Hòa thượng Chủ tịch HĐTS nói về chuyến thăm Hoa Kỳ

"Đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã được cải thiện"

GN - Vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, trong đó có lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, đã thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 10-7-2015. Trao đổi với Giác Ngộ, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tháp tùng chuyến thăm lần này, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, cho biết:

Nhận lời mời của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ nhân sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu phái đoàn gồm đại diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao… đồng thời có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tôn giáo, nhân sĩ trí thức và cựu chiến binh Việt Nam tháp tùng đoàn.

cctt2.jpg


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo tại Hoa Kỳ

Bạch Hòa thượng, chuyến đến thăm Hoa Kỳ lần này, Hòa thượng tháp tùng đoàn với tư cách như thế nào?

- Về phía Phật giáo, tôi nhận lời mời của Ban Đối ngoại Chính phủ Việt Nam với tư cách là Chủ tịch HĐTS GHPGVN, đại diện cho GHPGVN. Cùng chuyến đi này còn có TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN và TT.Thích Bửu Chánh, Ủy viên Thường trực HĐTS.

Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp riêng với các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ và đại diện Viện Liên kết Toàn cầu vào chiều ngày 7-7 (tức sáng ngày 8-7, giờ Việt Nam).

Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư đã giới thiệu đến lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ về GHPGVN tại thời điểm hiện nay và Giáo hội được sự điều hành tối cao của Đức Pháp chủ HT.Thích Phổ Tuệ, sự điều hành Phật sự hàng ngày của Giáo hội là tôi - HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN. Mục đích của sự giới thiệu này nhằm giúp các lãnh đạo tôn giáo ở Hoa Kỳ có thể liên hệ trực tiếp với các vị lãnh đạo GHPGVN để tránh nhầm lẫn.

Việc các vị lãnh đạo GHPGVN trước đây tháp tùng cùng lãnh đạo Nhà nước đến thăm Hoa Kỳ đã có quá trình lâu dài và có tính liên tục từ năm 2000 đến nay, chứ không phải đây chuyến đi lần đầu tiên.

Vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam được biết Hoa Kỳ rất quan tâm; bạch Hòa thượng, chuyến đi này vấn đề đó được đề cập như thế nào?

- Trừ buổi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama tại Nhà Trắng thì các buổi tiếp khác, đặc biệt là buổi tiếp Tổng Bí thư với các vị lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ, có sự tham dự của Đại sứ tự do tôn giáo đương nhiệm David Saperstein và Đại sứ tự do tôn giáo đầu tiên Robert Seiple, các vấn đề về tôn giáo đều được đề cập, và họ phát biểu rất công tâm.

Đại sứ tự do tôn giáo đương nhiệm David Saperstein cho biết, trước đây tình hình sinh hoạt tự do tôn giáo, tín ngưỡng còn khó khăn nhưng từ khi ông nhậm chức thì thấy đời sống tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam đã được cải thiện, tuy rằng còn hơi chậm, ví dụ như công tác bổ nhiệm, xây dựng cơ sở cũng như công nhận tổ chức Giáo hội, quyền công dân... Ông cũng mong Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam có sự hoàn thiện hơn nữa để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, mối tương quan hòa hợp về tôn giáo tại Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tại buổi tiếp này, đáp lại sự quan tâm của các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ về tình hình tôn giáo của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, với 54 dân tộc anh em, nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt tại cộng đồng. Từ năm 1975 đến nay, số tín đồ tôn giáo tăng gấp 2,5 lần, từ khoảng 10 triệu nay là 24 triệu tín đồ, chưa kể số người theo tín ngưỡng (theo số liệu thống kê dân số của Nhà nước). Rõ ràng, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tăng. Tăng Ni Phật giáo cả nước gần 49.000 Tăng Ni và 17.287 tự viện.

Bạch Hòa thượng, chuyến đi lần này, Hòa thượng giới thiệu như thế nào về Phật giáo Việt Nam?

- Về GHPGVN, tôi giới thiệu sơ nét từ khi thống nhất Phật giáo năm 1981 cho đến nay, trải qua 34 năm, thành lập được 63/63 tổ chức GHPGVN tỉnh, thành trong cả nước. Tôi cũng giới thiệu sự lớn mạnh về nhân sự HĐCM, HĐTS GHPGVN từ nhiệm kỳ đầu tiên, phát triển cho đến hiện nay; các ban, viện Trung ương Giáo hội phát triển và sinh hoạt ổn định.

Giáo hội có gần 49.000 Tăng Ni và 17.287 cơ sở tự viện. Hiện nay, ở Việt Nam có 4 học viện Phật giáo, về tín đồ cũng giới thiệu giống như lãnh đạo Nhà nước giới thiệu, tức là 24 triệu (đúng ra thì trên 45 triệu tín đồ). Tôi cũng giới thiệu đôi nét về mối quan hệ ngoại giao gắn kết giữa Giáo hội với các truyền thống Phật giáo tại các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Áo, Đức…

cctt1.jpg
Tại Viện Liên kết Toàn cầu (HT.Thích Thiện Nhơn là người thứ 5, hàng đầu, từ trái sang)

Bạch Hòa thượng, qua các buổi tiếp này, phía Hoa Kỳ có thể hiện như thế nào đối với sự thay đổi về nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam?

- Qua những buổi làm việc với phái đoàn Nhà nước Việt Nam, phía Hoa Kỳ rất hoan hỷ, tiếp đón trọng thị. Đại sứ tự do tôn giáo đầu tiên Robert Seiple đánh giá GHPGVN có sự điều hành chặt chẽ. Ông cũng cho biết, giai đoạn ông còn tại chức thì tình hình sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, nhân quyền ở Việt Nam trong giai đoạn còn cấm vận thì khó khăn hơn nhưng sau này tình hình đã được cải thiện… Nói chung chuyến đi lần này thể hiện không khí nhẹ nhàng, cởi mở…

Nhân dịp này, phái đoàn Việt Nam cũng đã đến thăm, chia sẻ với doanh nhân và bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

Cảm nghĩ của Hòa thượng nhân chuyến đi này?

Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhận lời mời của Ban Đối ngoại Chính phủ Việt Nam tháp tùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm Hoa Kỳ và được trực tiếp giới thiệu GHPGVN với những vị lãnh đạo tôn giáo ở Hoa Kỳ. Qua chuyến đi này, mối quan hệ giao lưu với Hoa Kỳ và Việt Nam, ngoại giao tôn giáo ban đầu có kết quả rất tốt, tuy nhiên hai nước cũng cần phải nỗ lực, kiên trì và có thời gian lâu dài để hiểu nhau hơn trong tương lai.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày