Hương Sơn mùa lá đỏ...

GN - Sống ở Bắc Kinh 4 năm, mỗi độ thu về tôi đều lên Hương Sơn xem lá đỏ.

Từ trường tôi học (Trường Đại học Liên hợp Bắc Kinh) đi Hương Sơn chỉ mất một tuyến xe buýt, nhưng ngồi khoảng hơn một giờ mới tới nơi. Vào những ngày cuối tuần, người ta đông nghẹt, đợi gần cả tiếng mới lên được xe. Người người chen chúc nhau không có chỗ đứng, nếu không “vận dụng khí công” bám chặt tay vào ghế thì bị đẩy rớt xuống xe trước khi xe chạy.

kyoto01.jpg

Ảnh minh họa

Hương Sơn vào mùa thu như con gái vào tuổi mười tám đôi mươi, như đóa hoa xuân đong đầy sắc thắm. Từng dòng người du lịch đổ xô về không ngớt, người xếp hàng đợi xe, người mua vé vào cổng có khi dài cả km.

Nhớ lại mùa thu năm ngoái, tôi một mình mang ba-lô đi Hương Sơn xem lá đỏ với máy chụp hình trên tay. Sở thích của tôi là muốn chụp phong cảnh đẹp, nên hôm đó tôi không ngại vượt khó leo dốc mấy tiếng đồng hồ. Leo mệt thì lại nghỉ, nghỉ khỏe thì lại tiếp tục leo, nhưng cho dù cố gắng leo thế nào cũng không lên được tới đỉnh. Tôi cảm thấy hổ thẹn với mấy cụ già ngoài 70 tuổi mà thân hình chắc khỏe, vừa leo vừa rôm rả chuyện trò. Thuận đường nên tôi cũng trò chuyện dăm ba câu, hỏi ra mới biết các cụ ấy vì sao có thể leo dốc một cách đáng ngưỡng mộ như thế. Mỗi tuần các cụ đều đến đây leo dốc để rèn luyện thân thể. “Vì ở nhà không có việc gì làm, chán lắm, nên tốt nhất là đi ra ngoài hứng gió ngắm cảnh, hít thở không khí trong lành, luyện leo núi cho thân thể khỏe mạnh để có thể sống thêm vài năm nữa”, các cụ vui vẻ cho biết.

Tôi chợt nhớ đến ba mẹ tôi đang sống ở quê. Ba mẹ tôi tuổi ngoài 80 nhưng sức khỏe rất tốt, có lẽ nhờ lao động tay chân mỗi ngày. Ba tôi quen với nghề trồng rau, trồng cải, gieo hạt, ươm mầm…, nên nhà tôi quanh năm đều có rau cải tươi ăn mà không cần phải đi chợ. Mùa xuân, ba ươm trong vườn đủ loại hoa: hoa vạn thọ, hoa thược dược, hoa sống đời… Mỗi cây hoa được sự chăm bón dưới bàn tay ba tôi đều tươi tốt, trổ hoa khoe sắc như trao cho cuộc đời một vẻ đẹp lộng lẫy kiêu sa.

Mẹ tôi thì giỏi việc nội trợ và nấu ăn rất ngon. Tuy du học nước ngoài, nhưng mỗi năm tôi đều về quê ăn tết, thưởng thức được những món chay mộc mạc quê nhà do chính tay mẹ nấu.

Buổi sớm quê tôi sương mù dày đặc, giăng kín khu vườn. Ba tôi có thói quen dậy sớm tụng kinh, tụng xong thì lại ngủ tiếp. Mỗi lần về quê tôi đều tụng kinh với ba. Tụng kinh xong tôi không ngủ lại mà ra dạo vườn, ngắm những giọt sương long lanh e thẹn đậu trên những cánh hoa vàng ẩn mình trong khóm lá non xanh...

Hôm nay, nhìn thấy mấy cụ già leo núi tuyệt vời như thế, tôi không khỏi ngưỡng mộ và chợt nhớ đến ba mẹ ở quê nhà. Có lẽ giờ này ba mẹ cũng đang miệt mài với rau dưa vườn tược.

Hương Sơn mùa thu, nhưng lá đỏ không nhiều lắm. Nhìn từng chiếc lá đỏ trên cành từ từ rụng xuống, theo gió bay là đà rồi nằm bất tỉnh trên mặt đất, chẳng hiểu sao lòng tôi đau thắt lại, nghe nặng trĩu một nỗi buồn miên man khó tả…

Đời người cũng như những chiếc lá, khi trai trẻ thì xanh tươi mượt mà, khi già yếu thì vàng úa ngả màu rồi lìa cành rụng xuống. Đó là một quá trình chuyển biến sinh trụ dị diệt của vạn vật trong vũ trụ. Đời người đến thời bóng ngả xế chiều như mùa thu vàng lá, sắp kết thúc một quá trình sanh già bệnh chết. Các cụ già miệt mài leo núi kia, hay ba mẹ tôi đang ở quê nhà đều là những lữ hành trên chặng cuối của cuộc hành trình. Vẫn biết rằng đoạn cuối của cuộc hành trình này ai rồi cũng phải đi qua, nhưng nghĩ tới đây, lòng tôi se thắt lại, cảm giác lo âu canh cánh mãi trong lòng…

Từ giã thành phố phồn hoa nhộn nhịp, tôi muốn đến Hương Sơn là để được đắm mình vào một không gian yên tĩnh với bầu trời thu xanh ngắt, lá đỏ ngập cả một góc trời. Đến Hương Sơn ngắm nhìn lá đỏ, không hiểu sao tôi lại nhớ da diết “hai chiếc lá đỏ” của tôi ở quê nhà. Tôi ước mỗi năm mình đều được về quê để chiêm ngưỡng, ngắm nhìn và nâng niu hai “chiếc lá” tôi yêu - hai chiếc lá đẹp nhất ở quê hương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày