Hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ IX

GN - Khi tờ báo này đến tay quý độc giả, cũng là lúc chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM bước vào khóa cấm túc 10 ngày, bắt đầu từ ngày 10-8-2017, tại Việt Nam Quốc Tự.

Việc cấm túc ngắn hạn lần đầu tiên này có ý nghĩa đặc biệt đối với Phật giáo thành phố. Đây là dịp để chư Tăng Ni trao đổi và thảo luận nhằm đi đến thống nhất các điều căn bản liên quan tới nghi lễ và giới luật vận dụng trong hoàn cảnh hiện tại, để có những chỉnh đốn tình hình Phật giáo, oai nghi tu sĩ, trang nghiêm Giáo hội.

Việc sống chung tu học này còn là cơ hội để chư tôn đức được nói lên những trăn trở trong hoạt động Phật sự của Giáo hội, đồng thời đóng góp sáng kiến nhằm xây dựng chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội thành phố nhiệm kỳ tới, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ IX của Phật giáo thành phố dự kiến diễn ra vào tháng 11-2017 này.

TP.HCM là một trung tâm văn hóa, kinh tế và tôn giáo lớn của cả nước. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo, trước cũng như sau năm 1975.

thaoluannhansu.JPG

Chư tôn đức lãnh đạo các cấp Giáo hội TP thảo luận về nhân sự trong khóa cấm túc 10 ngày

Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam cũng được thành lập tại thành phố này, sau nhiều cuộc nghị sự, qua các đợt vận động, 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo đã cùng đi đến kết quả lịch sử là thành lập GHPGVN, sau hội nghị từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Kể từ khi thành lập (2-1982), trải qua gần 8 nhiệm kỳ, Giáo hội thành phố đã có nhiều thay đổi, theo sự vận động và phát triển chung của Giáo hội và đất nước, để lại nhiều dấu ấn thành tựu quan trọng về các mặt kiến thiết cơ sở, giáo dục Tăng Ni, hoằng pháp…

Để chuẩn bị xây dựng chương trình hoạt động trình Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ IX, đặc biệt là về vấn đề nhân sự phù hợp cho các yêu cầu mới, xứng với tiềm năng và vị trí của một trung tâm lớn, theo sự chỉ đạo của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội thành phố, báo Giác Ngộ sẽ ghi nhận, phản ánh và đăng tải tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử các thế hệ, trong mục đích làm cho các hoạt động của Phật giáo ngày thêm khởi sắc, phù hợp thời đại.

Với cái nhìn duyên sinh, kế thừa, vận dụng linh hoạt tùy duyên nhưng không tùy tiện, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội thành phố mong muốn được lắng nghe các sáng kiến xây dựng của chư Tăng Ni, Phật tử trên tình hình thực tế, và với các kinh nghiệm sinh động được đúc kết từ hoạt động thực tiễn ở các lĩnh vực mà mình đã dấn thân phụng sự.

Báo Giác Ngộ sẽ đăng tải và tổng hợp các ý kiến trên, để trình Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo thành phố. Những ý kiến xây dựng xin gởi về tòa soạn bằng đường bưu điện hoặc gởi vào các hộp thư điện tử của tòa soạn.

Trong vai trò của mình, Ban Biên tập Báo Giác Ngộ sẽ nỗ lực thực hiện tốt là kênh truyền thông, làm cầu nối giữa Tăng Ni, Phật tử, tín đồ và chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội trong mục đích vì sự xương minh của đạo pháp, kỷ cương, phát triển và hội nhập của Giáo hội.

* Tin liên quan: Thảo luận về nhân sự BTS Phật giáo TP khóa IX ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày