Hoa đất “made in Việt Nam”
Tại Lễ hội Phố hoa ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) mới đây, bên cạnh những bông hoa tự nhiên thắm sắc, những chậu hoa đất tinh tế, rực rỡ của nghệ nhân Lê Thị Ngọc Quỳnh được vô số người thăm quan dừng lại rất lâu nhìn ngắm. Thậm chí, nhiều du khách nghi ngờ không tin đó là hoa giả, đã tận tay mân mê từng cánh lá, nụ hoa và không ngớt lời ngạc nhiên, khen ngợi bởi nó quá đẹp và quá giống với hoa thật...
Với nhiều người yêu hoa thủ đô, cửa hàng hoa đất của nghệ nhân Lê Thị Ngọc Quỳnh có tên Yukiko Desing nằm trên đường Yên Phụ đã trở thành một địa chỉ quen thuộc. Có thể nói, chị Quỳnh chính là người tiên phong đưa nghệ thuật làm hoa đất của Nhật Bản đến với Hà Nội. Năm 1995, chị Quỳnh sang Nhật Bản làm việc cho một công ty. Ở đây, chị đã tình cờ biết đến nghệ thuật làm hoa đất - một thú chơi tinh tế đã có hàng trăm năm của đất nước mặt trời mọc.
Từ đó, hình ảnh những bông hoa vừa lạ vừa quyến rũ ấy cứ ám ảnh trong ý nghĩ của chị Quỳnh. Với niềm say mê mãnh liệt, trong thời gian lưu trú tại Nhật, chị Quỳnh vừa làm việc ở công ty, vừa thu xếp thời gian học nghề từ một nghệ nhân Nhật Bản. Sau 4 năm miệt mài, khổ luyện, chị đã thành thạo từ khâu chọn nguyên liệu, pha màu đến tạo nụ, uốn cành, ghép lá, tạo kiểu dáng cho mỗi loại hoa...
Năm 2005 trở về Hà Nội, chị Quỳnh mạnh dạn khởi nghiệp làm hoa đất và giới thiệu sản phẩm mới lạ của mình. Bên cạnh việc phát huy sáng tạo nghệ thuật làm hoa đất của Nhật Bản, chị Quỳnh còn tìm cách học thêm cách làm hoa đất của Thái Lan. Nếu như hoa đất của Nhật Bản tinh tế, thanh nhã thì hoa đất Thái Lan nổi bật về màu sắc rực rỡ. Nếu cách làm hoa đất ở Nhật Bản hoàn toàn thủ công, dựa vào đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ thì làm hoa đất ở Thái Lan lại từ khuôn đúc. Bằng sự sáng tạo, sự trải nghiệm từ thực tế, chị đã kết hợp hài hòa giữa cách làm hoa đất của Nhật Bản và Thái Lan. Nhờ đó, các công đoạn làm hoa nhanh hơn lại vừa phong phú, đa dạng hơn.
Hồn đất - hồn người
Nếu như khoảng hai, ba năm trước, giới chơi và yêu hoa còn khá xa lạ, thậm chí là ngạc nhiên đối với khái niệm hoa đất sét thì nay, tại các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội và TP. HCM, người chơi hoa có thể dễ dàng tìm kiếm cho mình một bình hoa đất sét ưng ý tại các cửa hàng chuyên bán hoa giả. Điều đáng mừng là không chỉ khách trong nước, rất nhiều khách du lịch ngoài nước được giới thiệu cũng tìm đến với hoa đất sét tại Việt Nam. Là người thâm niên trong nghề, chị Ngọc Quỳnh cho biết, nếu như người phương Đông thích hoa đất của cửa hàng chị vì đã thể hiện đúng phong cách Ikebena, thì nhiều người phương Tây lại chuộng các mẫu hoa đất có nét tự nhiên, tươi mới.
Từ độ “phải duyên” với hoa đất, tình yêu và niềm say mê trong chị Quỳnh cứ mỗi ngày thêm nồng nàn hơn. Muốn nghệ thuật làm hoa đất phát triển và thực sự có chỗ đứng, nên chị còn tích cực dạy và truyền nghề cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Để tạo ra những sản phẩm hoa đất cầu kỳ, duyên dáng và quyến rũ không kém hoa thật, ngoài sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo còn đòi hỏi người thợ làm hoa phải có một tình yêu và lòng đam mê mãnh liệt. Một người thợ phải mất ít nhất hai năm để học nặn thành thạo tất cả các loại hoa. Hoa đất không giống như những loại hoa giả khác, tuy được làm bằng đất, nhưng nó lại có độ mềm dẻo như là những bông hoa thật. Bởi thế, người làm hoa đất phải có được sự cầu kỳ, kỹ lưỡng trong từng công đoạn mới ra được sản phẩm.
Theo kinh nghiệm của chị Ngọc Quỳnh và một số nghệ nhân làm hoa đất ở Hà Nội, chậu hoa càng nhiều bông nhỏ mức độ công phu càng cao. Với các chùm hoa lan, cẩm tú cầu, li ti... người thợ phải kiên trì làm từng cánh hoa bé xíu. Cái khó nhất trong làm hoa đất là pha màu và tạo dáng cho cánh hoa. Để thực hiện công đoạn pha màu theo ý muốn, người thợ phải nhào màu mình cần với đất (màu trắng) thật đều.
Có những loại hoa có màu rất riêng và tinh tế như lan Mô-ca-ra, lan nữ hoàng, địa lan, cẩm chướng... người thợ thậm chí phải thử nghiệm tới cả trăm lần mới tạo được giống y chang như hoa thật từ màu sắc đến hình dáng, cánh, nhụy hoa. Khó và kỳ công không kém là nặn nhụy hoa, bởi nhụy khá nhỏ, cần phải có bàn tay thực sự tài hoa, khéo léo. Bên cạnh đó, suốt trong quá trình sáng tạo tác phẩm, người làm hoa phải bay bổng mới thổi được hồn cho bông hoa.
Hoa làm từ đất chủ yếu là các loại hoa lan, hoa mai, hướng dương, cúc, ly, hồng... với màu sắc rực rỡ như các loại hoa thật. Bởi nguyên liệu làm hoa đất được nhập hoàn toàn, thời gian hoàn thiện một sản phẩm mất nhiều ngày nên giá thành thường dao động từ vài chục cho đến vài triệu đồng, tùy theo mẫu mã, độ tinh xảo, bình to hay nhỏ, nhiều hoa hay ít hoa...
Một mùa xuân mới đang về. Cùng với muôn vàn loại hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu thú chơi tao nhã của người dân, bên những bình hoa thật, hoa lụa, hoa giấy..., hoa đất vẫn tràn trề sức sống góp phần làm đẹp và tô thắm sắc màu cuộc sống.