GNO - Sáng nay, 28-4, tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM (An Dương Vương, Q.5, TP.HCM) đã diễn ra hội thảo “Nghiên cứu và dạy học ngữ văn trong nhà trường - từ truyền thống đến hiện đại”.
Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề về việc dạy học môn Ngữ văn
Hội thảo nằm trong các hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm TP, với mục đích hướng tới nhận thức và phân tích khoảng cách giữa yêu cầu hiện đại hóa, toàn cầu hóa nghiên cứu và dạy học Ngữ văn. Gợi mở đường hướng hiện đại hóa trong tiếp cận lý thuyết và thực tiễn Ngữ văn để đáp ứng yêu cầu đổi mới nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong nhà trường Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Thành Thi (Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) trong báo cáo dẫn đề cho biết, ban tổ chức nhận được sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo sinh viên, học viên cao học, các nghiên cứu sinh, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu từ Bắc chí Nam… với gần 100 báo cáo tham luận được gởi tới hội thảo.
Sau phiên khai mạc toàn thể tại hội trường chính, có 25 tham luận được báo cáo tại các tiểu ban.
Trong các tham luận có nhiều chủ đề liên quan đến Phật giáo và những ứng dụng trong cuộc sống. Cụ thể là báo cáo của PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân về “Bài thi kệ Thị tịch của Đại sư Khuông Việt - một chân lí giản dị và những ứng dụng giàu hữu ích cho cuộc sống”.
“Bài thi kệ thị tịch của Khuông Việt đại sư ở thế kỷ X đã nêu ra một mệnh đề bản thể luận có tầm quan trọng lớn lao “trong cây vốn có lửa” - khẳng định mỗi con người đều có tự tính sáng suốt, cần tự tin để quay trở về khơi dậy nguồn nội lực vô biên này. Đây là một chân lý về nhận thức bản thân, từ đó có thể phát huy những giá trị lớn lao của con người trong mọi lĩnh vực của cuộc sống” - tác giả viết.
Nhã An