Hòa nhịp cùng anh linh sông núi 1.000 năm - Kỳ 1: “Lội” ngược dòng 1.000 năm lịch sử…

Tượng vua Lý Thái Tổ-Hà Nội
Tượng vua Lý Thái Tổ-Hà Nội
Sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện lớn của đất nước, nên người trẻ Việt Nam cũng có cơ hội để trải nghiệm lịch sử và làm một cái gì đó cho Hà Nội ngày nay, Thăng Long xưa đẹp hơn, rỡ ràng hơn với một niềm tự hào vô biên…

Lịch sử ghi rằng: Sông Hồng khi xưa ăn thông với hồ Xác Cáo (còn có các tên là hồ Trâu Vàng, hồ Lãng Bạc, hồ Đạp Hối...), điểm nối kết là ở Cửa Sông - Bãi Sậy (tức hồ Trúc Bạch ngày nay). Năm 1010, Vua Lý Công Uẩn chèo thuyền ngược sông Hồng tới đây thì nhìn thấy một con Rồng bay lên, cho là có điềm tốt. Người ban Chiếu dời đô… "Lội" ngược dòng 1.000 năm để rồi hôm nay nhiều người vẫn chưa hình dung hết lịch sử của ngày dời đô. Chính vì vậy Giác Ngộ đã có những lục lọi, tìm tòi về cội nguồn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…

Mùa thu năm ấy…

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên nhắc lại lịch sử trên Tuổi Trẻ ngày 29-4 rằng: "Ngày 10-10 được chọn tổ chức Đại lễ kỷ niệm, chứ không phải là ngày kỷ niệm. Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La là vào "mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất, 1010" (Đại Việt sử ký toàn thư). Tôi sợ trước hết, khi đại lễ xong rồi, đồng hồ đếm ngược đã dừng, thì biết đâu ngày 10-10 sẽ vô tình khiến nhiều người, nhất là lớp nhỏ và lớp trẻ, tưởng là ngày Lý Thái Tổ dời đô. Chuyện này khi đồng hồ mới dựng lên cách đây hơn ba năm trước, một số nhà sử học đã lên tiếng nhưng việc đã rồi". Quả thật nỗi lo ấy của ông Phạm Xuân Nguyên là có thật bởi khi phóng viên Giác Ngộ hỏi một số bạn trẻ, thậm chí là những bạn đang học các ngành khoa học xã hội cũng "bó tay" với sự thật của lịch sử là Lý Thái Tổ dời đô vào tháng 7.

Bạn T.D. (khoa Địa lý, ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết: "Theo mình biết thì tháng 10 chúng ta sẽ làm lễ kỷ niệm nghĩa là tháng 10 là tháng mà Lý Thái Tổ dời đô". Suy đoán thông qua ngày được chọn (ngày 10-10) của các bạn trẻ đúng theo logic học bởi chính các cơ quan tuyên truyền về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có một phần lỗi trong chuyện này: rất hiếm khi nhắc đến sự kiện lịch sử: mùa thu, tháng 7, năm Canh Tuất, 1010, Lý Thái Tổ dời đô.

Trở lại mùa thu năm ấy bằng lịch sử, chúng tôi tìm được nội dung một đoạn Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ: "Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Ðại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không đổi dời. Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?".

Nhà vua đã "hỏi ý đại thần và muôn dân" trong việc hệ trọng của đất nước và cuối cùng Lý Thái Tổ đã thuyết phục được thần tử và trăm họ. Đô được dời từ Hoa Lư về Đại La và được đổi tên thành Thăng Long. Thành Thăng Long khi ấy chỉ vỏn vẹn có 4km vuông, ở phía Nam và Đông nam hồ Dâm Đàm. Để tránh cho kinh thành khỏi bị lũ lụt uy hiếp hàng năm và để tránh cho các làng mạc thôn xóm vùng hạ lưu sông khỏi bị lũ lụt phá hủy mùa màng, một công trình thủy lợi vĩ đại đã diễn ra trong hai triều đại nhà Lý và nhà Trần. Gần 2.000km đê đã mọc lên, cứu đồng bằng Bắc Bộ thoát khỏi lũ lụt. Tại kinh đô Thăng Long, con đê đã ngăn cách sông Hồng với hồ Dâm Đàm. Sang thời Hậu Lê, đê Mã Canh nối từ Yên Quang tới Yên Phụ (tức đường Cổ Ngư, đường Thanh Niên sau này) đã được tạo ra để ngăn nốt mối liên hệ giữa hồ Dâm Đàm với cửa sông Bãi Sậy, hình thành hồ Trúc Bạch tách hẳn khỏi Hồ Tây như ta thấy ngày nay.

Để hậu nhân hiểu hơn về cội nguồn

Sau khi nghe chúng tôi tiết lộ rằng vua Lý Thái Tổ dời đô vào tháng 7 thì nhiều bạn trẻ mới giật mình: "Ủa, vậy sao lại làm lễ kỷ niệm vào tháng 10?". Câu hỏi được trả lời như nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên thì đó là ngày được ấn định theo tinh thần chung của quốc gia, không phải là ngày kỷ niệm. Làm sao để người trẻ hôm nay hiểu hơn về cội nguồn như lịch sử? Bạn Nguyễn Vĩ Nhân đề nghị: "Các phương tiện thông tin đại chúng phải "nói thêm cho rõ" lịch sử dời đô của Thăng Long - Hà Nội, nếu không tôi tin nhiều bạn trẻ sẽ nhầm lẫn". Bạn Hoàng Thị Lụa, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ: "Em nghĩ các bạn trẻ cũng cần phải chủ động tìm kho lịch sử trên mạng internet, có rất nhiều thông tin trên các trang web như www.1000namthanglonghanoi.vn, www.thanglong.chinhphu.vn, www.cinet.vn...".

Như vậy, để tìm về cội nguồn dân tộc đòi hỏi sự thông tin đủ, đúng từ phía các cơ quan truyền thông, từ Ban Tổ chức Lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời vai trò cá nhân cũng hết sức quan trọng. Một trong những tờ báo có chuyên mục 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sớm nhất là tuần báo Giác Ngộ, nhiều tháng qua đã thông tin đến bạn đọc nhiều cứ liệu lịch sử quý báu mà theo nhận xét của bạn đọc Ngô Tùng Châu ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM: "Chúng tôi rất hài lòng khi mỗi tuần mở báo Giác Ngộ lại tìm thấy một bài viết thú vị về lịch sử 1.000 năm của dân tộc, những dấu tích còn lại…".

Lời khen ấy được Ban Biên tập trang báo đón nhận như một lời khích lệ nhưng cũng cảm thấy chưa hài lòng lắm với những gì mình đã làm được bởi vẫn còn nhiều cứ liệu lịch sử, thông tin, con người… liên quan đến dấu tích Thăng Long - Hà Nội mà Giác Ngộ chưa khai thác hết, chưa có điều kiện tiếp cận.

Tất nhiên, hành trình "lội" ngược dòng 1.000 năm để làm sống dậy lịch sử trong thế hệ hôm nay là một việc làm không đơn giản. Nó đòi hỏi sự bền bỉ mà không chỉ làm trong một vài năm, hoặc một vài tháng trước khi diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà cần làm lâu dài, hậu kỷ niệm… "Lịch sử trong dòng chảy ngồn ngộn của hiện đại với quá nhiều thứ tác động đã làm người ta thường dễ bỏ qua những điều thú vị về quá khứ. Nhắc lại để người trẻ và thế hệ hôm nay hiểu chính xác về tổ tiên cũng là cách nuôi dưỡng tình yêu non sông, đất nước…", TS Đinh Phương Duy bộc bạch!.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày