Hương sen mầu nhiệm: Kính mừng Phật đản

Hương sen mầu nhiệm: Kính mừng Phật đản
Giác Ngộ: Hương sen mầu nhiệm hội tụ không gian, sắc màu, âm thanh, giai điệu huyền nhiệm. Tiếp nối sự thành công của Hương sen mầu nhiệm lần đầu tiên tổ chức năm 2010 đã gây được tiếng vang trong lòng công chúng, năm nay chương trình sẽ được tiếp tục với nhiều tác phẩm mới và từ đây sẽ trở thành hoạt động âm nhạc nghệ thuật Phật giáo thường niên tại thủ đô Hà Nội kính mừng Phật đản.

Giác Ngộ: Hương sen mầu nhiệm hội tụ không gian, sắc màu, âm thanh, giai điệu huyền nhiệm. Tiếp nối sự thành công của Hương sen mầu nhiệm lần đầu tiên tổ chức năm 2010 đã gây được tiếng vang trong lòng công chúng, năm nay chương trình sẽ được tiếp tục với nhiều tác phẩm mới và từ đây sẽ trở thành hoạt động âm nhạc nghệ thuật Phật giáo thường niên tại thủ đô Hà Nội kính mừng Phật đản. Nhân dịp này, TT.Thích Minh Hiền, Trưởng ban Văn hóa Thành hội Phật giáo Hà Nội, Tổng đạo diễn của chương trình đã dành cho Giác Ngộ cuộc trò chuyện về chương trình hứa hẹn để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng trong buổi biểu diễn chính thức vào 20g ngày 14 tháng Tư năm Tân Mão tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội.

doasen-1.gif

Xin TT cho biết Hương sen mầu nhiệm năm nay có những nét gì mới so với lần trước?

Trong lĩnh vực mỹ thuật, chương trình Sen đầu hạ từ nhiều năm nay đã trở thành hoạt động hội họa Phật giáo thường niên ở thủ đô Hà Nội. Với lĩnh vực âm nhạc, chúng tôi cũng bàn với anh em Phật tử, các quý thầy trong Thành hội Phật giáo là hàng năm cố gắng trong khả năng tài chính cho phép sẽ thực hiện một chương trình ca múa nhạc lấy tên là Hương sen mầu nhiệm công diễn vào sự kiện Đại lễ Phật đản, giữa tháng Tư khi sen đầu mùa nở rộ. Khác với Hương sen mầu nhiệm năm ngoái mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm nay và từ nay về sau, chương trình có nhiều thay đổi cho phù hợp với kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh.

Từ những bước chân đầu trên bảy đóa sen, bậc Chính giác đã thị hiện khai mở cho nhân loại chân trời trí tuệ. Đức Thế Tôn gắn liền với hình ảnh hoa sen tinh khiết, thánh thiện và vô nhiễm giữa cõi đời đầy ô trược. Năm nay, hòa chung niềm hân hoan kỷ niệm 2.635 năm ngày Đức Phật đản sinh, vào 20giờ ngày 12-4 năm Tân Mão tức 14-5-2011, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hà Nội sẽ tổ chức chương trình Ca múa nhạc Phật giáo Hương sen mầu nhiệm được dàn dựng công phu với những tiết mục đặc sắc mang đậm dấu ấn thời gian và âm hưởng Phật giáo đương đại. Tham gia dàn dựng chương trình và biểu diễn có các đạo diễn, biên đạo, thiết kế sân khấu, các nhạc sĩ và nghệ sĩ hàng đầu đất nước như đạo diễn Việt Tú, biên đạo múa Hồng Phong, Kiều Lê, nhà thiết kế mỹ thuật Đinh Công Đạt, các nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Anh Quân và các ca sĩ Mỹ Linh, Lan Anh, Tân Nhàn, Tuấn Anh…

Trong những năm gần đây, âm nhạc Phật giáo ở miền Bắc trăm hoa đua nở. Là người đứng đầu ngành văn hóa của Thành hội PG Hà Nội, ý kiến của Thượng toạ là thế nào?

Trong những năm gần đây, hoạt động nghệ thuật Phật giáo cả nước nói chung, Phật giáo thủ đô Hà Nội nói riêng đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng Tăng Ni, Phật tử. Đặc biệt từ năm 2008 Phật giáo với Đại lễ Vesak, rồi đến Đại lễ Phật giáo kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 7-2010 đã tạo được dấu ấn khó quên. Phật giáo Hà Nội phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử, để lại cho các hậu duệ, hậu thế ngày nay một gia tài di sản văn hóa nghệ thuật vô cùng đồ sộ. Thừa kế tiềm lực ấy, đến khi Hà Nội và Hà Tây sáp nhập làm một, thì nghệ thuật Phật giáo càng có điều kiện phát triển. Được giao trọng trách về vấn đề văn hóa Phật giáo ở miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng, tôi rất băn khoăn trăn trở rằng: Phải làm gì để phát huy hết tiềm năng, tiềm lực vốn có của Tăng Ni, Phật tử. Có thể nhận định rằng, giờ đây túc duyên đã đủ, trải qua những sự kiện lớn của Phật giáo thủ đô, đã và đang hội tụ âm nhạc Phật giáo đương đại với lực lượng sáng tác và biểu diễn khá hùng hậu. Với những nhạc sĩ Phật tử Anh Quân, Thẩm Oánh, nghệ sĩ Trần Mạnh Hùng, đạo diễn Việt Tú, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Đạt, nhà lý luận âm nhạc Cù Lệ Duyên, các ca sĩ Mỹ Linh, Tân Nhàn, Đức Tuấn, Trọng Tấn, Lan Anh… Trong đó không thiếu được gương mặt của một Tăng sĩ đó là Đại đức Thích Minh Xuân ở chùa Long Đẩu (Sài Sơn - Quốc Oai - Hà Nội).

Tâm niệm của chúng tôi là, thông qua âm nhạc Phật giáo để truyền tải nội dung tư tưởng của Đức Phật đến với đại chúng bằng con đường nghệ thuật. Chúng tôi không chỉ phục vụ cho Tăng Ni, Phật tử mà phục vụ cho mọi tầng lớp trong xã hội. Công chúng có thể tham dự, thưởng thức những chương trình ca múa nhạc bình dị như đời sống thường nhật của người dân Hà Nội.

doasen-2.gif

Hương sen mầu nhiệm ở một góc độ nào đó chính là phản ánh thành quả sáng tác âm nhạc Phật giáo thủ đô trong một năm qua. Nhiều tác phẩm mới ra đời với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ Phật tử. Thậm chí Tiến sĩ Âm nhạc Cù Lệ Duyên với chuyên môn là phê bình lý luận âm nhạc, nhưng cũng tích cực sáng tác. Điều này cho thấy, với mỗi nghệ sĩ khi đi đúng Chánh pháp, khi có tu tập, nghiên cứu và thực hành những lời Đức Phật dạy, thì lập tức ngòi bút sẽ tuôn chảy nhẹ nhàng như cơm ăn nước uống của chúng ta hàng ngày. Thông qua những giai điệu, những bài ca, điệu múa, cho thấy âm nhạc đương đại đang được dệt nên bằng chính trái tim tràn đầy yêu thương và lòng thành kính để dâng lên ngôi Tam bảo thiêng liêng, cúng dường Đức Thế Tôn nhân kỷ niệm ngày Ngài Đản sinh lần thứ 2.635 - Phật lịch 2555.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày