HT.Thích Đức Nghiệp: “Tết là ngày hoan hỷ”

GN Xuân - Đối với cái Tết, mọi người ai cũng đều có những ký ức, một cõi riêng ngập đầy cảm xúc. Chư tôn thiền đức ở chốn thiền môn, trải qua nhiều thập kỷ hòa cùng văn hóa dân tộc cũng có những cõi riêng ấy - sống động nhưng thâm trầm, đậm chất Phật giáo… Từ những buổi hầu chuyện của các PV Giác Ngộ với chư tôn đức, xin dành tặng đến quý độc giả nhân dịp xuân về những chia sẻ của chư tôn Hòa thượng, Ni trưởng Giáo phẩm GHPGVN.
anh 2 xuan.JPG
HT.Thích Đức Nghiệp - Ảnh: Vũ Giang

Trong ngày mùng 1 Tết Ất Mùi, mời bạn đọc những chia sẻ của HT.Thích Đức Nghiệp - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN:

Tôi thấy, Tết ở miền Bắc hay miền Nam cũng gần như nhau, thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, sau khi “tiễn” Táo quân về Trời, cho đến hết rằm tháng Giêng. Những ngày này, dù ở ngoài đời hay trong chốn thiền môn, tất cả đều rộn ràng chuẩn bị đón chào năm mới. Ngày mùng một Tết cũng là ngày vía Đức Phật Đương lai hạ sanh Di Lặc, vì thế là ngày hoan hỷ, khởi đầu cho một năm mới an vui, hy vọng. Đối với người tu, ngày Phật Di Lặc đản sinh là dịp hướng về Ngài để học theo công hạnh của Phật.

Rằm tháng Giêng cũng là một ngày rất đặc biệt, người người đi lễ chùa cầu an rất đông, từ xưa đến nay đều vậy - ăn sâu, trở thành nếp nghĩ và thực hành, với câu nói của người bình dân “Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng”. Ở trong chùa, những ngày như thế ai nấy cũng đều bận rộn vì phải lo chuẩn bị đón tiếp Phật tử, lễ lộc đầu năm.

Ngày mới xuất gia tôi ở chùa làng huyện Trực Ninh (Nam Định), lúc đó còn là chú điệu nhỏ theo sư cụ chùa Miễu và sư thầy Trung Lương. Hai vị ấy là người cho tôi đi ăn học, lo cho tôi nhiều thứ cho nên khi lớn lên, đến dịp Tết tôi hay nhớ về hai vị ân nhân của mình. Thuở đi học, có thời gian tôi ở chùa Quán Sứ, sau đó ra ở một vài chùa khác ngoại vi Hà Nội, nên ngày Tết, trong vai trò học Tăng, tôi không phải lo gì nhiều.

Tôi nhớ, Tết xưa ở trong chùa thường làm cây nêu, với ý nghĩa, đó là nơi đất Phật, nơi bình an để ma quỷ không tới quấy nhiễu. Trên cây nêu cao thường làm một đèn kéo quân, treo một lá cờ, lá phướn. Đặc biệt, kể từ sau năm 1950, khi HT.Tố Liên đi dự Đại hội Phật giáo Thế giới ở Colombo (Sri Lanka - Tích Lan) mang cờ ngũ sắc Phật giáo về thì cây nêu được thay bằng cờ Phật giáo.

cay neu 2.jpg


Cây nêu ngày Tết - nét văn hóa từ xưa còn lưu giữ - Ảnh: Internet

Năm nay, Tết Ất Mùi 2015, tôi đón mùa xuân thứ 86, nhưng vẫn quan tâm và mong Phật giáo phát triển, nhất là giáo lý do Đức Phật thuyết giảng trong Kinh tạng Nguyên thủy cần được xiển dương để làm nền tảng vững chắc cho Tăng Ni, Phật tử tu học.

Riêng Giáo hội nên có sự đầu tư về nhân sự, không phải trẻ hóa mà phải thực sự quan tâm đến chất lượng - chọn người vừa có tài năng, kiến thức, vừa có đức độ tu tập tự thân, chứ trẻ hay già mà không có hai điều đó làm căn bản thì sẽ làm hư đạo. Ngành giáo dục cũng cần một chương trình thống nhất toàn quốc để tạo ra lớp kế thừa thực sự có đủ khả năng hoằng pháp.

Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc bạn đọc báo Giác Ngộ ngày càng mở mang thêm trí tuệ, có sự tu dưỡng thân tâm đúng Chánh pháp, tạo dựng mùa xuân an lành cho bản thân mình.

Đình Long ghi

________________

* Đón đọc bài ngày mai, mùng 2 Tết Ất Mùi: HT.Thích Hiển Tu - Phó Thư ký HĐCM GHPGVN: "Tết là dịp để hướng thượng".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày