Hội Xuân & hội Chùa

Trong dịp Xuân về, các địa phương tổ chức hội Xuân, mà cũng gọi là hội chùa, vì chủ yếu là tổ chức ở các chùa, dân tộc ta có các hội Lim, hội Gióng, hội Bồ Đề, hội Láng, hội Thầy,… Nhân dịp đón Xuân Canh Dần, xin giới thiệu với quý vị độc giả một số hội xuân và hội chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Hát rối chùa Bi

Hát rối chùa Đại Bi (thường gọi là chùa Bi) ở xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là trò diễn nghi lễ trong ngày hội tưởng niệm Thiền sư Từ Đạo Hạnh hàng năm khi mùa Xuân đến.

Theo sách Thiền uyển tập anh, Thiền sư tên thật là Từ Lộ. Cha ngài là Từ Vinh, thuở đi học trọ tại làng Láng rồi lấy bà Tăng Thị Loan con gái của làng(1), làm quan đến chức Đô sát. Do Từ Vinh bị Diên thần hầu sai Pháp sư Đại Điên giết hại, nên Từ Lộ đã tìm đường đến Tây Vực để học phép thuật và giết được Đại Điên để trả thù cho cha. Sau đó ông về ở ẩn tại núi Phật Tích, Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) dựng am Hương Hải và viện Phổ Đà để thờ Đức Quan Thế Âm và trì tụng chú Đại bi tâm Đà-la-ni (chú Đại bi). Am và viện sau đó đã trở thành chùa Thiên Phúc. Sau đó, ông đi vân du khắp nơi để học đạo và cứu nhân độ thế.

chuahoi-1.jpg

Lễ hội Chùa Hương

Sách Đại Nam Nhất thống chí(2), chép: “Thiền sư Từ Đạo Hạnh… khi đến xã Chân Nguyên, huyện Nam Chân (nay thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) dựng chùa Đại Bi để trụ trì, sau dân sở tại tôn là Tổ sư, nay còn di tượng”. Chùa Bi là một ngôi chùa chung của ba xã Vân Chàng, Giáp Ba và Giáp Tự. Chùa có giữ một số mặt nạ rối. Hội chùa hàng năm được tổ chức từ ngày 21 đến 24 tháng Giêng âm lịch, nhân dân ba “giáp” đều về dự lễ hội với các trò chơi đánh vật, múa sư tử, múa rối (hát sự tích Từ Đạo Hạnh), v.v... Phường hát rối cạn do các xã phụng sự chùa Bi lập ra, chuyên phục vụ trong dịp hội này.

Từ đêm 21, hát rối được trình diễn ở trong chùa, trước bàn Tam bảo. Nghi lễ tiết múa có lời giáo, diễn bằng loại rối tay đơn giản gồm 6 đầu rối to, 6 đầu rối nhỏ bằng gỗ khoét rỗng, một mảnh vải buộc từ cổ xuống che lấp tay người điều khiển. Số người biểu diễn: mỗi thôn một tổ, mỗi tổ 10 người, tổng cộng 30 người đều là nam, chia thành hai nhóm:

1. Dàn nhạc gồm ba người ngồi sử dụng: 1 trống cơm, 1 trống Tam bảo, 1 trống thanh la.

2. Nhà cái gồm hai người đứng, mỗi người cầm 1 cái mõ.

Nghệ thuật hát rối chùa Bi có nhiều dáng dấp của nghệ thuật múa rối cổ truyền của dân tộc ta.

chauhoi-2.jpg

Có người cho rằng rối cạn chùa Bi có nhiều nét cổ sơ với dàn nhạc, điệu múa đơn giản, trong lời ca còn sót lại ít nhiều tiếng cổ của thời Đinh, Lê, mà đến đời Lý, mỗi thời kỳ lịch sử đều có sự thay đổi cần bổ sung, và cách phát huy văn nghệ dân gian thời đại trước, phục vụ thời đại sau và bảo tồn đến ngày nay.

Lại có ý kiến cho rằng nghệ thuật rối ở đây có từ đời Lý do Từ Đạo Hạnh đem đến xây dựng tạp kỹ này vì ở chùa Keo Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định thờ Thiền sư Dương Không Lộ cũng có múa rối cạn, còn một số ý kiến thì cho rằng hát rối chùa Bi mới có từ thời Lê - Trịnh, dựa vào những bài ca chúc tụng, có vua lại có chúa, các chức tước văn võ hợp với chức tước thời đại này.

Hát rối chùa Bi tồn tại ở trên mảnh đất này từ lâu đời. Các nghệ nhân ba xã này đã bảo tồn nghệ thuật còn được đến nay, nhờ ở phương thức trình diễn giữa nơi Phật đường tôn nghiêm, dựa vào lòng sùng bái của tín đồ Phật tử, phù hợp với việc bảo tồn di tích chùa Bi(3).

 Hội ó

Làng Ó thuộc xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, cách Hà Nội hơn 20 cây số về phía Bắc.

Hàng năm cứ đến mồng 3 tết, các “giáp” trong làng họp lại để bàn việc tổ chức hội xuân.

Tại chùa làng, sáng mồng 5 tết chùa tổ chức tế lễ, cúng Phật, hái lộc (nay đã bỏ tục này), tín đồ, dân chúng tấp nập, lũ lượt kéo nhau về chùa. Con trai, con gái kéo nhau đến đây ca múa, hát quan họ. Đây là bài hát cổ truyền nói lên cái vui vẻ, nhộn nhịp của hội Ó:

Mồng 5 chợ Ó,

Quan họ dồn về,

Hội vui lắm lắm,

Chưa kịp đi tắm,

Trầu chửa kịp têm,

Cau chưa kịp bổ,

Miếng lành miếng xổ,

Miếng lại quên vôi,

Người có yêu tôi,

Thì người cầm lấy.

chauhoi-3.jpg

Bài hát đã diễn tả cái náo nức của người dự hội đến nỗi mình chưa kịp tắm, gội, trầu chưa kịp têm, cau chưa kịp bổ, đã chạy ù ra nơi hội để vui chơi bởi hội vui lắm lắm, lại là nơi nam nữ giao duyên ngày xuân. Đã có bao đôi nam nữ se duyên nơi hội chùa này.

Nhưng tại sao ngày hội lại tổ chức vào ngày mồng 5, một ngày kiêng cữ theo tập tục kiêng cữ cũ:

Mồng năm, mười bốn, hai ba,

Đi chơi cũng lỗ, lọ là đi buôn.

Phải chăng “hội chùa” sẽ giải trừ được cái xui xẻo của ngày mồng 5?

Thực ra, trước ngày hội chùa, đã có hội chợ vào ngày mồng 4. Đây là ngày “hội chợ âm dương”.

chuahoi-4.jpg

Nghe đến cái tên chợ đã có vẻ huyền bí, nhưng nó là có thật. Tương truyền làng Ó xưa là bãi chiến trường do đó có nhiều người chết. Chợ họp là để tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau. Chợ bắt đầu họp vào lúc lên đèn (xâm xẩm tối) đến hết canh một tức khoảng tranh sáng tranh tối, lúc âm dương giao hòa, trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng là linh thiêng. Không có lều, quán, không sử dụng đèn, nến.

Nhiều người đi chợ mang con gà đen đã được chăm sóc cẩn thận để bán cho người khác làm vật tế thần hoàng làng, vì thế còn gọi là “hội chợ bán gà”, mà phải là gà đen vì tên làng này là làng Ó (ó là quạ đen).

Dịp này, đồ đạc, quần áo cũ cũng được đem ra bán như chợ trời ngày nay. Có điểm khác thường là người mua không xem hàng, không trả giá, người bán không nói thách, không đếm tiền. Trong bóng đêm, chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào. Giữa người bán và người mua không còn ranh giới, không còn ta, người. Cuộc trao đổi này gọi là “mua may bán rủi”. Người cõi trần đi chợ với người ở cõi âm.

chuahoi-6.jpg

Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Có người sớm hôm sau xem trong túi đựng tiền toàn là vỏ hến, lá đa, thậm chí cả một mẩu yếm sồi. Nhưng họ đều rất hoan hỷ, vì coi đó là dịp làm điều phúc, điều thiện với người đã chết. Điều này khiến chúng ta nghĩ đến tư tưởng “phúc điền” của đạo Phật: người nhận là ruộng phúc của người cho, chính người nhận tạo cơ hội làm phúc cho người cho. Và cuối cùng người làm phúc và kẻ được làm phúc đều vui sướng. Vì ai cũng nghĩ rằng mình đã làm vui cho người khác mừng mùa Xuân an lạc.

Sau khi tan chợ, những người đi chợ mời nhau uống nước, ăn trầu và hát quan họ cho đến sáng. Đây chính là một sinh hoạt văn hóa mang màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Bởi họ quan niệm rằng có như vậy việc làm ăn hoặc mùa vụ năm đó mới được thuận lợi. Ý nghĩa của nó tương tự như một lễ hội cầu mùa ở nơi khác.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày