân quốc gia xã hội - quê hương đất nước, nơi kết tinh trí tuệ, sự hy sinh của bao thế hệ tiền nhân để hình thành nên cương thổ, văn hóa mà chúng ta được thụ hưởng; và, ân chúng sinh vạn loại trong tương quan duyên sinh đã trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ cho chúng ta trên nhiều phương diện vật chất và tinh thần…

Nói đến hiếu hạnh, chúng ta thường nhắc đến tấm gương của Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong các vị Thánh đệ tử của Đức Phật.

Kinh Vu lan bồn ghi lại rằng, Tôn giả Mục Kiền Liên là Đại đệ tử của Đức Thế Tôn và được tôn xưng là Thần thông đệ nhất, vị tu chứng A-la-hán và sở đắc các phép thần thông vào loại bậc nhất thời bấy giờ, chỉ sau Đức Phật.

Sau khi tu chứng, người mà Tôn giả nghĩ đến đầu tiên là mẹ của mình đã mất. Tôn giả bèn vận dụng thần thông đi khắp nơi tìm mẹ, đau đớn khi thấy mẹ mình trong hình hài một quỷ đói (ngạ quỷ) - kết quả của các ác nghiệp mà bà đã tạo tác lúc sinh tiền. Với lòng hiếu thảo và sự xót xa của một người con, Tôn giả liền lấy cơm trong bình bát khất thực được dâng đến người mẹ, nhưng người mẹ đói khát không ăn được, vì cơm đã hóa thành lửa than đỏ hồng! Thần thông quảng đại bất lực trước nghiệp báo. Tôn giả nhìn cảnh tượng ấy trong sự tuyệt vọng, bèn trở về bạch với Đức Phật. Ngài liền dạy Tôn giả về nguyên nhân của nghiệp quả, và cách để cứu vớt được người mẹ thoát khỏi đọa đày trong hình thức ngạ quỷ ở chốn tối tăm... Tôn giả làm theo, và nhờ đó, người mẹ đã không còn chịu sự khốn khổ nữa.

Hiếu hạnh được tôn vinh là “đạo” - một giá trị thiêng liêng của cuộc sống, Đức Phật và chư vị thánh nhân luôn đề cao giá trị này. Đó là giá trị căn bản làm nên nhân cách của con người. Ở đây, chuyện tích Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ trở thành một điển hình, gợi nhiều suy nghĩ cho chúng ta trong đời sống hôm nay.

Ai cũng có tâm hiếu, nhưng không phải ai cũng nhận thức đúng về lòng hiếu và cách để báo đáp ơn sâu của cha mẹ, như trong câu chuyện trên, Tôn giả Mục Kiền Liên phải nhờ Đức Phật giải thích và hướng dẫn mới có cách làm đúng, và giúp được mẹ mình một cách thiết thực. Hiếu là tình thương, nhưng thương thôi chưa đủ, phải có sự hiểu biết mới có thể thương đúng, lợi lạc cả người thương và người được thương.

Cũng vậy đối với các ân lớn khác, như ân Tam bảo - Sư trưởng, ân quốc gia xã hội và ân chúng sinh vạn loại, sự báo đáp không phải chỉ là trách nhiệm, bổn phận của một tín đồ đối với tôn giáo, đệ tử với thầy tổ; công dân đối với đất nước; tình đồng bào và trách nhiệm với môi trường sống..., hơn thế nữa, phải ý thức đó là giá trị, là đời sống, là nhân cách và là điều thiêng liêng, mà nếu đánh mất nó, dù ta là ai, sẽ tự đánh mất phẩm tính, điều kiện để làm người

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.

Thông tin hàng ngày