Cách đây hơn mười năm, Sư cô cũng là Ni sinh của mái trường này (khi ấy còn là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam). Tốt nghiệp cử nhân Phật học, Sư cô sang Ấn Độ du học, sau 8 năm miệt mài học tập trên đất Ấn, cô trở về nước vào năm 2005 và bắt đầu giảng dạy tại Học viện. Có thể nói, Sư cô Hương Nhũ đã làm Tăng Ni sinh thực sự ngạc nhiên và thích thú bởi những bài giảng của cô luôn khiến cho chúng tôi phải chăm chú lắng nghe. Các bạn đều có chung nhận xét rằng, khi đứng lớp, dù lớp Tăng hay lớp Ni, Sư cô Hương Nhũ vẫn giảng bài bằng một phong cách tự tin, khiêm tốn và giọng nói của cô sao hay đến thế! Có lẽ yếu tố thiên phú này đã giúp Sư cô giảng bài thêm hấp dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần phải nói đến, đó là chất lượng giảng dạy. Dường như, mỗi bài giảng của Sư cô đều thể hiện một sự nghiên cứu học tập nghiêm túc và phản ánh một quá trình tu tập đúng mức mặc dù Sư cô còn rất trẻ. Có thể đây chính là lý do đã thúc đẩy chúng tôi trân trọng viết về cô. Bởi vì giữa thời buổi với nhiều biến động và thay đổi như hiện nay thì hình ảnh một giáo thọ như sư cô cũng không phải là nhiều. Sư cô chính là hiện thân của cuộc sống lý tưởng trong đạo Phật chúng ta: thâm trầm, hòa nhập, chan hòa, dễ gần nhưng rất vững chắc trong từng trái tim của mỗi con người.
Qua cách truyền đạt rõ ràng với giọng nói nhẹ nhàng có chiều sâu nội tâm của một bậc nữ lưu dòng họ Thích, những môn học khó như Triết học, Tâm lý học hay các vấn đề nhận thức Đạo Phật v.v… tưởng chừng như khô khan đều trở thành những đề tài hấp dẫn và sinh động. Còn khi tiếp xúc với sinh viên, Sư cô luôn chăm chú lắng nghe từng ý kiến, từng lời tâm sự và nhiệt tình đưa ra giải pháp hoặc lời khuyên giúp đàn em thân yêu của mình thêm nghị lực và niềm tin để tiếp tục vững bước trên con đường tu học nhiều thử thách. Thông thường, sau khi hết tiết học, các em cứ vây quanh Sư cô không chỉ tại sân trường hay trong lớp học mà ngay cả bằng điện thoại, email để hỏi thêm về bài vở hoặc nhờ tư vấn những vấn đề liên quan đến đời sống tu học cá nhân. Có lần cô đã nói với Ni sinh chúng tôi rằng: “ Cô xin lỗi đã không trả lời hết các câu hỏi qua tin nhắn điện thoại của các em”.
Chúng tôi rất cảm động khi tình cờ đọc những lời chân tình của Cô trong tập san Hoằng Pháp:
“Đôi khi thử lắng nghe lời tâm sự từ phía Tăng Ni sinh trẻ, hay cũng là tiếng nói của chính mình mười năm trước, tôi không tránh khỏi nhiều nỗi ưu tư. Thiết tưởng, trong chúng ta, ai cũng đều ước mong cùng nhau ươm mầm, đào tạo Tăng Ni trẻ tài đức. Nhưng khi thực sự bắt tay vào việc, đôi khi lại không biết bắt đầu từ đâu? Bởi vì môi trường ta đang tiếp xúc, không có từ ngữ “trở về”, vì sự phóng tới quá mạnh của thời đại hôm nay. Bao nhiêu tâm lực của tuổi trẻ đã đổ hết vào học tập với những khát vọng ngày mai. Tri thức càng nhiều, nỗi khổ cũng không giảm bớt… cho nên phải bắt đầu là phải bắt đầu từ chúng ta. Từ người đang đứng trên bục giảng, đang hướng dẫn cho những tâm hồn trẻ trung kia có một lối đi rõ ràng vững chắc. Tri thức không làm cho người ta hiểu rõ chính mình, nhưng qua phương tiện đó người ta có thể rõ được lối “trở về". Vây ai là người dẫn lối cho Tăng Ni trẻ có nhận thức rõ ràng đúng đắn, nếu không là sự hoàn thiện tri thức và tiến bộ tâm linh của chính những người Thầy”.
Qua những lời thiết tha này, chúng tôi cảm nhận được hoài bão, ưu tư của người làm công tác giáo dục ngày nay, một công việc cao quý đòi hỏi tri thức, đức hạnh, sự hy sinh và cả lòng kiên định của những vị sứ giả Như Lai.
Như những loài cỏ thơm thoảng hương dịu dàng, hương cỏ lan tỏa trong không gian, tình cảm và tâm huyết trong Phật sự hoằng pháp, giáo dục của Sư cô Hương Nhũ cũng như hương cỏ thơm lan tỏa đến các thế hệ Tăng Ni sinh trẻ hôm nay và mai sau.
Bình luận