I. Những tâm hồn đẹp mãi ngàn năm
Ánh sáng của mặt trời chiếu rạng ban ngày, bóng tối mờ ảo của mặt trăng mát dịu ban đêm… và cứ thế dòng thời gian nối tiếp qua mau. Một ngày, một tháng, một năm, rồi mười năm, trăm năm, ngàn năm…Mặt trời, mặt trăng mãi mãi là người bạn, người tình của con người; hết thế hệ này đến thế hệ khác, nối tiếp đi qua.
Trong xã hội con người, hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ người lần lượt sinh ra, lần lượt lớn lên, nối tiếp nhau hiện hữu… rồi lần lượt chết đi. Từ cõi vắng lặng con người đến, nếm trải cuộc sống với muôn vàn hệ lụy, con người có vô vàn những vui buồn…nhưng rốt cùng con người cũng trở về với vắng lặng, với thinh không và cát bụi!
Trước dòng sông sinh tử, trong vô lượng những kiếp sống con người đến và đi, có rất nhiều những con người quên mình mà đến, quên mình mà đi; sống mà cũng không nhận ra được mình sống cho ai, sống để làm gì! Rồi qua một thoáng sống, bất chợt ra đi trong nấc nghẹn, tức tưởi, buồn khổ, sầu thương! Nhưng cũng có không ít những con người, cũng được sinh ra đời như mọi người, nhưng tự họ biết dừng lại và dành nhiều thời gian để tìm lại chính mình - đó chính là những vị Thiền sư. Trong lúc sinh thời, các Thiền sư đã nhận ra sự vô thường hư huyễn của đời người, của cuộc sống và chính họ - các Thiền sư đã tìm ra chân lý của cuộc sống. Trước khi từ biệt cuộc đời, trút bỏ xác thân cát bụi, trả về cát bụi (tứ đại trả về tứ đại, thổ hoàn thổ), họ đã lưu lại cho đời những kinh nghiệm sống được cô đọng lại bằng những câu thơ, những bài kệ rất ngắn, súc tích và vô cùng thâm thúy… Họ ra đi trong nhẹ nhàng, tĩnh lặng, không sợ hãi, không đau đớn và đặc biệt nhất là không hề quyến luyến, tiếc nuối cuộc sống.
Dòng thời gian nối tiếp lăn xoay, con người nối tiếp con người, đến rồi đi…và những câu thơ, những bài kệ của các Thiền sư đã trở thành bất tử trước dòng thời gian.
Năm Canh Dần 2010 là năm Nhà nước Việt
Qua bài này, người viết thành kính dâng lên chư vị Thiền sư của hai thời đại Lý-Trần bằng cả tấm lòng vô vàn tri ân - những câu thơ, những bài kệ tỏa ngát hương thiền thâm diệu trong suốt hàng ngàn năm qua còn vang vọng, bát ngát hương thơm khi mỗi độ xuân về.
II. Mối tương quan của con người và mùa xuân
1. Sự thịnh suy của con người và hạt sương mong manh
Trước nhất là Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018), người có công lớn trong việc tư vấn cho vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay. Trước khi viên tịch, Ngài phú chúc các đệ tử bằng bài kệ “Thị đệ tử”:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. (Thân như ánh chớp hoàng hôn Ngàn cây xuân thắm, thu buồn mênh mông Sự đời suy thịnh có không Thịnh suy như hạt sương đông vô thường).Đương thời, Thiền sư Vạn Hạnh được vua Lý Thái Tổ tôn làm Quốc sư. Lịch sử đã cho chúng ta biết Thiền sư đã hết lòng vì nước vì dân, giúp vua ổn định xây dựng và phát triển đất nước. Điểm đặc sắc của Thiền sư là dù tận tụy giúp vua, nhưng không hề chấp trước quyền lực hay bị lợi danh chi phối. Ngài phụng sự trong sự tỉnh thức của tự thân và Ngài cũng cảm nhận được quy luật vận hành muôn đời của con người trước dòng thời gian:
Thân như ánh chớp hoàng hôn Ngàn cây xuân thắm, thu buồn mênh mông.Sở dĩ cuộc sống của con người còn nhiều vui buồn khổ lụy, vì con người chưa nhận ra được thân phận “tạm có” của con người mình, cho nên cứ chấp thủ được-mất, có-không. Và cũng chính Ngài đã vạch ra, đã chỉ rõ cho chúng ta một sự thật tất yếu:
Sự đời suy thịnh có không Thịnh suy như hạt sương đông vô thường.Mỗi buổi sáng thức dậy, chỉ cần nhìn hạt sương mai còn đọng trên cành dưới ánh nắng mặt trời, chúng ta sẽ cảm nhận ra ngay thân phận của con người như hạt sương mong manh dưới ánh nắng bình minh, dù có óng ánh, long lanh như thế nào, rồi cũng sẽ tan mau. Đấy chính là chân lý mà con người nên đối diện, không tránh né, không bi quan, không sợ hãi… mà trực diện để cảm nhận và giác ngộ.
2. Thân phận con người đối diện hiện hữu
Thiền sư Trần Nhân Tông (1258- 1308), một nhà vua rời bỏ ngai vàng xuất gia làm Tăng, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã cảm nhận về thân phận con người trước cuộc sống vô cùng sinh động, thực tiễn qua bài kệ “Phú chúc”:
“Thế số nhất tức mặc Thời tình lưỡng hải ngân Ma cung bổn quản thậm Phật quốc bất thắng xuân”. (Kiếp người hơi thở vào ra Tình đời hai mặt - đậm đà, nhạt phai Mặc tình ma quỷ khứ lai Phật quốc thanh thoát, xuân đài ngát hương). Là một nhà vua đi tu đắc đạo, Thiền sư không hề có một chút e dè, mà đã chỉ thẳng cho chúng ta: Kiếp người hơi thở vào ra Tình đời hai mặt - đậm đà, nhạt phai.Thực tế, kiếp sống của một con người vô cùng mong manh, chỉ bằng một hơi thở vào ra thôi là đã hết một đời người. Và tình đời, tình người cũng thế, luôn có mặt tốt và xấu, đầy và khuyết, sáng và tối, vui thì cũng thật là vui mà buồn thì cũng thật là buồn! Bởi tình đời hai mặt - đậm đà thì cũng thật đậm đà, đến khi nhạt nhẽo thì cũng vô cùng nhạt nhẽo. Và Ngài cũng đã vạch ra cho chúng ta một cảm nhận, một định hướng để tự mình không phân vân, không lưỡng lự… mà phải biết quyết định và biết vượt qua chính mình:
Phật quốc thanh thoát, xuân đài ngát hương.
Trong cuộc sống thường nhật, con người thường hay bị những phiền não, những vui buồn chi phối, đó chỉ là sự lai vãng nhất thời của ma quỷ; khi đối diện thực tế, chúng ta phải biết tự gìn giữ chính mình, đó chính là tâm Bồ đề, tâm kiên định mà cũng là mùa xuân bất diệt của tự thân, của con người.
Thông thường, khi đối diện trước trần cảnh…, con người hay băn khoăn, lo lắng. Điều này, Thiền sư Trần Nhân Tông chia sẻ:
“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn”. (Thị phi, hoa rụng bình minh Lợi danh phẳng lặng, mưa đêm lạnh lùng Non thiêng hoa héo, mưa buồn Chim kêu một tiếng, sầu vương xuân tàn).Ngày nào, con người nhận ra được thực tướng của trần cảnh, dù sắc tướng hay âm thanh… của những thị phi, lợi danh, hoa héo, mưa buồn hay tiếng chim kêu v.v… thì nhất định cuộc sống và tâm của con người không còn bị ngoại duyên chi phối.
Thiền sư Huyền Quang (1230-1291)-Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền sư mà cũng là một thi nhân tài hoa, đã bày tỏ cảm xúc trong bài “Xuân nhật tức sự” (Tức cảnh ngày xuân):
“Nhị bát giai nhân thích tú trì Tứ kinh hoa hạ chuyển hoàng ly Khả liên vô hạn thương xuân ý Tận tại đình châm bất ngữ thì”. (Mỹ nhân mười sáu thêu hoa Líu lo oanh hót trên tòa gấm thơm Thương thay vô hạn xuân nồng Dừng kim e thẹn, lòng trong không lời).Vốn là một thi nhân rất nghệ sĩ nên rất cảm thương đời, nhất là những mâu thuẫn, những hệ lụy của con người. Tâm linh và cảm xúc, tinh thần và vật chất, chơn tánh và tự ngã, Hiền thánh và phàm phu, thanh tịnh và vọng tưởng…, giữa tham chấp, mê luyến và thiểu dục tri túc… luôn hiện hữu, giằng xé trong nhau. Thường khi, con người phải rất nhẫn nại, tinh tấn và tự thắng, mới có thể vượt qua chính mình, tự nhiếp phục, an tịnh thân, khẩu, ý nơi mình:
Dừng kim e thẹn, lòng trong không lời.
Đồng cảm với những thân phận bi thương của con người, Thiền sư Giác Hải (thế kỷ XI-XII) thời Lý cũng đã hiển bày:
“Xuân lai hoa điệp thiện tri thì Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ Hoa điệp bổn lai giai thị huyễn Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì”. (Mùa xuân hoa bướm gặp nhau Bướm hoa tương hội dạt dào tình xuân Xưa nay hoa bướm phù vân Tâm thiền tịch mặc - hư trần sá chi).Nhận thức và phân định cho được sự tương quan của trần-thức-căn: mùa xuân, hoa bướm, tình xuân và chủ thể tự thân thì nhất định ta sẽ giữ được sự an tịnh của tâm hồn trước mọi thử thách của trần duyên.
III. Hương thiền thơm ngát hương xuân
1. Thiền và sự tỉnh thức trước mùa xuân
Đức Phật đã từng khẳng định: “Như Lai là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tất cả chúng ta đều biết chắc chắn như vậy. Nhưng chúng ta cũng biết chắc rằng, tất cả chúng ta cũng không thể nào thành Phật một lúc được. Do đó, trong thực tế, trước-sau, mau-chậm… là do công năng tu tập và chứng ngộ của từng mỗi người.
Thiền sư Trần Nhân Tông đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ tính tuần tự qua thân chứng của Ngài:
Trong chúng ta, khi còn trẻ tuổi làm sao có thể liễu ngộ được lẽ sắc-không trong đời, cho nên mỗi độ xuân về tuổi thanh niên chẳng những rộn ràng mong đợi mà còn vô cùng sung sướng, hứng thú trước cảnh xuân và tình xuân. Nhưng đến khi thời thiếu niên, thanh niên, trung niên đi qua rồi thì rõ ràng niềm vui… từ từ chùng lại thì niềm vui mùa xuân chỉ còn là trách nhiệm, là bổn phận với gia đình, xã hội mà thôi. Tự thân như bình lặng, không còn xao xuyến trước nắng ấm hương xuân. Đúng như Thiền sư đã diễn đạt:
Chúa xuân nay tỏ ngộ rồi Giường thiền tĩnh tọa quán soi xuân hồng.Đối với Thiền sư, với những người con Phật xuất gia, tại gia… chẳng những không còn bị chi phối bởi cảnh sắc mùa xuân, mà chúng ta còn chủ động quán chiếu soi sáng những huyễn cảnh, hư ảo nhất thời của thời gian phù mộng.
2. Linh thức chiếu diệu hay sự hội nhập tâm cảnh
Sống là tiến hóa, khi con người vượt thoát sự mê chấp thì chính là lúc con người trưởng thành, hội nhập tâm cảnh, biết sống tỉnh giác trước mọi không gian, thời gian bằng linh thức chiếu diệu của chính mình. Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Đại sư cư sĩ, bậc thầy của các Thiền sư thời Trần, đã xác chứng điều này:
“Tâm tức Phật, Phật tức tâm Diệu chỉ linh minh đạt cổ câm Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu Thu đáo vô phi thu thủy thâm”. (Tâm tức Phật, Phật tức tâm Linh thức chiếu diệu thâm trầm cổ kim Xuân về, hoa nở nụ duyên Thu về - há chẳng nước thiêng trong lành).Tổ Huệ Năng, Tổ sư thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa, đã khai phóng: “Khi mê thầy độ, ngộ rồi con tự độ”. Khi con người học Phật, biết nhận ra “Đạo tại kỳ trung” rồi thì “Nào ngờ tâm ta vốn tự thanh tịnh” và “Nào ngờ tâm ta vốn sinh muôn pháp”.
3. Thời gian vô thường và mùa xuân miên viễn
Thiền sư Mãn Giác (1052-1096) đời Lý, thuộc thế hệ thứ 10 của dòng thiền Vô Ngôn Thông. Ngài trụ thế có 44 năm; trước khi viên tịch, Ngài lưu lại cho đệ tử bài kệ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh dặn dò mọi người):
“Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tùng đầu thượng lai”. (Xuân đi hoa rụng ngậm ngùi Xuân về hoa nở niềm vui ngập tràn Dòng đời thấm thoát mơ màng Trên đầu tóc bạc ngỡ ngàng trăm năm Đừng tưởng xuân hết hoa tàn Đêm qua - một đóa mai vàng trước sân!).Và bài thơ này được giới văn học chọn là một trong 50 bài thơ hay nhất của 1.000 năm thi ca Việt Nam. Điều này quả thật vô cùng chuẩn xác. Vì mỗi năm mùa xuân về, chúng ta đọc lại bài thơ này, lúc nào cũng vẫn cảm nhận như mới đọc, không hề cũ, chán hay lỗi ý lỗi thời. Ngược lại, lời thơ, ý thơ luôn sinh động, tươi thắm, thơm ngát hương xuân hòa quyện lòng người.
Chẳng những vậy, bài thơ còn là một tuyên ngôn về tính “nhân bản và nhân văn”, đánh thức lòng người tỉnh thức trước dòng thời gian vô thường:
Dòng đời thấm thoát mơ màng Trên đầu tóc bạc ngỡ ngàng trăm năm.Lời thơ giúp con người luôn thăng bằng trước mọi chuyển dịch của dòng thời gian và sự vô thường của cảnh sắc thiên nhiên:
Đừng tưởng xuân hết hoa tàn Đêm qua - một đóa mai vàng trước sân!4. Mùa xuân thơm ngát hương thiền
Thiền sử có ghi lại câu chuyện nhân ngày mùa xuân Tết Nguyên đán, vua Lý Thánh Tông cùng tùy tùng tìm vào núi thăm Thiền sư Thiền Lão. Đến nơi, vua bạch hỏi Thiền sư:
- Hòa thượng trụ núi này được bao lâu rồi?
Thiền sư đáp:
Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu.
Nhà vua vừa ngạc nhiên, vừa sửng sốt, tất nhiên là rất thích thú. Bởi chính Đức Phật chẳng đã từng dạy: “Không nuối tiếc quá khứ/ Không mơ ước tương lai/ Hãy sống với thực tại” đó hay sao? Nhà vua bèn hỏi tiếp:
- Thưa Hòa thượng, như vậy hàng ngày Hòa thượng làm việc gì?
Thiền sư đáp:
Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.
(Cảnh xuân trúc biếc hoa vàng Trăng trong mây trắng vô vàn sắc hương).Ôi! Lời thơ nhẹ nhàng, thanh thoát đến lạ kỳ! Với chỉ hai câu thơ mà Thiền sư như truyền đạt cả sức mạnh tâm linh, đánh thức, khai thị làm cho lòng người đối diện đương thời và tất cả những người hữu duyên trong mọi thời đại, mọi thế hệ… đều như được thọ nhận, được tắm mát tâm hồn như tự mình vừa được gặp Thiền sư trong giấc mộng đêm xuân.
Phù Vân am, Xuân Canh Dần - 2010