Hữu Châu: Khi giận quá, tôi… niệm Phật

“Tôi sống không cần một triết lý nào cả. Chỉ biết rằng cuộc sống này cần sự quan tâm lẫn nhau giữa những con người. Hãy biết bố thí, hãy làm phước để lòng cảm thấy thanh thản. Khi giận quá tôi niệm phật cho quên, buồn quá niệm phật tôi cũng quên luôn” – nghệ sỹ Hữu Châu chia sẻ.

- Nhiều người cho rằng anh là một “ngôi sao không hào quang”. Dường như chưa ai có thể thay thế được anh cho đến thời điểm này. Có thể lý giải vì sao anh lại có thể đứng vững trên cái đỉnh của riêng mình lâu đến như vậy không ?

Đơn giản tôi là một công dân tốt. Xét về nghề nghiệp thì tôi đúng với câu “gừng càng già càng cay”. Việc của tôi là làm giải trí cho mọi người và truyền đạt một thông điệp nào đó cho khán giả. Tôi không dùng từ giáo dục nhé. Tôi không thích câu của một số người viết báo nói khán giả đi xem kịch là được giải trí và giáo dục.

Trời đất ơi, dưới hàng ghế có những bậc đáng tuổi cha chú, mẹ chị mình mà dùng từ giáo dục người ta sao? Đây chỉ là giải trí để người ta thoải mái với thông điệp gì đó mà mình gửi gắm để suy ngẫm. Tôi làm tròn công việc mang cái đẹp gửi gắm đến khán giả, phản ánh những tiêu cực xã hội đến với khán giả. Vậy thôi!

- Anh đã từng rơi vào trường hợp “lực bất tòng tâm” khi phải diễn một vở... chẳng có thông điệp gì cả chưa?

Có chứ. Một vài vở chủ đề hoặc tư tưởng đều không có. Thú thật, những vở như thế thường rơi vào những ngày Tết. Điều này cũng rất khó cho tôi vì không dựng, anh em sẽ không có vai rồi tết nhất phải ở nhà sao. Cả một tập thể cần những công việc. Tuy nhiên, tôi cũng biết khán giả rất thông cảm vì mặc dù chúng tôi biết vở diễn đó không hay nhưng chúng tôi diễn hết lòng và thật tình nên khán giả cũng dễ xí xóa. Mà khán giả bên kịch hay lắm, khi họ xem những vở khác chúng tôi diễn hay hơn là họ quên ngay những vở diễn dở.
 
Họ cũng thừa hiểu với tên tuổi của tôi, không lẽ không thẩm định được vở nào hay vở nào dở. Chính vì thế, khi buộc phải diễn vở không hay khán giả sẽ rất hiểu cho tôi lý do nào mà tôi nhận. Vả lại, để được một tràng pháo tay chào mừng của khán giả khi tôi bước sân khấu đó là cả một chặng đường dài tạo lòng tin nơi khán giả. Cho nên tôi biết mình cần phải làm gì cho họ và cho nghề nghiệp của mình.

- Trở về với cuộc sống thường nhật, tôi thật sự ngạc nhiên vì “niềm vui chung” của anh và bác (mẹ NS Hữu Châu – PV) là hai đứa cháu, vậy mà cuối cùng anh lại “trả” chúng về với mẹ của chúng?

Sau khi thằng Lộc (nghệ sĩ Hữu Lộc) mất đi, hai đứa con của nó ở với mẹ con tôi, tôi mừng chứ. Nhưng bây giờ thăm thẳm mà ngồi nghĩ lại chúng nó ở với mẹ vẫn tốt hơn là ở với nội, với bác. Mặc dù vợ chồng thằng Lộc ly dị đã lâu nhưng bây giờ vợ nó xin phép cho hai đứa con về ở với nó thì mình làm sao có thể từ chối? Tôi sẽ quan tâm và chăm sóc chúng theo một cách khác.

Xa chúng nó tôi buồn, nhưng chắc chắn sẽ không bằng nỗi buồn mà chúng phải xa mẹ. Với lại, có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn của người mẹ có con mà không được ở gần bên con không? Vậy nên, gia đình nó xứng đáng được đoàn tụ. Có như thế, đứa em dâu giờ đã thành em gái của tôi rồi. Còn tụi nhỏ, chúng vẫn là cháu của mình, chứ có mất đâu.

- Anh tìm được những suy nghĩ này từ sự trải nghiệm của bản thân hay từ đâu, thưa anh?

Từ đạo Phật. Lúc cô tôi mất, nội tôi rất đau lòng nên quy y. Lúc đó cả gia đình cũng quy y theo. Từ nhỏ tôi đã đi chùa suốt. Tôi thuộc rất nhiều kinh và lĩnh hội không ít tinh thần của đạo Phật theo thời gian. Một thập niên (1978 -1988) gia đình tôi đã chứng kiến sự ra đi của năm người thân yêu nhất. Có một tháng, má tôi phải trải qua hai đại tang của cha và của con trai. Gia đình lúc bấy giờ rơi vào trạng thái trầm uất.

Hữu Châu trong đám tang của Hữu Lộc.
 Hữu Châu trong đám tang của Hữu Lộc.

Kế đến là nội bị đột quỵ gia đình lại rớt vào cảnh kiệt quệ từ cảnh vương giả xuống cuộc sống bần hàn lại càng làm gia đình u ám hơn. Nhưng rồi từ những khó khăn đó đã giúp tôi vượt qua nỗi mặc cảm, mất mát, để thích nghi với cuộc sống mới để có được một Hữu Châu như bây giờ. Mà công nhận, không hiểu tại sao bản thân mình lại có thể vượt qua được giai đoạn “hãi hùng” đó. Nếu như bây giờ mà quay ngược lại hoàn cảnh đó chắc tôi... cắn lưỡi chết liền quá.

Tôi sống không cần một triết lý nào cả. Chỉ biết rằng cuộc sống này cần sự quan tâm lẫn nhau giữa những con người. Hãy biết bố thí, hãy làm phước để lòng cảm thấy thanh thản. Khi giận quá tôi niệm phật cho quên, buồn quá niệm phật tôi cũng quên luôn.

- Cái vòng tay anh đang đeo hình như nó mới xuất hiện gần đây thôi phải không anh? Nó có ý nghĩa gì vậy?

Của một vị sư nào đó đã mang đến nhà tặng cho tôi sau một thất em trai tôi mất. Lúc đó tôi đi diễn không có ở nhà. Khi về má tôi mới kể lại vị hòa thượng đó mong muốn chia sẻ sự an lành cho tôi nên đã đem đến nhà tặng một bức tượng mẹ Quan Âm với chuỗi hạt đeo tay đã được chú nguyện này rồi về. Tôi thích lắm, có lẽ đó là một cái duyên lớn trong đời mình. Tôi nghĩ mình đã được thầy đến và “giải nghiệp”. Bây giờ thói quen của tôi là phải đọc kinh đại bi trước khi đi diễn.

- Vâng, cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Mong anh luôn tìm thấy sự bình an trong tâm hồn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày