GN - Hiện nay, thực phẩm bẩn tràn lan, người ăn chay, bà nội trợ hết sức dè chừng khi mua thực phẩm nên người bán cố nghĩ ra nhiều chiêu trò để níu kéo người tiêu dùng.
Phong trào gắn mác “rau sạch”
Thời gian gần đây, truyền thông liên tục đưa tin về việc rau muống, rau nhút phun nhớt, các loại cây ăn quả lạm dụng thuốc trừ sâu, chôm chôm ngâm hóa chất... Chính vì vậy, người nội trợ rất hoang mang, ai cũng sợ mua nhầm thực phẩm bẩn nên ra sức tìm mua rau củ quả sạch.
Chị Trúc Mai, ngụ tại quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết, chị rất ít khi mua rau ngoài chợ dù được gắn mác “rau sạch”. Chị chia sẻ: "Từ lúc thấy thực phẩm bẩn tràn lan, tôi không dám mua rau ngoài chợ nữa. Ông xã tôi dành khoảng đất nhỏ sau nhà trồng nhiều loại rau. Khi muốn mua những loại rau khó trồng trong chậu thì tôi nhờ ba mẹ ở quê gửi lên bổ sung. Dù cực nhưng lại an toàn cho sức khỏe người trong gia đình".
Thực phẩm mang mác "rau sạch" được bày bán bên đường Lạc Long Quân, Q.11
Để “vực dậy” rau bán ở chợ, một số tiểu thương đã nghĩ ra cách gắn mác “sạch” cho rau. Từ một sạp, hai sạp, và giờ trở thành… phong trào, đi đâu cũng thấy “rau sạch”. Thậm chí trên những vỉa hè, nhiều người mang mâm rau ra bán và dán cái biển to "rau sạch".
Chị Tuyết, một tiểu thương bán rau ở chợ Bà Quẹo cho biết: “Mình bán rau ở đây rất nhiều năm, toàn là nhập rau sạch ở tỉnh Bến Tre đưa lên, vì là anh em ruột nên mình dám chắc điều đó. Lúc đầu thấy người ta ghi “rau sạch” mình rất bực nhưng rồi mình buộc phải ghi theo vì ai cũng làm như thế”.
Đó là tình thế khó xử, bởi nếu chị không ghi “rau sạch”, hoặc mời gọi bằng các câu như “rau em bán hoàn toàn sạch đây, mời anh chị mua giúp” thì khách chẳng màng ghé vào. Tâm lý của khách rất quan trọng hình thức và buôn bán ở chợ thường nhờ vào “hội chứng đám đông”, thấy một người mua thì nhiều người mua. Thực tế, không ai kiểm chứng được ở những chợ truyền thống, điểm bán tự phát… rau được gắn mác “rau sạch” có nguồn gốc từ đâu, có trồng đúng với quy trình sản xuất rau sạch hay không?
Rau sạch "nửa vời"
Theo như tìm hiểu, nhiều người bán ghi mác “rau sạch” nhưng lại mơ hồ về nguồn gốc, ghi theo phong trào hoặc nghe thương lái nói thì tin theo. Như một tiểu thương ở chợ Sin Cô (quận Bình Tân, TP.HCM) quả quyết, rau chị bán hoàn toàn sạch, không dùng phân bón hóa học cũng như thuốc trừ sâu. Nhưng khi được hỏi khoai tây Đà Lạt sao lại có đất đen thì chị không giải thích được. Còn một hộ gia đình hay mang rau củ quả ra trước nhà bán (không gần chợ) cũng ghi mác “rau sạch” nhưng các loại măng khô đóng gói, ngoài bao bì ghi toàn là tiếng Anh.
Chị Ngọc Điệp, nhà ở đường Trần Đại Nghĩa (H.Bình Chánh, TP.HCM) xởi lởi cho biết một phát hiện “động trời”. Gia đình chị rất thích ăn rau muống nên thường ra chợ Khải Hoàn (tự phát) gần nhà mua dùng. Người bán luôn cam đoan với chị là rau nhà trồng hoàn toàn sạch, nhưng một lần đi nhặt ve chai, chị thấy người bán hàng ấy đang lom khom cắt rau muống ở khu đầm lầy đen kịt phía sau công ty sản xuất giầy da.
Không riêng gì chợ, điểm bán rau lẻ tẻ mà một số vườn rau dù mang mác “rau sạch” nhưng vẫn lén lút phun hóa chất để rau đẹp, tránh các loài sâu gây bệnh làm giảm năng suất cây trồng. Nhiều nhà vườn dù đã cam kết với tiểu thương, doanh nghiệp trồng rau sạch theo quy trình khép kín nhưng lắm lúc vẫn làm sai hợp đồng.
Anh K.L, một người làm công cho nhà vườn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) thành thật chia sẻ: “Dù chủ tôi chuyên trồng rau sạch nhưng lắm lúc ‘cháy’ hàng, không kịp giao cho khách tại TP.HCM nên buộc lòng phải đi gom hàng ở vườn khác hoặc ngoài chợ cho đủ số lượng. Nếu trễ hẹn với khách hàng, coi như bồi thường một số tiền không nhỏ”.
Khi được hỏi làm như vậy các tiểu thương không phát hiện ra sao, anh ta bảo: “Họ chỉ kiểm tra hàng mẫu thôi. Chúng tôi chêm một ít rau bên ngoài vào nên chắc chắn là không phát hiện”.
Không phải đánh đồng tất cả nhưng với sự thờ ơ đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như đạo đức kinh doanh xuống cấp của một số người bán nên người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận trong việc chọn rau, củ, quả sạch.