Tình cha

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày báo hiếu thường nhắc đến cha và mẹ, nhưng thường mẹ được nhắc đến nhiều hơn. Thường chúng ta tổ chức ngày của mẹ long trọng hơn ngày của cha. Không biết các bậc làm cha có bực mình chuyện này, nhưng bản chất trượng phu có lẽ không quan tâm lắm.

Tôi muốn kể một ít chuyện về cha tôi để đền bù. Ngày còn nhỏ tôi thương cha hơn mẹ, vì mẹ tôi chăm nom kỹ quá, răn nhắc từng chút một, không được chơi dơ, không được vọc đất, quần áo phải sạch, tay chân mặt mày phải sạch. Còn cha tôi, khi nhấc tôi bỏ lên chiếc xe đạp chở đi chơi, ông không hề kiểm soát tôi ra thế nào.

Đi với mẹ, không có chuyện ăn hàng dọc đường, muốn ăn gì mua về nhà ngồi vào bàn ghế đàng hoàng. Đi chơi với cha thì khác, có thể ghé bất cứ đâu, ngồi đứng gì cũng được, nếu ông có một ly nước thì tôi đòi một ly nước y như vậy, ông không để ý tôi có uống hết hay không. Từ cái cảm giác mình được coi như người lớn, tôi thích luôn cái phong cách ngồi hàng quán. May mà lớn lên tôi đã biết giữ ý tứ, nếu không mẹ tôi sẽ chứng tỏ lý do không ngồi tiệm của Người là đúng.

Thời gian mẹ tôi bận ở Sài Gòn, cha tôi lãnh phần bảo mẫu. Đó là những ngày tháng thần tiên của tôi. Cha tôi đi làm suốt ngày, ông thả tôi chơi cùng đám anh chị em chú bác. Sân vườn nhà ông nội rộng và mát, chúng tôi hò hét leo trèo như đám giặc. Khi nào không chơi trong vườn thì đi tắm biển. Cả dọc con nít đen trùi trụi đi với nhau, chúng tôi chỉ chơi trên bờ, mé nước cạn. Đắp cát làm nhà, lượm vỏ ốc gắn lâu đài, những đợt sóng kéo đổ cả thành quách phù du, rồi lui cui đắp lại. Chơi suốt buổi không chán, tôi trở nên đen một cách kỳ lạ, cha tôi mỗi lần tắm cho tôi đều kỳ cọ mạnh tay và ngạc nhiên không biết tại sao tôi đen và dơ dữ vậy.

Mỗi buổi ăn sáng ông không bắt tôi ăn cơm ở nhà như mẹ tôi. Cho tiền, ra ngồi trước bà bán bánh bèo, bánh căn, ngồi chực tới phiên của mình, bà đúc cho mấy cặp bánh nóng hổi. Chắc chắn mẹ tôi không cho ăn kiểu này, nhưng đứa con nít nào cũng thích một thời ấu thơ ngồi ôm cái chén trước bà bán hàng, mặt mày còn sật sừ chưa tỉnh ngủ.

Ở với cha tôi ít khi bị đòn vì ông đâu có ra điều luật nào để tôi phải phạm. Chỉ trừ một lần tôi làm biếng nghỉ học, cha tôi đến bên giường vừa giơ cây roi mây lên, tôi đã nhảy xuống giường vụt chạy luôn đến lớp, ngồi hết buổi học không có một cuốn tập hay cây viết. Chỉ một lần đó thôi, lần sau chỉ cần ông trừng mắt một cái là tôi lo ôm tập đi lẹ. Thiệt là đúng với câu “Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng”.

Ở với cha còn một cái thú vị nữa là được ngủ ngoài trời. Mùa nóng, cha tôi và mấy người lớn trong nhà thường kê ghế bố nằm trước sân, họ nói chuyện râm ran trong khi gió từ vườn nhà xào xạc cành lá, rồi ngủ đến nửa đêm mới vào nhà, hay kéo ghế bố xích vô trong hiên ngủ tiếp. Con nít như chúng tôi phải ngủ trong nhà, nhất là mẹ tôi có bao giờ cho phép tôi ngủ giữa trời lồng lộng. Có hai cha con, ông cho tôi nằm ngủ bên ông, ở ngoài sân hẳn hoi. Một bầu trời đen thẳm vô cùng, những chấm sao li ti điểm bạc, chuyện cổ tích có thần tiên, công chúa và phù thủy lần lượt bay ra từ các ngôi sao. Hơi đêm đè nặng hai mí mắt, tôi ngủ cho đến khi sáng ra thấy mình nằm trên giường trong nhà, tôi có cằn nhằn nhưng cha tôi làm thinh. Cách làm thinh của ông cho biết giới hạn của tôi chỉ đến đó. Cũng có khi hai cha con cùng ngủ quên, gặp lúc trời mưa ướt mẹp, cô Tư tôi la quá xá:

- Anh cho nó ngủ kiểu đó có ngày bệnh chết.

Cô không biết tôi rất thích tắm mưa, cũng là điều cấm kỵ của mẹ tôi.

Ít lâu sau tôi bị nổi ghẻ, trên đầu mọc u nhọt tùm lum, cái sưng đỏ, cái hườm hườm. Tóc bum-bê dài khó xức thuốc, cha tôi cho thợ hớt tóc cắt sát rạt, chừa mảng da đầu với mấy mục u bôi thuốc đỏ. Tôi đi học với một cái đầu như trái banh lồi lõm chỗ phồng chỗ xẹp. Sợ ruồi bu lâu lành, cô Tư tôi trùm cho tôi một cái khăn mù-soa. Thật tức cười, tôi không giống bất cứ bạn nào trong lớp, đến cô giáo cũng cười khi thấy tôi. Chỉ có cha tôi và tôi là không thấy khó chịu, tôi còn nhỏ nên ý thức về bản ngã chưa đủ để tự ái, còn cha tôi sao ông cũng tỉnh bơ!

Sự vụ học hành của tôi ra sao tôi không nhớ, chẳng biết có bị ở lại lớp không. Cuối năm đó mẹ tôi bắt tôi vào Sài Gòn, tôi hơi buồn vì không được sống lông nhông như trước, nhưng vẫn cảm thấy ở với mẹ an toàn hơn.

Cách mẹ tôi nhìn tôi trước sau không thay đổi, vẫn chỉ là một đứa bé con. Cha tôi thì khác, khi tôi trưởng thành ông xem tôi như một người bạn nhỏ. Vì công việc, ông thay đổi chỗ ở luôn, năm nay ở cao nguyên, năm sau đã về miền Tây, khi thì thành phố, lúc ở chợ quê. Địa chỉ không nhất định nên tôi thường đợi ông viết thư trước.

Ông thường kể cho tôi nghe những việc làm hằng ngày, và luôn cả nhận xét, tâm tình của ông. Có thể trong thế giới giao tiếp người lớn ông không có dịp nói thật hết những suy nghĩ của mình, ông kể với tôi như một cách thư giãn. Và tôi cũng viết thư nói với ông về những chuyện trong lớp học, những ước mơ ngông cuồng khó thể chấp nhận của mình. Cha con tôi đều vui vẻ hài lòng với cách trao đổi thư từ này.

Đến năm hai mươi tuổi, tôi viết thư cho ông xin phép xuất gia, trong thư tôi có nói: “Ba đừng nghĩ là con chán đời”. Ông trả lời thư rất cảm động, ông đồng ý mặc dù không hiểu Phật pháp, tôi còn nhớ đoạn thư: “Ba không cho là con chán đời. Tuổi của con chưa biết gì về cuộc đời cả. Chỉ có ba, mấy mươi năm lăn lộn trong cuộc sống, đi nhiều nơi chứng kiến nhiều chuyện mới biết chán đời…”.

Đến bây giờ đầu hai thứ tóc, tôi vẫn còn nhớ âm vang đoạn thư của cha tôi và càng lúc càng thấy thương cho sự tỏ bày ngắn ngủi của ông, một cuộc bình sinh chưa thấy bến bờ an lạc. Viết về mẹ rất dễ vì mẹ tượng trưng cho tình cảm ngọt ngào êm dịu, còn cha là thế giới lý tính vô tư, đôi lúc như nghiêm nghị khô khan.

Trong mỗi người con đều mang sâu nặng ơn cha mẹ, Phật dạy cha có Từ Ân mẹ có Bi Ân, người con nào có hiếu với mẹ dĩ nhiên cũng có hiếu với cha, và hạnh phúc biết bao khi trong đời của mình, bên cạnh bóng hình thân yêu của mẹ có bóng cha sừng sững che mát suốt đường con đi. Xin thắp hương nguyện cầu cho các bậc cha mẹ trong mười phương đều được gội nhuần ánh sáng Tam bảo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày