“Hồi ức không quên…” của một vị Hòa thượng

GN - "Hồi nhỏ, tôi không gắn bó với cha mẹ lắm. Bởi lẽ, cha mẹ tôi “làm quốc sự”.

Tôi nhớ lúc Trung tướng Nguyễn Bình được Cụ Hồ điều vào Nam, ông được đồng bào tin tưởng để lãnh đạo cách mạng miền Nam. Ba tôi từ Thanh niên Tiền phong điều qua, được bố trí nhiệm vụ “bảo an”, sát với cụ Nguyễn Bình.

HT Nhu Niem.JPG


HT.Thích Như Niệm - Ảnh: B.Toàn

Nhà tôi ở quận Gò Vấp. Trong mắt tôi, lúc đó ba là người rất giỏi võ. Ông là người một lòng một dạ theo cách mạng, vì việc chung mà gác lại việc riêng. Ấn tượng của tôi về ba là người rất gương mẫu, lấy lý tưởng cách mạng làm trên hết. Lúc bấy giờ, má tôi đang có bầu bị dọa sinh, hồi trước ở nhà quê thì đi rước mụ “bà Sáu Nhung” về đỡ đẻ. Ba đang chuẩn bị chiếc xe đạp định đi rước mụ thì có lệnh của cơ sở nên vội vàng cắp nách bộ quần áo, để lại má tôi cho người cậu…

Còn má tôi là người phụ nữ Nam Bộ đảm đang, có lý tưởng cách mạng. Má tôi vất vả với đôi quang gánh đi buôn, về nuôi hết những người “làm quốc sự” bí mật trong vùng (Gò Vấp là vùng giáp với Chiến khu An Phú Đông thời bấy giờ), cả ba tôi, trước khi họ vào chiến khu. Đầu năm 1947, cao trào kháng chiến bùng nổ toàn quốc, lúc đó mật thám của Pháp vây ráp rất gắt gao. Ba tôi cũng bị lùng sục. Về sau, ông bị giết để “thế thân” cho cụ Nguyễn Bình. Má tôi cũng bị bắt ở tù khi bụng mang dạ chửa, nhà cửa bị đốt sạch. Tôi bị quăng vào lửa.

Trong bối cảnh thời bấy giờ, những người thân, vợ con của người “làm quốc sự” - Việt Minh đều bị bắt bỏ tù, dù là dòng họ cũng không ai dám chứa. Lúc ấy, má tôi đang bụng mang dạ chửa bị bắt, còn tôi được dì Liễu cứu từ đống lửa, dì đem tôi về gởi cho bà ngoại. Nhà ngoại ở gần đình Tân An (chùa Nghệ Sĩ, Q.Gò Vấp ngày nay) nên tôi biết rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như bà Bảy Phùng Há, ông Ba Vân, Năm Châu, bà Bảy Nam, nghệ sĩ Út Bạch Lan lúc đó còn nhỏ… Họ “dụ” tôi đi theo đoàn hát nhưng tôi không chịu.

Thời gian này, sân bay Tân Sơn Nhất đã được đưa vào sử dụng ở làng Tân Sơn Nhứt, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định nên ông nội đặt tên ở nhà cho tôi là Tàu, còn em tôi tên là Bay, ghép lại thành “Tàu Bay” để kỷ niệm. Tôi ở với bà ngoại được 6 tháng, trong lúc má tôi bị ở tù và sinh em bé trong đó.

Sau khi ra tù, vì liên quan với người “làm quốc sự” nên má con tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì không ai dám chứa. Lúc đó, má tôi bồng theo đứa em, dắt theo tôi từ Gò Vấp ra chợ Cầu Ông Lãnh (quận 1 hiện nay). Hàng ngày, má tôi mua cá đi bán dạo, tối đến má con tôi ngủ trên thớt thịt ở chợ. Tôi còn nhớ, thằng em bị bệnh, không có tiền, má phải mượn 50 đồng Đông Dương, đưa em vào “viện chích chó” (nay là Viện Pasteur, TP.Hồ Chí Minh), để truyền mấy “xị” máu. Tiền vay trả lãi ba năm mà nợ vẫn còn nguyên.

Lúc đó, dù cuộc sống của má con tôi rất khổ nhưng má vẫn tần tảo bưng cái mẹt đi bán cá dạo và bắt liên lạc được với người của ông Mười Cúc, ủy viên Xứ ủy Nam Bộ (tức ông Nguyễn Văn Linh, sau này làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Từ đó, má tôi hoạt động bí mật trở lại. Má tôi vừa đi bán cá vừa rải truyền đơn, vừa nuôi “người ở chiến khu”.

Tôi được má gởi vào chùa năm 1947, lúc đó tôi được 10 tuổi.

Tôi được vào chùa cũng vì nhân duyên ba má tôi “làm quốc sự”, vì không ai dám chứa. Má tôi gởi tôi cho cụ Thiện Chiếu ở chùa Pháp Hoa. Thời đó, ở trong chùa rất cực, thỉnh thoảng má cũng vào thăm tôi. Tôi còn nhớ, có lần tôi đi chợ Bến Thành, gặp bà cô (em của ông nội), bà khóc bảo: “Thôi, đi về nhà đi con, ở trong chùa chi, phải chịu cảnh đói khổ, cơm không có ăn, áo quần không có để mặc”. Dù vậy, thầy tôi là cụ Thiện Chiếu, tôi coi như cha, nên không nỡ rời. Cụ Thiện Chiếu là người thầy trong tâm trí tôi, đó là người rất gần gũi và tình cảm. Cụ thương mấy chú điệu như con, cụ thường giành ăn phần khoai để cơm trắng cho các chú nhỏ. Quần áo cũng là do thầy tôi tự tay may, vá cho chúng tôi. Cụ chính là người rất nhiệt tâm, nhiệt tình với cách mạng, với dân tộc và cũng rất trung thành với đạo pháp. Nếu nhìn nhận đúng, thầy tôi chính là một trong những người đi đầu trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, người tạo nên nền móng ban đầu để vào năm 1951, Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời, tạo sự kết nối ban đầu vững chắc cho các tổ chức Phật giáo toàn quốc, trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ trước…

Đó là những hồi ức rất sống động về hình ảnh của thầy tôi, thân phụ, thân mẫu tôi trước và trong thời gian tôi vào chùa làm chú điệu. Nó rất sống động, rõ nét làm tôi nhớ hoài, dù đã trải qua thời gian hơn 70 năm, tôi không bao giờ quên.

Nói về tháng Bảy - Vu lan, chúng ta nhớ về tứ ân, đó là ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn tổ quốc (đất nước, chính quyền, liệt sĩ...), ơn xã hội (tín thí, chúng sinh...). Chúng ta phải hiểu, để biết tri ân và báo ân trong những dịp này, là vậy.

* Bài cùng chủ đề: “U âm thầm nâng đỡ tôi vào đạo”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày